16.4.2022 Thứ Bảy Tuần Thánh: Lễ Vọng Phục Sinh
Lời Chúa: Lc 24, 1-12
Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì kìa hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Ðang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở nơi kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.”
Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Ðức Giêsu đã nói. Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Mấy bà nói đây là bà Maria Mácđala, bà Gioanna, và bà Maria, mẹ ông Giacôbê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Ðồ như vậy. Nhưng các ông cho là chuyện lẩn thẩn, nên chẳng tin. Dầu vậy, ông Phêrô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông chỉ thấy những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.
Suy niệm:
Có vẻ sau cái chết của Thầy Giêsu
chẳng ai buồn nghĩ đến chuyện Thầy sẽ sống lại.
Các phụ nữ chỉ quan tâm đến việc xức xác Thầy.
Nhưng khi thấy ngôi mộ trống trơn,
họ phân vân và bối rối không hiểu.
Là những Kitô hữu ngoan đạo,
chúng ta thấy mình quá quen với chuyện Chúa phục sinh,
đến độ coi đó là chuyện tự nhiên.
Chính vì thế ta không cảm được nỗi lo lắng, ngỡ ngàng
của các phụ nữ và các môn đệ
vào buổi sáng tinh mơ của ngày thứ nhất.
Các bà chẳng biết làm gì với số thuốc thơm đã chuẩn bị.
Cửa mộ đã mở toang, thi hài Thầy đâu còn.
Nếu sứ thần không hiện ra giải thích
thì ngôi mộ trống vẫn là một bí ẩn khôn dò.
Khi các bà trở về kể lại cho Nhóm Mười Một
những gì đã xảy ra ngoài mộ đá,
các ông đã không tin, cho là chuyện lẩn thẩn.
Có lẽ họ nghĩ các phụ nữ là người yếu bóng vía.
Làm gì có chuyện sứ thần bảo là Thầy đã phục sinh!
Phêrô đứng lên chạy ra mộ (Lc 24,12).
Ông cũng thấy như các phụ nữ kể lại.
Nhưng ông chỉ kinh ngạc thôi, chứ không tin.
Quả thật tin Thầy đã sống lại là điều khó,
dù Ðức Giêsu đã báo trước nhiều lần
về cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Các môn đệ chỉ nhớ được nửa đầu của lời loan báo.
Dường như nỗi đau quá lớn làm họ mau quên,
vì thế sứ thần hiện ra là để nhắc cho họ nhớ (c.6),
và họ đã nhớ lại những gì Ngài dạy (c.8).
Ðức Giêsu phục sinh hiện ra cũng nhắc cho họ nhớ (c.44).
Về sau Thánh Thần cũng sẽ làm công việc này,
đó là nhắc cho họ nhớ mọi lời Ðức Giêsu đã nói (Ga 14,26).
Nhắc nhớ là nối quá khứ với hiện tại và tương lai.
Quá khứ bị ám ảnh bởi cái chết đau thương.
Chúng ta dễ bị sa lầy trong quá khứ u buồn,
không còn khả năng để hy vọng và vui sống.
“Sao các bà lại tìm Người Sống ở nơi kẻ chết?”
Ðức Giêsu đã mở tung cửa mộ vào sáng phục sinh.
Muốn gặp được Ngài, phải tìm Ngài ở ngoài phần mộ.
Kitô giáo không kết thúc bằng thập giá và phần mộ…
Ðức Giêsu bây giờ là Ðấng tràn trề sự sống mới.
Xác Ngài không còn nằm đó, nhưng đã trỗi dậy.
Ngài vẫn đi với ta trên cùng một con đường.
Ngài đến khi cả đêm ta không được một con cá nhỏ.
Ngài ở lại nhà ta khi ta đóng cửa vì sợ hãi.
Chúng ta vẫn thường tìm sai địa chỉ của Ngài,
bởi chúng ta không tin Ngài đã sống lại thật.
Nếu chúng ta tin Ngài là Sự Sống và là Nguồn Sống,
cuộc đời chúng ta sẽ chẳng như xưa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được gặp Thầy ở đó.” (Mt 28,10)
Câu chuyện minh họa:
Một người đàn ông nọ mượn người hàng xóm bộ quần áo mặc đi ra phố có việc. Vừa bước ra khỏi cửa thì gặp cơn mưa to, gió lớn làm ông trượt ngã trên đường. Ông bị thương nặng ở đầu gối và trầy xước khắp người, còn áo quần thì lấm bẩn. Thấy vậy những người đi đường vội đỡ ông ta lên và băng bó vết thương lại. Người đàn ông xua tay bảo:
– Các người chỉ cần lấy nước cho ta giặt áo quần, còn vết thương không can hệ gì.
Có người hỏi:
– Thân thể bị thương khắp, còn xá chi đến bộ quần áo?
Người đàn ông liền đáp:
– Áo quần còn phải trả cho người ta. Còn vết thương trên người mình không ai bắt đền cả.
Suy niệm:
Hành động và suy nghĩ của người đàn ông trên đây có vẻ nông cạn. Dù sao thân thể thì vẫn quan trọng hơn áo quần. Đôi lúc chúng ta cũng có thái độ như vậy, khi chúng ta chỉ lo cuộc sống với những thú vui và đam mê mà quên đi phẩm giá và nhân cách của mình. Điểm hẹn của chúng ta là hạnh phúc Nước Trời chứ không phải thứ hạnh phúc mau qua chóng tàn này.
Điểm hẹn của Chúa Giêsu với các môn đệ là Galilê. Nơi mà Chúa Giêsu và các môn đệ đã có những biến cố đáng ghi nhớ. Nơi đây là nguyên quán của Con Chúa. Đồng thời là nơi Chúa chọn các tông đồ để bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Và hôm nay, cũng chính Galilê, Chúa Phục Sinh đã hẹn gặp các tông đồ ở đó.
Vậy, trong cuộc đời tôi, đâu là điểm hẹn của tôi với Chúa? Đâu là nơi Chúa tìm gặp tôi?
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Thiên Chúa có thánh giá, con người cũng có thánh giá. Thiên Chúa tự nguyện nhận lấy thánh giá khi tự chấp nhận tế hiến Con Một của Ngài. Và Chúa Kitô, Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa tự nguyện xin vâng thánh ý Thiên Chúa, để chính mình hiến thân chết trên thánh giá, thành lễ tế cứu độ vô song cho con người.
Khi chấp nhận thánh giá, Chúa Kitô đã làm cho cây gỗ mang hình chữ thập, mà người ta treo Người lên trên đó, trở thành biểu tượng của đau khổ. Để rồi sau khi Chúa Kitô chết trên thánh giá, nếu con người chạm phải đau khổ trong đời mình, họ coi việc họ chấp nhận đau khổ là việc họ chấp nhận vác thánh giá làm một cùng thánh giá Chúa Kitô.
Vì thế, họ hiểu lời mời gọi của Chúa Kitô: “Hãy bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo ta”, không phải là lời mời gọi vác cây gỗ hình chữ thập, nhưng là lời mời gọi hãy vui lòng chấp nhận gian truân, thử thách, khổ đau trong đời họ, để nên một với Người, nên một trong đau khổ của Người, cứu độ chính họ, cứu độ trần thế như Người.
Một khi chấp nhận thánh giá đời mình theo gương Chúa Kitô, Chúa của họ, cũng là cách các Kitô hữu tự làm hoàn hảo đời mình trong ơn gọi làm con của Thiên Chúa với Chúa Kitô.
Đúng hơn, trong Chúa Kitô, đi theo con đường mà Người đã đi, trong đó, con đường thánh giá là đỉnh cao cuộc đời trần thế của Người, các Kitô hữu sẽ cùng Chúa Kitô, kết hợp thánh giá của mình nơi thánh giá của Thiên Chúa, Đấng đã tế hiến chính mình nơi Chúa Kitô.
Lạy Chúa, chúng con tôn thờ thánh giá. Dù thánh giá là “điều mà người Do Thái coi là ô nhục, dân ngoại cho là điên rồ” đi nữa, thì đó vẫn là niềm hạnh phúc, là vinh dự của chúng con. Bởi chúng con biết và xác tín sâu xa: “cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa, còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,22-25). Xin ban ơn giúp sức, để chúng con can đảm vác thánh giá, tiến về sự sống muôn đời bền vững trong Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #tamnhatthanh #muaphucsinh