02.11.2021 – Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên : Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời
Lời Chúa: Mc 15, 33-39
Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: “Êlôi, Êlôi, lama sabácthani!” Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Kìa hắn kêu cứu ông Êlia”. Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: “Ðể xem ông Êlia có đến đem hắn xuống không.” Ðức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. Bức màn trướng trong Ðền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Ðức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.”
Suy niệm:
Ðoạn Tin Mừng trên đây kể lại cho ta
cuộc đời Ðức Giêsu vào những giây phút cuối.
Ngài đã đón nhận cái chết một cách không dễ dàng
sau nhiều giờ hấp hối trên thập giá.
Ðau đớn đến tột cùng, nhục nhã và cô đơn kinh khủng.
Có vẻ lúc đó Cha lại vắng mặt và làm thinh.
“Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”
Ðức Giêsu có cảm tưởng như Cha bỏ rơi mình
vào chính lúc Ngài vâng phục Cha, chấp nhận cái chết.
Chúng ta cần nghe được tiếng kêu xé ruột của Ðức Giêsu.
Ngài kêu bằng tất cả sức lực còn lại của mình.
Ngài kêu một tiếng lớn, rồi tắt lịm.
Chúng ta thích thấy Ðức Giêsu chết bình an hơn,
chết anh hùng hơn và chết lành hơn.
Nhưng Ðấng vô tội, chết thay cho cả nhân loại,
đã chẳng được hưởng chút êm đềm nào từ Thiên Chúa.
Lời cuối của Ngài là một tiếng gọi: Lạy Thiên Chúa của con,
một câu hỏi tại sao mà Ngài không rõ câu trả lời.
Ðức Giêsu đã nhắm mắt trong niềm tin trần trụi.
Tháng 11 được dành để nhớ đến những người đã khuất.
Ðã có thời người ta cho rằng theo đạo là bất hiếu,
vì không lo giỗ chạp, cúng vái, nhang đèn…
Nhưng trong niềm tin của Kitô giáo,
điều người chết cần không phải là đồ ăn hay vàng mã,
mà là cầu nguyện, hy sinh, việc lành và thánh lễ.
Ngọn lửa luyện ngục tuy gây nhiều đau đớn không nguôi,
nhưng có sức tẩy luyện, biến đổi và thánh hóa.
Có thể nói các linh hồn ở luyện ngục có phúc hơn ta,
vì họ biết chắc chắn sớm muộn gì cũng vào thiên đàng.
Chính vì thế họ vui lòng để cho tình yêu Chúa thanh lọc,
và càng lúc càng trở nên hoàn hảo hơn để đến gần bên Chúa.
Chúng ta cần sống mầu nhiệm các thánh thông công.
Các thánh trên trời chuyển cầu cho Hội Thánh dưới thế.
Hội Thánh dưới thế chuyển cầu cho các linh hồn đau khổ.
Tất cả liên đới với nhau như các chi thể của một thân thể.
Trong tháng này Hội Thánh mời chúng ta đi viếng nghĩa trang
để cầu nguyện cho các người thân yêu đã lìa đời.
Những hàng mộ nói với ta về cái chết không sao tránh được.
Dù già hay trẻ, dù khỏe hay đau, dù giàu hay nghèo,
nhưng cuối cùng cái chết vẫn là điểm hẹn.
Cái chết được chia đều cho mọi người.
Nghĩa trang có phải là nơi an nghỉ cuối cùng không?
Con người còn gì khi thân xác nát tan trong lòng đất?
Nhờ Ðức Giêsu phục sinh mà mầu nhiệm cái chết được vén mở.
Cái chết chỉ là nhịp cầu đưa ta vào cõi sống.
Con người sống là để chết, và chết là để sống mãi,
sống một cuộc sống hạnh phúc tuyệt vời hơn nhiều.
Cùng với thánh Phanxicô, xin gọi cái chết là chị – Chị Chết.
Ước gì người Kitô hữu học được nghệ thuật sống
nhờ biết đón lấy cái chết trong niềm hy vọng tin yêu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu người ta cứ phải sống mãi trên cõi đời này
thì thật là phiền toái.
Nhưng cái chết vẫn làm chúng con đau đớn
vì phải chia tay với những người thân yêu,
vì bao mộng mơ, dự tính còn dang dở.
Xin cho chúng con đừng nhìn cái chết
như một định mệnh nghiệt ngã và phi lý
nhưng như một hành trình
trở về nguồn cội yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu, trước cái chết thập giá,
Chúa đã run sợ, nhưng không tháo lui,
và Chúa đã chết trong niềm vâng phục tín thác,
để trở nên người đầu tiên bước vào cõi sống viên mãn.
Xin cho chúng con nghe được lời dạy dỗ của cái chết.
Cái chết cho thấy cuộc sống mong manh, ngắn ngủi,
chính vì thế từng giây phút trôi qua thật quý báu.
Cái chết bất ngờ mời gọi chúng con luôn tỉnh thức.
Cái chết nhắc nhở chúng con là khách lữ hành
đang trên đường về quê hương vĩnh cửu.
Sống một đời và chết một lần.
Lạy Chúa, đó là thân phận làm người của chúng con.
Xin dạy chúng con biết cách chết nhờ biết cách sống. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”. (Ga 6,39)
Câu chuyện minh họa:
Người ta kể rằng: Có một người duy nhất sống sót trong một tai nạn đắm tàu và trôi dạt trên một hoang đảo nhỏ. Kiệt sức, nhưng cuối cùng anh đã gom được những mẫu gỗ trôi dạt và tạo cho mình một túp lều nhỏ để trú ẩn và cất giữ một vài đồ đạc còn sót lại. Ngày ngày anh nhìn về chân trời cầu mong được cứu thoát, nhưng dường như vô ích.
Thế rồi một ngày, như thường lệ anh rời khỏi chòi để tìm thức ăn trong khi bếp lửa trong lều vẫn cháy. Khi anh trở về thì túp lều nhỏ đã ngập trong lửa, khói cuộn bốc lên trời cao. Điều tồi tệ nhất đã xảy đến. Mọi thứ đều tiêu tan thành tro bụi. Anh chết lặng trong sự tuyệt vọng: “Sao mọi việc thế này lại xảy đến với tôi hở trời!”.
Thế nhưng, rạng sáng hôm sau, anh bị đánh thức bởi âm thanh của một chiếc tàu đang tiến đến gần đảo. Người ta đã đến để cứu anh. “Làm sao các anh biết được tôi ở đây?” – Anh hỏi những người cứu mình. Họ trả lời: “Chúng tôi thấy tín hiệu khói của anh”.
Suy niệm:
Các linh hồn đã qua đời luôn trông mong nơi những người còn sống nhớ đến họ và cứu họ thoát sự trầm luân, bằng những hy sinh, lời cầu nguyện và lòng quảng đại. Ngọn lửa vô tình bốc cháy của người thanh niên đã trở thành dấu hiệu cho người lái tàu đến cứu anh. Cũng vậy, Giáo hội dành tháng 11 như dấu hiệu để chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn, cách riêng trong ngày lễ hôm nay. Họ là những người thân của chúng ta, đang tha thiết trông chờ những lời kinh, hy sinh, thánh lễ… của chúng ta mỗi ngày. Đó cũng là cách chúng ta đền ơn họ, báo hiếu công ơn cha mẹ, những người thân yêu của chúng ta đã qua đời.
Lạy Chúa, xin thánh hóa những hy sinh, những công việc chúng con làm hôm nay như của lễ dâng lên Chúa, và xin Chúa thương cứu rỗi các linh hồn.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
“Con muốn rằng, con ở đâu chúng ở đấy với con…” là một lời cầu nguyện chất chứa đầy tình yêu thương của Chúa Giêsu dành cho những kẻ đi theo Người. Người xin Chúa Cha để Người trở nên người bảo lãnh chúng ta đến với Chúa Cha. Người là ánh sáng thật, là con đường thật….
Đoạn trích lời nguyện tư tế trong Tin mừng thứ tư, một trong những bài được chọn để đọc trong ngày lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, khơi lên trong chúng ta niềm an ủi sâu lắng khi cầu nguyện cho những người thân đã qua đời. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19, chắc hẳn nhiều người chưa hết bàng hoàng đau xót vì những người thân yêu đã ra đi. Tính đến ngày 13/10/2021, thế giới đã ghi nhận 239 triệu ca bệnh Covid-19, với hơn 4,8 triệu người chết. Trong các nhà “chờ phục sinh” ở các giáo xứ nơi tâm dịch lại thêm vào nhiều hũ tro cốt ghi nhận ngày mất chỉ cách nhau vài ngày. Thế nhưng, với niềm tin vào Đức Kitô, chúng ta tin rằng: “Dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”.Tất cả chúng ta đều thuộc về Chúa, Chúa ở đâu, chúng ta ở đó. Những người thân yêu vừa mới qua đời, dù có bất ngờ, nhưng chúng ta tin rằng lòng thương xót của Chúa vẫn ủ ấp trên họ.
Chính vì thế, thay vì chỉ than khóc trong bóng đêm, chúng ta được mời gọi, hãy đốt lên ngọn lửa của đức tin. Chúa Giêsu là ánh sáng, ai đến với Người sẽ được đi trong ánh sáng và trở nên con cái của sự sáng. Một hình ảnh đáng gợi lên trong ngày này là những ngọn nến được thắp bên các ngôi mộ trong đất thánh. Người ta không còn cảm thấy nơi những phần mộ đó là sự lạnh lẽo, nhưng trên hết là sự hiện diện của Chúa, Đấng là sự sống lại và là sự sống. Lời cầu nguyện cho những người đã qua đời thật ý nghĩa nếu trong đó chất chứa một niềm tin rạng ngời rằng phía sau cái chết là một sự sống vĩnh cửu, tràn đầy ánh sáng hạnh phúc mà Chúa Giêsu hứa ban cho những người trung tín theo Người.
Lạy Chúa, ngày hôm nay, chúng con xin dâng lên Chúa những hy sinh cố gắng cùng với lời cầu nguyện chân thành để cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng con. Ước mong, ngày sau, chúng con cũng được hưởng hạnh phúc trong Nước Trời với Chúa, cùng với những người thân yêu đã về Trời trước chúng con. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien