16.02.2022 – Thứ Tư Tuần VI Thường Niên
Lời Chúa: Mc 8, 22-26
Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ đến Bếtxaiđa. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Ðức Giêsu sờ vào anh ta. Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: “Anh có thấy gì không?” Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối đi đi lại lại.” Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự. Người cho anh về nhà và dặn: “Anh đừng có vào làng.”
Suy niệm:
Trong phong trào hướng đạo có ngành Ấu.
Các em thuộc ngành này được gọi là sói con.
Các em sói con qua hai giai đoạn huấn luyện: mở một mắt, rồi mở hai mắt.
Sau khi được mở hai mắt, các em đã tiến bộ về kỹ năng hơn trước nhiều.
Trong bài Tin Mừng hôm qua, Thầy Giêsu đã phàn nàn về sự mù lòa của môn đệ:
“Anh em có mắt mà không thấy sao?” (Mc 8, 18).
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu chữa anh mù ở vùng Bếtsaiđa.
Chuyện này có một số nét giống chuyện Chúa chữa người câm điếc (Mc 7, 31-37).
Cả hai anh đều được người ta đem đến cho Đức Giêsu và xin Ngài đụng đến.
Cả hai anh đều được dẫn đến một nơi riêng và được chữa lành bằng bôi nước miếng.
Chỉ mình Máccô kể lại hai câu chuyện lý thú trên.
Đức Giêsu đã không chữa người mù khỏi ngay lập tức.
Ngài phải chữa lần thứ hai anh mới thấy rõ hẳn.
Đây là chuyện lạ, vì nơi các sách Tin Mừng, chẳng bao giờ có chuyện như thế.
Đặc biệt nơi Tin Mừng Máccô, mọi sự đều xảy ra rất nhanh.
Trong chương 1, có 8 từ lập tức (euthus) ở các câu 12, 18, 20, 23, 28, 29, 30, 42.
Sau khi được Đức Giêsu bôi nước miếng trên mắt và đặt tay lần đầu
anh mù mới chỉ thấy lờ mờ, thấy người ta như những cái cây biết đi (c. 24).
Sau khi được Đức Giêsu đặt tay lần thứ hai trên mắt
anh mới thấy tỏ tường mọi sự (c. 25).
Đức Giêsu phải chữa đến hai lần, chắc không phải vì trường hợp này khó hơn.
Nhưng vì chuyện anh mù được sáng mắt ở đây
tượng trưng cho hành trình mở mắt đức tin của các môn đệ.
Họ sẽ phải đi từng bước một để nhận ra con người của Thầy Giêsu.
Lúc đầu họ chỉ thấy một phần con người Ngài, thấy không rõ như anh mù.
Phải đợi sau này, khi Thầy Giêsu được phục sinh, họ mới thấy Ngài trọn vẹn.
“Anh có thấy gì không?”
Hôm nay Đức Giêsu cũng hỏi chúng ta như vậy.
Hãy để tay Ngài nắm lấy tay ta mà dắt vào chỗ riêng tư kín đáo.
Hãy để Ngài chạm đến sự mù lòa của ta để ta được sáng mắt,
nhờ đó ta thấy được Ngài, thấy được sự thật về mình và về tha nhân.
Nhưng ta cũng cần kiên nhẫn vì con đường giác ngộ là con đường dài.
Chỉ mong hôm nay tôi sáng hơn hôm qua, và ngày mai hơn hôm nay.
Cầu nguyện:
Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Người lại đặt tay trên mắt anh. Anh trông rõ và khỏi hẳn.” (Mc 8,25)
Câu chuyện minh họa:
Trong một chương trình buổi tối trên một kênh truyền hình của Hoa Kỳ, một cô gái điếm được mời đến phát biểu ý kiến dựa theo một số câu hỏi của một phóng viên. Cô trang điểm diêm dúa và mặc một chiếc váy thật ngắn. Cô đã tỏ ra không những bình tĩnh mà còn có thái độ khiêu khích trước những câu hỏi của người phóng viên. Chợt nhìn thấy trên cổ của cô một dây chuyền vàng với một cây thánh giá thật đẹp, người phóng viên thay đổi đề tài. Ông hỏi cô:
– Tôi thấy cô có đeo Thánh giá trên cổ, hẳn cô là người có tôn giáo?
Khán giả thấy rõ sự bối rối của cô gái điếm, có lẽ đây là vấn đề mà không bao giờ cô nghĩ tới. Sau một hồi do dự, cô trả lời:
– Tôi không theo đạo nào cả.
Người phóng viên hỏi dồn:
– Thế tại sao cô lại mang Thánh giá trên người?
Cô gái điếm thinh lặng cúi nhìn xuống sàn nhà một hồi lâu rồi trả lời:
– Lúc nhỏ tôi có đạo, nhưng đó là chuyện xưa rồi.
Suy niệm:
Chúa Giêsu mang đến cho anh mù ánh sáng thể lý và rồi Ngài cũng mở đôi mắt đức tin cho anh để anh thấy và tin vào quyền năng của Chúa. Nhờ ánh sáng của đức tin, chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi sự và trong mọi hoàn cảnh sống. Những người biệt phái đã giam hãm mình trong bóng tối của sự nghi ngờ, nên chẳng thấy được ý nghĩa của những việc Ngài làm. Bằng tình thương và lòng thương xót, Chúa Giêsu đã ân cần chữa lành cho anh mù. Nếu mỗi người chúng ta cũng có chút tình thương tha nhân, thì chắc hẳn nhiều người sẽ thấy được lòng bao dung của Chúa qua những công việc tốt đẹp chúng ta làm cho họ.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết sống quảng đại hơn thay vì mang đến cho nhau đau khổ, thay vào đó mang đến cho nhau niềm vui bằng những nghĩa cử yêu thương.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Sau những lời dạy dỗ các môn đệ (x. Mc 8,14-21) và trước khi Phêrô tuyên tín về thân thế của Chúa Giêsu, thì Người và các môn đệ đến vùng Bếtsaiđa. Tại đây, Người đã chữa lành cho một người mù. Phép lạ chữa người mù Bétxaiđa làm nổi bật quyền ban ánh sáng của Chúa Giêsu và những nỗ lực của Người giúp mở mắt tâm hồn cho các môn đệ.
Tuy nhiên, để hiểu được ý nghĩa phép lạ này (Chúa Giêsu chữa một người mù), chúng ta phải đọc nó trong văn mạch những chuyện phía trước: Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (x. Mc 8,1-10), nhưng các người Pharisêu chẳng những không tin vào quyền năng của Người mà lại còn thách Người làm một dấu lạ từ trời (x. Mc 8,11-13). Chính các môn đệ cũng không thấy được điều gì cao hơn là những miếng bánh (x. Mc 8,14-21). Họ đúng là những người mù không đọc ra ý nghĩa những dấu chỉ.
Người mù trong câu chuyện này chính là hình ảnh của những người không hiểu (Pharisêu, các môn đệ, và chúng ta ngày nay). Quả thật, nỗ lực làm cho họ hiểu được, đó là điều rất khó. Vì thế, Chúa Giêsu phải đặt tay vào mắt anh mù tới hai lần thì anh mới thấy được rõ ràng. Người mù ban đầu không thấy gì cả, sau khi được Chúa Giêsu sờ vào mắt thì anh thấy mờ mờ; sau khi Người đặt tay lần thứ hai thì anh hoàn toàn thấy rõ.
Cách chữa trị của Chúa Giêsu mang tính tiệm tiến: từ trông thấy mờ mờ đến nhìn thấy tỏ tường. Điều này cũng diễn tả chiều kích đức tin mà Chúa từ từ khơi dậy nơi anh ta: từ việc tin nhận vào Chúa cách yếu ớt đến tin nhận Người là Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu cũng nhẫn nại như vậy đối với các môn đệ trong quá trình huấn luyện các ông. Từ những người chưa hiểu và chậm tin, cuối cùng họ cũng nhận biết Người là Đấng Cứu Thế, như lời thánh Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô”.
Trong công tác giáo dục, nhất là giáo dục đức tin hay hướng dẫn đời sống tâm linh, chúng ta cũng cần phải kiên trì dạy dỗ thì mới thành công được. Chúng ta còn được mời gọi không ngừng trau dồi và huấn luyện đức tin cho chính mình và những người chúng ta có trách nhiệm. Muốn được như thế, mỗi người phải có trách nhiệm cộng tác với ơn Chúa để củng cố và phát triển đức tin, nhờ việc học hỏi và sống các chân lý đức tin. Nhất là chúng ta phải biết để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và làm theo sự chỉ bảo của Người.
Lạy Chúa, ngày chúng con được rửa tội, vị linh mục đã thay mặt Chúa để nói với chúng con: “Epphata”, nghĩa là: hãy mở ra. Nhưng đức tin của chúng con chỉ như một con mắt mới mở hé, cho nên phần nào đó chúng con cũng giống như những người mù. Hôm nay, chúng con xin Chúa, một lần nữa, thương đặt tay trên mắt chúng con, để cặp mắt đức tin của chúng con được mở ra trọn vẹn mà nhìn thấy Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien