08.02.2022 – Thứ Ba Tuần V Thường Niên
Lời Chúa: Mc 7, 1-13
Khi ấy, có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Ðức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Ðức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” Người trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: ‘Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.’ Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. Quả thế, ông Môsê đã dạy rằng: Người hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử!’ Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là “coban” rồi, nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời của Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!”
Suy niệm:
Trong Bài Tin Mừng hôm nay có năm từ truyền thống (cc. 3, 5, 8, 9, 13).
Đó là truyền thống của tiền nhân, truyền thống của người phàm,
truyền thống mà các ông Pharisêu nắm giữ và muốn người khác phải theo.
Song song với truyền thống này là điều răn của Thiên Chúa (cc. 8, 9)
Đức Giêsu tố cáo người Pharisêu đã gạt bỏ, đã coi thường điều răn này
chỉ vì muốn khư khư giữ lấy truyền thống của họ (cc 8, 9, 13).
Đây là một điều đáng tiếc,
vì mục tiêu của người Pharisêu không phải là hủy bỏ lời của Thiên Chúa (c. 13).
Trái lại, họ muốn dân Do Thái sống nghiêm túc hơn ơn gọi của mình,
sống như một dân tộc thánh thiện giữa một xã hội vàng thau thời Đức Giêsu.
Chính vì thế họ chẳng những muốn tuân giữ điều được viết trong Luật Môsê
mà còn muốn sống theo những truyền thống
dựa trên luật truyền khẩu được ban cho Môsê nữa.
Họ đòi cả dân chúng cũng phải sống theo các luật về thanh sạch của các tư tế.
Bởi vậy, họ than phiền chuyện vài môn đệ của Đức Giêsu
đã không rửa tay trước khi ăn.
Thật ra chẳng phải người Do Thái nào cũng giữ luật rửa tay trước khi ăn.
Các sách Cựu Ước cũng không hề đòi hỏi chuyện này (x. Lêvi 11-15).
Đáng tiếc là khi tập trung vào chuyện sạch sẽ bên ngoài,
người Pharisêu có nguy cơ bỏ rơi hay lơ là chuyện trong sạch nơi trái tim.
Đây mới là điều quan trọng mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh.
Theo truyền thống hội đường Do Thái, có cả thảy 613 điều răn,
365 điều cấm làm và 248 điều phải làm.
Cả một rừng điều răn này chi phối toàn bộ đời sống của người Do Thái giáo.
Người Pharisêu cho rằng sự thánh thiện nằm ở chỗ chu toàn hết mọi luật này.
Còn Đức Giêsu coi sự thánh thiện nằm ở sâu nơi trái tim thuộc trọn về Chúa.
Ngài trích lời của ngôn sứ Isaia (29, 13):
“Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta.”
Làm thế nào để trái tim của chúng ta gần với Chúa?
Làm thế nào chúng ta khỏi trở thành những kẻ đạo đức giả?
Làm thế nào chúng ta giữ luật Chúa và Giáo Hội với sự mềm mại, tự do, vui tươi?
Ước gì từng hành vi giữ luật của ta được chi phối bởi trái tim đầy yêu mến.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. (Mc 7,6b)
Câu chuyện minh họa:
Một Nhà quí phái kia mở một bữa tiệc để thết đãi khách. Trong số những thực khách được mời tham dự bữa tiệc này có một bác nông dân. Sở dĩ bác nông dân này được mời vì bác là người giầu có trong vùng, lại có lòng tốt. Chính bác đã tặng cho nông dân ở trong vùng một số tiền lớn để xây cất một nhà thương.
Hôm ấy, trên bàn ăn người ta dọn ra món đầu tiên là cua nướng. Ngoài dĩa cua nướng dọn cho mỗi người, người ta còn để ở bên cạnh một ly nước nóng và một lát chanh tươi.
Vì là một nông dân, tính tình chất phác, không lễ nghi khách sáo, đàng khác có lẽ bác nông dân kia cũng đã đói, vì thế sau khi khai mạc bữa tiệc, bác đã cắm đầu cắm cổ ăn một hơi hết món cua nướng.
Ăn cua xong, thấy bên cạnh đó có một ly nước nóng và một lát chanh tươi, tưởng là để cho khách uống, nên bác nông dân vắt chanh vào nước rồi uống một hơi hết sức tự nhiên. Thực ra đây là những thứ để rửa tay, sau khi ăn món cua nướng.
Thấy bác nông dân ăn uống như thế, mọi người chung quanh đều trố mắt nhìn nhau rồi tủm tỉm cười với cái cười khinh bỉ. Nhưng riêng với ông chủ nhà, khi thấy bác nông dân kia đã uống như thế, thì ông đã xử sự một cách hết sức khôn khéo. Ông cũng đã vắt chanh vào ly nước của ông và đưa lên uống, để bác nông dân không bị mất mặt trước những thực khách được mời hôm đó.
Thế là mọi người trong bàn tiệc hôm đó, không ai bảo ai, tất cả đều vắt chanh vào ly nước của mình, rồi bưng lên uống.
Suy niệm:
Rửa tay theo luật của người Do Thái là để nhắc nhớ mình về tình trạng trong sạch của tâm hồn. Còn về mặt xã hội, rửa tay để bày tỏ sự tôn trọng của người đồng bàn. Nhưng dần dần người ta quá chú ý đến lề luật mà chỉ dựa vào những tập tục và thay vào đó là những nghi thức, sinh hoạt trống rỗng mang tính hình thức.
Điều quan trọng không phải là tầm quan trọng của công việc chúng ta làm, nhưng là tình yêu thúc đẩy chúng ta làm việc đó. Nếu trái tim chất đầy kiêu căng thì mọi nghi thức bên ngoài trước mặt thế gian cũng sẽ chẳng làm cho chúng ta trở nên thánh thiện trước mặt Chúa. Hành động của chúng ta phải được xuất phát từ con tim, từ tình yêu: Mến Chúa và yêu người, thì mới thực sự có giá trị.
Ước gì chúng con nhìn mọi sự và mọi người bằng trái tim bao dung và đầy yêu thương của Chúa, và ước gì trái tim chúng con không khép lại nơi mình nhưng rộng mở với hết mọi người.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Một cuộc tranh luận xảy ra khi những người Pharisêu nhìn thấy một số môn đệ Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ăn. Người Pharisêu thắc mắc không vì việc Chúa Giêsu không giữ an toàn vệ sinh ăn uống, mà là cho rằng việc Chúa lỗi luật và vi phạm nghi thức tôn giáo truyền thống về việc sạch-dơ. Chính vì thế, Chúa Giêsu không phải lên án việc rửa tay cũng như rửa chén đĩa hay những thứ đồ vật khác trước khi ăn, nhưng Người muốn nhân cơ hội để dạy cho các ông Pharisêu một bài học quan trọng hơn: một sự trong sạch đích thực là sự trong sạch cho tâm hồn, chứ không phải cái mã bề ngoài.
Vì thế, Chúa Giêsu đã trả lời cho thái độ vụ hình thức ấy như sau: “Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa qua một bên, mà duy trì truyền thống của người phàm”. Chúa Giêsu muốn cho thấy các việc làm bên ngoài ấy, dù có tính cách tôn giáo đến đâu, cũng không thể thay thế cho một việc khác quan trọng hơn. Ðiều quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn, chứ không phải việc rửa tay, rửa vật dụng bên ngoài; đừng lẫn lộn tập tục của truyền thống phàm nhân với lề luật do chính Thiên Chúa ban bố.
Vấn đề bài Tin mừng hôm nay đặt ra cũng rất thời sự: cứ nhìn vào cách sống đạo của nhiều người trong chúng ta thì thấy rõ điều đó. Đi lễ ngày Chúa nhật, đọc kinh và làm các việc đạo đức chỉ vì thói quen, nhưng lòng thì xa Chúa. Nhiều khi vào nhà thờ, xác thì ở đó mà hồn thì đi đâu. Đạo trở nên một gánh nặng, bài giảng mà hơi dài một chút thì than ông cha này giảng dài, dai, dở, dỏm!
Bên cạnh đó, rửa tay, rửa chén, rửa bình vì sợ ô nhiễm có hại cho sức khỏe – điều đó đúng, nhưng lại không nhận ra sự ô nhiễm trong tâm hồn bằng những ảnh hưởng xấu của thế gian. Đi đường che mũi che miệng vì sợ ô nhiễm, nhưng trước những phim ảnh xấu, những cảnh trụy lạc, chẳng những không che mà còn trố mắt nhìn.
Như vậy, Lời Chúa hôm nay là sự cảnh tỉnh chúng ta, không thể có một sự thỏa hiệp nào giữa hai quan niệm luật hình thức và luật yêu thương; không thể san bằng nghi thức bên ngoài với lệnh truyền của Chúa; không dùng tập tục con người để trốn tránh giới răn Thiên Chúa dạy phải sống trọn đạo hiếu. Nhưng trên hết mọi sự hãy sống điều luật Chúa dạy là: “Mến Chúa – yêu người”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con khi tuân giữ các lề luật, luôn ý thức rằng đó là phương tiện, là cơ hội để chúng con gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân, chứ không phải để kìm kẹp gò bó chúng con. Ý thức được như thế, chúng con sẽ thấy việc tuân giữ lề luật trở nên nhẹ nhàng, và việc theo Chúa và phục vụ tha nhân sẽ trở nên tích cực. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien