25.9.2021– Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên
Lời Chúa: Lc 9, 43b-45
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bị che khuất, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai.
Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai.
Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43).
Chính vào giây phút thành công vẻ vang này,
Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến.
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44).
Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác.
Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua.
Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối.
Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu:
“Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông,
đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45).
Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo
về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết?
Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực.
Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề
ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46).
Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27).
Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh.
Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ,
nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi,
con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.
Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy.
Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang,
họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã.
Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11),
và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24, 21).
Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6):
“Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?”
Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy,
thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ.
Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang,
nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.
Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được
làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu.
Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết,
trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27).
Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này.
Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình.
Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên.
Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi.
Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá.
Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung,
lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.
Nơi thập giá chúng ta thấy rõ nhất tình yêu vô lượng của Cha,
và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại.
Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người,
và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa.
Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ.
Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh.
Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa.
Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này,
chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.
Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài,
cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi.
Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống
cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…
Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. (Lc 9,44)
Câu chuyện minh họa:
Sau quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki, ông Paul Nagai đã trở thành một con người bất hủ, vì sự tận tụy hy sinh vô bờ bến đối với nạn nhân. Ông để lại giòng tâm sự như sau: Từ một kẻ vô thần ông đã trở nên người Kitô hữu như thế nào: Kỳ nghỉ tết đầu năm, lúc tôi học năm thứ hai y khoa, mẹ tôi bị bệnh nặng. Tôi đến bên giường mẹ tôi. Mẹ tôi chỉ còn một chút hơi thở, nhưng cặp mắt vẫn âu yếm nhìn tôi. Cái nhìn cuối cùng của cặp mắt mẹ tôi, người đã sinh thành, dưỡng dục và yêu thương tôi, đã làm cho tôi xúc động và tin chắc chắn: Phải có một linh hồn tồn tại mãi mãi, và từ đó tôi thay đổi nếp sống. Chính cái nhìn của người đã cảm hoá được Paul Nagai.”
Suy niệm:
Chúa Giêsu là quà tặng cho thế gian, Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta. Đây là lần thứ hai Người loan báo cuộc thương khó, Người muốn dẫn chúng ta vào một mầu nhiệm mà Người sẽ thực hiện. Người sẽ bị giết chết và sẽ sống lại, đó là niềm tin và hy vọng của mọi Kitô hữu. Khi Chúa loan báo cuộc khổ nạn, các môn đệ không hiểu gì cũng không dám hỏi lại, chắc hẳn đây cũng là thái độ của mỗi chúng ta khi chưa nhận ra thánh ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời.
Chúa Giêsu đón nhận thập giá để cứu độ chúng ta. Vì thế, là những môn đệ của Chúa chúng ta cũng hãy noi gương Người mà vác lấy thập giá đời mình mỗi ngày, chấp nhận những hy sinh, đau khổ, bất công,… để sau cuộc đời này chúng ta được hưởng vinh quang phục sinh với Người. Chấp nhận hy sinh không phải là cúi mình cam chịu khổ nhục, nhưng Chúa muốn chúng ta bước theo Chúa trên con đường tình yêu. Yêu Chúa và yêu tha nhân.
Lạy Chúa, xin cho con biết dành thời gian để suy niệm về mầu nhiệm tình yêu của Chúa để từ đó chúng con bước theo Chúa cách sát gần hơn.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó của Người. Tin mừng thuật lại: “Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giêsu làm, Người nói với các môn đệ: Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó của Người, Tin mừng cũng cho biết: “Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy”. Tại sao các môn đệ không hiểu? Tại sao các ông không dám hỏi lại Người?
Các trang Tin mừng cho chúng ta thấy: các môn đệ có một sự gắn bó sâu sắc với Chúa Giêsu không chỉ trên phương diện tình cảm mà còn trên phương diện tinh thần và sự tin tưởng. Mối liên hệ của các môn đệ với Chúa Giêsu thật tốt đẹp. Tình cảm của các môn đệ dành cho Chúa Giêsu thật sâu sắc. Thế nhưng, nhiều khi thực tế của cuộc sống, những tình cảm tự nhiên lại có thể trở thành bức màn che mờ đi sự hiểu biết của chúng ta. Nó làm cho chúng ta thật sự khó khăn trong việc nhận ra chiều sâu thực tại của đời sống thiêng liêng.
Thật vậy, một trong những nguyên nhân khiến các môn đệ đã không hiểu tại sao Chúa Giêsu lại phải chịu nhiều đau khổ, phải hy sinh mạng sống của mình, đó là các ông đã xây dựng mối tương quan với Chúa Giêsu chỉ dựa trên tình yêu và cảm xúc tự nhiên. Với tình yêu và cảm xúc tự nhiên thì làm sao các môn đệ có thể chấp nhận để người mình yêu mến và kính trọng chịu đau khổ, chịu chết. Trong trường hợp này, tình yêu, sự quan tâm gần gũi tự nhiên đã cản trở khả năng hiểu biết và nhận ra ý nghĩa thật sự của cuộc thương khó mà Chúa Giêsu sẽ trải qua.
Chiêm ngắm đời sống của Chúa Giêsu chúng ta thấy: Chúa Giêsu cũng có những tình yêu, những cảm xúc tự nhiên: Người đã xao xuyến và thổn thức trong lòng trước cái chết của Lazarô (x. Ga 11,33.38); Người chạnh lòng thương bà góa thành Nain vì người con trai duy nhất của bà đã qua đời (x. Lc 7,13); Người chạnh lòng thương khi thấy đám đông lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt (x. Mc 6,34)… thế nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở tình yêu cảm xúc tự nhiên, mà qua tình yêu cảm xúc tự nhiên Người hướng con người đến một vấn đề cao hơn, xa hơn đó là ơn cứu độ, là sự sống đời đời trong thánh ý của Chúa Cha. Chúa Giêsu chạnh lòng thương cho Lazarô và con trai bà góa thành Nain sống lại, qua đó Người cũng hướng chúng ta đến sự sống đời đời. Chúa Giêsu chạnh lòng thương khi thấy đám đông lầm than vất vưởng, vì vậy, Người bắt đầu dạy dỗ họ, hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ, nhưng qua đó Người cũng hướng họ đến bàn tiệc Nước Trời, đến của ăn mang lại sự sống đời đời (x. Mc 6,30-44).
Thật vậy, khi nghe tiên báo về cuộc thương khó chắc chắn sẽ xảy với Thầy mình, các môn đệ đều hoang mang lo lắng và đau khổ. Chúa Giêsu chắc chắn cũng đồng cảm với sự hoang mang đau khổ này của các môn đệ. Thế nhưng, Người không chọn cách làm cho các môn đệ hết hoang mang lo lắng bằng việc từ chối con đường thập giá. Người vẫn chọn con đường của thập giá, của đau khổ. Bởi vì, đây là con đường theo ý muốn của Chúa Cha. Đây là con đường dẫn các môn đệ đến tình yêu thật sự, đến sự sống đời đời. Tình cảm tự nhiên thì tốt đẹp và cần thiết. Thế nhưng, nó cần phải được hướng dẫn bởi thánh ý của Thiên Chúa.
Lạy Chúa nhìn lại cuộc sống của mỗi người chúng con, khi đối diện với thập giá trong đời sống, chúng con cũng thường có khuynh hướng phản ứng giống như các môn đệ. Chúng con để cho cảm xúc tự nhiên chi phối để rồi không nhận ra hoặc phớt lờ đi giá trị thật sự của những hy sinh, đau khổ. Xin cho chúng con biết tìm kiếm ý Chúa nơi những thách đố của thập giá trong cuộc sống, để rồi nhận ra giá trị thật sự của những hy sinh và đau khô. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien