09.12.2021 – Thứ Năm Tuần II
Mùa Vọng
Lời Chúa: Mt 11, 11-15
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. Cho đến ông Gioan, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến. Ai có tai thì nghe.”
Suy niệm:
Đã từ lâu dân tộc Do Thái không có vị ngôn sứ nào xuất hiện.
Thiên Chúa thinh lặng như chẳng muốn nói với dân Ngài.
Người ta thường coi vị ngôn sứ cuối cùng là Malaki.
Ông sống trước công nguyên gần năm thế kỷ.
Ông đã mạnh mẽ phê phán những bê bối của các tư tế và dân Do Thái
sau khi họ trở về từ nơi bị lưu đầy ở Babylon.
Malaki tiên báo ngày đoán phạt của Đức Chúa gần đến.
Nhưng trước khi Ngài đến, sẽ có người đi trước để dọn đường (Ml 3, 1).
Êlia chính là người làm công việc đó:
“Này đây Ta sẽ sai đến với ngươi Êlia, vị ngôn sứ” (Ml 3, 23).
Gioan Tẩy giả là người đã làm nhiệm vụ của Êlia,
tuy ông không phải là một Êlia từ cõi chết sống lại.
Gioan xuất hiện như một ngôn sứ khắc khổ nơi sa mạc hoang vu.
Ông đã cất tiếng mời gọi mọi người sám hối và chịu phép rửa.
để dọn lòng đón Đấng Mêsia sắp đến.
Thế là sau bao thế kỷ mong chờ, Thiên Chúa lại ngỏ lời với dân Ngài.
Gioan Tẩy giả luôn là nhân vật nổi bật trong Mùa Vọng.
Đức Giêsu khẳng định ông còn trọng hơn một ngôn sứ nữa (Mt 11, 9).
Đã có bao ngôn sứ trong Cựu Ước xuất hiện trước ông,
loan báo về Đấng Cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban.
Nhưng Gioan là người duy nhất đã chỉ cho dân thấy Đấng ấy là ai.
Chính là Đức Giêsu, người ông đã ban phép rửa.
Gioan cao trọng vì ông là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ.
Ông vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước (c. 11),
vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau (cc. 12-13).
Giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa,
và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này.
Đức Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau.
Nhưng Ngài cần Gioan để làm người trực tiếp giới thiệu.
Chúng ta không thánh thiện hơn Gioan Tẩy giả,
nhưng chúng ta có phần hạnh phúc hơn ông,
vì được sống trong giai đoạn lời hứa của Thiên Chúa nên thành tựu.
Ơn cứu độ đã đến, Nước Trời đã ở ngay bên.
“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (c. 11).
Cao trọng hơn vì những kho tàng mới do Đức Giêsu mang lại.
Ngài đem đến ơn cứu độ toàn diện cho từng người,
vượt xa những gì mà các ngôn sứ thời xưa mong đợi.
Gioan hẳn sẽ có mặt trong bữa tiệc cánh chung (Mt 8, 11).
Ông đã chiếm được Nước Trời bằng sức mạnh phấn đấu (c. 12).
Ông đã sống bất khuất và đã chết anh hùng.
Mỗi lần Mùa Vọng, chúng ta lại gặp Gioan.
Đức Giêsu mãi mãi cần những Gioan cho đến ngày tận thế,
để bắc một nhịp cầu, để làm người môi giới trung gian
để tình yêu cứu độ được mọi người đón nhận.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm cười mà nói rằng
Chúa đã ở bên chúng con rồi.
Có cả triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng biết Chúa thì được cái gì ?
Chúa đến để làm gì
nếu đời sống con cái của Chúa
cứ tiếp tục y như cũ ?
Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt của chúng con,
trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.
Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,
và đòi buộc chúng con,
làm chúng con không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con
bình an sâu xa,
thứ bình an khác hẳn,
đó là Bình An của Chúa.
(Helder Câmara)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả” (Mt 11,11).
Câu chuyện minh hoạ:
Lustiger là người Do Thái đã từng chứng kiến cảnh phân biệt chủng tộc và việc Đức quốc xã tiêu diệt người Do Thái. Là người Do Thái, nhưng có bạn là người Công giáo, một hôm theo bạn đến nhà thờ và từ đó muốn trở lại Công giáo. Anh muốn thuộc về Chúa và dâng hiến cuộc đời cho Chúa. Mặc dù ông bố không chấp thuận, nhưng anh nhất quyết đi tu để phục vụ người nghèo khổ, yếu đuối. Năm 1954, thụ phong linh mục. Năm 1964 được chọn làm Giám mục và được cử về làm Tổng Giám mục Paris. Bị một số người bất bình phản đối, nhưng ngài vẫn kiên vững trong đức tin và quan tâm phục vụ mọi người.
Suy niệm:
Gioan Tẩy Giả được xem là cao trọng vì ông mang sứ vụ chuẩn bị tâm hồn người Do Thái đón Chúa. Và trong suốt hành trình cuộc đời ông, ông luôn cố gắng giới thiệu và tìm cách để mọi người nhận biết Chúa là Đấng được Thiên Chúa sai đến, nhất là từ khi ông bị Hêrôđê tống ngục. Vai trò của Gioan cao trọng như thế, thì Nước Trời còn cao trọng hơn thế nữa, vì nơi đó có Chúa Giêsu hiện diện.
Nước Trời mà Gioan giới thiệu là một vương quốc trổi vượt trên tất cả vì nơi ấy mời gọi chúng ta đi trên con đường hẹp, từ bỏ mình, vượt thắng mọi trở ngại… Nước Trời không dành cho những người thiện cảm, nhưng cho những ai tha thiết muốn vào, và cho những tâm hồn thiện chí.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết sống trọn vẹn ơn gọi của mình, và tìm gặp Chúa Giêsu là nguồn ơn cứu độ.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Ai trong chúng ta khi bước vào trần gian này đều có một sứ vụ, hay nói khác, mỗi người đều được trao ban một nhiệm vụ, trách nhiệm nào đó để hoàn tất trong cuộc đời.
Trang Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về một nhân vật được chính Đức Giêsu giới thiệu: “trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông”, đó là Gioan Tẩy Giả. Gioan Tẩy Giả được trao một sứ vụ rất đặc biệt là chuẩn bị dọn đường cho Đấng Cứu Thế xuất hiện. Đó cũng là điều dễ hiểu tại sao ông được xem là người cao trọng nhất trong giới phàm nhân. Bởi ông là người được tuyển chọn, được Chúa viếng thăm ngay khi còn trong bào thai, được trao sứ vụ “tiền hô của Chúa” và là người đầu tiên giới thiệu với dân chúng cũng như các môn đệ của ông về Chiên Thiên Chúa – Đấng cứu chuộc trần gian.
Mỗi Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa tội đều phải thi hành sứ vụ với những nén bạc Chúa trao khác nhau. Người làm hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân với những nhiệm vụ khác nhau nhưng tất cả đều có chung một sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Kitô cho mọi người.
Với sứ vụ được trao, chúng ta đã thực hiện ra sao?
Lạy Chúa, chúng con biết mình bất xứng, còn nhiều giới hạn trong những trách vụ được trao. Chúng con biết với sức mình không thể chu toàn, xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con biết chu toàn sứ vụ được trao phó cách hữu hiệu nhất. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien