17.7.2021 – Thứ Bảy tuần XV Thường Niên
Lời Chúa: Mt 12, 14-21
Khi ấy, nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Ðức Giêsu. Biết vậy, Ðức Giêsu lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói:
“Ðây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn,
đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người.
Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người.
Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân.
Người sẽ không cãi vã, không kêu to,
chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.
Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy,
tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi,
cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng,
và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.”
Suy niệm:
Chúng ta đã từng thấy một Đức Giêsu đầy uy quyền
trong Bài Giảng trên núi và trong các phép lạ (Mt 6-9).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy một Đức Giêsu ở vào thế yếu.
Khi biết nhóm Pharisêu tìm cách giết mình thì Ngài lánh đi (c. 15).
Ngài đã lánh đi nhiều lần khi gặp chống đối và đe dọa.
Ngài lánh đi khi nghe tin Gioan bị nộp, rồi bị giết (Mt 4, 12; 14, 13).
Đức Giêsu không đối đầu với kẻ bách hại như Ngài đã dạy môn đệ (Mt 10, 23).
Ngài chỉ đón lấy cái chết khi Cha muốn.
Đức Giêsu có tiếng tăm nhưng cũng rất âm thầm.
Ngài chữa bệnh cho đám đông theo Ngài, nhưng lại muốn giữ kín (c. 16).
Ngài không muốn những phô trương rầm rộ, những biểu dương hoành tráng.
Đây là chọn lựa của Ngài ngay từ đầu sứ vụ
khi Ngài từ chối không nhảy xuống từ nóc đền thờ để người ta vỗ tay.
Và Ngài đã sống sự âm thầm này đến cuối đời
khi Ngài không bước xuống khỏi thập giá để được kẻ thù tin kính.
Sự phục sinh của Ngài có thể nói cũng là chuyện âm thầm,
vì Ngài chỉ hiện ra với các môn đệ của Ngài (1 Cr 15, 5-8).
Ngài chẳng hiện ra để đòi mạng Philatô, Caipha, Hêrốt…
Giáo hội nhỏ bé của Ngài cũng đã âm thầm lớn lên sau hai mươi thế kỷ.
Giáo hội này vẫn từ chối dùng quyền lực và bạo lực để xây dựng Nước Trời.
Các Kitô hữu đầu tiên đã thấy khuôn mặt người Tôi Trung nơi Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã làm trọn từng nét của người Tôi Trung này (Is 42, 1-4).
Đây là người được Thiên Chúa yêu mến, tuyển chọn và hài lòng,
là người có Thần Khí Thiên Chúa, để được sai đến với muôn dân.
Người Tôi Trung này sẽ loan báo công lý trước muôn dân,
và sẽ đưa công lý đến toàn thắng (c. 20).
Tuy nhiên việc loan báo của người Tôi Trung này lại không ồn ào.
“Người sẽ không cãi vã, không kêu to,
chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường” (c. 19).
Đức Giêsu đã loan báo Tin Mừng như một lời mời gọi.
Ngài không dùng quyền năng Cha ban để đe dọa hay làm hại ai,
nhưng để phục vụ mọi người trong âm thầm và khiêm hạ.
Không bẻ gẫy cây lau bị giập, không làm tắt tim đèn leo lét (c. 20).
Nâng niu những gì còn có chút hy vọng,
gìn giữ những sự sống mong manh và khơi dậy những thiện chí còn ẩn giấu.
Đó là điều Đức Giêsu vẫn làm khi đến với những người bị loại trừ,
những tội nhân và người thu thuế.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắn nhủ các Đức Giám mục Việt Nam
trong buổi triều yết ngày 27-6-2009 như sau:
“Trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau,
chỉ mong Giáo hội có thể góp phần xứng đáng vào sinh hoạt quốc gia,
vào việc phục vụ tất cả người dân.”
Xin cho chúng ta biết sống phục vụ như người Tôi Trung Giêsu
để “xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng.”
Cầu nguyện:
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J
Lời Chúa:
“Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu. Ta hài lòng về Người…” (Mt 12,18)
Câu chuyện minh họa:
Một nông dân trồng bụi tre nơi góc vườn. Thân tre mỗi ngày mỗi cao lớn, thẳng đuột. Ngày kia, người ấy đến nói với cây cao nhất: “Này bạn, ta cần bạn”. Cây tre nói: “Thưa ông, tôi sẵn sàng, ông cứ sử dụng tôi theo ý ông”.
– Được, ta sẽ xẻ anh ra làm đôi.
Nghe thế, cây tre phản đối:
– Xẻ tôi? Sao vậy? Trong vườn có cây nào đẹp hơn tôi đâu? Xin ông đừng… Ông dùng tôi thế nào cũng được, nhưng xin đừng xẻ tôi ra…
– Nếu không xẻ anh ra thì anh chả được việc gì.
Một làn gió nhẹ thổi qua, cây tre cúi đầu thở dài: “Thưa ông, nếu chỉ còn cách đó, thì xin ông cứ làm theo ý ông”.
Người nông dân nói tiếp: “Ta sẽ tước bỏ hết các cành của ngươi”.
– Ông tước cành tôi? Như vậy còn gì là vẻ đẹp của tôi? Lạy Chúa, xin ông thương đừng làm thế…
– Nếu không tước cành, anh chả được việc gì.
Gió thổi mạnh hơn. Cây tre quằn quại trong gió và nắng. Rồi nó mạnh dạn thưa: “Thưa ông, xin ông chặt tôi đi”.
Ông chủ nói: “Bạn thân mến, thực thì ta buộc lòng phải làm bạn đau, phải tước cành, khoét đốt bạn; nếu không, ta không thể dùng bạn”.
Cây tre cúi rạp xuống đất nói: “Thưa ông, xin ông cứ việc chặt, dùng tôi theo ý ông”.
Người nông dân chặt tre, tước cành, xẻ đôi và lóc ruột làm thành cái máng chuyển nước từ dòng suối vào cánh đồng. Và sau đó, người nông dân có một vụ mùa bội thu.
Suy niệm:
Cây tre trong câu chuyện trên đây muốn được sử dụng tốt và trở nên có ý nghĩa thì phải theo ý kiến của người chủ, có khi phải chịu gọt tỉa đau đớn.
Chúa Giêsu đã là một gương mẫu cho chúng ta. Người là vị tôi trung của Chúa Cha, đẹp lòng Cha mọi đàng. Ngài luôn vâng phục thánh ý Cha và luôn làm cho Chúa Cha hài lòng. Đồng thời, Ngài cũng luôn kiên nhẫn với chúng ta, để chúng ta trở về với Chúa. Chính lòng nhân hậu của Chúa đã cải biến nhiều tâm hồn. Phần chúng ta, chúng ta có học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường chưa? Chúng ta có kiên nhẫn với anh chị em chúng ta không hay khi thấy một việc làm chướng mắt của họ, chúng ta vội kết án họ?
Những đòi hỏi của Phúc âm hôm nay bắt ta duyệt xét lại cách sống của chúng ta, đời sống cộng đồng cũng như đời sống cá nhân. Nói cách khác, khi người ta nhìn vào cách sống của chúng ta, người ta phải nhận ra hình ảnh một Đức Kitô kín đáo, nhân hậu và hiền lành.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mạnh dạn thưa với Chúa: Xin hãy dùng con theo thánh ý Chúa, vì Chúa tạo dựng chúng con cho Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM
Danh nhân có câu: “Giới hạn cao nhất của lòng kiên nhẫn là: không nói, không cáu, không giận”. Câu nói dẫn chúng ta đi vào trong ý nghĩa của bài Tin mừng hôm nay khi thấy Chúa Giêsu đối diện với người Pharisêu, Người đã bị họ chỉ trích và bàn bạc để tìm mọi cách giết. Nhưng Chúa Giêsu không trả đũa, trái lại Người lánh khỏi nơi đó. Hành vi này cho thấy Chúa Giêsu rất kiên nhẫn với một thái độ bất bạo động, Người không hơn thua với họ, Người chứng tỏ cho thấy hình ảnh của người Tôi Tớ hiền lành mà chính Isaia đã tiên báo: “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng”.
Bài học mà Chúa Giêsu dạy cho chúng ta về thái độ kiên nhẫn, nhân từ và ôn hòa trước những người đối nghịch, bởi vì đây chính là sự khôn ngoan, hướng đi theo Thần Khí và theo những giá trị của Tin mừng. Con đường mà Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta là con đường của bình an và hòa giải. Như lời Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định trong bài dạy giáo lý ngày 15/4/2020: “Người xây dựng hòa bình là người nhờ ơn Chúa, theo gương Chúa Giêsu, mang hòa giải đến cho tha nhân bằng cách trao tặng chính mình, luôn luôn và ở mọi nơi! Không có hòa giải nếu không có yêu thương hiến dâng chính cuộc đời mình. Phải luôn tìm kiếm hòa bình ở mọi nơi và bằng mọi cách”.
Chúng ta cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta luôn biết xây dựng đời sống Kitô hữu, hạnh phúc gia đình, bằng sự kiên nhẫn để tìm kiếm sự bình an và hòa giải. Amen
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien