27.01.2022 – Thứ Năm Tuần III Thường Niên
Lời Chúa: Mc 4, 21-25
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? Vì chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà không phải là để đưa ra ánh sáng. Ai có tai nghe thì nghe!” Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng đấu ấy, và còn cho anh em hơn nữa. Vì ai đã có, thì được thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất.”
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay gồm bốn câu có vẻ rời rạc
được Đức Giêsu nói trong những dịp khác nhau.
Thánh Máccô chia bốn câu này thành hai cặp (cc. 21-22 và 24b-25).
Trong mỗi cặp, câu thứ hai được nối với câu thứ nhất bằng chữ “vì”.
Đức Giêsu nhấn mạnh tầm quan trọng của bốn câu nói trên
qua việc Ngài nhắc nhở ta phải nghe một cách nghiêm túc (cc. 23. 24a).
Thầy Giêsu vẫn quen giảng khởi đi từ những chuyện hàng ngày.
Thời xưa, khi chưa có điện, ngọn đèn dầu đem lại ánh sáng cho cả căn nhà.
Bởi vậy không thể nào hiểu được chuyện ai đó thắp đèn lên,
rồi lại đặt nó dưới cái thùng hay gầm giường.
Cứ sự thường phải đặt nó trên đế để soi sáng mọi sự.
Ngọn đèn mà Thầy Giêsu nói ở đây có thể ám chỉ Tin Mừng của Ngài,
và cũng có thể ám chỉ chính Con Người của Ngài.
Tin Mừng ấy không được phép đem giấu đi,
nhưng phải được quảng bá và rao giảng.
Con Người Đức Giêsu không được che kín sau bức màn,
nhưng phải được từ từ vén mở cho mọi người thấy.
Trong sách Tin Mừng theo thánh Máccô,
Đức Giêsu cấm các môn đệ không được nói với ai Ngài là Đức Kitô (8, 30),
vì chữ “Kitô” khiến người ta lầm tưởng Ngài sẽ đứng lên làm cách mạng.
Nhưng vào cuối đời, khi tay không đứng trước vị thượng tế (14, 61-62),
Đức Giêsu đã nhìn nhận tước vị này, vì nó không còn có thể bị hiểu lầm nữa.
Như thế, những gì được tạm thời che giấu, cuối cùng đã được tỏ lộ,
những gì bí ẩn đã được đưa ra ánh sáng (c. 22).
Đức Giêsu là Kitô, nhưng là một Kitô chịu đau khổ như Người Tôi Tớ (Is 53).
Cuộc đời người Kitô hữu, người đã lãnh nhận phép thanh tẩy,
cũng giống như ngọn đèn đã thắp sáng đặt trên đế.
Không được vì bất cứ lý do gì mà che giấu đi:
vì khiêm tốn không muốn cho ai thấy ánh sáng của mình,
hay vì không dám đương đầu với sức mạnh của bóng tối.
Thế giới hôm nay cần những ngọn đèn Kitô hữu.
Hai tỷ Kitô hữu làm nên hai tỷ ngọn đèn.
Ánh sáng bừng lên xua tan bóng tối của dối trá, hận thù, sa đọa.
Ánh sáng đem lại sự ấm áp của cảm thông, an bình và nâng đỡ.
Khi cảm nhận được ánh sáng, người ta sẽ nhận ra được Kitô hữu là ai.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm cười mà nói rằng
Chúa đã ở bên chúng con rồi.
Có cả triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng biết Chúa thì được cái gì ?
Chúa đến để làm gì
nếu đời sống con cái của Chúa
cứ tiếp tục y như cũ ?
Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt của chúng con,
trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.
Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,
và đòi buộc chúng con,
làm chúng con không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con
bình an sâu xa,
thứ bình an khác hẳn,
đó là Bình An của Chúa.
(Hélder Câmara)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Người nói với các ông: Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?” (Mc 4,21)
Câu chuyện minh họa:
Buổi chiều, người nọ lấy cây nến nhỏ từ trong hộp ra và leo lên tầng tháp cao. Cây nến hỏi:
– Chúng ta đi đâu?
– Đi lên cao hơn để chỉ đường cho tàu bè vào cảng.
– Nhưng tôi nhỏ bé thế này làm sao tàu bè thấy được?
– Chỉ cần ngươi cứ cháy sáng thôi, còn mọi việc ta lo.
Tới đỉnh tháp, người nọ đặt cây nến vào trong một cái đèn có ghép những tấm kính phản quang. Nhờ đó, ánh sáng lan tỏa và mọi tầu bè đều thấy.
Chúng ta cũng là cây nến trong tay Thiên Chúa. Chỉ cần ta cháy sáng, còn kết quả là ở Thiên Chúa.
Suy niệm:
Lời Chúa quả có sức chiếu sáng rất mạnh. Chỉ tiếc rằng Lời Chúa rót vào tai một số người giống như dầu châm vào những cây đèn không chịu cháy sáng nên cũng vô ích. Bà Chiara Lubich nói: “Chúng ta phải sống thế nào để cho dù các sách Tin Mừng trên khắp thế giới có bị đốt hết đi thì người ta nhìn vào cuộc sống chúng ta vẫn có thể chép lại Tin Mừng ấy đúng từng câu, từng chữ”.
Lý do hiện hữu của cây đèn là để soi sáng. Vậy khi cây đèn không soi sáng nữa, thì nó không còn phải là cây đèn nữa. Cũng thế, lý do hiện hữu của người Kitô hữu là phải tỏa sáng niềm tin của chúng ta, để cho người khác, nhờ ánh sáng đó mà được dẫn đưa đến chân lý và hy vọng. Việc làm chứng cho Đức tin trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, không phải là một việc làm tùy ý, nhưng đó là một đòi hỏi tất yếu, bao trùm tất cả cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho mọi Kitô hữu luôn ý thức tầm quan trọng của việc sống niềm tin; và quyết tâm sống niềm tin ấy, để mỗi người trở thành những ngọn đèn được thắp sáng giữa môi trường mà chúng ta đang sống.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Xưa nay, bản tính con người thường “tốt khoe xấu che”. Câu thành ngữ này nhiều khi bị hiểu lệch lạc. Một cô gái ăn mặc phô trương, hở hang, họ cũng áp dụng câu “tốt khoe xấu che” để mỉa mai. Một người có tài năng, trình bày hay phổ biến kiến thức cho người khác hiểu, người ta cũng áp dụng câu nói này để có ý nói rằng anh này “nổ, phét”.
Xét kỹ lại, câu thành ngữ này cũng có cái diễn tả không tốt. Ví như đi học mà giấu cái xấu, cái dốt của mình thì sẽ dốt mãi. Không biết thì phải hỏi, chưa thông thì phải học. Cứ giấu cái không biết của mình thì muôn đời không biết. Mà đã không biết thì hay cãi ngang, nói ngược, ra vẻ như là biết. Cuối cùng cũng ôm cái dốt vào mình mãi.
Con người chân thật thì họ sống chân thật, không cần phải khoe khoang hay cũng không cần phải giấu giếm. Đức tính chân thật phải là đức tính căn bản của con người. Câu thành ngữ “tốt khoe xấu che” đã ăn sâu vào văn hoá chúng ta, nên chúng ta dễ biến mình thành người không thật, hay khoe khoang quá lố, hoặc là biến mình thành kẻ giả dối, che đậy cái dốt và thậm chí giả tâm của chúng ta.
Chúa Giêsu muốn chúng ta là con cái ánh sáng. Mà thực sự chúng ta là con cái sự sáng. Cuộc sống chúng ta phải như ngọn đèn cháy sáng. Đức tin của chúng ta phải như chất dầu để duy trì ngọn lửa đó cháy mãi. Mà ánh sáng thì phải toả ra cho mọi người. Dầu phải nguyên chất, ánh sáng phải bền bỉ, ngọn đèn chúng ta mới toả rạng. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ là chúng ta phải là người chủ động đặt ngọn đèn đó trên giá cao. Phải toả rạng đức tin của chúng ta ra bằng việc làm. Mỗi việc làm tốt, mỗi hành động bác ái, mỗi hoạt động xả thân phục vụ, mỗi ngày sống mà thánh thiện, đó là lúc ngọn đèn chúng ta được đặt trên giá cao cho mọi người nhận biết chúng ta đang sống như là con cái sự sáng, con cái của Chúa.
Quả thực, sống điều này không hề dễ dàng. Thánh Giacôbê đã nói: đức tin không việc làm là đức tin chết. Thánh Phaolô nói rằng, là con cái sự sáng thì khi làm gì thì cũng phải “nên mọi sự cho mọi người”. Có khi chúng ta hèn nhát không dám nhận mình là con cái sự sáng, có khi chúng ta kiêu căng quá độ không hoà hợp được với ai, có khi chúng ta che giấu tài năng của mình không chịu phục vụ vì sự tính toán.
Lạy Chúa Giêsu, trong đời sống đức tin, nhiều lúc chúng con nhận thấy mình kém cỏi. Chúng con hay so nài tính toán hơn thiệt, khiến cho bao nhiêu công việc của Giáo hội bị ngưng trệ, khiến cho ý Chúa không được thi hành. Chúng con thành tâm ăn năn, xin Chúa thương tha lỗi cho chúng con. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien