13.01.2022 – Thứ Năm Tuần I Thường Niên
Lời Chúa: Mc 1, 40-45
Có người bị phong hủi đến gặp Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh sạch đi !” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh : “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
Suy niệm:
Đây là quy chế người mắc bệnh phong theo sách Lêvi (13, 45-46).
Người ấy phải mặc quần áo rách, để tóc bù xù, che môi trên,
phải vừa đi vừa kêu lên : “Ô uế ! ô uế !” để người ta biết mà tránh xa.
Người phong phải ở một mình, phải ở một chỗ bên ngoài trại…
Như thế từ xa xưa, người ta đã biết đến sự dễ lây lan của bệnh phong
và ảnh hưởng nguy hiểm trên thân xác do chứng bệnh này.
Để được chứng nhận là đã khỏi bệnh, người phong phải trình tư tế,
phải qua một quá trình phức tạp để thanh tẩy trong tám ngày,
và phải dâng những con vật bị sát tế để làm lễ xá tội (Lêvi 14).
Người phong trong bài Tin Mừng hôm nay đã không giữ Luật Môsê.
Anh dám lại gần Đức Giêsu, dám tin ngài có khả năng làm anh được sạch,
mặc dù theo truyền thống Kinh Thánh,
chỉ Thiên Chúa mới làm được chuyện đó.
Đức Giêsu vì thương anh, nên cũng đã làm điều không được phép.
Ngài dám đưa bàn tay ra và đụng đến anh,
đụng đến da thịt nhơ uế của anh, đến chính phận người hẩm hiu của anh,
dù chỉ một lời của ngài thôi cũng đủ làm anh khỏi bệnh.
Cái đụng của bàn tay Đức Giêsu đã không làm ngài bị ô uế.
Trái lại, nó đã đem lại sự thanh sạch cho anh bị phong.
Để làm phép lạ chữa bệnh rất lừng lẫy này, Đức Giêsu đã phải trả giá.
Người phong khi được khỏi, đã không tránh được chuyện rêu rao.
Vì thế người ta đổ xô nhau tới khiến ngài phải ở ngoài thành.
Khi người khỏi bệnh vào được thành thì Đức Giêsu lại phải ở hoang địa !
Thái độ chạnh lòng thương và đụng đến người phong của Đức Giêsu
đã gợi hứng cho nhiều tâm hồn noi gương bắt chước.
Tại nhiều trại phong ở Việt Nam, ta thấy bóng dáng của các nữ tu.
Họ ở trại phong Bến Sắn, Di Linh, Quy Hòa, Văn Môn…
Nhiều nữ tu đã hiến dâng tuổi trẻ của mình để phục vụ người phong,
đụng đến những vết thương tàn phế nơi thân xác họ.
Các chủng sinh Miền Bắc cũng đã quen tiếp xúc với người phong,
ở lại với họ, săn sóc và chia sẻ thân phận của họ.
Giáo hội Công giáo sung sướng được phục vụ người phong ở khắp nơi,
và coi đây như một nét đặc trưng của khuôn mặt Giáo hội.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Ngài chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” (Mc 1,41)
Câu chuyện minh họa:
Người cha của một gia đình ở Idaho mới trở thành Kitô hữu. Ông nói về Chúa Kitô mỗi lần có dịp. Ngày kia, người láng giềng vô thần thử ông với một câu hỏi: “Thực sự anh có biết gì về Đức Kitô không?”. Người đạo mới trả lời: “Có, tôi biết”. Người vô thần hỏi: “Người sinh ra bao giờ?”. Người đạo mới không biết chắc. Tới câu hỏi khác: “Người chết lúc Người bao nhiêu tuổi?”. Một lần nữa, người đạo mới của Đức Kitô không trả lời được. Quả thực câu trả lời của ông quá yếu không xác thực đối với các câu hỏi của người lối xóm. Cuối cùng người vô thần la lên “Coi, anh chẳng biết gì về Đức Kitô, phải không?”. Người đạo mới trả lời quả quyết: “Tôi biết ít lắm. Nhưng tôi biết điều này: hai năm trước đây, tôi nằm đường, nằm chợ, tôi say sưa, tôi mắc nợ ngập đầu. Hai năm trước đây vợ tôi ít khi mỉm cười. Thấy bóng tôi các con tôi sợ hãi. Nhưng ngày nay, tôi là một người đàn ông tiết độ. Tôi sạch nợ và còn đủ tiền để mua một căn nhà mới. Ngày nay, vợ tôi thường tươi cười, các con tôi chạy lại đón chào tôi. Chúa Kitô đã làm cho tôi tất cả những điều ấy. Đó là điều tôi biết”.
Suy niệm:
Người đạo mới này đã nhận ra Chúa bằng việc cảm nhận tình thương của Chúa trong cuộc đời anh. Cũng giống như người bị phong cùi trong Bài Tin mừng hôm nay, anh ta không biết nhiều về Chúa Giêsu nhưng anh chỉ biết Chúa đã chữa lành anh. Vì thế, anh ra đi và loan truyền về Người.
Trong cuộc sống, có biết bao lần Chúa Giêsu đã chữa lành chúng ta, nhưng chúng ta có nhận ra hay không? Có biết bao lần Người đã thay đổi cuộc đời chúng ta, chúng ta có cảm nhận được không? Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta có cảm nhận Chúa ở rất gần chúng ta không?
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa qua từng biến cố của cuộc đời con, nhất là những lần Ngài đã chạm vào con, chữa lành con để con sống tốt và yêu mến Chúa nhiều hơn.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Không ai vừa có được niềm vui lớn lại đem chôn giấu trong lòng. Đây chính là trường hợp của người bị bệnh cùi được Chúa Giêsu chữa lành. Bệnh cùi là căn bệnh vô phương cứu chữa vào thời Chúa Giêsu, nên người bị bệnh cùi rất đau khổ về tinh thần và thể xác. Họ phải mang căn bệnh này cho đến chết. Vì thế, việc được chữa lành bệnh cùi là một niềm vui khôn tả, không thể che giấu được. Như thế, chúng ta hiểu hành động của người bị bệnh cùi được Chúa Giêsu động lòng thương chữa lành. Vì thế, cho dẫu Chúa Giêsu đã ngăn cấm người được chữa lành bệnh cùi không được nói cho ai biết, thì Chúa cũng cảm thông cho người này vì không nghe theo lời ngăn cấm của Chúa.
Người bị bệnh cùi nhận được niềm vui không phải từ một người nào khác, nhưng là nhận được từ chính tình thương của Chúa Giêsu, một niềm vui ngoài sức tưởng tượng, ngoài sự chờ đợi của một người đã hoàn toàn tuyệt vọng. Niềm vui do chính Chúa ban đã làm cho anh ta ra đi loan truyền niềm vui được Chúa ban tặng, và giới thiệu Chúa cho những người khác.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn cảm nhận được niềm vui khi nghe Lời Chúa, khi đón nhận Mình Thánh Chúa, khi được Chúa tha thứ tội lỗi, để thúc đẩy chúng con con đảm ra đi chia sẻ niềm vui của Chúa ban cho anh chị em của mình. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien