27.9.2021 – Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên – Thánh Vinh Sơn Phaolô, Linh Mục
Lời Chúa: Lc 9, 46-50
Khi ấy, các môn đệ suy nghĩ tự hỏi xem ai là người lớn nhất trong các ông. Ðức Giêsu biết điều các ông đang suy nghĩ trong lòng, Người liền đem một trẻ nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón một em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy. Thật vậy ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” Ông Gioan lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không đi theo Thầy cùng với chúng con.” Ðức Giêsu bảo ông: “Ðừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống chúng ta là ủng hộ chúng ta!”
Suy niệm:
Phá kỷ lục là ước mơ của các vận động viên.
Làm sao phá kỷ lục của quốc gia, của vùng, của châu lục và thế giới?
Để phá kỷ lục cần có thành tích vượt hơn người đang giữ nó.
Chỉ cần chạy nhanh hơn một phần ngàn giây,
nhảy cao hơn hay xa hơn một centimét,
cũng đủ để làm một kỷ lục đứng vững nhiều năm bị phá đổ.
Nhưng không phải chỉ các vận động viên mới thích phá kỷ lục.
Các nước cũng tranh nhau xem ai là cường quốc về một lãnh vực nào đó.
Có vẻ cả nhân loại đều ở trong một cuộc đua tranh xem ai đứng đầu.
Có những cuộc đua tranh lành mạnh, thúc đẩy tiến bộ.
Nhưng cũng có những cuộc đua tranh dẫn đến chiến tranh và hủy diệt.
Các môn đệ vẫn loay hoay với một câu hỏi trong đầu:
“Trong các ông, ai là người lớn nhất ?” (c. 46).
Thầy Giêsu muốn dạy cho họ một bài học rất gợi hình,
nên đem một em nhỏ đến và trân trọng đặt em đứng bên cạnh (c. 47)
Thầy đồng hóa mình với em nhỏ yếu đuối và không có địa vị ấy:
ai tiếp đón em này là tiếp đón chính Thầy.
Thầy cũng cho biết, ai tiếp đón Thầy là tiếp đón chính Thiên Chúa (c. 48).
Như thế một em nhỏ bình thường là con đường dẫn ta gặp gỡ Đức Giêsu,
và gặp gỡ chính Thiên Chúa siêu việt.
Để tiếp đón Thiên Chúa và Đức Kitô trong đời,
ta phải sẵn sàng tiếp đón những người yếu kém và nhỏ bé nhất trong xã hội.
Khi các môn đệ bị ám ảnh bởi chuyện làm lớn
thì Thầy Giêsu đem lại cho họ một em nhỏ,
và cho thấy sự cao trọng lớn lao của em trong cái nhìn của Thiên Chúa.
Câu trả lời của Thầy đã rõ: kẻ nhỏ nhất chính là người lớn nhất trong anh em.
Vượt ra khỏi sự tranh chấp trong nhóm,
bây giờ các môn đệ lại phải đối diện với một người trừ quỷ ở ngoài nhóm.
“Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng chúng con đi theo Thầy.”
Tại sao một người ở ngoài nhóm lại dám lấy danh Thầy mà trừ quỷ?
Lẽ ra việc dùng danh Thầy phải là độc quyền của chúng con.
Người ấy không được chiếm lấy sự thành công và tăm tiếng
mà chỉ những ai theo Thầy như chúng con mới được hưởng.
Các môn đệ đã có thái độ cục bộ và bè phái.
Họ cần cởi mở và khoan dung hơn với những người ngoài.
Danh Thầy Giêsu là quà tặng cho cả thế giới, chứ không cho riêng môn đệ.
Ai cũng có thể đến múc lấy sức mạnh từ Danh ấy và sẻ chia.
Thầy Giêsu mời các môn đệ bước ra khỏi sự hẹp hòi khép kín,
để vui vẻ kính trọng một người tuy không thuộc nhóm mình,
nhưng làm được những việc mà có khi mình không làm nổi (Lc 9, 40).
Danh Giêsu được tôn vinh: đó là điều chúng ta nhắm tới.
Chúng ta chỉ mong sức mạnh của Danh này làm thế giới được trừ quỷ.
Chỉ mong ai đó đang ở ngoài nhóm và đang trừ quỷ nhờ Danh Giêsu,
sẽ có ngày trở thành người môn đệ trong nhóm.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Một câu hỏi chợt đến với các môn đệ: Trong các ông, ai là người lớn nhất?”(Lc 9,46)
Câu chuyện minh họa:
Một hôm, họa sĩ Picasso đến một xưởng mộc làm một cái tủ. Ông lấy bút phác họa hình thù và kích thước cái tủ rồi trao cho người thợ mộc và hỏi giá cả. Người thợ mộc cầm lấy tờ giấy một cách trân trọng và trả lời: “Ngài không phải trả gì cả, chúng tôi chỉ xin Ngài ký tên vào giấy này là đủ rồi”.
Suy niệm:
Trong xã hội nào cũng vậy, người ta luôn đề cao đến: địa vị, sự nghiệp, và tên tuổi của những bậc anh hùng và những người nổi tiếng. Có thể nói, sự nghiệp gắn liền với tên tuổi. Có những người hâm mộ thần tượng bằng cách xin chữ ký, tạo phong cách giống thần tượng của mình từ cách ăn mặc, đi đứng…
Hôm nay Chúa mời gọi mỗi Kitô hữu trở nên giống trẻ nhỏ, vì trẻ nhỏ không tranh giành quyền lợi, hơn thua. Người lớn luôn muốn quyền và lợi, tranh nhau tìm địa vị, danh vọng. Thế nhưng Chúa lại mời gọi chúng ta sống tinh thần trẻ nhỏ, và ai muốn làm lớn phải phục vụ mọi người. Thật là một nghịch lý. Làm lớn ai lại phục vụ? Vậy mà Chúa Giêsu đã làm gương mẫu cho chúng ta khi: Ngài đến thế gian này trong thân phận một em bé mong manh, yếu đuối. Ngài lớn lên trong một gia đình nghèo, sống giữa mọi người và phục vụ mọi người, không tranh giành quyền lợi: “Ta đến là để phục vụ chứ không phải để người ta phục vụ”.
Lạy Chúa, sống tinh thần trẻ nhỏ là sống ngược lại với tự nhiên của con người trong sự tìm kiếm, nhưng đó lại là đòi hỏi của Tin mừng. Xin Chúa giúp chúng con biết can đảm vượt lên trên con người yếu đuối của mình để sống theo những gì Tin mừng đòi hỏi và những điều Chúa muốn.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Trong một xã hội mà phụ nữ và trẻ em không được tôn trọng, thì lời dạy của Chúa Giêsu: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy… đó là kẻ lớn nhất” trở thành một lời dạy gây kinh ngạc cho nhiều người, nhất là những người có quyền hành. Ngay cả trong xã hội hôm nay, điều này vẫn là lời nói làm thắc mắc cho nhiều người: Tại sao tiếp đón trẻ nhỏ vì danh Chúa, lại là kẻ lớn nhất trong Nước Trời? Không phải chúng ta vẫn đón tiếp và yêu thương trẻ nhỏ vì danh Chúa đó sao?
Trẻ em mà Chúa nói ở đây chính là đại diện cho người môn đệ của Chúa. Trẻ em có những đặc tính gì? Đó có phải là nhỏ bé, ngây thơ trong tâm trí, thấp kém trong xã hội, khiêm tốn và tầm thường? Những đặc tính phụ thuộc của trẻ em lại trở thành hình ảnh đáng để cho chúng ta chú ý, bởi vì còn nhỏ, và không có khả năng tự vệ, nên trẻ con phụ thuộc vào người lớn. Tính chất phụ thuộc này là đặc tính của trẻ nhỏ, và một cách tuyệt vời, đó là tính cách mà Chúa Giêsu cần nơi người môn đệ, Chúa cần nơi chúng ta. Người môn đệ không phải là cần một tính cách như trẻ nhỏ, cho bằng cần một sự phụ thuộc vào chính Chúa là Thầy của mình. Vì thế trong đức tin, người môn đệ lệ thuộc vào Chúa. Và khi lệ thuộc vào Chúa thì chắc chắn trở thành người lớn nhất, bởi Chúa chính là người lớn nhất trong Nước Trời.
Thánh Vinh-Sơn Phaolô mà chúng ta mừng kính hôm nay là một môn đệ của Chúa Kitô, ngài cũng đã làm như vậy. Chăm sóc và lo lắng cho người nghèo và những người bị bỏ rơi. Ngài làm điều đó bởi vì ngài ý thức rằng ngài là môn đệ của Chúa, và Chúa thì yêu thương những người nghèo và bị bỏ rơi.
Lạy Chúa, đã bao lần con tìm kiếm những thứ ngoài Chúa. Con cảm thấy thích thú, nhưng Chúa thì không. Lạy Chúa, xin nhớ đến con lúc con lạc xa đường lối của Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien