03.1.2022 – Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh
Lời Chúa: Mt 4, 12-17.23-25
Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilê. Người rời bỏ Nazareth, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng:
“Hỡi đất Giabulon và đất Naptali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilê của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần đến”.
Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilê, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng Nước Trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilê, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan.
Suy niệm:
Từ sau lễ Hiển Linh đến lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa,
Giáo Hội cho chúng ta đọc các bài Tin Mừng về việc Chúa tỏ mình.
Mỗi bài là một dịp Chúa tỏ mình cho Dân của Người.
Bài đọc hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình lần đầu tiên
tại Galilê, vùng đất có nhiều người ngoại giáo sinh sống.
Ngài tỏ mình tại Caphácnaum, một tỉnh lớn chuyên đánh cá gần hồ Galilê,
tỉnh này nằm trong địa giới của chi tộc Naptali ngày xưa.
Thánh Mátthêu thấy việc tỏ mình này làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia:
“Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng,
những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần
nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1).
Như thế Đức Giêsu chính là ánh sáng rực rỡ xua tan bóng tối,
Người nâng dậy những ai đang ngồi trong cảnh chết chóc, tối tăm.
Phần sau của bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy điều đó (Mt 4, 23-25).
Đức Giêsu đã đi khắp vùng Galilê để làm ba việc:
dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh nhân.
Thật ra việc dạy dỗ và việc rao giảng có thể coi là một,
nếu thế chương trình hành động của Đức Giêsu sẽ gồm giảng dạy và chữa bệnh.
Dù giảng dạy hay chữa bệnh, Đức Giêsu chỉ muốn một điều
đó là làm vơi nhẹ gánh nặng của những người đang đau khổ.
Đức Giêsu loan báo Nước Trời đã đến gần (Mt 4, 17),
và Người chứng tỏ cho thấy Nước ấy đã đến thật rồi
qua việc chữa lành moi bệnh hoạn tật nguyền của dân.
Cách đây hai ngàn năm, đã có những người bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt.
Ngày nay, dù khoa học tiến bộ, nhưng bệnh tật vẫn không tha con người.
Y khoa vẫn phải đối mặt với những chứng bệnh mới, chưa có thuốc chữa.
Con người không bị ám bởi quỷ, nhưng bởi những sản phẩm do mình làm ra.
Làm thầy dạy và làm lương y là hai nghề đặc biệt
tiếp nối công việc ngày xưa của Thầy Giêsu,
để loan báo cho thế giới hôm nay về sự sống, ánh sáng và hy vọng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con,
xin cho những người nghèo khổ được no đủ.
Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,
xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện
với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.
Vì Chúa bị kết án bất công,
xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.
Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng,
xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.
Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề,
xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.
Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh,
xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.
Vì Chúa dang tay chết trên thập giá,
xin cho đất nối lại với trời,
con người nối lại mối dây liên đới với nhau.
Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ,
xin cho chúng con biết đón lấy đời thường
với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,17)
Câu chuyện minh họa:
Người Hồi giáo có chuyện sau đây: Ngày kia Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy. Ngài bảo: “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian.”
Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm mang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói: “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn.”
Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp 4 phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người ấy giải thích: “Tôi đã chìu theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói: “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu.
Suy niệm:
Hành vi sám hối dẫn con người tới ơn cứu độ, sám hối khi con người ý thức mình đi lệch đường và quay về đường ngay nẻo chính.
Đó cũng là sứ mạng của Chúa Giêsu khi đến trần gian và cũng là sứ mạng của mỗi người chúng ta. Chúng ta được mời gọi mang ánh sáng đến những vùng tối tăm. Ánh sáng đó là Chúa Kitô, Ngài đến thiết lập Nước Trời trên trần gian này. Nước ấy chứa đựng chân lý và tình yêu. Ngày nay thế giới tràn ngập những lọc lừa, giả dối, hận thù… Vì thế rất cần ánh sáng chân lý chiếu giãi. Do đó, những Kitô hữu phải là ánh sáng và chiếu rọi ánh sáng cho những vùng chưa nhận biết Chúa, bằng đời sống đức tin và đời sống chứng tá.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mở lòng đón nhận ánh sáng Chúa và chiếu tỏa ánh sáng ấy trong môi trường chúng con sống và phục vụ.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Bài Tin mừng hôm nay phác họa một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Có một luồng ánh sáng từ trời chiếu tỏa, bao phủ khắp mọi ngóc ngách của nhân gian, cách riêng trên khắp đất nước Palestine. Những nơi tưởng chừng tối tăm nhất, ít người để ý nhất lại là nơi được nhắc tên, và được người ta thấy nhờ những tia sáng từ trời cao. Chúa Giêsu là ánh sáng, đi đến đâu, Người thi ân giáng phúc nơi đó: Người “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân”, kể cả những thân phận bị đẩy vào bóng tối của sự nguyền rủa, cách ly với xã hội: “những người bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt”.
Như thế, không ai bị loại bỏ khỏi chương trình rao giảng Tin mừng của Chúa. Chúa chữa lành và cũng loan báo một thông điệp: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.
Hình ảnh “Nước Trời đến gần” thôi thúc một cơ hội nào đó trong hành trình cuộc đời của mỗi người. Những việc làm tốt đẹp của Chúa chứng tỏ sự hiện diện lớn lao của Vương quốc Thiên Chúa thế nhưng vương quốc ấy vẫn mở rộng đón chờ hầu con người có cơ hội dự phần.
Khi đợi một chuyến xe đi qua, người ta mong ngóng, sắp xếp thời gian, để khi xe đến thì sẵn sàng lên tàu. Khi biết sắp đến giờ xe tới thì họ sẵn sàng đứng ở trạm xe mà đón. Sự kiện “đến gần” thôi thúc con người phải hành động, biết rằng còn giờ nhưng cũng không còn nếu không chuẩn bị nhanh chóng.
Vì thế, sứ điệp “anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”, một lần nữa thức tỉnh tâm hồn mỗi người. Sống trong những ngày sau lễ Giáng Sinh, Hiển Linh, thực tế là sau hơn 2.000 năm, chúng ta có thực sự thôi thúc lòng mình được sám hối, được biến đổi? Chúa chữa lành và thi ân giáng phúc, đem lại biết bao dấu chỉ của hồng ân trong cuộc đời để cho người ta thấy sự việc “gần tới” và rất gần của Nước Trời. “Rất gần” không có nghĩa là mất cơ hội, nhưng mời gọi mỗi người nhanh chóng, bỏ đi những đam mê tiền của, thú vui của trần gian để sẵn sàng đón Chúa đến.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì nhiều lần trong đời, Chúa cho chúng con cơ hội để sám hối, làm lại cuộc sống. Xin Chúa đừng để chúng con lìa xa Chúa bao giờ. Amen.