15.11.2021 – Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên
Lời Chúa: Lc 18, 35-43
Khi Ðức Giêsu gần đến Giêrikhô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Ðức Giêsu Nadarét đang đi qua đó. Anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi!” Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Ðavít, xin dủ lòng thương xót tôi!” Ðức Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đền gần, Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.” Ðức Giêsu nói: “Anh hãy thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu anh.” Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.
Suy niệm:
Trong những năm hành đạo, Đức Giêsu đã chữa một số người mù.
Vào những ngày cuối đời, khi trên đường lên Giêrusalem lần cuối,
Ngài đã chữa cho anh mù ở Giêricô.
Giêricô được coi là thành phố cổ xưa nhất, không xa Giêrusalem,
nằm ở hạ lưu sông Giođan, thấp hơn mực nước biển 300 mét.
Anh mù ở Giêricô kiếm sống bằng cách ngồi bên vệ đường ăn xin.
Anh vừa bị tách biệt với người khác, vừa bị lệ thuộc vào người khác.
Mất khả năng nhìn, nhưng anh vẫn còn khả năng nghe và nói.
Để gặp được Đức Giêsu, anh đã tận dụng mọi khả năng còn lại.
Anh nghe tiếng đám đông đi qua, tiếng chân người rộn ràng (c. 36).
Anh tò mò hỏi xem chuyện gì vậy.
Khi biết là Đức Giêsu Nadarét đang đi ngang qua,
anh thấy ngay điều mình chờ đợi từ lâu, nay đã đến.
Vị ngôn sứ nổi tiếng này anh nghe đồn đã làm bao phép lạ lẫy lừng.
Ngay cả người mù bẩm sinh cũng được Ngài làm cho sáng mắt.
Cơ hội ngàn năm một thuở đã đến rồi.
Anh tự nhủ mình không thể nào để vuột mất.
Nhưng làm thế nào để Đức Giêsu lưu tâm đến anh?
Làm thế nào để cho Ngài dừng lại?
Vũ khí mạnh nhất và gần như duy nhất của anh, là tiếng kêu.
Chỉ tiếng kêu của anh mới lôi kéo được sự chú ý của Ngài,
và báo hiệu cho Ngài về sự hiện diện của anh.
Anh kêu thật to tên Ngài dù không biết Ngài ở đâu.
“Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (c. 38).
Hãy nghe tiếng kêu của anh giữa tiếng đám đông ồn ào cười nói.
Anh kêu tiếng kêu của trái tim, đầy tin tưởng, hy vọng, tha thiết.
Nhưng tiếng kêu ấy lại bị bắt phải im đi, có thể vì sợ gây phiền hà.
Anh mù chẳng những đã không vâng lời, lại còn kêu to hơn nữa.
Rồi tiếng kêu của anh cũng đến tai Đức Giêsu, khiến Ngài dừng chân.
Đức Giêsu muốn gặp người đã gọi tên mình để xin thương xót (c. 40).
Cuộc hạnh ngộ bắt đầu bằng câu hỏi anh mong từ lâu:
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 41).
Câu trả lời quá hiển nhiên: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.”
Khi được sáng mắt, anh không phải ngồi bên vệ đường như trước đây.
Anh đã nhập vào đám đông những người theo Chúa và đi trên đường.
Nếu hôm nay Chúa hỏi tôi: “Anh chị muốn tôi làm gì cho anh chị?”,
tôi sẽ trả lời Ngài ra sao? tôi sẽ xin Ngài điều gì?
Ơn biết mình mù và muốn thấy rõ chính mình, là một ơn lớn.
Có người mù, không biết mình mù, nên vẫn thản nhiên ở lại trong cảnh mù.
Người ấy có thể vô tội, nhưng có nguy cơ gây hại cho tha nhân (Mt 15, 14).
Lại có người cố ý không muốn thấy, cố ý mù để khỏi phải thay đổi.
Họ không thấy được cái xà trong mắt mình (Mt 7, 3).
Xin Chúa giúp chúng ta xóa những nguyên nhân gây mù,
đó là dục vọng của đôi mắt (1 Ga 2, 16), là thành kiến về người khác.
Xin Chúa giúp chúng ta nhờ đối thoại mà ra khỏi tình trạng mù xem voi,
và được Thánh Thần đưa vào sự thật trọn vẹn (Ga 16, 13).
Ước gì chúng ta khiêm tốn đến với Chúa Giêsu
mà “mua thuốc xức mắt để thấy được” (Kh 3, 18).
Cầu nguyện:
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu giãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi.” (Lc 18,38)
Câu chuyện minh họa:
André Frossard, một ký giả người Pháp đã cho xuất bản cuộc phỏng vấn Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cách đây vài năm, là con của một người theo chủ nghĩa Marxit. Chính ông cũng đã từng là một người cộng sản đầy xác tín…
Ngày nọ, ông phải đưa một người bạn đến một tu viện. Trong lúc chờ đợi người bạn, ông tò mò bước vào một nhà nguyện có đặt Mình Thánh Chúa. Ông không bao giờ nghĩ rằng Chúa đang chờ ông. Trong một phút, ông bỗng nhận ra một ánh sáng thiêng liêng trong tâm hồn. Bừng dậy sau một cơn mê tăm tối, ông bước ra khỏi nhà nguyện chạy tức tốc đến người bạn và la lớn: “Thiên Chúa hiện hữu. Ðó là một chân lý”.
Ông đã ghi lại kinh nghiệm thiêng liêng ấy trong một quyển sách với tựa đề: “Thiên Chúa hiện hữu. Tôi đã gặp Người”. Quyển sách đã được liệt kê vào danh sách của những tác phẩm bán chạy nhất…
Suy niệm:
Hiện nay trên thế giới có nhiều người mù. Người mù là không thấy sự vật và đường đi; anh mù trong Tin mừng hôm nay có một thính giác rất đặc biệt, đã nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu. Ý thức được thân phận của mình, anh mù chỉ biết tha thiết nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa, vì anh đang sống trong bóng tối. Nơi anh mù này có một niềm tin sắt đá; anh ta đã kêu xin Người với một niềm tin mạnh mẽ, đến độ quyền năng của Đức Giêsu đã chữa lành cho anh.
Hôm nay Chúa cũng muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta không phải khi chúng ta mù về căn bệnh thể lý chúng ta mới đến với Chúa để được chữa lành, nhưng chúng ta là những người sáng mắt nhưng có thể con mắt đức tin chúng ta bị mù. Vì thế, chúng ta năng đến với Chúa để được người chữa lành con mắt đức tin, giúp chúng ta mỗi ngày ra khỏi bóng tối của tội lỗi và bước vào miền ánh sáng của ơn cứu độ.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra sự mù lòa trong tâm hồn, để chúng con biết chạy đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Câu chuyện người mù thành Giêricô ẩn chứa nhiều nội dung Tin mừng sâu sắc. Chúng ta có thói quen hay đọc lướt qua Tin mừng cách hời hợt và qua loa. Lý do đơn giản là ai cũng biết rồi mà! Đó chính là trở lực khiến cho ta chỉ đọc bằng mắt, chỉ nghe bằng tai, và Tin mừng chỉ lướt qua ta như cơn gió.
Lần này, chúng ta hãy thử đọc lại, thật chậm, từng chữ, từng câu, rồi lập lại, mỗi lần như thế chúng ta dừng lại ở từng từ, từng chữ mà ta thấy tâm đắc. Đóc là cách đọc Tin mừng để suy gẫm, nó hiệu quả và mang tính thiêng liêng. Nó khác với việc chúng ta chỉ đọc qua loa, đọc lướt đi vì nó quen thuộc. Tin mừng có sức sống vì là lời của Chúa. Nếu ta coi đó chỉ như một câu chuyện dù có hay đến mấy thì đọc hoài cũng sẽ nhàm chán. Nhưng đây không phải là câu chuyện hay, mà là lời Chúa nói với ta.
Người mù Giêricô bị mù nhưng anh không điếc. Thân phận của kẻ mù ăn xin bị rẻ rúng. Tuy nhiên, cái không điếc của anh đã cứu rỗi anh. Ngồi bên vệ đường là dấu chỉ về thân phận thấp hèn. Bị đui mù là dấu chỉ của người mất tri thức. Đã đui mù mà còn mất tri thức thì không thể gia nhập vào hoạt động xã hội cách bình thường được. Tuy nhiên, trong cách trình bày của các thánh sử, người mù này lại rất sáng, rất tri thức, thân phận rất cao quý. Dù chỉ còn đôi tai để nghe thôi, nhưng anh nhận biết Đấng đang đến là ai. Dù bị ngăn cản bởi đám đông, nhưng anh còn cái miệng để kêu lên lớn hơn. Đám đông không thể triệt đường anh đến với Đức Giêsu, không thể xoá nhoà sự hiện diện của anh giữa xã hội. Anh nghèo chứ không hèn, anh bị coi như thiếu trí thức, nhưng anh không vong thân. Những dữ liệu nơi người mù này nói với chúng ta điều gì? Người mù này gần như tương phản với cái xã hội và những con người đang hiện diện đầy đủ trong đó. Anh mù mà nghe được, anh mù mà anh nói được, anh mù mà anh nhận thức được, ở đây cả nhận thức tự nhiên và siêu nhiên. Và anh mù mà anh không để mình trở nên vô nghĩa, anh hiện diện ở đây và ngay lúc này để gọi Chúa Giêsu: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót tôi”. Anh không chỉ kêu một lần mà là hai lần, lần sau to hơn lần trước. Và khi đã gặp được Đấng mà anh đã tìm hiểu, tin tưởng và tuyên xưng, anh nói lên ước muốn lớn nhất của mình: “Xin cho tôi được thấy”. Tâm trí sáng suốt trong một thân xác mù loà. Và nhờ Chúa, qua cuộc gặp gỡ này, anh bỗng trở thành một khuôn mẫu về nhận thức đức tin: đức tin của anh đã cứu anh. Anh lập tức đứng lên và ca ngợi Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, bài học Tin mừng hôm nay thật ý nghĩa. Xin Chúa soi dọi ánh sáng vào tâm trí con, để con được sáng suốt. Cho con được nhìn thấy vinhquang Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien