11.02.2022 – Thứ Sáu Tuần V Thường Niên: Lễ Đức Mẹ Lộ Đức – Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân
Lời Chúa: Mc 7, 31-37
Khi ấy, Ðức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđon, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Ðức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Epphatha”, nghĩa là: Hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Ðức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
Suy niệm:
Khi đến thăm những trẻ em khuyết tật,
ta thấy mình dễ tiếp xúc, gần gũi các em mù,
hơn các em bị câm điếc.
Thật khó làm cho các em câm điếc hiểu được chúng ta,
và chúng ta cũng không hiểu được điều các em diễn tả.
Ðôi bên cứ như ở hai thế giới, không gặp được nhau.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Ðức Giêsu chữa một người vừa ngọng vừa điếc.
Người ngọng là người gặp khó khăn khi trình bày,
khi phải diễn đạt bằng lời nói cho người khác hiểu.
Ta có cảm tưởng lưỡi anh bị một sợi dây trói buộc.
Ðức Giêsu đã đụng đến lưỡi anh,
và sợi dây đó được tháo cởi.
Giờ đây anh có thể nói được tự nhiên và rõ ràng.
Nói sao để người khác hiểu được mình,
đó là ước mơ của nhiều người trong chúng ta.
Nhưng ta lại thấy có cái gì đó trói buộc mình
khiến mình ngần ngại, sợ hãi, né tránh…
Nhiều người đã trở nên ngọng hay câm
vì đã trải qua những kinh nghiệm đau đớn:
kinh nghiệm bị châm chọc, bị khinh miệt, bị khước từ…
Bao kinh nghiệm làm con người mất tự tin và khép lại.
Có những đe dọa ám ảnh làm con người câm nín.
Epphatha, xin hãy mở miệng con
để con có thể hồn nhiên vén mở thế giới của mình,
hầu gặp được sự cảm thông và nâng đỡ.
Nếu bệnh ngọng làm chẳng ai hiểu tôi,
thì bệnh điếc làm tôi chẳng hiểu ai.
Tôi như người đang xem một phim trên truyền hình
mà máy đột nhiên mất tiếng.
Tôi chỉ thấy hành động, nhưng không hiểu được ý nghĩa.
Chẳng ai muốn mình bị điếc hay lãng tai,
nhưng trong thực tế, ta vẫn có thể mắc bệnh này,
nghĩa là mất khả năng lắng nghe người khác.
Chúng ta thường chỉ nghe điều mình muốn nghe,
hay lắm khi nghe điều người khác nói
nhưng lại hiểu dưới cái nhìn chủ quan của mình.
như thế vẫn là chưa hiểu được điều người kia muốn nói.
Nghe bằng tai, không đủ.
Cần lắng nghe bằng cả trái tim.
Chỉ trái tim yêu thương mới giúp ta hiểu đúng, hiểu đủ,
hiểu ý nghĩa đàng sau lớp vỏ ngôn từ.
Epphatha, xin giúp con ra khỏi cái tôi cứng cỏi,
ra khỏi những thành kiến, những suy nghĩ cứng nhắc,
để nghe được cái tôi của anh em.
Thế giới hôm nay thiếu cảm thông và đối thoại,
vì có nhiều người bị câm điếc về mặt tinh thần.
Bệnh này làm người ta thành những hòn đảo,
chẳng có gì để cho, chẳng có gì để nhận,
để rồi chết dần trong sự nghèo nàn của mình.
Xin cho con đừng câm điếc trước Thiên Chúa và anh em,
đồng thời giúp người khác ra khỏi sự câm điếc của họ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
làm chân tay cho những người què cụt,
làm đôi mắt cho ai phải đui mù,
làm lỗ tai cho những người bị điếc,
làm miệng lưỡi cho người không nói được,
làm tiếng kêu cho người chịu bất công.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,
để đem cơm cho người đói đang chờ,
và đem nước cho người họng đang khô,
đem thuốc thang cho người đang đau ốm,
đem áo quần cho người đang trần trụi,
đem mền đắp cho người rét đang run.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đường vắng,
thắp đèn soi cho ai bước trong đêm,
đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh,
truyền cảm thông cho lữ khách đơn côi,
nâng phẩm giá cho kẻ đời chà đạp,
đem tự do cho những kiếp đọa đày.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con vào thôn xóm,
đem an hòa cho những ai bất thuận,
đem thanh bình cho kẻ sống âu lo,
đem ủi an cho người đang sầu khổ,
đem niềm vui cho những ai bất hạnh,
đem vận may cho người gặp rủi ro.
Lạy Chúa, xin cứ đặt con như một sự tình cờ,
đem may mắn cho những ai gặp được,
giữa đường đời khi lỡ bước bơ vơ,
cứ cho con đừng bao giờ khiếp sợ:
giữa biển đời mang con tim núi lửa
với đôi tay êm ái của mẹ hiền.
Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả
cho mọi người được hạnh phúc yên vui ;
còn phần con xin gởi hết nơi Ngài
là Thiên Chúa, Tình Yêu và Lẽ Sống.
Ngài cho con tất cả niềm hy vọng
để tin yêu và vui sống trọn đời.
(NCĐ)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
Họ hết sức kinh ngạc và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được”(Mc 7,37)
Câu chuyện minh họa:
Có lẽ cái tên của Helen Keller, một cô gái câm điếc người Mỹ, đã trở thành bậc khoa bảng, không còn xa lạ với chúng ta nữa. Vừa được 9 tháng, sau một cơn đau màng óc, cô gái bất hạnh này trở thành mù loà và câm điếc. Thế giới của âm thanh và màu sắc đã khép hẳn cánh cửa lại với cô.
Làm thế nào để truyền thụ kiến thức cho một người đã câm điếc lại còn mù loà? Cha mẹ của cô bé dường như muốn bó tay. Nhưng có một cô giáo tên là Anna Sullivan đã không muốn bỏ cuộc. Hy vọng duy nhất mà cô giáo này còn đó là có thể truyền thông và liên hệ với cô gái mù loà và câm điếc này qua việc tiếp xúc với bàn tay của cô. Chỉ có thể tiếp xúc với thế giới bằng đôi tay, thế mà cô Helen Keller đã có thể học xong đại học, tốt nghiệp tiến sĩ và trở thành văn sĩ.
Suy niệm:
Nghe và nói là hai phương tiện truyền thông luôn đi đôi với nhau. Thế nhưng những người câm điếc lại vượt lên số phận của mình để sống hạnh phúc. Ngày nay nhờ phương tiện kỹ thuật hiện đại, các căn bệnh ấy có thể mở mắt, mở tai cho những những mù, người câm. Chúa Giêsu cũng dùng những hành động xem ra thật đơn giản để chữa cho người bị câm điếc. Đám đông chứng kiến những phép lạ người làm đã cố chấp không đón nhận sự thật này. Đó là những người Biệt Phái và Pharisêu. Họ đang điếc trước sự thật, mù trước phép lạ đang diễn ra. Họ không chịu hiểu Lời Chúa mà còn loan truyền những điều sai trái. Họ thay thế Lời Chúa bằng các tập tục của cha ông họ. Họ cần được chữa khỏi bệnh mù và câm điếc tâm linh để có thể công bố Tin Mừng cho người khác. Họ phải mở tai, mở mắt để đón nhận Lời Chúa, để tin vào Ngài, thì mới được cứu độ.
Lạy Chúa, xin hãy chạm đến tâm hồn chúng con để chữa lành căn bệnh câm điếc nơi chúng con, để chúng con lắng nghe được tiếng Chúa và thi hành ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Qua trang Tin mừng này, có lẽ tạo cho mỗi người cảm nhận được niềm vui từ người bệnh cũng như những người cộng tác đem người bệnh đến để xin Chúa Giêsu chữa trị.
Tin mừng kể lại như sau: “Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh.33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Épphatha”, nghĩa là: hãy mở ra!35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng”.
Quả thật, niềm vui được chữa lành bệnh không chỉ nơi người bị bệnh mà niềm vui đó còn được lan tỏa nơi những người xung quanh. Để cảm nghiệm được niềm vui đó, chúng ta phải đặt mình vào vị trí vừa là người bị bệnh vừa là người trung gian cầu xin Chúa chữa bệnh.
Ở đâu có sự hiện diện của Chúa là ở đó có niềm vui. Niềm vui không chỉ được Chúa chữa lành bệnh tật mà niềm vui đó còn đem lại cho chúng ta sự sống cửu. Vì thế, mỗi ngày sống chúng ta đừng chạy đến với Chúa để xin Chúa điều này điều kia, mà trước hết, chúng ta hãy chạy đến với Chúa với tâm tình là một người con để dâng lên Chúa những tâm tình như người con đối với cha mẹ của mình. Để từ đó, chúng ta mới có một kinh nghiệm sống là sống cho Chúa như lời thánh Phaolô đã dạy: “Chúng ta có sống là sống cho Chúa”.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien