15.01.2022 – Thứ Bảy Tuần I Thường Niên
Lời Chúa: Mc 2, 13-17
Đức Giêsu lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giêsu và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu đã tha tội cho anh bất toại.
Và chuyện này đã bị các kinh sư coi là phạm thượng (Mc 2, 6).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngài lại tiếp tục bị tấn công,
vì làm những điều dưới mắt các kinh sư là gai chướng.
Trước hết là việc chọn ông Lêvi vào số các môn đệ.
Như bốn môn đệ đầu tiên, khi được gọi Lêvi cũng đang làm việc.
Lúc đó ông đang ngồi nơi bàn thu thuế, bận bịu với tiền bạc và sổ sách.
Ánh mắt của Thầy Giêsu chụp lấy ông và lôi cuốn ông.
Lời mời của Thầy thật rõ ràng và ngắn gọn: “Anh hãy theo tôi.”
Lêvi có ngỡ ngàng không?
Ông đang làm một nghề bị mọi người coi là ô uế
vì phải tiếp xúc với dân ngoại và dính dáng đến dối trá tham lam.
Ông bị coi là tội nhân, bị gạt ra khỏi cộng đoàn Dân Chúa.
Bây giờ ông được Thầy mời vào nhóm môn đệ của mình
Đức Giêsu có liều lĩnh không?
Ngài có sợ uy tín nhóm bị giảm sút vì sự có mặt của Lêvi không?
Đức Giêsu không định thành lập một nhóm gồm toàn những người hoàn hảo,
nên ngài đã chọn sự có mặt của Lêvi.
Như thế ranh giới giữa “môn đệ” và “tội nhân” đã bị xóa.
Môn đệ chính là tội nhân được kêu gọi để chia sẻ tình bạn và sứ vụ.
Lêvi diễn tả niềm vui của người được gọi bằng một bữa tiệc,
trong đó ông mời các bạn bè đồng nghiệp đến để chia tay.
Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.
Ngài đã vui vẻ nhận lời, đã đến nhà và ăn với họ, dù đây là điều bị cấm.
Để biện minh cho thái độ này, ngài coi tội nhân như người đau ốm.
Người đau thì cần thầy thuốc, cần sự lại gần để săn sóc của lương y.
Họ cần chữa lành và đón nhận, chứ không cần phán xét và lên án.
Đức Giêsu chính là vị lương y đến để kêu gọi người tội lỗi (c. 17).
Nhưng có ai trong chúng ta lại không là tội nhân?
Có ai trong chúng ta lại công chính thánh thiện
đến độ không cần phải sám hối (Mc 1, 15)?
Hôm nay Đức Giêsu vẫn đi ngang qua đời tôi, tưởng như tình cờ,
vẫn thấy tôi và gọi tôi, vẫn mời tôi ra khỏi chỗ ngồi vững chãi của mình,
và bỏ lại tất cả sau lưng.
Xin được như Lêvi đứng lên ngay để theo Ngài.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.” (Mc 2,14)
Câu chuyện minh họa:
Một câu chuyện tưởng tượng như sau:
Sau khi hoàn tất sứ mạng trần gian, Chúa Giêsu trở về trời và được thiên thần Gabriel ra tiếp đón. Gặp Chúa, thiên thần lên tiếng hỏi ngay: Lạy Chúa, xin Chúa cho biết công trình của Chúa sẽ được tiếp tục như thế nào ở dưới thế? Chúa Giêsu đáp: Ta đã chọn 12 tông đồ và Ta đã trao phó cho họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng bờ cõi trái đất. Nghe Chúa trả lời như thế, thiên thần Gabriel hình như chưa hoàn toàn thoả mãn nên hỏi tiếp: Nếu chẳng may họ thất bại thì Chúa có dự tính chương trình nào khác nữa không? Chúa Giêsu mỉm cười: Ta không dự tính một chương trình nào khác, Ta tin tưởng ở họ.
Suy niệm:
Ơn gọi của Lêvi không giống như những tông đồ khác, ông là người tội lỗi công khai, làm nghề thu thuế cho đế quốc Rôma. Đối với những người làm nghề này, bị coi là ô uế. Nhưng đối với cái nhìn của Chúa Giêsu thì khác, Ngài đến để kêu gọi người tội lỗi, vì người tội lỗi cần được hoán cải để nhận được ơn cứu độ. Ngài không nhìn con người theo vẻ bề ngoài nhưng Ngài thấu hiểu tâm hồn của con người. Chúng ta cần sống kinh nghiệm tình thương của Chúa, để chúng ta khám phá tình thương của Chúa dành cho con người, nhất là những người tội lỗi. Việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không phải Người chấp nhận, hay dung thứ tội lỗi, nhưng là cơ hội để họ nhận ra tình thương của Chúa và hoán cải; qua đó, Ngài cũng giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa, nhất là khi chúng con phạm tội, để chúng con mau mắn chỗi dậy và mạnh dạn bước theo Chúa trên mọi nẻo đường.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Lêvi là một người thu thuế. Như chúng ta biết, người thu thuế là hạng người luôn bị người Do Thái coi là tội lỗi. Thế nhưng, khi Chúa Giêsu đi ngang qua một bàn thu thuế, nơi mà Lêvi đang làm việc, Người cất tiếng mời gọi ông “Hãy theo Ta”.
Khi mời gọi Lêvi theo mình, mặc nhiên Chúa đã quên cái dĩ vãng tội lỗi của ông. Sự tha thứ ấy còn được thể hiện qua việc: Chúa nhận lời dùng bữa tại nhà ông và đồng bàn với những người thu thuế khác. Với Chúa Giêsu thì như thế đó, còn đối với những luật sĩ và biệt phái, thì họ lại hạch sách Chúa về việc Người đồng bàn với những kẻ tội lỗi.
Kiểm điểm lại cuộc sống của chúng ta, có lẽ chúng ta sẽ thấy có ít nhiều lần mình cũng đã cư xử với những người sống chung quanh giống như những luật sĩ và biệt phái đối với những người thu thuế. Chúng ta không chịu tha thứ cho những người đã xúc phạm đến mình, trong khi đó, chúng ta lại muốn Thiên Chúa tha thứ cho mình. Nhưng Chúa chỉ tha thứ, khi chúng ta biết tha thứ cho người khác. Đây là điều mà chúng ta vẫn thường xin trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con”.
Như vậy, càng tha thứ nhiều thì chúng ta lại càng nhận được nhiều ơn tha thứ của Chúa. Và càng cảm nghiệm được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta lại càng được mời gọi tha thứ nhiều hơn.
Trong thánh lễ, chúng ta hãy cầu xin cho mình biết cảm nghiệm được tình yêu tha thứ của Chúa, để chúng ta dễ dàng tha thứ cho nhau. Đó chính là yếu tố kiến tạo hoà bình đích thực.
Lạy Chúa Giêsu, khi đến trần gian, Chúa đã tuyên bố lý do Chúa đến trần gian chính là vì những người tội lỗi. Xin cho chúng con là những người tội lỗi, biết mạnh dạn đến với Chúa bằng lòng thống hối, hầu chúng con có thể được hưởng lòng yêu thương tha thứ của Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien