11.9.2021 – Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên
Lời Chúa: Lc 6, 43-49
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho. Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.”
“Tại sao anh em gọi Thầy: “Lạy Chúa ! Lạy Chúa!”, mà anh em không làm điều Thầy dạy? Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc. Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.”
Suy niệm:
Có nhiều cách để nhận biết sự thật về một người.
Chúng ta có thể bị hấp dẫn bởi những lời giảng hùng hồn.
Chúng ta cũng có thể bị đánh lừa bởi thái độ khôn khéo giả tạo.
Đức Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn để nhận ra con người thật:
“Xem quả thì biết cây” (c. 44).
Quả ở đây là đời sống thực sự của người đó, là những việc họ làm.
Nếu nhìn kỹ công việc của một người, chúng ta có cơ may biết họ là ai.
Đức Giêsu nói lên một luật tự nhiên của cây cỏ.
Cây tốt sẽ sinh trái tốt, cây bị sâu sẽ sinh ra trái không ngon.
Người công chính được nhận biết qua đời sống tốt lành của họ,
qua những thử thách họ đã vượt qua, qua những hy sinh họ dâng hiến.
Người bất chính sẽ lộ ra qua đời sống xấu xa.
Đời sống và hành động của một người phản ánh con người thật của họ.
Bụi gai không sinh được trái vả, bụi rậm không cho được trái nho.
Bụi gai và bụi rậm chẳng thể nào sinh hoa trái tốt đẹp.
Đời sống là tiêu chuẩn để nhận ra người môn đệ thật của Đức Giêsu.
Không phải chỉ là tuyên xưng đức tin vào Thầy
bằng cách kêu lên: “Lạy Chúa! lạy Chúa !”
Vấn đề là làm điều Thầy dạy (c. 46).
Đức Giêsu đặt câu hỏi tại sao đầy ngạc nhiên với các môn đệ:
Tại sao tin vào Thầy mà lại không sống điều Thầy truyền dạy?
Kitô hữu chân chính là người đến với Chúa Giêsu,
lắng nghe những lời của Ngài và thi hành những lời ấy (c. 47).
Nghe thôi thì chưa đủ.
Lời của Chúa Giêsu phải thấm nhuần vào đời sống của ta,
chi phối mọi hành động, quyết định và lựa chọn.
Đức Giêsu kết thúc Bài Giảng của mình bằng dụ ngôn về hai người xây nhà.
Nhiều người đã nghe Bài Giảng này, đã cảm thấy hay,
nhưng có bao nhiêu người sẽ thực hành những giáo huấn trong đó ?
Người thực hành Lời Chúa được ví như người xây nhà có nền vững chắc.
Còn người không thực hành thì giống như người làm nhà không nền.
Bề ngoài có vẻ hai căn nhà không khác nhau.
Chỉ khi nước lụt dâng lên, và dòng nước ùa vào nhà, mới thấy sự khác biệt.
Một căn đứng vững vì có nền tử tế, căn kia bị sụp đổ tan tành.
Chúng ta thích xây nhà cao, nhưng lại ít để ý tới nền móng.
Chúng ta đã được nghe quá nhiều đoạn Lời Chúa,
nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc suy niệm, cầu nguyện.
Lời Chúa chưa thực sự bám rễ trong hành động và cuộc sống,
vì điều đó đòi một sự trả giá mà chúng ta muốn quay lưng.
Chính vì thế căn nhà tâm linh của chúng ta vẫn không vững.
Xin Chúa cho chúng ta can đảm để làm lại nền cho căn nhà đời ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu,…”. (Lc 6,43)
Câu chuyện minh họa:
Tôi vào thăm gia đình một cựu trung uý Hải quân tại vùng St Louis, Missouri. Anh chị tiếp đón khách rất lịch sự. Trong lúc ngồi nói chuyện, quan sát xung quanh phòng, trên bàn viết… tôi thấy có một dấu khác biệt với các nhà tôi từng đến thăm. Đó là sau cánh cửa ra vào anh chị đã viết một chữ NHẪN to tướng treo ở đó. Trên bàn viết, cũng một chữ NHẪN to không kém. Ngay ở hè, lối vào các phòng bên trong, cũng một chữ NHẪN to cả một gang tay. Tôi đã lựa lời để hỏi anh chị sao lại viết chữ này?
Anh đã gật gù ra chiều ưng ý lắm, rồi bình tĩnh trả lời, “Thưa cha, từ ngày vợ chồng chúng con tìm được biện pháp nhắc nhở này, gia đình con thấy được nhiều thăng tiến hơn. Chữ nhẫn ở cửa nhắc chúng con ra đường, ở sở làm, phải nhẫn nại với mọi người, mọi xe, mọi chờ đợi hoặc bất trắc xẩy ra. Chữ Nhẫn ở bàn viết, nhắc con phải luôn nhẫn nại với bao vấn đề phải giải quyết hằng ngày. Và mỗi lần ra vào bên trong, chữ Nhẫn kia nhắc nhở chúng con phải nhẫn nại bao nhiêu có thể giữa vợ chồng, và trong vấn đề nuôi dạy con cái. Ngoài ơn Chúa, chính chữ NHẪN đã đem lại hạnh phúc cho vợ chồng chúng con, cho việc rèn luyện các cháu.”
Suy niệm:
Việc giáo dục trong gia đình rất cần thiết để những “mầm xanh” của xã hội được lớn lên trong ngay thẳng, trung thực và nhẫn nại. Vì thế, những người con trong gia đình đạo đức phần lớn góp cho xã hội, Giáo hội những thành quả tốt đẹp. Cũng vậy, là những môn đệ Chúa Kitô, chúng ta càng trở nên giống như Người về mọi phương diện, vì chúng ta được tiếp xúc với Chúa nhiều qua việc cầu nguyện, kết hợp với Chúa trong thinh lặng, lắng nghe và thực hành Lời Chúa… Có như thế đời sống đức tin của chúng ta mới đâm rễ sâu vào “lòng đất” và sinh nhiều hoa trái.
Lạy Chúa, xin cho con biết phát huy những gì con nhận được dù nhỏ bé, nhưng với sự cố gắng và với ơn Chúa mỗi ngày, con được triển nở hơn trong đức tin và tình mến Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
“Tại sao anh em gọi Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa, mà anh em không làm điều Thầy dạy”. Qua đây, Đức Giêsu cho thấy, để công nhận là môn đệ đích thực của Chúa, đó là những ai luôn biết lắng nghe Lời và thực thi thánh ý Thiên Chúa mà thôi.
Ðức tin có thể ví như một căn nhà Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho con người. Tuy nhiên, đón nhận và xây dựng căn nhà ấy là phần của con người; căn nhà ấy có bền vững và đẹp đẽ hay không là tùy ở con người; căn nhà ấy có làm cho con người được hạnh phúc hay không là tùy ở việc xây dựng của con người. Đức Giêsu nói: “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc” (x. Lc 6,47-48).
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt lại câu hỏi nền tảng: Chúng ta có thực sự an vui, hạnh phúc và hãnh diện vì được làm môn đệ Chúa Kitô không? Niềm tin của chúng ta có được diễn tả cụ thể bằng những hành động bác ái yêu thương chưa? Những giá trị của Tin mừng có thực sự thấm nhập vào tâm hồn và hướng dẫn cuộc sống chúng ta không?
“Xem quả thì biết cây”: đời sống tốt được minh chứng bằng những việc lành, việc tốt. Điều này nhắc nhở chúng ta cũng đừng tự lừa dối mình khi chỉ biết nói tốt mà không làm tốt, biết nghĩ hay mà không thực hiện, biết nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành, biết chăm lo những việc bên ngoài để tìm hư danh mà không lo cho đời sống nội tâm, đời sống vĩnh cửu.
Lạy Chúa Giêsu, xin luôn nhắc cho chúng con nhớ rằng, tất cả chúng con đều là con cái Chúa và đừng để chúng con quên lời Chúa nói: “Ðiều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho chính Chúa”. Nhờ đó, chúng con biết sống tinh thần bác ái, yêu thương như Lời Chúa dạy. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien