16.12.2021–Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng
Lời Chúa: Lc 7, 24-30
Khi những người do ông Gioan sai đến đã ra về, Đức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan rằng : “Anh em đi xem gì trong hoang địa ? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Hẳn là không! Thế thì anh em đi xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Nhưng kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện. Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó ; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa! Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến !
“Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông. Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính, và đã chịu phép rửa của ông. Còn những người Pharisêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông.”
Suy niệm:
“Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7, 23).
Dưới góc độ nào đó, có thể nói Gioan đã “vấp ngã” vì Đức Giêsu.
Khuôn mặt của Ngài không như những gì ông nghĩ và mong đợi.
Ông ngỡ ngàng vì Đức Giêsu hành động ngược với điều ông trình bày.
Rõ ràng Gioan vẫn thuộc về thời đại cũ.
Nhưng Đức Giêsu tôn trọng vị thế của Gioan,
và đã hết lời ca ngợi ông trước mặt dân chúng.
Gioan đã gây nên một phong trào rộng lớn nhằm canh tân.
Ông sinh ra một cách lạ lùng và sống cũng lạ lùng.
Hoang địa là nơi ông chọn để sống một mình và cất tiếng gọi sám hối.
Tiếng gọi này thu hút đến nỗi người ta kéo nhau đến gặp ông.
“Anh em đi xem gì trong hoang địa ?”
Câu hỏi này được Đức Giêsu nhắc đến ba lần (cc. 24-26).
Gioan hẳn không phải là một cây sậy dễ uốn mình theo mọi chiều gió.
Nếu thế thì ông đã chẳng bị bắt và tống ngục.
Gioan cũng không phải là người ăn mặc sang trọng trong cung.
Ông sống khổ hạnh cả về ăn lẫn mặc (Lc 1, 15; 7, 33).
Nếu hoang địa lôi kéo bao đoàn người háo hức đổ về
thì chỉ vì người ta muốn tìm gặp một vị ngôn sứ.
Dân chúng tin Gioan là vị ngôn sứ mà họ chờ đợi đã lâu.
Họ mong được nghe Thiên Chúa nói sau thời gian dài thinh lặng.
Đức Giêsu khẳng định Gioan còn lớn hơn một ngôn sứ nữa (c.26),
bởi lẽ ông chính là người đi trước dọn đường cho Ngài (c. 27).
Ông thuộc về một thời đại đã qua, nhưng ông giới thiệu về thời đại mới.
Ông là ngôn sứ cao trọng hơn các ngôn sứ của Cựu Ước
vì ông trực tiếp chỉ cho mọi người thấy Đấng Cứu độ.
Dọn đường cho Chúa Giêsu đến là việc chúng ta vẫn phải làm.
Ngài vẫn cần những Gioan mới để mở đường cho Ngài vào,
để trở thành nhịp cầu cho con người thế kỷ 21 gặp và tin.
Chúng ta không thể mặc áo lông lạc đà hay ăn châu chấu.
Chúng ta cũng không vào hoang địa để sống độc thân.
Nhưng lối sống của chúng ta phải khiến người đương thời
đặt những câu hỏi về Đức Giêsu, về vĩnh cửu, về ý nghĩa cuộc sống.
Chấp nhận làm người dọn đường cũng phải chấp nhận thất bại.
Những người bình dân và tội nhân đã tin vào sứ điệp của Gioan (c. 29),
còn những người trí tuệ hơn lại khước từ, không chịu phép rửa (c. 30).
Khước từ Gioan là khước từ ý định cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.
Kitô hữu chúng ta được diễm phúc hơn Gioan
vì được thuộc về Nước Thiên Chúa do Đức Kitô khai mở (c. 28).
Chúng ta đang được hưởng những ân phúc mà Gioan chưa được hưởng.
Gioan chỉ cho dân tộc mình thấy Đấng Cứu Độ,
còn chúng ta được sống tình thân với Đấng Cứu Độ và nên một với Ngài.
Kitô hữu cũng phải chấp nhận sống trong một thứ hoang địa khắc khổ nào đó,
để tiếng kêu của mình dễ được con người hôm nay nghe hơn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu
Xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
Nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
Dễ thấy Chúa hiện diện
Và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
Xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
Khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
Để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
Để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
Vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
Hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Anh em đi xem gì trong hoang địa?…” (Lc 7,24)
Câu chuyện minh hoạ:
Hai anh em cậu bé kia có lần quyết định đào một cái hố sâu phía sau nhà. Khi hai cậu bé đang đào, vài đứa trẻ khác đến xem và hỏi họ đang làm gì. Cậu bé đào hố hào hứng trả lời rằng anh em cậu muốn đào một đường hầm xuyên qua trái đất.
Mấy đứa trẻ cười phá lên, chế giễu anh em cậu. Thế nhưng hai cậu bé vẫn tiếp tục đào.
Một lúc sau, một cậu nhảy từ cái hố đang đào lên mặt đất, tay cầm một cái chai cũ kỹ đầy nhện, sâu bọ, côn trùng đáng sợ và tay kia giơ cao một túi chứa các viên đá xinh xắn đang lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời.
Cậu chỉ cho những đứa trẻ kia xem những viên đá tuyệt đẹp ấy và tự hào nói: “Ngay cả khi không đào được đường hầm xuyên trái đất, thì ít nhất bọn mình cũng có thể tìm được những viên đá đẹp như thế, và mình cũng đã có dịp khuất phục lũ côn trùng gớm ghiếc này!”.
Suy niệm:
Gioan đã thi hành sứ mạng của mình không ngại những gian nan thử thách, kể cả tù đày, và cuối cùng bị chém đầu. Tuy sứ vụ của Gioan không hoàn thành nhưng ngài đã dùng hết sức lực, và khả năng của mình để làm chứng cho Chúa. Ngài sống khắc khổ trong hoang địa, cầu nguyện và chắc hẳn ngài không tránh khỏi những cám dỗ của ma quỷ. Nhưng nhờ sự tỉnh thức cùng với ơn Chúa đã tạo nên sức mạnh giúp ngài thắng vượt sự dữ. Ngài sống và làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống đạo đức, thánh thiện của mình, khiến nhiều người tin và chịu phép rửa.
Lạy Chúa, xin giúp con tránh xa những phồn hoa, những thú vui vật chất đời này, để chỉ tìm kiếm Chúa mà thôi.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Tin Mừng hôm nay nối tiếp bài Tin Mừng hôm qua, lại là một bài Tin Mừng đầy chất vấn. Hôm qua, Chúa không trực tiếp trả lời những câu hỏi của Gioan, Người để cho họ cảm nhận, và về nói lại với thầy mình; thì hôm nay, Chúa lại chất vấn dân chúng. Đồng thời Người cũng nhấn mạnh vai trò của Gioan. Họ nghe tin Gioan rao giảng, và họ cũng đã mục kích Gioan qua cách sống và lời rao giảng của ông.
Gioan mạnh mẽ chứ không yếu đuối, không phải là cây sậy phất phơ trước gió. Ông rao giảng và dám nói thẳng ai phải làm gì, trong hoàn cảnh nào. Kể cả những người biệt phái, kinh sư, Gioan còn dám nói “họ là loài rắn đọc” (x. Mt 3,1-12). Ông mạnh mẽ và cương trục, dám công khai nói và hành động, ông mạnh dạn làm phép rửa sám hối và kêu gọi ăn năn để tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Ông rao giảng và còn giới thiệu Đấng đến sau mình.
Gioan đơn sơ và thanh đạm trong cách sống chứ không xa hoa như những người coi mình là công chính. Ông ăn chay, mặc áo da thú, ở trong hoang mạc, tịnh tâm và thoát khỏi sự ồn ào của thế tục. Một hình ảnh khác xa với giới kinh sư và luật sĩ. Vị tiền hô có lối sống khác với thế giới ngoài kia. Dường như qua cách hỏi tu từ này: “một người gấm vóc lụa là chăng?”, Chúa gián tiếp lên án cách sống xa hoa, giàu có kia. Một cách xa hoa và giàu có đầy ích kỷ!
Đích xác hôm nay, dân chúng được nhìn thấy một vị ngôn sứ, vị ngôn sứ quan trọng nhất. “Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông. Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng công chính và đã chịu phép rửa của ông” (Mt 7,28-29). Ông quan trọng vì ông là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Và chính hôm nay, Đấng Cứu Thế nói về ông – Gioan Tẩy Giả. Ông đến để nói về Đấng Cứu Thế cho mọi người tin theo. Thế mà vẫn có những kẻ cứng lòng: “Còn những người Pharisêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông” (Mt 7,30). Chúng ta suy nghĩ gì? Chúng ta có nằm trong số những người không tin nghe Gioan nói?
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết lắng nghe lời các ngôn sứ, lời mời gọi chúng con quay về với Chúa trong nẻo chính đường ngay. Lời đó chuẩn bị cho chúng con lắng nghe lời của chính Chúa nói với chúng con. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nghe cách chân thành. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien