23.9.2021 – Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên
Lời Chúa: Lc 9, 7-9
Khi ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Ðó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy.” Kẻ khác nói: “Ông Êlia xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Ðó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” Còn vua Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan, ta đây đã cho chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách thấy mặt Ðức Giêsu.
Suy niệm:
Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài đã nổi tiếng ở vùng Galilê,
qua các hoạt động rao giảng và chữa bệnh.
Tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng (Lc 5, 15).
Điều đó hẳn đã đến tai của Hêrôđê (c. 7),
vị tiểu vương cai quản vùng Galilê trong hơn bốn mươi năm (Lc 3, 1).
Hêrôđê bối rối và lúng túng trước những tin mình nhận được.
Ông đã cho chém đầu Gioan Tẩy giả, kẻ được coi là ngôn sứ (c. 9).
Bây giờ lại nổi lên một người khác tên là Giêsu.
Người ta đồn đãi nhiều về nhân vật Giêsu này.
Có một số người nói ông này là Gioan bị chém đầu nay sống lại.
Có những người khác nói đó là ông Êlia tái giáng
sau khi đã được đưa về trời trong cơn gió lốc (2V 2, 11).
Cũng có những kẻ nói Giêsu là một ngôn sứ nào đó thời xưa sống lại.
Quả thật nhìn việc làm, lời giảng và lối sống của Giêsu,
người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ (x. Lc 7, 16-17).
Mà chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ (Lc 4, 24; 13, 33).
“Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”
Hêrôđê tò mò muốn biết Ngài là ai.
Ông không tin Đức Giêsu là Gioan bị chém đầu, nay sống lại.
Và ông tìm cách gặp mặt Ngài (c. 9).
Hêrôđê đã được gặp Đức Giêsu trong cuộc Khổ Nạn (Lc 23, 6-12).
Lúc ấy Ngài xuất hiện trong tư cách một phạm nhân.
Dù vậy Hêrôđê cũng vui sướng vì ước ao của mình được thỏa nguyện.
Ông đã nghe Ngài làm được những phép lạ lớn lao,
nên ông ước mong được chứng kiến tận mắt một vài phép lạ.
Tiếc thay Đức Giêsu đã không muốn chiều Hêrôđê.
Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng làm một phép lạ nào.
Ngài thanh thản bình an trước những lời tố cáo của các thượng tế.
Ngài không muốn tránh cái chết mà Ngài biết nằm trong ý định của Cha.
“Ông này là ai ?”, Hêrôđê đã tìm thấy câu trả lời khiến ông bị hụt hẫng.
Giêsu chỉ là một anh khờ dại, chỉ đáng bị khinh bỉ và chế giễu.
Cuộc tìm kiếm với nhiều tò mò của Hêrôđê kết thúc.
Ông chẳng bao giờ biết được Đức Giêsu thật sự là ai.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Ông Giêsu này là ai?” (Lc 5,21; 7,49; 8,25).
Hôm nay nhân loại vẫn đặt câu hỏi quan trọng đó.
Để trả lời, phải bước vào một cuộc hành trình, bỏ lại những thành kiến.
Tò mò, thích những điều giật gân, muốn thấy những điều lạ thường:
tất cả những điều ấy không giúp ta khám phá mầu nhiệm một con người.
Sự thật về Giêsu có khi lại được nhận ra qua cái im lặng cam chịu,
qua sự bất lực đớn đau trên thập giá hơn là qua sự thi thố quyền năng.
Phải đổi toàn bộ cái nhìn của mình để nhận ra được Giêsu là ai,
để không vội vã đánh giá Ngài dựa trên tiêu chuẩn người đời.
Như Hêrôđê, chúng ta có thể có cơ hội gặp mặt Giêsu,
nhưng vẫn không biết Ngài là ai.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.
(Graham Kings)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Anh em đừng mang gì đi đường…” (Lc 9,3)
Câu chuyện minh họa:
Nhân dịp kỷ niệm bốn mươi năm cuộc Cách mạng tháng Mười, chủ tịch Kruschev của Liên Xô đã dành cho ba ký giả người Mỹ một cuộc phỏng vấn gần bốn tiếng đồng hồ. Với một giọng ôn tồn và thao thao, chủ tịch Kruschev có câu trả lời cho mọi vấn đề. Sau ba giờ tranh luận, ông còn tươi tỉnh hơn bao giờ hết, và có vẻ càng nói càng dồi dào sức khỏe hơn.
Thế nhưng, bầu không khí bỗng trở nên căng thẳng khi một ký giả đặt câu hỏi:
– Thưa Tổng bí thư, ông thường ám chỉ đến Thiên Chúa, đến linh hồn, đến tự do tâm linh, thế thì làm sao giải thích được sự kiện một thanh niên có tín ngưỡng lại không được đề bạt thăng cấp trong hàng ngũ đảng?
Chủ tịch Kruschev trả lời: “vì tình cảnh không tương hợp, chúng tôi là những người vô thần, chúng tôi sử dụng danh Chúa để nguyền rủa ông Kitô, đó chỉ là một thói quen.”
Giọng nói của chủ tịch Kruschev mỗi lúc một lớn dần. Ba ký giả Mỹ ngỡ ngàng trước sự giận dữ bất thần của ông, và họ biết được đâu là kẻ thù mạnh nhất, đáng sợ nhất của ông.
Tin hay không tin, cách này hay cách khác, không ai có thể tránh khỏi Thiên Chúa. Chối bỏ hay nguyền rủa Ngài cũng là cách gọi Danh Ngài.
Suy niệm:
Giọng nói của chủ tịch Kruschev mỗi lúc một lớn dần có lẽ để khỏa lấp và phủ định Thiên Chúa. Ông chối bỏ Thiên Chúa nhưng thực ra ông đang phải đối diện với sự thật.
Nhiều khi chúng ta theo Chúa, chúng ta chỉ lo làm công kia việc nọ nhưng không lo làm theo ý Chúa, và lúc đó có lẽ chúng ta đã đánh mất chính mình. Lệnh truyền của Chúa là rao giảng Tin mừng, Ngài bảo các môn đệ không mang theo bất cứ vật gì đi đường để khỏi vướng víu, mà quên đi mục đích chính của mình. Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những cám dỗ, và cạm bẫy của thế gian mà dường như những cám dỗ đó thường dẫn chúng ta đến sự hưởng thụ. Vì thế chúng ta cần tỉnh thức và lựa chọn thái độ nào để xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu.
Lạy Chúa, xin cho chúng con sống tinh thần nghèo khó, không bám víu vào của cải vật chất, để con thanh thoát bước theo Chúa và làm chứng cho Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca mà chúng ta vừa nghe cho thấy Chúa Giêsu chính là vị tiên tri mà muôn dân đang mong đợi. Bởi được chứng kiến và nghe nói về tất cả những công việc tốt đẹp Chúa Giêsu đã làm, trong dân đã xuất hiện những dư luận khác nhau về con người của Chúa Giêsu, khiến vua Hêrôđê trở nên bối rối và lo lắng. Chính vì lo lắng và phân vân nên ông đã quyết định tìm cách gặp Chúa Giêsu.
Cũng vậy, trong đời sống đức tin, một đàng vì đôi khi đức tin của chúng ta thiếu vững chắc do nền tảng kiến thức giáo lý quá yếu kém, đàng khác chúng ta lại xem thường việc nghe giảng giải Lời Chúa mỗi khi tham dự thánh lễ, cho nên, chúng ta thường hay bối rối, phân vân khi gặp cơn thử thách, hoặc khi bị anh chị em lương dân chất vấn về niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô.
Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin-cậy-mến cho gia đình chúng con, để nhờ việc can đảm sống Lời Chúa trước khó khăn của mùa dịch, anh chị em lương dân có thể nhận ra dung mạo của một Thiên Chúa hằng sống và giàu lòng xót thương con người. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien