29.11.2021 – Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng
Lời Chúa: Mt 8, 5-11
Khi Ðức Giêsu vào thành Caphácnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm”. Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó”. Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: “Ði!”, là nó đi, bảo người kia: “Ðến!”, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này!”, là nó làm”. Nghe vậy, Ðức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời.”
Suy Niệm:
Tín đồ Do thái giáo có tiếng về sống đức hy vọng.
Họ đã hy vọng và vẫn còn hy vọng Đấng Mêsia sẽ đến để đem ơn cứu độ.
Họ đã chờ và vẫn chờ từ bao ngàn năm nay.
Còn Kitô hữu chúng ta có tiếng về sống đức ái.
Tuy nhiên, tự bản chất Kitô giáo vẫn là tôn giáo của đức hy vọng.
Chúng ta tin Đấng Mêsia là Đức Giêsu đã đến rồi.
Ngài đến đem ơn cứu độ không phải cho riêng dân Israel,
nhưng cho mọi dân mọi nước trên toàn thế giới.
Nhưng Kitô hữu vẫn còn sống trong chờ đợi và hy vọng.
Chúng ta mong ngày trở lại trong vinh quang của Chúa Giêsu,
cũng là ngày thế giới này đi đến chỗ tận cùng, để sang một trang mới.
MARANATHA, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến (1 Cr 6, 22; Kh 22, 20).
đó là lời nguyện của các Kitô hữu trong Giáo Hội buổi sơ khai.
Đó cũng là lời nguyện khẩn thiết của chúng ta, đặc biệt trong Mùa Vọng.
Ngày quang lâm là ngày tận thế đáng sợ,
khi Chúa Giêsu trở lại xét xử kẻ sống và kẻ chết.
Nhưng đó cũng là ngày hội vui lớn nhất của nhân loại,
ngày mà niềm hy vọng của chúng ta được thành tựu viên mãn.
Ngày ấy “từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc
cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời” (c. 11).
Đức Giêsu ngỡ ngàng khi thấy niềm tin lớn lao của viên đại đội trưởng.
Ông thuộc dân ngoại mà lại có lòng tin lớn hơn các người Israel khác (c. 10).
Ông tin Đức Giêsu có thể chữa lành cho người đầy tớ yêu quý của ông.
Không cần Ngài đến nhà, chỉ cần một lời nói của Ngài thôi cũng đủ (c. 8).
Lòng tin mạnh mẽ và khiêm tốn của ông đã chinh phục Đức Giêsu.
Lời của viên sĩ quan dân ngoại đã trở nên lời ta đọc trước khi rước lễ.
“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con,
nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”
Đầy tớ của viên đại đội trưởng đã được chữa lành,
nhưng điều quan trọng hơn là chuyện ông có hy vọng được dự tiệc.
Đây là bữa tiệc cánh chung, bữa tiệc trong Nước Trời (x. Is 25, 6-8).
Một người dân ngoại được ngồi dự tiệc bên các tổ phụ Do thái.
Đây là điều hẳn làm cho nhiều người Do thái phải ngạc nhiên.
Mà không phải chỉ có viên đại đội trưởng,
có nhiều người từ tứ phương thiên hạ cũng được mời (c. 11).
Nước Trời như một bữa tiệc vui và thịnh soạn do Thiên Chúa thết đãi,
trong đó mọi dân tộc khác nhau cùng đến để chia sẻ và hiệp thông.
Mọi đau buồn, mọi cách ngăn đều bị xóa bỏ.
Màu tím là màu của phụng vụ Mùa Vọng,
nhưng đây không phải là màu buồn.
Mùa Vọng nhắc chúng ta về niềm hy vọng rất xanh tươi
mà Chúa Giêsu đã mang lại cách đây hai ngàn năm
và chúng ta có bổn phận vun đắp cho thành tựu.
Làm sao để ơn cứu độ của Ngài được mọi người trên thế giới nhận biết?
Làm sao để dân ngoại được ơn đức tin và ơn chữa lành như viên sĩ quan?
Làm sao để chẳng ai vắng mặt trong bữa đại tiệc của Nước Trời?
Mùa Vọng đưa ta về thế giới bao la của châu Á, với 3% người công giáo.
Nếu ngày mai tận thế, Chúa sẽ hỏi ta 97% kia đâu.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Đức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.
Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Tôi bảo thật các ông, tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế.” (Mt 8,10)
Câu chuyện minh hoạ:
Người kia kể lại giấc mơ khủng khiếp như sau:
Tôi thấy mình đứng trước một biệt thự nguy nga. Bước vào trong tôi thấy 2 hành lang với 2 hàng chữ: Bên phải dành cho người công giáo, bên trái dành cho kẻ ngoại đạo.
Theo bảng chỉ dẫn tôi đi theo hành lang bên phải dành cho người công giáo.
Đi được một lúc, tôi thấy mình đứng trước một ngã rẽ khác. Lần này, tôi đọc thấy bảng chỉ dẫn như sau: Bên phải dành cho người có đức tin mạnh, bên trái dành cho kẻ có đức tin yếu kém. Và tôi lại đi theo bên phải.
Đến một ngã rẽ khác tôi lại thấy một bảng chỉ dẫn:
Bên phải dành cho người có lòng bác ái, bên trái dành cho những kẻ ích kỷ. Tôi lại chạy bên phải mà đi.
Cuối cùng tôi gặp một bảng chỉ dẫn:
Bên phải dành cho những ai có đời sống thánh thiện, bên trái dành cho những kẻ tội lỗi. Một lần nữa tôi cứ chọn bên phải mà đi. Nhưng tôi đang hân hoan rảo bước, thì bỗng một cảnh tượng hãi hùng khủng khiếp hiện ra ở cuối hành lang ấy: cảnh hỏa ngục với muôn vàn hình khổ không lời nào tả xiết. Tôi hoảng hốt kêu rú lên và giật mình thức giấc.
Sau một phút tôi hoàn hồn và tự hỏi: “Phải chăng một cuộc đời sống đạo của tôi cũng chỉ là một giấc mơ hãi hùng”.
Suy niệm:
Đôi khi chúng ta lại bị ảo tưởng về đời sống đức tin của mình. Lòng tự cao tự đại làm mê hoặc chúng ta không vượt ra khỏi một lối sống ảo tưởng và đánh mất niềm tin của mình.
Tin Mừng thánh Matthêu thuật lại việc Đức Giêsu đi vào thị trấn Ca-phác-na-um, và ở đây, viên đại đội trưởng đã cầu xin Chúa chữa lành bệnh cho đầy tớ của ông nhờ vào sự khiêm tốn và lòng tin của ông vào Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh”(Mt 5,5). Trước lời cầu xin với lòng tin mạnh mẽ của viên đại đội trưởng, nên Người đã chữa lành cho đầy tớ của ông.
Hành động của viên đại đội trưởng đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ vì ông cảm được nỗi đau của người đầy tớ. Và chính vì sự thương cảm đó người đầy tớ đã được Chúa chữa lành. Vì thế, mỗi Kitô hữu chúng ta cần phải khiêm tốn hơn nữa trước ơn Chúa để được Người chữa lành và biết nhạy cảm trước nhu cầu của anh chị em mình.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đến với Chúa bằng sự khiêm tốn thật sự, cùng với niềm tin vững vàng. Để nhờ đó, chúng con cũng có thể đón nhận những ơn lành của Chúa cách trọn vẹn hơn. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Trong các điều cấm kỵ của luật Do Thái thời Chúa Giêsu, người Do Thái không được vào nhà người ngoại vì sẽ bị ô uế. Chính vì thế mà viên đại đội trưởng của La Mã đã xin Chúa Giêsu cứu chữa cho người đầy tớ của ông bị tê liệt. Ông cũng biết luật cấm kỵ của Do Thái nên đã chân thành mở lời cầu xin “thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh”. Không phải cứ người ngoại là người không có lòng tin vào Thiên Chúa. Một khi họ mà có lòng tin thì không thua gì những người sùng đạo. Cụ thể chúng ta thấy những người ngoại quỳ mọp ở nơi hành hương, đền thánh để cầu xin, nhiều người rất thành tâm. Nhưng vì họ chưa có dịp được chúng ta giới thiệu, đưa họ đến họ biết giáo lý của Chúa để sống đạo mà thôi.
Lời cầu nguyện của viên đại đội trưởng thể hiện một niềm tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu. Ông thâm tín rằng với quyền năng thần thiêng mà Chúa Giêsu có được thì chẳng cần phải tới thăm khám, mà chỉ một lời của Chúa thì tức khắc sẽ cứu chữa được bệnh nhân. Lời cầu nguyện rất đẹp ấy dần được Giáo hội sau khi đã cân nhắc và nghiên cứu kỹ, đã đưa vào phụng vụ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
Hai lời này có một chút khác biệt. Nếu như lời viên đại đội trưởng nói cho người đầy tớ mà ông yêu quý, còn trong phụng vụ, chúng ta nói cho chính mình. Nếu như lời của ông liên quan đến việc chữa lành thể xác, thì lời nguyện của chúng ta trong thánh lễ cử hành được Giáo hội hướng đến việc chữa lành tâm hồn. Nếu như Chúa Giêsu chữa cho người đầy tớ ông đại đội trưởng trong khi ông ngại Chúa vào nhà vì ông là người ngoại, thì giờ đây, Người không hề ngại tâm hồn chúng ta còn nhiều ô uế, tội lỗi, bất xứng. Người muốn ngự vào trong tâm hồn chúng ta để biến đổi chúng ta ngày một xứng đáng với ơn Chúa ban.
Vậy Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta về ngày mà Chúa quang lâm, ngày mà chúng ta sẽ được phán xét để được vào ngự muôn đời trong nhà Chúa, ngày mà người từ khắp “phương Đông phương Tây sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Isaác và Giacóp trong Nước Trời”. Trong niềm tin yêu và hy vọng vào Chúa, chúng ta cũng nhớ cầu nguyện cho những người đã qua đời, với một niềm tin tưởng, chỉ cần Chúa phán một lời thì sẽ dẹp tan mọi gánh nặng đền bù tội lỗi mà người thân yêu chúng ta khi còn sống trên trần thế này còn thiếu sót. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien