25.12.2021 – Thứ Bảy Thánh Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh
Lời Chúa: Ga 1, 1-18
Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Ðiều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gioan.
Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.
Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
Còn những ai đón nhận,
tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.
Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
Ông Gioan làm chứng về Người, ông tuyên bố:
“Ðây là Ðấng mà tôi đã nói:
Người đến sau tôi,
nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Ðức Giêsu Kitô mà có.
Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ;
nhưng Con Một là Thiên Chúa
và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
Suy niệm:
Trong ngày đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh,
Giáo Hội cho chúng ta nghe Lời mở đầu Tin Mừng theo thánh Gioan.
Lời mở đầu này là một bài ca về sự cao trọng vô song của Ngôi Lời.
Ngôi Lời là Đấng vĩnh hằng, đã hiện hữu từ nguyên thủy.
Ngài là Thiên Chúa, là Con Một luôn hướng về Thiên Chúa Cha (c. 1).
Tương quan giữa Thiên Chúa và Ngôi Lời là tương quan giữa Cha với Con.
Thiên Chúa Cha đã muốn Ngôi Lời cộng tác trong việc tạo dựng vũ trụ.
Nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành (cc. 3, 10).
Chẳng có thụ tạo nào hiện hữu mà lại không được dựng nên bởi Ngôi Lời.
Dù khác nhau về màu da, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo…
mỗi con người đều mang trong mình Sự Sống của Ngôi Lời.
Sự Sống ấy là Ánh Sáng vẫn chiếu soi cả nhân loại (c. 4),
và soi chiếu lương tâm từng con người, chẳng trừ ai (c. 9),
bất chấp sức mạnh gớm ghê của bóng tối (c. 5).
Rồi khi đến thời viên mãn, vì quá yêu thương con người trầm luân
Thiên Chúa đã sai Ngôi Lời, Con Một của Ngài vào trần gian để cứu độ.
Ngôi Lời vĩnh cửu đã trở nên người phàm, mang tên Giêsu,
mang thân xác giới hạn như chúng ta, sống trong dòng lịch sử,
và ở giữa chúng ta trên cùng một trái đất (c. 14).
Đấng Tạo thành vạn vật bây giờ trở nên một thụ tạo bé nhỏ,
được sinh ra, được bú mớm, từ từ lớn lên và trưởng thành.
Đấng Tạo thành vạn vật nay sẽ là Đấng Cứu độ loài người,
để ai tin vào Ngài thì Ngài cho họ quyền làm con cái Thiên Chúa (c. 12).
Khi vâng ý Cha chấp nhận nhập thể và nhập thế,
Ngôi Lời đã cúi xuống bắc cầu nối kết Thiên Chúa với con người,
để đưa con người vào sống tình thân với Thiên Chúa.
Chưa bao giờ và mãi mãi về sau,
chẳng bao giờ có một Vị Trung Gian cứu độ nào tuyệt vời đến thế.
Vì chỉ mình Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là một con người thật.
Mừng lễ Giáng Sinh là mừng đại lễ Thiên Chúa đến cứu con người.
Thiên Chúa Cha không muốn cứu độ nhân loại bằng cách chỉ phán một lời.
Ngài muốn tặng cho ta món quà cao quý là chính Người Con duy nhất.
Chẳng ai thấy tận mắt hay biết rõ Thiên Chúa bao giờ.
Nhưng nơi Đức Giêsu, chúng ta được quen biết và gặp gỡ Thiên Chúa.
Vì duy chỉ mình Ngài là Con hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha (c. 18).
Lễ Giáng Sinh đem lại niềm vui cho toàn thể thế giới con người.
Vì Con Thiên Chúa đã mang phận người vất vả, long đong,
nên đời người, dù đổ vỡ khổ đau, cũng có ý nghĩa, và đáng sống.
Vì Con Thiên Chúa đã mang khuôn mặt, và thân xác con người,
nên bất cứ ai là người, đều mang hình ảnh của Con Thiên Chúa.
Vì Con Thiên Chúa đã cư ngụ trên trái đất nhỏ xíu này của chúng ta,
đã sống nhờ không khí, nước và thức ăn của trái đất này,
nên trái đất này thật là thế giới linh thánh, cần trân trọng.
Lễ Giáng Sinh bao giờ cũng mời ta nhìn lại đời mình,
nhìn lại khuôn mặt những người chung quanh, nhìn lại trái đất mình sống,
với lòng kính trọng, vui sướng, và biết ơn.
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại.
Ước gì tôi biết đưa hai tay ra để đón lấy quà tặng cao quý ấy.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi làm người, Chúa đã nhận trái đất này làm quê hương,
và đã ban cho chúng con như một quà tặng tuyệt vời.
Nếu rừng không còn xanh, suối không còn sạch,
và bầu trời vắng tiếng chim.
thì đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã đến làm người để tôn vinh phận người,
vậy mà thế giới vẫn có một tỷ người đói,
bao trẻ sơ sinh bị giết khi chưa mở mắt chào đời,
bao kẻ sống không ra người, nhân phẩm bị chà đạp.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đến đem bình an cho người Chúa thương,
vậy mà trái đất của chúng con chưa một ngày an bình.
Chiến tranh, khủng bố, hận thù ở khắp nơi.
Người ta cứ giết nhau bằng thứ vũ khí tối tân hơn mãi.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu ở Bêlem,
Chúa đã cứu độ thế giới bằng tình yêu khiêm hạ,
nhưng bất công, ích kỷ và dối trá vẫn có mặt trên địa cầu.
Chúa đến đem ánh sáng, nhưng bóng tối vẫn tràn lan.
Chúa đến đem tự do, nhưng con người vẫn bị trói buộc.
Đó là lỗi của chúng con.
Vì lỗi của chúng con, chương trình cứu độ của Chúa bị chậm lại,
và giấc mơ của Chúa sau hai ngàn năm vẫn chưa thành tựu.
Mỗi lần đến gần máng cỏ Bêlem,
xin cho chúng con nghe được lời thì thầm gọi mời của Chúa
để yêu trái đất lạnh giá này hơn,
và xây dựng nó thành mái ấm cho mọi người.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14)
Câu chuyện minh họa:
Có một chuyện ngắn, mang tựa đề là “Người khách cuối cùng”, tôi xin được tóm tắt như sau:
Thôn ấp Bêlem còn chìm trong bóng tối. Hài nhi Giêsu còn thiếp ngủ trong máng cỏ. Bỗng cửa chuồng bò mở ra. Một bà lão xuất hiện. Thân hình gầy guộc. Nước da nhăn nheo. Áo quần rách rưới. Maria nhìn bà lão bằng cặp mắt canh chừng, lo âu và thoáng một chút sợ hãi. Bà lão tiến lên, tiến lên nữa, đến tận máng cỏ. Rất may là Hài nhi Giêsu vẫn còn ngủ yên. Nhưng rồi bất ngờ, đôi mắt Hài nhi Giêsu khẽ mở và nhìn bà lão. Maria càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy cặp mắt của bà lão giống hệt cặp mắt của Hài nhi Giêsu, vì cả hai cùng sáng lên một tia hy vọng. Bà lão nghiêng mình trên máng cỏ. Bàn tay thọc sâu vào trong túi. Dường như bà lão lấy ra một vật gì đó, rồi đặt xuống bên cạnh Hài nhi Giêsu. Maria thắc mắc không hiểu là vật gì.
Yên lặng một lúc, bà lão đứng lên và cất bước. Như có một sức mạnh thần bí thúc đẩy, bà lão bước đi nhanh nhẹn. Lưng không còn còng xuống và nét mặt lấy lại được vẻ tươi trẻ. Bà lão mất hút trên khoảng đồi xa xa. Bấy giờ, ngọn gió không còn lạnh cóng vì hừng đông đã ló dạng. Maria lại gần bên máng cỏ xem bà lão đã để lại vật gì. Maria vô cùng ngạc nhiên và kêu lên:
– Ôi, một quả táo vàng.
Bà lão ấy là hình ảnh tượng trưng cho Evà, đã trao lại cho Hài nhi Giêsu quả táo của tội lỗi đầu tiên. Và giờ đây, Hài nhi Giêsu đang cầm trên tay như cầm một trái cầu nhỏ, cho một thế giới mới xuất hiện.
Suy niệm:
Tội nguyên tổ đã ảnh hưởng trên tất cả chúng ta, mọi người đều lãnh án đau khổ và chết. Từ tội nguyên tổ ấy sinh ra nhiều thứ tội lỗi nơi con người: Cain, tháp Babel, cho đến tội của mỗi người. Do tội lỗi, con người tự đẩy mình xa rời Thiên Chúa. Tội lỗi phá đổ mối dây hiệp thông và tạo nên một vực thẳm ngăn cách con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Thế nhưng, vì tình yêu nhân loại, Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm nhỏ bé, sinh ra nơi hang đá nghèo hèn, mặc lấy thân phận yếu hèn như chúng ta, Ngài cúi xuống thật gần với con người để nâng con người sa ngã lên. Ngài đã cứu độ chúng ta bằng con đường tự hạ, tự hủy mình ra không. Ngài đã đến kéo con người ra khỏi vực thẳm, phá đổ bức tường ngăn cách, và dẫn con người về với nguồn ơn cứu độ.
Hiểu được ý nghĩa đó, mỗi người chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân Chúa đang tuôn tràn trên mỗi người qua mầu nhiệm nhập thể, và trao ban cho tha nhân bằng những hành vi chia sẻ, những lời cảm thông, và những cách đối xử đầy tình người hơn.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra tình yêu vô biên của Chúa đang đến với con người qua mầu nhiệm nhập thể, không những thế, Người đến với chúng con qua nhiều cách thức, nhất là nơi những người nghèo khổ đang cần đến chúng con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta không dừng lại ở khung cảnh bên ngoài với những bài thánh ca, với những hang đá, máng cỏ được trang hoàng rực rỡ, mà phải suy nghĩ và tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của việc Thiên Chúa nhập thể làm người.
Thánh Gioan là người hiểu rõ ý nghĩa của mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể. Vì thế, ngài không dừng lại ở hiện tượng bên ngoài qua việc mô tả sự kiện Thiên Chúa nhập thể làm người. Nhưng ngài cho thấy biến cố Thiên Chúa nhập thể làm người là cả một công trình cứu độ nhân loại.
Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan nhìn thấy nơi máng cỏ, nơi biến cố Thiên Chúa giáng sinh, là cả một công trình sáng tạo mới, một thế giới mới. “Lúc khởi đầu” là những từ đầu tiên của sách Sáng thế nói đến việc Thiên Chúa tạo dựng vạn vật và làm ra lịch sử. Như vậy, khi dùng cụm từ “lúc khởi đầu”để bắt đầu nói về Tin Mừng của Chúa Giêsu và gợi lên việc Người sinh ra, rõ ràng thánh Gioan muốn nói với chúng ta rằng: việc Chúa giáng sinh là bắt đầu một sáng tạo mới, một lịch sử mới, không phải là để thay thế lịch sử và sáng tạo cũ, nhưng là làm cho chúng nên mới mẻ và trọn hảo.
Chính vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan nhắc đi nhắc lại vấn đề ánh sáng, sự sống, sung mãn, vinh quang. Đây là những điều mà sách Sáng Thế đã đề cập tới khi nói về việc Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất. Cũng như sách Sáng thế, tất cả đều quy hướng vào việc dựng nên con người, bài Tin Mừng hôm nay cũng hướng về việc “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật”. Như vậy, Tin Mừng hôm nay hướng chúng ta tới một cái nhìn sâu sắc về biến cố Chúa giáng sinh. Nơi Hài nhi mới sinh trong máng cỏ đó là cả một công trình sáng tạo mới của Thiên Chúa, để đi vào một thế giới mới, một lịch sử mới, một sự sống mới mà Hài nhi thành Belem mang đến cho nhân loại.
Hài nhi Giêsu là ánh sáng thật, là sự sống mới đã đến ở giữa thế gian. Thế nhưng không phải ai cũng có thể nhận ra và đón tiếp ánh sáng, sự sống mới nơi Hài nhi Giêsu. Tin Mừng hôm nay cho thấy: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. Chúa Giêsu là ánh sáng, là sự sống đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu đến thế gian là vì nhân loại. Vì thế, đáng lẽ nhân loại phải hân hoan vui mừng đón nhận Người, nhưng nhân loại lại khước từ Người.
Nhân loại khước từ Người là vì nhân loại được sinh ra bởi huyết nhục và xác thịt, nên họ kế thừa những ước muốn của xác thịt. Họ muốn mình thuộc về thế gian, với những suy nghĩ theo thế tục và lối sống chiều theo những ham muốn của xác thịt. Họ muốn xây dựng một hạnh phúc ích kỷ theo ý riêng, một hạnh phúc không thập giá, nghĩa là một hạnh phúc không có sự hy sinh. Vì thế, họ không thể chấp nhận một Thiên Chúa có vẻ đơn sơ, nhỏ bé nơi máng cỏ. Họ không muốn đi theo Đấng nói với họ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
Ai trong chúng ta ít nhiều cũng đã trải qua kinh nghiệm về sự khước từ ánh sáng thật, khước từ sự sống thật. Chúng ta khước từ không phải bởi vì không muốn sống sự sống thật và không muốn ánh sáng thật, nhưng là bởi vì dường như, sống theo đòi hỏi của xác thịt thì dễ hơn. Sống theo đam mê của xác thịt thì không cần phải hy sinh hay từ bỏ. Ngược lại, sống theo đam mê của xác thịt thì dường như đem đến cho con người cảm giác dễ chịu và thích thú hơn.
Thật vậy ngay từ ban đầu, Thiên Chúa tạo dựng con người và cho con người hưởng hạnh phúc thiên đàng với Ngài. Thế nhưng, con người đầu tiên là Ađam-Evà đã chạy theo mời gọi của thế gian và khước từ hạnh phúc thật là được sống hiệp thông với Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự khước từ này không làm gián đoạn hoặc suy giảm tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người. Ngài không ngừng săn sóc và hướng dẫn nhân loại trên đường tiến về sự sống đời đời. Bài trích thư gửi tín hữu Do Thái cho thấy: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh tử”. Như vậy, lễ Giáng sinh cho thấy một công cuộc vĩ đại Thiên Chúa làm để cứu độ nhân loại. Không ai có thể chờ đợi một công cuộc giải thoát nào khác. Tất cả mọi công cuộc trước đây chỉ là tạm thời để chuẩn bị cho biến cố giáng sinh.
Mừng lễ Giáng sinh là mở lòng ra đón nhận một sự sống mới mà Chúa Cứu Thế mang tới. Sự sống này không chỉ là ơn nghĩa giao hoà chúng ta với Chúa, tức là ơn tha tội và yêu mến Thiên Chúa; nhưng sự sống này còn là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua được những cám dỗ của thế gian và xác thịt và sống theo đường lối của Thiên Chúa làm người.
Lễ Giáng sinh cũng là dịp nhắc nhở chúng ta sống mầu nhiệm Nhập thể. Chính nhờ chúng ta mà mầu nhiệm Nhập thể được thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể. Bởi vì, chính nhờ đôi tay của chúng ta mà Thiên Chúa chữa lành. Chính nhờ tiếng nói của chúng ta mà Thiên Chúa nói lời an ủi, khích lệ. Chính nhờ trí óc của chúng ta mà Thiên Chúa làm cho sa mạc nở hoa.
Xin Chúa cho mỗi chúng ta luôn biết nhận ra và sống đúng với ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng sinh.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien