21.9.2021 – Thứ Ba XXV Thường Niên – Lễ Kính Thánh Matthêô, Tông Đồ
Lời Chúa: Mt 9, 9-13
Khi ấy, Ðức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthêô đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.
Ðức Giêsu đang dùng bữa trong nhà, thì kìa, nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe như thế, Ðức Giêsu nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
Suy niệm:
Thầy Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên khi họ đang làm việc.
Người thì đang quăng lưới ngoài khơi,
kẻ thì đang vá lưới trong thuyền (Mt 4, 18-22).
Khi Thầy gọi Matthêô, anh cũng đang làm việc ở trạm thu thuế.
Anh đang ngồi, vững vàng trong nghề nghiệp của mình,
dù nghề của anh thường bị coi là nghề rất xấu.
Thầy Giêsu như tình cờ đi ngang qua bàn làm việc của anh.
Ngài chỉ nói một câu rất ngắn: “Anh hãy theo tôi!”
Matthêô không đáp lại, nhưng anh trả lời bằng hành động.
Từ vị thế đang ngồi, anh bỏ dở công việc để đứng lên và theo Thầy.
Từ vị thế vững vàng, anh bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.
Từ vị thế của tội nhân, anh trở thành người môn đệ thân thiết.
Matthêô nằm trong danh sách nhóm Mười Hai (Mt 10, 3).
Thầy Giêsu không sợ mất tiếng khi nhận anh vào nhóm.
Nhóm của Thầy không chỉ gồm những người thánh thiện,
nhưng có cả những tội nhân giàu lòng hoán cải.
Matthêô có đóng góp gì cho nhóm Mười Hai không?
Nghề thu thuế với giấy bút có giúp gì cho các ngư phủ ít học không?
Hôm nay chúng ta mừng lễ Tông đồ Matthêô,
người thu thuế trở nên Tác giả sách Tin Mừng.
Matthêô làm nghề bị đồng bào của ông khinh miệt,
vì nghề này dễ dẫn người ta đến chỗ lạm thu, bỏ tiền vào túi riêng.
Nghề này còn là một sỉ nhục vì cộng tác với ngoại bang bóc lột dân,
đụng chạm đến đồng tiền ô uế và tiếp xúc với dân ngoại.
Khi trở nên môn đệ của Thầy, Matthêô đã trở nên người phục vụ đồng bào.
Ông dùng khả năng của mình mà viết sách Tin Mừng.
Đây là Tin Mừng lớn mà ông loan báo: Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia.
Không phải chờ gì nữa, Đấng Mêsia đã đến rồi!
Ngài làm trọn những lời đã được loan báo trong Cựu Ước.
Matthêô đã tìm ra ngôn ngữ để nói với Dân Chúa, sao cho họ hiểu được.
Ông đã trình bày dung mạo Đức Giêsu cho người cùng thời với ông.
Chúng ta cũng phải có khả năng giới thiệu Đức Giêsu cho người thời nay,
nghĩa là biết, hiểu và nói được ngôn ngữ của thế giới,
để thế giới nghe và hiểu được.
Chúng ta vẫn phải tiếp tục viết các sách Tin Mừng cho thời đại hôm nay,
phù hợp với não trạng và tâm thức của họ, với nền văn hóa đương đại.
Đâu là khuôn mặt Đấng Cứu độ mà con người hôm nay ngóng chờ?
Con người thời nay khỏe mạnh về nhiều mặt,
nhưng vẫn là người đau ốm cần đến thầy thuốc (c. 12).
Họ mong mình được giải phóng khỏi điều gì?
Đức Giêsu Kitô có thể đáp ứng được những khao khát đó không?
Lời rao giảng và cuộc sống của chúng ta phải cho thấy
Đức Giêsu có thể chữa lành và đem lại một thế giới hạnh phúc.
Ước gì chúng ta có lòng nhân và sự bao dung như Đức Giêsu,
dám đồng bàn với con người hôm nay để dẫn họ đến bàn tiệc thiên quốc.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm :
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (OMt 9,13)
Câu chuyện minh họa:
Abbé Pierre chuyên giúp những người nghèo và vô gia cư để họ tự lực cánh sinh từ những vật dụng phế thải. Cha kể lại câu chuyện sau đây:
“Có một cựu tù nhân sống lang thang không nhà cửa nên thất vọng dùng dao cắt mạch máu của mình. Có người gọi điện thoại cho Cha. Cha lập tức đến nơi. Cha không một lời an ủi nhưng nói với ông ta như ra lệnh: “Anh đừng tự vẫn. Còn quá nhiều người kém may mắn cần sự giúp đỡ của tôi. Tôi cũng đang bệnh và cần sự giúp đỡ của anh.” Nghe những lời đó, đôi mắt lờ đờ của người đàn ông sáng lên và từ đó ông trở thành một trong những cộng sự viên đắc lực nhất của cha.
Suy niệm:
Chính tình yêu thương đã hoán cải lòng người, và của lễ đẹp lòng Chúa nhất cũng chính là tình thương. Việc cử hành phụng vụ sẽ rỗng tuếch nếu chúng ta không biết yêu thương và tha thứ. Chúng ta chia sẻ tình yêu thương nơi: công sở, làm việc, sinh sống… Chính hành động ấy, chúng ta làm cho Chúa hiện diện cách sống động.
Thánh Matthêu được Chúa kêu gọi, khi ông còn là người tội lỗi. Chính việc kêu gọi, Chúa đã cải biến con người ông. Ông lập tức đứng dậy đi theo Người mà không chút do dự. Ông theo Chúa với sứ mệnh là một lương y, để chăm sóc những con chiên đau ốm và bị thương tích. Chúa Giêsu đã dùng tình thương và sự cảm thông mà đối xử với Matthêu để ông nhận ra lòng thương xót của Chúa. Bởi Chúa luôn quan tâm đến người tội lỗi, để họ quay về với đường ngay nẻo chính, vì “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9,13)
Ngày nay Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta làm tông đồ cho Chúa dưới nhiều hình thức, chúng ta có đáp lại tiếng Chúa không? Chúng ta có bước ra khỏi những vướng mắc của tội lỗi và những bám víu vật chất để đi theo Chúa không?
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết lắng nghe lời mời gọi yêu thương của Chúa để chúng con tránh xa điều tội lỗi, và mau mắn vứt bỏ mọi sự để bước theo Chúa trên con đường thánh thiện.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Người thuế vụ trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu bị anh em đồng bào mình khinh miệt do việc ăn chặn của dân, hơn nữa thuế vụ trong xã hội Do Thái là tay sai cho đế quốc Rôma để bóc lột dân mình. Họ là hình ảnh của những gì là xấu xa nhất, tội lỗi nhất, đáng khinh miệt nhất mà dân chúng coi đồng hạng với các kẻ cắp và các phụ nữ ngoại tình. Hơn nữa, những người Pharisêu cho rằng: Một người Do Thái ngoan đạo, không được giao du với những người bị coi là tội lỗi. Vì thế, chúng ta hiểu thêm tại sao người biệt phái cầu nguyện tách biệt và khinh chê người thu thuế, còn người thuế vụ thì không dám đến gần bàn thờ nơi Thiên Chúa ngự, vì sự bất xứng của mình, anh ta ở dưới cúi đầu, đấm ngực ăn năn (x. Lc 18,9-14).
Đã không nên ở gần, lại càng không bao giờ ăn uống cùng bàn với họ để khỏi bị lây nhiễm hoặc bị ô uế. Hôm nay, Chúa Giêsu lại gọi người thu thuế Matthêu theo Người để trở thành môn đệ, một hành động khiến người Do Thái không thể hiểu được. Thật lạ, một người xấu xa, dơ bẩn đó được đặt làm môn đệ, rồi chính Đức Giêsu lại đồng bàn với những kẻ thu thuế như là những người đồng hội đồng thuyền: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế”.
Theo phong tục Do Thái, khi cùng ăn uống với ai, đó là dấu hiệu sự hiệp thông, sự chia sẻ tư tưởng, tình cảm và là một cử chỉ thân thiết và quan tâm của mình đối với người kia. Mời ai ăn cơm, là một vinh dự, tỏ ra muốn hòa bình, thân thiện tin tưởng và tha thứ (x. 2V 25,27-29). Cùng đồng bàn với người thu thuế, Đức Giêsu đã hòa mình với tội nhân để gắn bó sẻ chia… Người đã trở nên như người tội nhân để đưa họ vào sự cứu chuộc. Vâng, chính Người đã chết treo trên thập giá với thân phận của một tội nhân, đồng hạng với tội nhân để cứu chuộc tội nhân. Sứ mạng của Người là để cứu độ tất cả, chữa những người bất hạnh trong đó có cả những tội nhân. Tội nhân biết nhìn nhận tình trạng thiếu thốn, tình trạng tội lỗi, để Đức Kitô – vị thầy thuốc đến cứu chữa (x. Mt 9,12-13) như Người tuyên bố: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Chúng ta nhớ lại sắc màu tím tái cõi lòng của người thu thuế tại đền thờ, đã được Thiên Chúa cứu chữa và ông trở nên người công chính (x. Lc 18,9-14).
Chúng ta, với thời gian bao nhiêu vết thương lòng, bao nhiêu khiếm khuyết bất toàn, bao nhiêu những yếu đuối tội lỗi, hãy chỉ cho Đức Kitô, để Người – vị thầy thuốc – băng bó, chữa lành và làm cho công chính, lúc đó chúng ta cảm nghiệm được tại sao thánh Phaolô chia sẻ: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10). Nếu không có Chúa Giêsu – vị thầy thuốc đến từ Thiên Chúa – chúng ta sẽ chết trong bệnh tật là tội lỗi, trong vết thương yếu đuối và khuyết điểm của chính chúng ta như người Pharisêu tự phụ cho mình là công chính không cần ân sủng nên vẫn sống trong tội lỗi (x. Ga 9,41).
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nhìn đến người thu thuế Matthêu để cảm thông rồi gọi ông theo Chúa. Xin cho con học được nơi Chúa cái nhìn cảm thông nâng đỡ đối với người anh em, xin cho con biết nhìn nhận sự thật về chính mình, và xin Chúa luôn cứu chữa con. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien