21.10.2021 – Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên
Lời Chúa: Lc 12, 49-53
Hôm ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”
Suy niệm:
Nhiệt độ của trái đất có chiều hướng nóng dần lên.
Ðó là một điều đáng sợ.
Nhưng điều đáng sợ hơn
lại là sự lạnh lùng giữa người với người.
Con người cần cơm bánh và giải trí,
nhưng con người còn cần sự nâng đỡ cảm thông.
Nhân loại sống được là nhờ tình thương ấm áp.
Vậy mà băng giá của lãnh đạm dửng dưng
vẫn tồn tại khắp nơi trên mặt đất.
Băng giá nằm ngay nơi lòng con người.
Ðức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài:
Ngài đến để ném lửa trên mặt đất,
và Ngài ước mong, phải chi lửa ấy đã bùng lên.
Ngọn lửa Ðức Giêsu muốn nhóm lên
không phải là ngọn lửa của án phạt và hủy diệt,
không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê
định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari.
Ðây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài,
lửa của Thánh Thần, lửa của yêu thương,
lửa hâm nóng hai môn đệ Emmau đang tuyệt vọng.
Chúng ta cần được ngọn lửa của Ðức Giêsu chạm đến,
cần được Ngài làm bừng sáng lên
những sức mạnh tiềm ẩn nơi ta,
để chúng ta trở thành ánh lửa cho thế giới.
“Phải chi lửa ấy đã bùng lên!”
Chúng ta được mời gọi để thực hiện niềm ước mong
mà Ðức Giêsu đã suốt đời ôm ấp,
đó là làm cho thế giới nên ấm áp hơn
vì con người biết sống cho Thiên Chúa và cho nhau.
Gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng
là chấp nhận bị từ khước và đe dọa.
Ðức Giêsu linh cảm những gì sẽ xảy ra cho đời mình.
Ngài sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng,
sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau.
Hôm nay, Ngài mời chúng ta ném lửa trên mặt đất
và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối.
Khi Ðức Giêsu bị treo trên thập tự,
khi Ngài bị giam trong mồ tối,
bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Ngài.
Nhưng ngọn lửa phục sinh đã bừng lên giữa đêm đen.
Ðó là niềm hy vọng của chúng ta,
những người vẫn còn phải hăng say chiến đấu
để đẩy lui bóng tối ra khỏi mọi nơi, mọi chỗ,
bóng tối của bất công, sa đọa và tuyệt vọng,
bóng tối của hận thù, của nạn mù chữ,
bóng tối của nghèo nàn lạc hậu…
Bóng tối do khép lại cánh cửa của lòng mình,
Bóng tối ở ngay trong lòng tôi.
Có lúc chúng ta sợ hãi bóng tối dầy đặc,
mà ngọn lửa của mình lại yếu ớt.
Nếu một tỷ Kitô hữu đều là những ngọn lửa
thì bóng tối sẽ bị đẩy lùi khỏi mặt đất.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa,
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được
Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Thầy không đến để ban hoà bình, nhưng là đem sự chia rẽ.” (Lc 12,51)
Câu chuyện minh hoạ:
Một nữ tu đang phục vụ trong chương trình phát thanh bằng tiếng Đại Hàn, của đài phát thanh Chân Lý Á Châu, đã có lần cho biết, gia đình của chị là một gia đình chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo một cách hết sức sâu đậm. Lòng hiếu thảo chi phối mọi quyết định và sinh hoạt của con cái trong gia đình.
Thế nhưng ngày kia niềm tin Kitô đã đến với người anh của chị. Điều này đã làm cho gia đình của chị xáo trộn. Người cha già của chị đã cực lực phản đối việc trở lại Công Giáo của người con trai duy nhất của ông.
Sự phản đối còn đi xa hơn nữa, khi ông ta được biết, người con trai của ông lại còn quyết định đi tu làm Linh Mục nữa. Như thế là gia đình ông không còn người nối dõi tông đường.
Nhưng chưa hết. Sau khi người anh của chị quyết định đi tu, thì lại đến lần chị, chị cũng trở lại Công Giáo và cũng xin đi tu.
Những điều này đã làm cho người cha của chị buồn phiền đến nỗi ông muốn từ hai đứa con của ông và ông đã căm thù đạo Công Giáo đến độ ông gọi Thiên Chúa của đạo Công Giáo là một ông thần xấu, vì đã cướp đi của ông hai người con.
Trước cảnh chia rẽ của gia đình như thế, chị và anh của chị, chỉ biết cầu nguyện để cho người cha của họ hiểu được lý do mà chị và anh chị trở lại Công Giáo. Và lời cầu xin của họ đã được Chúa nhận lời, vì vào giờ phút chót của cuộc sống tại thế, chính người cha của họ đã xin trở lại.
Suy niệm:
Sự chia rẽ mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin mừng này chính là sự chọn lựa của mỗi người. Người chọn Chúa thì đối lại với những người không chọn Chúa. Chính vì vậy, mới có sự xáo trộn, và sự chia rẽ.
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su loan báo về những thương khó Người sẽ chịu để cứu chuộc nhân loại. Đây chính là sứ vụ Chúa Cha trao phó cho Người, và sứ vụ ấy phải qua con đường khổ giá, con đường tử nạn và phục sinh. Nên Chúa cũng đòi buộc những ai theo Chúa là phải chấp nhận hy sinh và thậm chí chấp nhận chết vì Chúa. Có như thế, chúng ta mới được hưởng hạnh phúc Nước Trời, như lời Chúa đã nói: “Ai mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ được sống”.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sửa đổi bản thân trở thành con người mới, chấp nhận đi theo con đường Chúa đã đi, là con đường hy sinh, con đường thập giá để mai sau được cùng Chúa hưởng hạnh phúc Nước Trời. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Chúa Giêsu đến trần gian chịu đau khổ và chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Đau khổ là lửa, và cái chết trên thập giá là phép rửa mà Người thao thức khát khao hướng về.
Lửa tình yêu của Chúa Cha, Chúa Giêsu mang xuống gian trần, nhờ chịu đau khổ, ngọn lửa tình yêu ấy, lan tỏa đến cho các môn đệ. Và Chúa Giêsu ước mong các môn đệ và những ai theo Chúa, cũng hãy làm cho ngọn lửa tình yêu ấy lan tỏa đến cho mọi người.
Đau khổ là chất đốt cho lửa tình yêu Chúa Cha và nhân loại bùng cháy, nên Chúa Giêsu đã mong chờ. Dẫu đau khổ Người vẫn sợ. Cái chết đau thương là phép rửa làm Người rùng mình, nhưng Người vẫn mong đến mau, cho con người sớm được thoát khỏi gông cùm tội lỗi và sự chết.
Trong cuộc đời, chúng ta vẫn thấy có nhiều đau khổ được chờ mong. Có người anh hồi hộp chờ gọi tên vào phòng mổ, để phải cắt đi quả thận mà cho đứa em đang trong cơn nguy tử vì đã bị hư hai quả thận. Chờ mong chịu “đau khổ” để cho em được sống. Đau khổ trong trường hợp này là đau khổ do ngọn lửa tình yêu, có sức sinh ra hoa trái hạnh phúc, sự sống. Đây cũng chính là lửa Chúa Giêsu mong muốn chúng ta làm bùng cháy lên trong thế gian. Sức nóng của ngọn lửa tin yêu Chúa, có sức giúp chúng ta đón nhận được tất cả mọi khổ đau trong đời. Càng yêu mến Chúa, chúng ta càng có khả năng chịu đau khổ cho anh em được bình an. Đời sống các thánh minh chứng điều này. Một khi ngọn lửa tình yêu đủ mạnh, giúp chúng ta đón nhận đau khổ, thì cũng chính ngọn lửa thiêng đó, giúp chúng ta chịu phép rửa với Chúa Giêsu.
Một cách chân thành, mỗi người chúng ta hãy xét lại, có ngọn lửa nào đang thiêu đốt lòng chúng ta? Ngọn lửa giúp chúng ta chịu đau khổ để đưa tới sự sống đời đời, hay ngọn lửa đam mê thế tục khiến chúng ta bị thiêu rụi cả nhân phẩm, nhân cách của người Kitô hữu?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa trao mong ước của Chúa cho chúng con thực hiện. Xin giúp chúng con biết lưu tâm mà thực hiện mong ước của Chúa, để xứng đáng mang danh Kitô hữu. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien