15.9.2021 – Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên – Đức Mẹ Sầu Bi
Lời Chúa: Ga 19, 25-27
Lúc ấy, đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Suy niệm:
Chúng ta thường suy ngắm bảy nỗi đau của Đức Mẹ,
khi Mẹ nghe lời tiên tri của cụ Simêôn về Con, đưa Con trốn qua Ai Cập,
mất Con nơi Đền thờ, cùng Con lên đỉnh Canvê,
khi đứng bên Con chịu đóng đinh, hạ xác Con xuống khỏi thập giá,
và chôn táng Con trong mộ.
Những nỗi đau này đi dọc theo đời của người đã thưa tiếng Xin Vâng.
Những nỗi đau trong lòng người Mẹ, đau vì Con và với Con.
Ngoài bảy nỗi đau này, còn có bao nỗi đau khác không được kể tới.
Chỉ ai yêu mới biết đau.
Khi vẽ hay điêu khắc hình Đức Mẹ,
các nghệ sĩ thường trình bày một Đức Mẹ với khuôn mặt rất vui tươi.
Lễ Đức Mẹ sầu bi nhắc cho ta thấy đời Mẹ cũng có khi buồn.
Vui buồn ở đời là chuyện mấy ai tránh khỏi.
Cần ngắm nhìn khuôn mặt lo lắng của Mẹ khi mất Con hay đem con đi trốn.
Cần chứng kiến khuôn mặt đớn đau của Mẹ khi đứng bên Con trên núi Sọ.
Chính khuôn mặt buồn khổ của Mẹ lại làm chúng ta thấy gần Mẹ hơn.
Khi chia sẻ mọi đau khổ của kiếp người long đong,
Mẹ cảm thông với cái nặng nề của phận người mà ta gánh chịu.
Chúng ta vẫn thường nghĩ đau khổ là hậu quả của tội lỗi.
Điều đó đúng, nhưng không luôn luôn đúng.
Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ khỏi vết nhơ của tội nguyên tổ,
và Mẹ đã đáp lại ơn Chúa bằng việc luôn trung tín, vẹn tuyền.
Nhưng điều đó không làm Mẹ tránh được mọi đau khổ.
Thánh giá đã phủ bóng trên đời Mẹ ngay từ tiếng Xin Vâng đầu tiên.
Khi chấp nhận làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ đã bắt đầu phải trả giá.
Mẹ yêu mến Người Con mà Thiên Chúa ban cho mình,
nhưng đôi tay Mẹ không đủ sức giữ kho tàng quý giá ấy.
Mẹ hy sinh để Con Mẹ bước đi trên con đường khúc khuỷu gập ghềnh.
Nhưng trong đau khổ của hy sinh, Mẹ bình an vì biết mình sống theo ý Chúa.
Hãy đến với Núi Sọ chiều hôm ấy để thấy Mẹ đứng gần thập giá treo Con.
Mẹ đã có mặt trong tiệc cưới Cana khi Con khởi đầu sứ vụ (Ga 2, 1-12).
Bây giờ Mẹ lại có mặt khi Con hoàn tất sứ vụ ấy (Ga 19, 30).
Dù không theo Đức Giêsu trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng,
nhưng Mẹ là môn đệ của Ngài còn hơn những môn đệ khác.
Mẹ không chạy trốn, nhưng muốn nếm trọn nỗi đau của Con để sẻ chia.
Chính vào giây phút này, Đức Giêsu hấp hối làm điều không ai ngờ.
Ngài nối kết Mẹ Ngài và người môn đệ Ngài dấu yêu,
đặt Mẹ làm mẹ người môn đệ ấy: Thưa Bà, đây là con của Bà (c. 26).
và muốn người môn đệ ấy làm con của Mẹ: Đây là mẹ của anh (c. 27).
Chính dưới chân thập giá, Đức Giêsu đã lập một gia đình mới.
Mẹ là Mẹ của Đức Giêsu ở Cana, bây giờ thành Mẹ của người môn đệ.
Nơi người môn đệ này, các Kitô hữu thấy hình ảnh của chính mình.
Chúng ta cũng muốn đón Mẹ về nhà và nhận Mẹ làm Mẹ.
Mẹ sẽ là người lo cho chúng ta trong ngôi nhà của gia đình mới.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, này là Con Bà” (Ga 19,26)
Câu chuyện minh hoạ:
Vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh tại các nước châu Mỹ La Tinh được cử hành với một truyền thống rất đặc biệt, ở đó người ta sống lại sự hiện diện của Mẹ Maria dưới chân thập giá, họ đi lại từng bước những khổ nạn của Chúa Giêsu trong tiếng hát, trong những lời cầu nguyện và cả trong tiếng khóc nữa.
Các tín hữu còn giữ một truyền thống khác gọi là “chia buồn”. Truyền thống này được cử hành sau nghi thức phụng vụ của Giáo hội vào chiều thứ Sáu Tuần Thánh: Mọi người trở vào nhà thờ để an ủi Đức Mẹ Sầu Bi, như thể được ở bên Mẹ khi Mẹ đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, dân chúng chia sẻ nỗi đau của Ngài, vừa nói lên chính nỗi đau của họ. Trong nghi thức truyền thống chia sẻ nỗi đau buồn này là bức tượng của người phụ nữ mặc áo đen đứng dưới chân thập giá, khi xác Chúa Giêsu được tháo gỡ khỏi thập giá, thì bức tượng của người phụ nữ được đặt ở đầu chiếc quan tài.
Người phụ nữ mặc chiếc áo đen ấy dĩ nhiên tượng trưng cho Mẹ Maria, là Mẹ của Người Con bị hành quyết, là người đàn bà luôn phấn đấu để tin vào sứ điệp của Con. Mẹ đã phải dằn lại cơn giận dữ trước thái độ phản bội của dân chúng, và của những người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu. Mẹ đã phải tha thứ cho tất cả mọi người…
Suy niệm
Hôm nay lễ Đức Mẹ Sầu Bi, Danh hiệu Đức Mẹ Sầu Bi có nghĩa là cuộc đời của Đức Mẹ phải chịu trăm nghìn đau khổ nối tiếp: Cuộc chạy trốn sang Ai Cập, Lạc mất Chúa ba ngày, Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên thập tự giá, Táng xác Chúa… Thế nhưng, chính trong đau khổ Đức Mẹ đã sống đức tin vững vàng và thông phần vào mầu nhiệm cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Con Mẹ.
Đồng thời, Mẹ đau khổ cũng nhắc nhở chúng ta: đời sống Kitô hữu gắn liền với thập giá của Chúa Giêsu, bởi vì “Hạt giống có mục nát đi, mới sinh nhiều hoa quả” (Ga 12,24).
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp mỗi người chúng con biết đón nhận thập giá Chúa gởi đến chúng con. Để với tinh thần yêu mến, thập giá Chúa sẽ đem lại ích lợi cho đời sống của chúng con, như Lời thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai mến yêu Người (Rm 8,28).
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Ta có thể đọc Tin mừng hôm nay và suy niệm về những gì tác giả nói như một lời ca thán của Chúa Giêsu chăng? Có thể lắm chứ. Đến cả Chúa Giêsu mà còn không chịu nỗi “thế hệ này” cơ mà! “Thế hệ này” là từ ngữ mà Chúa ám chỉ đến những người biệt phái say mê lề luật, nên Tin mừng mới gọi họ là luật sĩ. Nghe luật sĩ thì có vẻ hàn lâm, giỏi giang, trí thức, nhưng nói cách bình dân đó là những người chỉ biết sách vở, đại khái là thế.
Sống trên đời, quả là khó khi làm vừa lòng tất cả mọi người. Gần như là không thể. Kinh nghiệm của Chúa Giêsu và bao nhiêu bậc thánh hiền nói với chúng ta như thế. Đối với những kẻ thích bươi móc và gièm pha, thì lúc nào chúng ta cũng có cái để cho họ chỉ trích phê bình. Tệ hại ở chỗ là lúc nào chúng cũng chỉ trích, chê bai, cái gì chúng cũng không vừa lòng; chúng còn lên mặt dạy khôn, dạy đạo đức và lên lớp người khác; trong khi chúng nói một đàng làm một nẻo. Hình như trong bất kỳ thời nào và hình thái xã hội nào cũng có những người như thế.
Trong đời thường, sống với những người này đã khó vì luôn luôn phải chịu sự soi mói của họ. Trong chính trị, xã hội, loại “luật sĩ” này mà làm lớn thì thế nào dân cũng phải khổ vì chúng. Loại tri thức bàn giấy, suy nghĩ trên sách vở mà không thực tế thì ra hàng loạt luật lệ để hành dân. Tốn kém thời gian công sức sửa đi sửa lại để kiện toàn. Chúng ta thấy thực tế đầy rẫy ra đó, nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Loại trí thức nửa mùa, nói một đàng, làm một nẻo hay kiểu đạo đức giả thì không thiếu trong bất cứ thời nào. Đạo đức cán bộ xuống cấp, nay chỗ này cán bộ tha hoá, mai chỗ kia ông nọ xộ khám mà mới ngày nào họ viết sách dạy đường lối, lên bục giảng về đạo đức, tư tưởng, triết lý.
Trong đời sống đạo, cũng không thiếu những lần nhân danh là người nắm luật rồi cũng giải thích luật Tin mừng khô khan, áp dụng cách cứng nhắc mà làm cho nhiều tâm hồn ra nghi ngờ và cứng cỏi.
“Đức khôn ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh”. Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu. Làm theo sự khôn ngoan của Thánh Thần hướng dẫn. Không phải vì phê bình chỉ trích hay soi mói của người đời có thể làm thay đổi triết lý sống đạo của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa nói, biết cầu nguyện để nhận thánh ý Chúa mà sống cho đẹp lòng Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien