20.12.2021–Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng
Lời Chúa: Lc 1, 26-38
Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”
Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Suy niệm:
Cách đây gần chín tháng, chúng ta đã nghe đọc bài Tin Mừng này
vào lễ sứ thần Gabrien Truyền Tin cho Đức Mẹ.
Hôm nay chúng ta nghe đọc lại bài này trong bầu khí rộn ràng
của những ngày gần đại lễ Giáng Sinh.
Các sách Tin Mừng không nói nhiều về thời gian Đức Mẹ mang thai.
Luca chỉ nói về chuyện Mẹ đi thăm bà chị họ hiếm muộn (Lc 1, 39-45).
Còn Mátthêu nói về chuyện thánh Giuse nằm mộng và được sứ thần mời
đón nhận Maria làm vợ và thai nhi Giêsu làm con của mình (Mt 1, 18-24).
Nhưng thời gian mang thai là một thời gian khá dài và quan trọng,
nhất là đối với người mẹ trẻ sinh con so.
Các bà mẹ mang thai thấy mình như mang một mầu nhiệm,
mầu nhiệm sự sống đang lớn lên mỗi ngày trong lòng dạ mình.
Dần dần mỗi chuyển động của thai nhi
và cả nhịp tim cũng được người mẹ cảm nhận.
Thai nhi trở thành người trọn vẹn
nhờ được dưỡng nuôi trong cái nôi êm ấm của lòng mẹ.
Con Thiên Chúa làm người cũng trải qua một tiến trình như thế.
Ngài không từ trời hiện xuống bất ngờ trong quyền năng,
nhưng Ngài đã là một thai nhi yếu đuối trong lòng Đức Trinh Nữ.
“Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã tạo cho con một thân thể…
Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây,
con đến để thực thi ý Ngài” (x. Dt 10, 5-7).
Con Thiên Chúa đã cất lên tiếng Xin Vâng đối với kế hoạch của Cha.
Tiếng Xin Vâng khiến Ngài chấp nhận hủy mình ra không,
để “trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 7).
Khi trở thành một thai nhi sống nhờ lòng mẹ,
Con Thiên Chúa như cất giấu đi vinh quang chói ngời của thần tính.
Ngài vui lòng đồng hành với mọi con người trên mặt đất
để Ngài thực sự là anh em của họ.
“Tôi đây là nữ tỳ của Chúa.
Xin xảy ra cho tôi như lời sứ thần nói” (c. 38).
Ngay sau tiếng Xin Vâng này, Đức Maria được Thánh Thần ngự xuống,
và Con Thiên Chúa bắt đầu tiến trình làm người ở đời (c. 35).
Ngài từ từ có trái tim, khuôn mặt, vân tay riêng…
Đấng Cứu Độ sung sướng trở nên một sinh linh nhỏ bé,
để nói cho nhân loại biết về sự cao quý của một thai nhi.
Đức Maria trở thành Hòm Bia Thiên Chúa, nơi Ngôi Hai hiện diện.
Chúng ta ít khi nghĩ đến thời gian Mẹ Maria mang thai.
Thời gian cưu mang chẳng bao giờ nhẹ nhàng hay dễ dàng.
Để có thể sinh ra Đức Giêsu cho môi trường ta đang sống,
cũng cần thời gian thai nghén lâu dài và vất vả.
Chúng ta phải mang Ngài trong lòng mình,
kiên nhẫn và chăm chút để Ngài lớn lên, trước khi sinh Ngài cho thế giới.
“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ tôi” (Mc 3, 35).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con gặp được ánh mắt của Chúa
ít là một lần trong đời.
Khi tương lai con đang vững vàng ổn định,
xin hãy nhìn con như Chúa đã nhìn Lêvi
và mời gọi con đứng lên theo Chúa,
bỏ lại tất cả những gì con cậy dựa.
Khi con chẳng còn là mình, vấp ngã như Simon,
xin hãy quay lại nhìn con
bằng ánh mắt xót thương, tha thứ,
để con òa khóc như trẻ thơ.
Khi con khao khát sống cuộc đời hoàn thiện,
xin hãy nhìn con bằng ánh mắt yêu thương
như Chúa đã trìu mến
nhìn người thanh niên giàu có.
Khi con ước mong được thấy khuôn mặt Chúa,
xin Chúa hãy dừng lại và ngước lên nhìn con,
như Chúa đã ngước lên nhìn Dakêu
và cho ông thấy cả tấm lòng bao la bát ngát.
Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy chúng con biết nhìn con người hôm nay
bằng ánh mắt của Chúa.
Chúa động lòng thương
khi thấy bao người yếu đau,
thấy đám đông bơ vơ như chiên không mục tử.
Ánh mắt Chúa thấu suốt lòng người.
Chúa buồn phiền khi thấy có kẻ lòng chai dạ đá,
nhưng Chúa cũng vui
khi thấy bà góa nghèo bỏ vào tất cả.
Đôi mắt Chúa đã từng nhòa lệ
trước cái chết của người bạn thân là Ladarô,
và trước viễn ảnh sụp đổ của thành đô yêu dấu.
Lạy Chúa, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn.
Xin cho con qua cửa sổ ấy mà vào tâm hồn Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
Bấy giờ, Bà Maria nói với sứ thần: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”(Lc 1,38).
Câu chuyện minh họa:
Một nông dân trồng bụi tre nơi góc vườn. Thân tre mỗi ngày mỗi cao lớn, thẳng đuột. Ngày kia, người ấy đến nói với cây cao nhất: “Này bạn, ta cần bạn”. Cây tre nói: “Thưa ông, tôi sẵn sàng, ông cứ sử dụng tôi theo ý ông”
– Được, ta sẽ xẻ anh ra làm đôi.
Nghe thế, cây tre phản đối:
– Xẻ tôi? Sao vậy? Trong vườn có cây nào đẹp hơn tôi đâu? Xin ông đừng… Ông dùng tôi thế nào cũng được, nhưng xin đừng xẻ tôi ra…
– Nếu không xẻ anh ra thì anh chả được việc gì.
Một làn gió nhẹ thổi qua, cây tre cúi đầu thở dài: “Thưa ông, nếu chỉ còn cách đó, thì xin ông cứ làm theo ý ông”.
Người nông dân nói tiếp: “Ta sẽ tước bỏ hết các cành của ngươi”
– Ông tước cành tôi? Như vậy còn gì là vẻ đẹp của tôi? Lạy Chúa, xin ông thương đừng làm thế…
– Nếu không tước cành, anh chả được việc gì.
Gió thổi mạnh hơn. Cây tre quằn quại trong gió và nắng. Rồi nó mạnh dạn thưa: “Thưa ông, xin ông chặt tôi đi”.
Ông chủ nói: “Bạn thân mến, thực thì ta buộc lòng phải làm bạn đau, phải tước cành, khoét đốt bạn; nếu không, ta không thể dùng bạn”.
Cây tre cúi rạp xuống đất nói: “Thưa ông, xin ông cứ việc chặt, dùng tôi theo ý ông”.
Người nông dân chặt tre, tước cành, xẻ đôi và lóc ruột làm thành cái máng chuyển nước từ dòng suối vào cánh đồng. Và sau đó, người nông dân có một vụ mùa bội thu.
Suy niệm:
Cây tre đã để cho chủ làm theo ý chủ và đã đạt được vụ mùa bội thu. Nếu cây tre không được xẻ ra, thì nó sẽ trở thành vô dụng.
Nhờ lòng tin tưởng và phó thác vào tình yêu Chúa, Đức Maria đã dám bỏ mình, xin vâng theo thánh ý Chúa để Ngôi Lời được nhập thể trong thế giới này. Nếu cuộc đời của mỗi chúng ta nhận ra thánh ý Chúa và thực thi trong cuộc đời, thì Chúa sẽ đi vào thế giới hôm nay. Khi Mẹ xin vâng, Mẹ cũng chưa hiểu rõ con đường Chúa muốn nhưng Mẹ tin tưởng để Chúa làm chủ cuộc đời Mẹ. Nhìn vào gương Mẹ, chúng ta có dám thưa tiếng xin vâng ngay trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời không?
Lạy Chúa, xin biến đổi trái tim chúng con để chúng con biết sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc cuộc đời chúng con tưởng chừng như vô vọng.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Đức Maria đã trở nên môn đệ đầu tiên của Chúa, nêu gương cho chúng ta trong biến cố truyền tin, khi người đáp trả lời sứ thần: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”.
Ơn gọi Kitô của Đức Maria được công khai hóa với lời chào của sứ thần: “Kính chào bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà”. Đức Maria được Thiên Chúa cho biết ý định của Thiên Chúa muốn chọn người cho một sứ mệnh cao cả. Phản ứng đầu tiên của Đức Maria là bối rối xao xuyến. Thánh Kinh luôn dùng từ ngữ này để diễn tả phản ứng của con người trước mặc khải của Thiên Chúa, trước lời mời gọi lãnh nhận một sứ mệnh đặc biệt. Đức Maria bối rối vì ý thức sự thấp hèn của mình trước mặt Thiên Chúa, và vì không thấu hiểu phải thực hiện sứ mệnh đó như thế nào: bất ngờ cuộc đời người như được biến đổi hoàn toàn, ngoài những dự tính.
Khi kêu gọi ai, Thiên Chúa muốn có người thực hiện chương trình của Ngài, chứ không phải điều ưng ý riêng của người được chọn, nhưng không vì thế mà người được chọn không còn được tự do. Trong biến cố truyền tin, sau khi sứ thần bộc lộ ý định của Thiên Chúa, Đức Maria thắc mắc: “Việc đó xảy đến thế nào được?”, bởi vì người muốn có một quyết định sáng suốt, đầy ý thức và tự do. Thiên Chúa không phật ý vì sự thắc mắc này, nhưng Ngài đã thực hiện một dấu chỉ chuẩn bị, đó là: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với bà, và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm bà”. Thiên Chúa có đủ quyền năng để bù đắp cho sự thấp hèn của người được chọn, vả lại, sự yếu hèn của con người càng biểu lộ rõ quyền năng của Thiên Chúa, Thiên Chúa chỉ cần cho con người cộng tác để thực hiện chương trình của Ngài. Đức Maria thưa xin vâng, và từ đó cả cuộc đời của người là một tiếng xin vâng liên lỉ, người ý thức từ nay Thiên Chúa là Đấng hoạt động trong người và nhờ người.
Thái độ vâng phục và cộng tác hoàn toàn vào chương trình của Thiên Chúa nơi Đức Maria là mẫu gương cho chúng ta – những môn đệ Chúa Kitô. “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con luôn trung thành thực thi thánh ý Chúa, để góp phần đem ơn cứu rỗi, niềm vui và bình an của Chúa đến cho mọi người. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien