14.4.2022 – Thứ Năm Tuần Thánh: Thánh Lễ Tiệc Ly
Lời Chúa: Ga 13, 1-15
Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt, ý định nộp Đức Giêsu. Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Simôn Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” Đức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.” Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”
Suy niệm:
Người biết mình sắp qua đời thường để lại di chúc cho con cái.
Di chúc nói lên ước nguyện, lời nhắn nhủ hay lệnh truyền của người sắp ra đi.
Có thể nói Thầy Giêsu khi biết cuộc Khổ Nạn gần đến
cũng đã để lại một di chúc kép cho các môn đệ dấu yêu:
Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và nhất là Ngài đã lập bí tích Thánh Thể.
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày chúng ta đặc biệt nhớ đến di chúc ấy.
Sống di chúc của Chúa Giêsu là cách biểu lộ tình yêu đối với Ngài.
Có nhiều điểm giống nhau nơi việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể.
Cả hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết.
Cả hai đều được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua.
Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ,
Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy lễ hiến dâng đời mình.
Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá.
Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ.
Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ,
thì bây giờ Thầy làm cho trò.
Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân.
Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy.
Trong bí tích này, tấm bánh trở nên Mình Thầy bị bẻ ra và trao đi.
Rượu trở nên Máu Thầy, Máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới.
Trong cả hai biến cố Rửa chân và Bí tích Thánh Thể,
Thầy Giêsu đều mời các môn đệ tham dự cách tích cực.
Tham dự vào cái chết của Thầy bằng cách để cho Thầy rửa chân,
hay tham dự bằng cách ăn uống Mình và Máu Ngài.
Hai biến cố trên không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần bởi Thầy Giêsu.
Thầy mời các môn đệ cũng làm như Thầy, và lặp đi lặp lại những cử chỉ đó.
“Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14).
“Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22, 19).
Cúi xuống phục vụ tha nhân và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể
sẽ giúp chúng ta tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.
Muốn ở lại trong tình thương của Thầy Giêsu,
cần giữ lệnh Thầy truyền (Ga 15, 10).
Mà “đây là lệnh truyền của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).
Hơn nữa, Thầy Giêsu còn cho ta một cách khác để ở lại trong Thầy:
“Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi,
và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất.
Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu.
Ước gì chúng ta được ở lại trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.
Cầu nguyện:
Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thầy dạy chúng con một bài học rất ấn tượng
khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”(Ga 13,15)
Câu chuyện minh họa:
Xưa có một thương gia giàu có tuổi đã cao. Ông quyết định chia tài sản cho ba người con trai. Trước khi chia gia tài, ông sai các con đi một năm sau đó trở về, và kể cho người cha biết ai đã làm được việc cao thượng nhất, thì sẽ được thừa hưởng gia tài của ông. Cả ba người con ra đi và trở về như đã hẹn, các anh lần lượt kể những việc mình đã làm.
Người con cả nói: “Trong lúc đi du lịch, con gặp một người lạ mặt, ông ta tín nhiệm giao cho con giữ túi vàng. Không lâu sau ông ta qua đời, con đã giao toàn bộ túi vàng cho người nhà ông ta.” Người cha nói: “tốt lắm, nhưng trung thực là phẩm cách cần phải có, chưa đáng gọi là cao thượng”.
Người con thứ hai nói: “Con đến một làng nghèo thấy một cậu bé ăn xin không may ngã xuống sông, con lập tức xuống cứu cậu bé lên”. Người cha khen: “Con làm tốt lắm, nhưng cứu người là trách nhiệm phải làm chưa đáng gọi là việc cao thượng”.
Đến lượt cậu con trai út chậm rãi nói: “Con có một kẻ thù, hắn tìm mọi cách để hại con. Một đêm nọ, con tình cờ thấy hắn đang ngủ bên sườn núi, con chỉ cần đạp nhẹ một cái là hắn rơi xuống vực thẳm nhưng con đã không làm, con đến bắt tay hắn và tiếp tục lên đường”. Người cha ôn tồn đáp: “Con trai yêu quý, con đã làm một việc cao thượng là tha thứ cho kẻ thù. Nào, mọi sản nghiệp của cha sẽ thuộc về con.”
Suy niệm:
Sống ở đời, người ta thường hay “trả đũa”, chỉ giúp những người đem lại cho ta lợi lộc. Nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta đi xa hơn, ngài dạy chúng ta phải yêu thương kẻ thù và làm ơn cho người bách hại ta. Điều này thật khó thực hiện, bởi làm sao chúng ta có thể tha thứ cho những người gây đau khổ cho chúng ta. Làm sao yêu thương được người làm hại ta… Để thực hiện được điều Chúa dạy, chúng ta hãy soi mình vào tình yêu của Chúa, để học yêu thương như Ngài. Khi biết mình sắp về với Chúa Cha, Ngài đã lập Bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta, lấy thịt máu mình làm của ăn, của uống nuôi linh hồn chúng ta. Nhìn vào Bí tích cao cả ấy, chúng ta sẽ thấy và cảm được tình yêu mà Ngài đã dành cho nhân loại và cách riêng cho từng người chúng ta.
Mỗi lần rước Chúa, chúng ta có thấy hạnh phúc vì được tan chảy trong tình yêu của Chúa không?
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin chiếm lấy tâm hồn con bằng tình yêu của Ngài, để con luôn sống và hành động như Chúa, biết yêu thương anh chị em con bằng trái tim của Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Theo bộ luật Talmud của người Do Thái: rửa chân cho người khác là một hành động chỉ dành cho những người nô lệ, những người Do Thái khác không được làm việc này cho bất cứ ai. Thế mà Chúa Giêsu được gọi là thầy, là sư phụ, lại cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Một hành vi mà ban đầu Phêrô cảm thấy khó chịu và từ chối: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu”.
Tại sao Chúa lại hành động như một người nô lệ? Bài học Chúa muốn dạy các môn đệ trước khi đi chịu chết: Chúa không chủ trương thiết lập một vương quốc cai trị theo kiểu trần gian với giai cấp kẻ cai trị và người bị trị, nhưng Chúa đến để thiết lập vương quốc của Thiên Chúa, một vương quốc mà mọi người đối xử với nhau như anh em, không có người cai trị và người bị trị. Việc cúi xuống rửa chân cho các môn đề là hành vi khiêm hạ như là nền tảng của việc phục vụ trong vương quốc Thiên Chúa. Phục vụ cho nhau: bài học cuối cùng Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ trước khi Người chịu chết, bài học được dạy ngay trong buổi chiều Người thiết lập bí tích Thánh thể và chức linh mục thừa tác. Đây không là sự ngẫu nhiên, nhưng là một sự chuẩn bị kỹ càng với chủ đích: Chúa chọn các môn đề, trao ban cho các ngài năng quyền biến thể, không như một đặc quyền để thủ lợi cho chính mình, nhưng khi nhận lãnh nhiệm vụ, các ngài phải hành động như chính Chúa, hiến thân để phục vụ mọi người. Phục vụ anh em để anh em đạt tới sự sống là cùng đích của ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu. Sự phục vụ này được thực hiện theo gương Chúa Giêsu: yêu cho đến cùng.
Đức Thánh cha Phanxicô, vào thứ Năm Tuần Thánh 2013, trong nghi thức rửa chân, ngài đã nhấn mạnh đến chiều kích phục vụ này cách đặc biệt, nhất là phục vụ cho những người nghèo và người bị bỏ rơi khi ngài quyết định cử hành nghi thức rửa chân tại nhà tù Casal del Marmo ở ngoại ô thành phố Rôma; và trong 12 tù nhân được chọn để Đức Giáo hoàng rửa chân có 2 nữ tù nhân người Hồi giáo. Khi hành động ra ngoài truyền thống, Đức Thánh cha muốn nói với các vị chủ chăn: phải quan tâm đến người nghèo, người cùng khổ, đó là nhiệm vụ phục vụ của Giáo hội phải hướng tới.
Bài học phục vụ của Chúa không chỉ dành riêng cho các linh mục, nhưng cho tất cả mọi người Kitô hữu, bởi khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta được tháp nhập vào nhiệm thể Chúa Kitô, trở thành chi thể của nhiệm thể này, chúng ta được dự phần vào sự sống huyền nhiệm của nhiệm thể, vì thế, từng người Kitô hữu là một phần của sự sống này, chúng ta không thể đứng ngoài hoặc bên lề của sự sống Giáo hội, chúng ta tham dự và đồng chịu trách nhiệm về sự sống này. Chúng ta cũng được mời gọi sống phục vụ vì phần rỗi của anh em mình. Sự phục vụ của chúng ta chính là thực thi đức ái, nhất là tham gia vào các công việc phục vụ người nghèo, không loại trừ, nhưng luôn bao dung và đón nhận giúp đỡ những người cùng khổ theo khả năng và hoàn cảnh của chúng ta. Và nói như Đức Phanxicô, chúng ta không để cho thói vô cảm, sự dửng dưng xâm chiếm tâm hồn chúng ta.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn cảm nghiệm được giây phút Chúa cúi xuống rửa chân cho các môn đệ để chúng con hiểu thế nào là phục vụ theo tinh thần của Chúa. Nếu chúng con không cảm nghiệm được sự khiêm hạ này, sự phục vụ của chúng con chỉ là hình thức bên ngoài, dẫn tới sự phô trương và kiêu hãnh. Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống phục vụ như Chúa dạy. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #tamnhatthanh