22.02.2022 – Thứ Ba Tuần VII Thường Niên- Lập Tông Tòa Thánh Phêrô
Lời Chúa: Mt 16, 13-19
Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Ðức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” 16 Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Ðức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”
Suy niệm:
Simon là khuôn mặt nổi bật trong nhóm Mười Hai.
Ông thuộc nhóm những môn đệ đầu tiên theo Ðức Giêsu,
và là một trong ba môn đệ thân tín nhất.
Ông có mặt lúc Chúa hiển dung và trong Vườn Dầu.
Ông thường là phát ngôn viên của cả nhóm (x. Mt 19,27).
Ðức Giêsu phục sinh đã hiện ra cho ông trước tiên (1Cr 15,5),
và giao cho ông chăn dắt đoàn chiên của Ngài (Ga 21,15-17).
Simon có bản tính bộc trực, hăng hái.
Vì quá tin vào sức mình, ông đã sa ngã, chối Chúa.
Bất chấp những yếu đuối và giới hạn của Simon,
Ðức Giêsu vẫn chọn ông đứng đầu nhóm Mười Hai,
và làm nền tảng cho Hội Thánh của Ngài.
Ngài đặt cho Simon một tên mới là Phêrô,
tiếng Aram gọi là Kêpha, nghĩa là Tảng Ðá.
Tên mới này phản ánh sứ mạng Chúa giao cho ông.
Phêrô được tuyên bố là người có phúc,
vì ông đã được Cha trên trời cho biết Ðức Giêsu là ai.
Ông đã tin tưởng đón nhận mạc khải ấy.
“Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
Ðó là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô.
Nhưng ông không chỉ tuyên xưng đức tin của mình,
ông còn tuyên xưng tình yêu nữa:
“Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy.”
Với niềm tin-yêu vào Ðức Giêsu,
Phêrô sẵn sàng chia sẻ sứ mạng Mục Tử của Ngài,
sẵn sàng hiến mình vì đoàn chiên.
Quả thực, Phêrô đã giang tay chịu chết như Thầy Giêsu,
đã theo Thầy và đến nơi mình không muốn đến.
Chúng ta ngỡ ngàng trước sự tin tưởng của Ðức Giêsu.
Ngài cho Phêrô được chia sẻ trách nhiệm với Ngài.
dù ông chỉ là một ngư phủ bình thường, ít học.
Chỉ mình Ðức Giêsu mới là Nền Tảng (x. 1Pr 2,4-5),
nhưng Phêrô cũng được làm nền cho Hội Thánh.
Chỉ mình Ðức Giêsu nắm giữ chìa khóa (x. Kh 3,7),
nhưng Phêrô cũng được trao chìa khóa Nước Trời.
Nếu Phêrô có quyền giáo huấn,
quyền thánh hoá và quản trị Hội Thánh,
thì chỉ nhằm mục đích là phục vụ Dân Chúa.
Hội Thánh đã gặp biết bao khó khăn trong dòng lịch sử.
Không phải chỉ là những cuộc bách hại đẫm máu,
mà còn là những chia rẽ, tranh chấp nội bộ,
những sa sút trầm trọng vì chạy theo thế gian.
Hôm nay, Hội Thánh cũng gặp khó khăn không ít,
khi nhiều người bỏ nhà thờ, bỏ đức tin,
khi ơn gọi giảm sút ở nhiều nơi,
khi Ðức Thánh Cha bị công kích?
Ước gì mỗi người chúng ta ở lại và yêu mến Hội Thánh,
cải tổ và canh tân Hội Thánh
bằng việc canh tân chính bản thân mình.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. (Mc 9,35)
Câu chuyện minh họa:
Người Hi lạp có một câu chuyện về một người ở Sparta tên gọi Paedaretos. Người ta chọn và bầu ra 300 người để cai trị xứ Sparta, Paedaretos là một ứng cử viên. Khi danh sách những người trúng cử được công bố, không có tên ông. Một bạn thân của ông ta nói “Tiếc thật, người ta đã không bầu cho anh, thiên hạ không biết nếu bầu cho anh, anh sẽ là một chính khách lỗi lạc đến thế nào”. Nhưng Paedatores thản nhiên đáp “trái lại, tôi rất vui vì trong xứ Sparta này còn có 300 người có tài, có đức hơn tôi”. Đây là một người đã đi vào truyền thuyết vì sẵn sàng nhường cho kẻ khác ngôi vị hàng đầu mà không hề tỏ ra cay đắng.
Suy niệm:
Điều làm vinh quang Thiên Chúa không gì bằng sống đúng với bổn phận của mình, và hoàn thành nhiệm vụ của mình cách khiêm tốn. Thiên Chúa không đòi chúng ta thành công, nhưng Ngài mong muốn nơi chúng ta sự cố gắng và luôn tin tưởng vào Chúa.
Trong xã hội, người ta luôn coi trọng địa vị, danh tiếng, luôn muốn được người khác phục vụ chứ hiếm khi người ta tự hạ mình để phục vụ người khác. Nhưng đối với Chúa Giêsu thì khác, Ngài đến với con người để phục vụ và hiến mạng sống mình vì nhân loại. Ngài cũng muốn những môn đệ của Ngài cũng phải biết phục vụ người khác, lội ngược dòng đời, để mở mang nước Chúa. Đó mới là những kẻ lớn nhất trong nước trời.
Lạy Chúa, xin cho chúng con can đảm bước theo chân Chúa trên con đường mà Chúa đã đi, để mỗi ngày chúng con làm vinh danh Chúa hơn và trở nên giống Chúa nhiều hơn.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Câu hỏi mà chúng ta thường bận tâm, nhất là mỗi khi chúng ta chuẩn bị làm hoặc kết thúc một việc nào đó, đó là: Người ta nghĩ tôi là ai? Người ta nghĩ về tôi như thế nào? Câu hỏi trên ảnh hưởng rất lớn trên cách sống của nhiều người. Thật vậy, câu hỏi này được đưa ra là để biết dư luận nghĩ gì về mình, sau đó điều chỉnh cách sống của mình. Nếu dư luận đó mình thích, chúng ta sẽ tiếp tục sống theo những gì dư luận đang có về mình. Nếu dư luận đó mình không thích, chúng ta cố gắng sống làm sao để được dư luận khen ngợi mình là người giỏi, người tốt. Người nào có sự hoài nghi về mình thì luôn luôn tìm kiếm sự xác nhận của người khác về mình.
Đức Giêsu đặt câu hỏi đó với các môn đệ: “Dân chúng nói Thầy là ai?”. Đây cũng là một câu hỏi rất quan trọng, nhưng không phải quan trọng cho Đức Giêsu, mà là quan trọng đối với các môn đệ, đối với người được hỏi. Đức Giêsu không hỏi điều đó vì lợi ích của mình mà vì lợi ích của các môn đệ. Bởi vì, Đức Giêsu biết rõ Người là ai. Người hỏi các môn đệ câu hỏi này không phải để biết dư luận rồi chiều theo dư luận, nhưng là để các môn đệ biết đúng về Người. Biết đúng về Chúa Giêsu là điều hết sức quan trọng, bởi vì người ta chỉ đi theo Chúa Giêsu với một mục đích đúng đắn khi thật sự hiểu biết con người và sứ mạng của Chúa Giêsu.
Bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn trực tiếp đặt vấn đề về chân tính Thiên Chúa của Người với các môn đệ. Khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai?”, điều này không có nghĩa là Người chẳng biết gì về cái mà thiên hạ nghĩ về mình, nhưng là vì Chúa Giêsu muốn các môn đệ có một sự hiểu đúng về mình. Một sự hiểu biết không dựa trên ý kiến hay dư luận của dân chúng, một hiểu biết được xây dựng trên tương quan cá nhân của mỗi người với Chúa Giêsu. Việc biết đúng về con người và sứ mạng của Chúa Giêsu thì thật quan trọng, bởi vì sự hiểu biết này vừa là nền tảng cho một niềm tin đúng đắn, vừa là sức mạnh nâng đỡ và định hướng cho đời sống đức tin của các môn đệ.
Sau lời tuyên nhận định của các môn đệ thân tín mà Phêrô là người đại diện: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Điều này cho thấy, sự hiểu biết của chúng ta về Chúa Giêsu không đến từ những giáo lý mà con người nghĩ ra mà đến từ Thiên Chúa.
Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy: đức tin được đặt nền tảng trên sự hiểu biết đúng về con người và sứ mạng của Chúa Giêsu. Sự hiểu biết này không đến từ những giáo lý mà con người nghĩ ra, nhưng đến từ sự mặc khải của Thiên Chúa. Vì thế, xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết tìm sự hiểu biết Thiên Chúa nơi hai nguồn mặc khải là Kinh thánh và Thánh truyền, để đời sống đức tin của chúng ta mỗi ngày một vững mạnh.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien