19.4.2022 – Thứ Ba Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 20, 11-18
Khi ấy, bà Maria Mácđala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giêsu gọi bà: “Maria!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni!” (nghĩa là “Lạy Thầy”). Đức Giêsu bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.”. Bà Maria Mácđala đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
Suy niệm:
Maria Mácđala là con người yêu mến.
Theo Tin Mừng Gioan, bà đã theo Thầy Giêsu đến tận Đồi Sọ,
đã đứng gần thập giá và chứng kiến cái chết của Thầy (Ga 19, 25).
Hầu chắc bà đã tham dự cuộc mai táng Thầy và biết vị trí của ngôi mộ.
Hơn nữa, bà là nguời ra mộ sớm nhất vào ngày thứ nhất trong tuần.
Rồi bà chạy về báo tin cho các môn đệ về chuyện xác Thầy không còn đó (20, 1-2).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy bà lại có mặt ở ngoài mộ lần nữa (c. 11).
Ngôi mộ như có sức giữ chân bà.
Chỉ tình yêu mới giải thích được điều đó.
Maria là con người tìm kiếm.
Đấng phục sinh hỏi bà: “Bà tìm ai?” (c. 15).
Bà chỉ có một mối quan tâm duy nhất, đó là tìm lại được xác Chúa của bà.
Bà đã nói với Phêrô: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ,
và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (20, 2).
Bà đã nói với vị thiên thần ngồi trong mộ điệp khúc tương tự:
“Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu” (c. 13).
Khi gặp Thầy Giêsu, bà tưởng là người làm vườn, nên cũng nói:
“Nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết
ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về (c. 15).
Đối với Maria, mất xác Thầy là mất chính Thầy,
nên bà cứ bị ám ảnh bởi chuyện người ta để Người ở đâu.
Maria là con người đau khổ.
Bà đã khóc nhiều từ khi xác Thầy không còn đó.
Cả thiên thần và Đức Giêsu đều hỏi bà cùng một câu hỏi: “Tại sao bà khóc?”
Ai sẽ là người lau khô nước mắt của bà Maria Macđala?
Ai sẽ là người giúp bà tìm thấy điều bà tìm kiếm?
Đức Giêsu phục sinh đến gặp bà dưới dạng một người làm vườn.
Thậm chí bà nghi ngờ ông này có dính dáng đến chuyện mất xác Thầy.
“Maria”: Đức Giêsu gọi tên bà với một cung giọng quen thuộc.
Bây giờ bà mới nhận ra Thầy và reo lên: “Rabbouni!”
Có những lời của Đức Giêsu được thực hiện.
“Ai tìm thì sẽ thấy”, “Ai khóc lóc sẽ được vui cười”.
Maria đi tìm xác Thầy, nhưng bà đã gặp được một điều quý hơn nhiều,
đó là chính Thầy đang sống.
Maria đã khóc lóc, nhưng niềm vui bà gặp được lớn hơn nhiều.
Chẳng có giọt nước mắt nào là vô ích trước mặt Thiên Chúa.
Hãy nếm niềm vui bất ngờ của Maria.
Bà được Chúa sai đến với các môn đệ, cũng là anh em của Ngài.
Bà gói ghém kinh nghiệm bà mới trải qua trong một câu đơn giản:
“Tôi đã thấy Chúa!” và Chúa đã nói với tôi (c. 18).
Chúng ta không thể nào làm chứng cho Chúa Giêsu nếu không có kinh nghiệm này.
Thấy Chúa và nghe được Chúa nói: đó là ước mơ của chúng ta trong cầu nguyện.
Nhưng đừng quên Maria đã yêu cách nồng nhiệt và can đảm
và đã đau khổ tìm kiếm Thầy Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
xin ban cho con sự sống của Chúa,
sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa,
bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa,
niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa,
hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,
Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.” (Ga 20,18)
Câu chuyện minh họa:
Trong tập truyện biến ngôn LM. Nil-il-le-me-tơ đã kể lại câu chuyện sau đây:
Có một người đàn bà đạo đức nọ suốt đời chỉ nuôi một nỗi khát khao duy nhất, đó là được xem thấy dung nhan Chúa trước khi chết.
Một đêm nọ, trong giấc mơ của bà, Thiên Chúa cho biết Ngài sẽ đến thăm bà nội trong đêm mai.
Thế là ngày hôm sau, người đàn bà đã sửa soạn nhà cửa và chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn để đón tiếp và đãi “Vị Thượng Khách”.
Người đàn bà chờ đợi mãi mà vẫn không thấy Chúa đến. Đêm về khuya, bà đã thiếp đi trong sự chán nản. Bỗng có tiếng Chúa nói với bà rằng:
– Tại sao Cha đến mà con không tiếp đón Cha? Người đàn bà đã giải thích là bà đã ngồi chờ đợi Ngài suốt buổi tối ở trước cổng nhà.
Rồi Chúa cho bà biết Chúa đã đến nhà bà bằng cổng sau. Rồi Ngài hẹn đêm sau đó Ngài sẽ đến.
Thế là ngày hôm sau, người đàn bà đạo đức lại chuẩn bị một lần nữa với hy vọng chắc chắn là thế nào cũng được gặp Chúa. Chuẩn bị xong bà lại ngồi chờ Chúa, bà chờ mãi cho đến tối, cứ chạy ra cổng trước, rồi chạy vào cổng sau, nhưng tuyệt nhiên không thấy tăm hơi một vị khách nào cả.
Lần này trong giấc mơ, Chúa cũng hiện ra và trách móc người đàn bà, Ngài cho biết Ngài đã đến qua cửa sổ. Thế rồi lần này Ngài lại cho hẹn ở tại một giếng nước trong vùng.
Nghe đến đây, người đàn bà chợt nhận ra trò chơi “cút bắt” của Chúa. Ngài giải thích cho bà:
– Nếu con chỉ muốn thấy Cha ở một nơi nào đó mà thôi, thì con sẽ không bao giờ thấy được Cha. Cha cho con thấy Cha, không phải là một lần trước khi con chết, nhưng là mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút trong cuộc đời của con. Và điều kiện để con có thể thấy được Cha, là con hãy từ bỏ khát vọng được xem thấy Cha bằng con mắt trần tục, vì con mắt ấy quá hữu hạn để nhìn thấy sự vô biên của Cha. Con chỉ có thể xem thấy Cha bằng con mắt của con tim con mà thôi.
Suy niệm:
Con người chỉ nhận ra Thiên Chúa bằng đôi mắt đức tin. Vì sự hiện hữu của Thiên Chúa không hiện diện như xác thịt loài người, nhưng qua những người sống chungquanh chúng ta, chúng ta cũng có thể gặp được Chúa. Bà Maria vừa khóc vừa tìm Chúa; còn chúng ta, trong mọi thử thách, chúng ta thường đi tìm ai? Bà Maria đã chọn Chúa làm lẽ sống của bà, bà đã đi theo Chúa khi lắng nghe Ngài giảng dạy, cho đến khi đứng dưới chân thập giá; và hôm nay, bà là người đầu tiên đi tìm Chúa khi ra viếng mồ Chúa. Chúng ta có đi tìm Chúa như bà Maria chưa? hay chúng ta chỉ biết tìm những thứ, chỉ đem lại hạnh phúc tạm bợ?
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin ánh sáng Ngài soi rọi cõi lòng chúng con, để chúng con nhận ra Chúa hiện diện trong anh chị em chúng con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
“Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?“. Đây không chỉ là câu hỏi của Chúa đặt ra, nhưng cũng chính là cầu hỏi của thiên thần đã hỏi bà Maria Mađalêna được thuật lại trong đoạn Tin mừng này. Vậy đâu là lý do mà bà đã khóc như thế? Câu trả lời có thể là vì Maria đã không còn thấy xác Chúa. Bà nghĩ đến việc ai đó đã lấy mất xác Chúa.
Chỉ vì sống trong tình cảm nhân loại, thương tiếc người thầy đáng kính vừa mới bị người ta giết chết cách ô nhục trên thập giá, mà Maria đã không nhận ra quyền năng phục sinh của Thầy chí thánh. Đó cũng chính là tình cảm rất chân thực của mỗi chúng ta.
Quả thế, Maria chỉ bám víu vào tình cảm nhân loại tự nhiên. Bà yêu mến Chúa, đi theo Chúa chỉ vì cảm nhận Chúa như một thầy dạy đầy uy quyền; một con người đầy lòng nhân ái luôn biết quan tâm đến mọi người; một con người ân cần chăm sóc hết những ai đang gặp khó khăn bởi bệnh tật, nghèo đói và thiếu thốn. Chỉ dừng lại nơi nơi những tình cảm nhân loại, nên bà Maria Mađalêna đã không nhận ra nơi Chúa Giêsu là Thiên Chúa cứu độ. Vì thế, khi đối diện với Chúa đã phục sinh, bà cũng chỉ nhìn thấy Chúa như một người làm vườn. Nhưng khi buông bỏ những tình cảm u buồn nhân loại, và nhất là khi nghe Chúa lên tiếng gọi bà, thì mọi sự đã thay đổi. Sự u buồn theotình cảm con người tan biến. Thay vào đó là một niềm xác tín “tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.
Suy ngẫm về cuộc hoán cải của Maria Mađalêna, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi suy xét lại tương quan tình yêu của chúng ta với Chúa. Chúng ta đã bước theo Chúa trong tình yêu nào? Phải chăng đó chỉ là tình yêu nhân loại thuần tuý đầy màu sắc của dục vọng con người thấp hèn, vụ lợi và hời hợp? Chúng ta có xác tín vào Chúa là Đấng đã chết vì chúng ta và nay đã phục sinh để đem lại cho chúng ta một cuộc sống mới, một cái nhìn mới và một tường quan mới hay không?
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa thấu hiểu rõ ràng tính yếu đuối của con người chúng con, xin Chúa ban ơn chữa lành và biến đổi chúng con nên con người mới. Xin Chúa phục sinh mọi cái nhìn và những cảm xúc tình cảm chúng con, để chúng con biết yêu mến Chúa và anh chị em mình bằng một con tin mới, một con tim biết yêu thương như chính Chúa đã yêu thương chúng con. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #batnhatphucsinh #muaphucsinh