25.4.2022 – Thánh Marcô, Tác Giả Sách Tin Mừng
Lời Chúa: Mc 16, 15-20
Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
Suy niệm:
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Marcô, tác giả sách Tin Mừng.
Ngài thường được coi là người viết cuốn sách Tin Mừng đầu tiên.
Ngài đã thu tập những tài liệu có trước, rồi sắp xếp lại thành một câu chuyện.
Marcô muốn kể một câu chuyện lý thú về Đức Giêsu.
Dù khả năng viết tiếng Hy lạp của ngài không thuộc loại giỏi,
nhưng bù lại, ngài là một nhà kể chuyện có tài.
Ngài cho chúng ta một khuôn mặt Đức Giêsu rất sống động và rất người.
Đức Giêsu ấy biết giận dữ, biết xao xuyến, biết ngạc nhiên như người khác.
Marcô đã cầm bút viết tác phẩm của mình về Thầy Giêsu
trong một giai đoạn đen tối của Giáo hội sơ khai.
Vào năm 64, bạo chúa Nêrô đốt thành Rôma và đổ tội cho các kitô hữu.
Cuộc bách hại dữ dội bắt đầu tại Rôma.
Vậy mà tại nơi ấy, giữa thời điểm căng thẳng ấy, Marcô viết sách Tin Mừng
dành cho những kitô hữu không phải là người Do Thái.
“Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1):
Marcô đã bắt đầu tác phẩm của mình như thế.
Sách này thật là Tin Mừng nâng đỡ các tín hữu bị chao đảo bởi bách hại.
Đức Giêsu vác thánh giá mời gọi người ta trung tín bước theo Ngài.
Ngài đã chết nhưng hẹn gặp lại các môn đệ ở Galilê sau khi Ngài phục sinh.
Bài Tin Mừng hôm nay, tuy không phải do thánh Marcô soạn thảo,
nhưng lại hợp với ngày lễ mừng thánh nhân.
Đấng sống lại kêu gọi nhóm Mười Một đi khắp thế giới để rao giảng Tin Mừng.
Đó là Tin Mừng về Đức Giêsu bị đóng đinh nhưng nay được phục sinh,
được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (c. 19).
Các tông đồ đã vâng lời, đi rao giảng khắp nơi.
Chúa lên trời nhưng Ngài vẫn cùng làm việc với họ như xưa.
Ngài giúp họ có khả năng trừ quỷ, chữa bệnh, nói những thứ tiếng mới.
Ngài bảo vệ họ khỏi những hiểm nguy do rắn rít hay thuốc độc (cc.17-18).
Giáo Hội hôm nay cần nhiều kitô hữu say mê rao giảng Tin Mừng.
Trên quê hương vẫn còn nhiều nơi vắng tiếng chuông nhà thờ buổi sáng.
Marcô đã kể chuyện về Giêsu bằng ngòi bút, viết trên giấy da hay giấy cói.
Chúng ta có nhiều phương tiện nhanh hơn, rộng hơn, để kể chuyện về Giêsu.
Làm sao để Giêsu đến gặp con người qua internet, sách báo, phim ảnh…?
Làm sao để cuộc đời chúng ta trở thành một cuốn sách Tin Mừng
để ai đọc cũng gặp được Giêsu?
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Đức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.
Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông,…” (Mc 16,20)
Câu chuyện minh họa:
Một cậu bé tình cờ bắt được một con chim bồ câu xinh đẹp. Cậu bé đặt con chim vào trong cái chuồng nhỏ bằng gỗ trên cây, trong khi cậu bé và mẹ ở trong một túp lều bên bờ sông. Mỗi buổi sáng, chim bồ câu đến đậu trên cửa sổ để được cậu bé tặng cho những mẩu bánh mì, hoặc mấy hạt bắp khô.
Một hôm, có chiếc thuyền lớn của dân du mục người Ả Rập, tấp vào bờ sông. Ông thuyền trưởng ra lệnh cho quân lính tha cho nhà hai mẹ con nghèo khổ, nhưng phải bắt cho được con chim bồ câu hiếm ấy. Họ bắt chim bỏ vào lồng rồi trẩy sang tận bờ biển bên kia. Ngày ngày, cậu bé khóc thương con chim yêu quý của nó. Mẹ nó dỗ dành hứa sẽ mua con chim khác nhưng cậu bé chỉ muốn lại được con chim bồ câu xinh đẹp của nó thôi.
Chim bồ câu được đem sang tận nước Thổ Nhĩ Kỳ và dâng tặng cho vua. Nhà vua vui mừng vì được con chim hiếm, và đặt chim vào trong cái chuồng thật lớn, ngay giữa khu vườn xinh đẹp phía trên một cái hồ; với đủ loại cá màu, lương thực dư thừa. Nhưng con chim lúc nào cũng ủ rũ dập cánh vào lồng muốn thoát vì nhớ ông chủ nhỏ bé của nó nơi phương trời xa. Cuối cùng, nhà vua động lòng thương mở cửa chuồng cho con chim được tự do bay đi. Lập tức, con chim cất cánh bay thẳng qua biển trở về đậu trên cửa sổ của cậu bé. Cậu bé nhận ra chim xinh đẹp của mình và lập tức mở cửa cho nó vào. Cậu bé ẵm chim trên tay, nâng niu âu yếm rồi chạy đến khoe với mẹ:
– Mẹ ơi, chim bồ câu của con đã trở về. Nhưng làm sao chim có thể định hướng trở về, và có thể bay qua biển xa như vậy?
Mẹ cậu vui mừng nói:
– Loài chim hiếm có này có cái la bàn trong trái tim nó.
Suy niệm:
Lời của Chúa Giêsu là chiếc la bàn dẫn người Kitô hữu trở về với Chúa, và hướng dẫn chúng ta đi đến chân lý. Nếu chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng tuân giữ Lời Chúa và làm chứng cho Chúa. Mẹ Maria đã luôn ghi nhớ và suy niệm Lời Chúa trong lòng. Lời Chúa trở thành nhịp đập của trái tim, thành hơi thở của Mẹ. Thật vậy, việc tuân giữ Lời Chúa không phải trên từng câu chữ nhưng thể hiện qua đời sống và việc làm của chúng ta. Khi những mảnh đời bất hạnh đang cần chúng ta giúp đỡ, chúng ta có đưa tay ra nâng đỡ họ không? Ánh mắt của những người bên vệ đường đang cần đến lòng thương xót của chúng ta, chúng ta có thể hiện lòng bác ái với họ không?
Lạy Chúa Giêsu, để tuân giữ lời Chúa, chúng con phải có lòng yêu mến Chúa nhiều. Xin cho chúng con biết đi sâu vào tình yêu của Chúa trong chiêm ngắm và cầu nguyện, để Lời Chúa đi vào cuộc đời chúng con như lương thực nuôi dưỡng đời sống chúng con mỗi ngày.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Việc phục sinh và lên trời của Chúa Giêsu không phải là điểm dừng lại của lịch sử Tin mừng, nhưng trái lại lịch sử này lại được kéo dài cho đến ngày thế mạt. Khởi đầu từ các tông đồ mà đứng đầu là Phêrô và sự tiếp nối của toàn thể Hội thánh được thực hiện cách trung thành, bền bỉ qua mọi thời đại và cho đến muôn đời.
Những người Kitô hữu, qua bí tích Rửa tội, được trở nên chi thể của Chúa Kitô trong ba sứ vụ: tư tế, tiên tri và vương đế. Mỗi Kitô hữu phải luôn hiệp thông với Hội thánh, là thân thể của Chúa Kitô, trong các công việc loan báo Tin mừng.
Sau khi sai các tông đi loan báo Tin mừng, Chúa Giêsu đã trao cho các ông quyền hành để các ông có thể chiến thắng các thế lực của sự dữ cũng như các ông thực sự làm được những phép lạ minh chứng cho chân lý mà các ông rao giảng.
Người Kitô hữu đang dấn bước trên hành trình tiến về nhà Cha trên trời, phải luôn ý thức những ân ban của Chúa để sống xứng đáng và giúp anh chị em đạt tới hạnh phúc Nước Trời.
Thánh Marcô mà chúng ta mừng kính hôm nay đã thấy được giá trị thiết thực của Tin mừng trong cuộc sống con người. Tin mừng là chìa khóa vạn năng để giải đáp các thắc mắc và mục đích của con người đang tìm kiếm. Vì yêu mến và cũng vì trách nhiệm đối với Lời hằng sống mà người đã góp phần viết sách Tin mừng cho hậu thế. Mỗi người Kitô hữu, những chứng nhân sống động lại tiếp tục theo chân người để dùng ngòi bút của cuộc đời viết tiếp trang Tin mừng bằng chính đời sống của mình. Qua cuộc đời của mỗi người Kitô hữu, Lời Chúa – Lời hằng sống – lại được chiếu sáng cho những người chưa nhận biết Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn theo bước chân Chúa đi loan báo Tin mừng khắp nơi. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaphucsinh