21.3.2022 – Thứ Hai Tuần III Mùa Chay
ời Chúa: Lc 4, 24-30
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê nhà của mình. Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Sarepta miền Siđôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Syria thôi.” Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
Suy niệm:
Trong Mùa Chay Giáo Hội cho chúng ta nghe
về kết cục khá bất ngờ và đau đớn của Đức Giêsu
khi Ngài trở về với hội đường của làng Nazareth thân quen.
Nơi đây Ngài gặp lại những người đồng hương.
Họ ngỡ ngàng trước những lời Ngài giảng.
Họ muốn Ngài làm những điều Ngài đã làm ở Caphácnaum (Lc 4, 23).
Nhưng Đức Giêsu đã đáp lại bằng câu tục ngữ:
“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê nhà của mình” (c. 24).
Đức Giêsu tự nhận mình là một ngôn sứ.
Như những ngôn sứ khác trong lịch sử Israel,
Ngài cũng không được đón nhận và tin tưởng bởi những người cùng quê.
Họ nghĩ mình đã quá biết Ngài, biết gia tộc, biết nghề nghiệp,
biết quá khứ từ ấu thơ đến lúc trưởng thành.
Chính cái biết ấy, đúng nhưng không đủ,
lại trở thành một chướng ngại cho việc họ nhận ra Ngài thật sự là ai.
“Ông này không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4, 22).
Đúng Ngài là con ông Giuse, một người thợ mộc.
Đúng ngài là ông thợ mộc độc thân người làng Nazareth.
Giêsu Nazareth là tên được ghi trên thập tự,
Nazareth sẽ mãi mãi đi với tên Ngài để phân biệt ngài với những Giêsu khác.
Đức Giêsu chẳng bao giờ coi thường Nazareth, quê nhà của mình.
Ngài quen biết những khuôn mặt trong hội đường này và yêu mến họ.
Nhưng sứ mạng của Ngài trải rộng hơn Nazareth nhiều.
Ngài cho thấy mình không bị trói buộc bởi mối dây làng xã,
cũng không bị giữ chân bởi những người đồng bào cùng tôn giáo.
Để biện minh cho thái độ rộng mở của mình,
Đức Giêsu đã nhắc đến hành động của hai vị ngôn sứ thời Cựu Ước.
Êlia, vị ngôn sứ đầy quyền năng, được Thiên Chúa sai đến với một bà góa.
Bà này là một người dân ngoại sống ở Siđôn vùng dân ngoại.
Êlisa, vị ngôn sứ học trò của Êlia, đã chữa bệnh phong cho Naaman.
Ông này là người dân ngoại, chỉ huy đạo quân của Syria.
Như thế các vị ngôn sứ nổi tiếng đã không bị bó hẹp trong dân Do thái.
Họ đã mở ra với dân ngoại.
Đức Giêsu cũng chẳng bị giới hạn bởi bất cứ biên cương nào.
Ngài chẳng dành cho quê nhà Nazareth một ưu tiên nào.
Phải chăng vì thế mà Ngài làm họ phẫn nộ đến độ muốn xô Ngài xuống vực?
Nỗi đe dọa lại đến từ chính những người đồng hương.
Làm sao chúng ta nhận ra và chấp nhận những ngôn sứ bề ngoài rất bình thường
đang sống trong cộng đoàn chúng ta hôm nay?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
Tôi bảo thật các ông: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4,24)
Câu chuyện minh họa:
Một thiếu niên đã ném những cái túi ra xa lộ trước mặt nhà của hắn ta, hắn ta mất một trong những kiếng sát tròng của mình, hắn ta tìm kiếm nhưng không tìm thấy nó. Hắn vào nhà và nói: “Bố ơi con mất kiếng sát tròng rồi và con không tìm thấy nó”. Cha của cậu ta đứng dậy rời khỏi tờ báo và đi ra ngoài, một lúc sau thì ông trở lại với cái kiếng sát tròng. Đứa con trai kinh ngạc: “Cha ơi làm sao Cha tìm thấy nó?”. Nó hỏi, cha nó trả lời: “Mày tìm kiếm một miếng plastic. Còn tao, tao tìm kiếm vì một trăm năm mươi đô”.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta về thái độ khép kín của người dân Do Thái. Chính vì thái độ khép kín ấy đã đưa họ trở nên tự mãn và không lắng nghe những lời dạy của Chúa Giêsu, chẳng những thế, họ còn muốn đẩy Chúa xuống vực. Đó cũng chính là thái độ của chúng ta khi đức tin của chúng ta leo loét, chúng ta cứ nghĩ đức tin của mình đã mạnh mẽ rồi nên không cần tiếp nhận Lời Chúa, không cần nuôi dưỡng đức tin nữa. Đó cũng là lý do mà nhiều người Do Thái hôm nay đã từ chối Chúa Giêsu. Họ không thể chấp nhận được một thanh niên sinh đẻ tại quê hương mình là Đấng Mêsia của họ, họ bỏ sót những gì thật sự là quan trọng vì trong nhãn quan của họ, Chúa Giêsu là một người tầm thường như mọi người mà thôi.
Trong sự thinh lặng của cõi lòng, chúng ta hãy xem xét lại thái độ của chúng ta với Chúa. Chúng ta có sẵn sàng mở cõi lòng để đón nhận những giáo lý của Chúa không?
Ước gì chúng ta thoát ra những định kiến, ra khỏi mình để chấp nhận người khác và nhất là biết nhận ra dung mạo của Chúa nơi anh em và nơi mọi biến cố hằng ngày của cuộc sống.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Liền trước Tin mừng hôm nay, thánh sử Luca thuật lại việc Đức Giêsu trở về Nazareth, là nơi Người sinh trưởng, Người vào hội đường giảng dạy, mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Thế nhưng liền sau đó họ chuyển từ thái độ tán thành, thán phục sang thái độ nghi ngờ, phẫn nộ và loại trừ. Vậy tại sao một đàng họ ngạc nhiên và thán phục Đức Giêsu, đàng khác họ lại không chấp nhận Người? Tại sao dân làng lại thay đổi thái độ từ ngạc nhiên, thán phục sang thái độ phẫn nộ, loại trừ?
Tin mừng hôm nay thuật lại, khi Đức Giêsu đưa ra hình ảnh hai người dân ngoại là bà goá thành Sarepta miền Sidon đã được tiên tri Êlia giúp đỡ và ông Naaman, người xứ Syria đã được ngôn sứ Êlisa chữa lành bệnh phong, thì họ đầy phẫn nộ lôi Người ra khỏi thành, kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Thái độ này cho thấy, những người dân làng không chấp nhận và thậm chí còn muốn thủ tiêu Đức Giêsu là bởi vì đối với họ: nếu có một ai đến từ Thiên Chúa thì chỉ đến để phục vụ họ, bởi vì họ là dân riêng của Thiên Chúa. Cũng vậy, nếu Đức Giêsu thật là Đấng Mêssia thì Người chỉ thuộc về họ. Họ là dân riêng của Thiên Chúa nên Đấng Mêssia đến là chỉ để phục vụ họ chứ không phải cho những người dân ngoại.
Những người Nazareth hôm nay không phải là họ không nhận ra những giá trị chân-thiện-mỹ nơi con người Đức Giêsu. Thế nhưng đối với họ, chân-thiện-mỹ chỉ có giá trị nếu như thuộc về họ, phục vụ cho họ, còn nếu không thì họ sẽ loại trừ. Nếu khiêm tốn nhìn nhận, chúng ta thấy thái độ của những người Nazareth xưa cũng xảy ra hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta thường hay nói “không ăn đạp đổ”. Chúng ta thường rất dễ chấp nhận và đề cao điều gì đó là cao quý, là tốt đẹp nếu nó thuộc về và phục vụ cho mình. Ngược lại, chúng ta rất dễ phớt lờ hoặc loại trừ điều gì đó không thuộc về mình hoặc không có lợi cho chúng ta, ngay cả đó là điều tốt đẹp và cao quý.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết nhìn nhận những chân giá trị tốt đẹp và cao quý không theo tính ích kỷ của chúng con mà theo lợi ích như Chúa muốn. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muachay