15.02.2022 – Thứ Ba Tuần VI Thường Niên
Lời Chúa: Mc 8, 14-21
Khi ấy, các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê!” Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. Biết thế, Người nói với các ông: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?” Các ông đáp: “Thưa được mười hai.” “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?” Các ông nói: “Thưa được bảy.” Người bảo các ông: “Vậy mà anh em vẫn còn chưa hiểu sao?”
Suy niệm:
Tin Mừng Máccô kể ba câu chuyện về việc Thầy trò vượt Biển hồ.
Lần đầu, Thầy Giêsu đã ra lệnh cho sóng gió yên lặng
khiến các môn đệ tự hỏi: Người này là ai…? (Mc 4, 35-41).
Lần thứ hai, sau khi hóa bánh ra nhiều, Thầy đã đi trên mặt nước mà đến với họ.
Nhưng lòng các môn đệ còn chai đá,
họ không hiểu được chuyện bánh hóa nhiều (Mc 6, 45-52).
Bài Tin Mừng hôm nay là lần cuối Thầy trò vượt biển qua bờ bên kia,
sau khi Thầy Giêsu đã hóa bánh ra nhiều lần thứ hai (Mc 8, 1-10).
Có một sự cố xảy ra khiến các môn đệ lo âu.
Các ông quên mang bánh khi vượt biển.
Trên thuyền chỉ có một cái bánh duy nhất (c. 14).
Không rõ tại sao trong bối cảnh này Thầy Giêsu lại cảnh báo các ông
về thứ men xấu làm hư hỏng con người (x. 1 Cr 5, 6-8),
đó là thứ “men của người Pharisêu và men của người theo Hêrôđê (c. 15).
Có lẽ vì cuộc đụng độ vừa qua với người Pharisêu (Mc 8, 11-13).
Nhưng lời cảnh báo của Thầy Giêsu có thể đã bị các môn đệ hiểu sai.
Các ông tưởng Thầy trách về chuyện họ không mang đủ bánh.
Từ đó xảy ra một cuộc tranh cãi giữa họ với nhau về chuyện này.
Thầy Giêsu chắc là giận lắm.
Chưa khi nào chúng ta thấy Ngài đặt nhiều câu hỏi liên tiếp như vậy.
Tùy lối chấm câu, có thể có từ sáu đến chín câu hỏi.
Qua các câu hỏi, Ngài bày tỏ sự thất vọng về các môn đệ.
Họ chậm hiểu, chậm nắm bắt; tim của họ bị chai (c. 17).
Họ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe (c. 18).
Trí nhớ và lòng tin của họ khá kém,
vì dù đã chứng kiến hai lần phép lạ bánh hóa nhiều,
một lần, năm chiếc bánh cho năm ngàn người,
lần khác, bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người,
họ vẫn lo âu khi thấy trong thuyền chỉ có một chiếc bánh dự trữ.
“Vậy mà anh em vẫn còn chưa hiểu sao?” (c. 21).
Chúng ta cũng nghe Chúa hỏi câu hỏi này khi chúng ta xao xuyến âu lo
trước những khó khăn của cuộc sống.
Các môn đệ vượt biển mà không mang đủ lương thực cần dùng.
Họ lo âu vì sợ lỡ ra có bão hay sự cố gì thì làm sao đây.
Thực ra điều họ quên không phải là bánh,
mà là quên Thầy Giêsu đang ở cùng thuyền với họ.
Chúng ta cần ôn lại những điều lạ lùng Chúa đã làm cho đời ta từ nhỏ,
để sống mỗi ngày trong bình an.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
con phó mặc con cho Cha,
xin dùng con tùy sở thích Cha.
Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.
Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.
Miễn là ý Cha thực hiện nơi con
và nơi mọi loài Cha tạo dựng,
thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.
Con trao linh hồn con về tay Cha.
Con dâng linh hồn con cho Cha,
lạy Chúa Trời của con,
với tất cả tình yêu của lòng con,
Vì con yêu mến Cha,
vì lòng yêu mến
thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,
thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,
không so đo,
với một lòng tin cậy vô biên,
vì Cha là Cha của con.
(Charles de Foucauld)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê!” (Mc 8,15).
Câu chuyện minh họa:
Khi còn nhỏ, J.Dillinger phải ra toà vì một tội vụn vặt. Được tha về, cha mẹ dẫn anh tới trường. Một số phụ huynh khác đến làm áp lực với các thầy cô giáo: Nếu thầy để J.Dillinger ở đây, chúng tôi sẽ đem con đến trường khác. Ông thầy bối rối không biết làm thế nào cho các phụ huynh an tâm. Ông đành nói thật cho J.Dillinger nghe. Anh bỏ học, không bao giờ bước chân tới trường nữa. Ít lâu sau, anh trở thành một tội phạm nguy hiểm nhất ở Hoa Kỳ trong thập niên 30.
Suy niệm:
Chúng ta phải vượt ra ngoài thành kiến để có thể đến được với nhau. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, điều các môn đệ nghĩ đến là bánh chứ không biết hướng đến một điều cao siêu hơn là quyền uy của Chúa được tỏ lộ. Đôi khi trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, chúng ta chỉ ở mãi trong sự thành công và những ơn lành của Chúa mà quên vươn tới điều thánh thiện hơn, là ca ngợi tình thương và lòng thương xót của Chúa. Đó là một thách đố của những người theo Chúa Giêsu hôm nay, khi đối diện với những khó khăn, chúng ta chỉ lo tìm cách giải quyết và quên mất Chúa là người lo liệu mọi sự.
Lạy Chúa, xin cho men tin mừng của Chúa thấm nhập vào đời sống của chúng con, để mọi việc chúng con làm đều vinh danh Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
“Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê“.
Men được coi như là nhân tố gây ra tình trạng biến chất của vật mà nó tiếp xúc. Vậy men biệt phái là gì? Biệt phái là những người Do Thái biến chất. Họ không còn là người Israel đích thực, như điều mà Chúa Giêsu đã từng nói về ông Nathanael. Chúa đã trách họ, vì họ thường sống giả hình giả bộ bề ngoài. Họ chỉ lo rửa tay, rửa bình, rửa chén, còn lòng thì đầy sự gian ác. Quả thật, cách giữ luật tỉ mỉ bề ngoài đã làm cho họ bị biến chất đi rồi. Còn men Hêrôđê là gì? Hêrôđê là điển hình cho sự gian ác. Chính ông đã ra lệnh lùng bắt Chúa Giêsu khi Chúa mới sinh ra đời. Chính ông đã giết Gioan Tẩy Giả, là vị tiền hô cao cả của Chúa. Qua câu nói trên, Chúa muốn khuyên dạy các môn đệ: đừng học theo gương của người biệt phái và của Hêrôđê.
Qua bài Tin mừng này, Chúa Giêsu cũng muốn nhắc nhở mỗi chúng ta: hãy coi chừng, đừng để mình bị biến chất bởi những điều không tốt của thế gian. Thế gian hay xã hội hôm nay đang tấn công người Kitô hữu bằng những ảnh hưởng xấu qua nhiều phương diện: đam mê của cải, giả dối lừa đảo nhau, sống vô cảm, nô lệ cho dục vọng… Đây cũng là những khuyết điểm thường có trong mỗi người chúng ta. Quả thực, khi đời sống con người càng văn minh, thì sự cám dỗ càng trở nên tinh vi hơn. Điều đó rất dễ dẫn con người đến những thái quá: quá lo lắng cho của ăn phần xác mà xao lãng của ăn tinh thần, quá để ý đến hình thức của công việc mà quên mất tính chất và nội dung của công việc, quá lo lắng cho sự sống đời này mà quên đi sự sống đời sau.
Là một người Kitô hữu, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi và trao ban những đặc sủng, để mỗi ngày trở nên khí cụ đặc biệt cho Thiên Chúa. Vậy, chúng ta phải làm gì để gìn giữ và bảo vệ ơn gọi của mình trước những cám dỗ và thử thách của cuộc sống?
Lạy Chúa, chúng con xác tín rằng, chỉ có một đời sống đạo đức, sống thanh khiết, sống theo những đòi hỏi của Phúc âm mới có thể giúp chúng con tránh được những thứ men giả hình và xấu xa đó. Xin Chúa giúp sức cho chúng con, để chúng con có thể can đảm sống cho những chân lý mà Chúa đã truyền dạy. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien