16.7.2021 – Thứ Sáu tuần XV Thường Niên
Lời Chúa: Mt 12,1-8
Khi ấy, vào ngày Sabát, Ðức Giêsu băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Những người Pharisêu thấy vậy, mới nói với Ðức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabát!” Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách à? Vua Ðavít đã làm gì, khi vua và thuộc hạ đói bụng? Vua vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sabát, các tư tế trong Ðền Thờ vi phạm luật sabát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Ðền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sabát.”
Suy niệm:
Đức Khổng Tử đòi người quân tử phải có năm đức tính gọi là ngũ thường.
Đứng đầu của ngũ thường là lòng nhân.
Ngài viết: “Người quân tử mà bỏ đức nhân thì làm sao được gọi là quân tử?
Người quân tử dù trong một bữa ăn cũng không làm trái điều nhân,
dù trong lúc vội vàng cũng theo điều nhân (Luận Ngữ, IV, 5).
Trong giáo huấn của Đức Giêsu, lòng nhân có một chỗ đứng đặc biệt.
Hai lần câu này của ngôn sứ Hôsê được trích dẫn trong Mátthêu:
“Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế” (9, 13; 12, 7).
Xem ra câu này không dễ hiểu, nên Ngài khuyên ta học cho biết ý nghĩa.
Giữ ngày sabát là điều rất quan trọng trong Do thái giáo.
Theo Luật Chúa, đó là ngày nghỉ ngơi, ngừng mọi công việc.
Đối với người Pharisêu, bứt lúa được xem như gặt lúa, nên là việc bị cấm làm.
Hành vi bứt lúa của các môn đệ bị coi là vi phạm ngày sabát.
Thay vì trách họ theo lời người Pharisêu, Thầy Giêsu lại bênh vực họ.
Ngài trưng dẫn trường hợp Đavít và các thuộc hạ khi đói bụng
đã ăn bánh thánh hiến vốn dành riêng cho các tư tế (Lv 24,5-9; 1 Sm 21,1-6).
Hiển nhiên đây là chuyện vi phạm Lề Luật vì có nhu cầu chính đáng.
Nếu chấp nhận chuyện Đavít thì càng phải chấp nhận chuyện của các môn đệ,
vì họ đi theo một Đấng mà Đavít phải gọi là Chúa (Mt 22, 43).
Luật giữ ngày sabát thật ra không phải là một đòi buộc luân lý tuyệt đối.
Các tư tế phải làm việc phụng sự Chúa, chuẩn bị các lễ vật vào ngày sabát.
Nếu họ được phép vi phạm ngày sabát mà không mắc tội (c. 5),
thì huống hồ là Thầy Giêsu và các môn đệ của Ngài,
những người làm việc cho Nước Trời, nhưng lại phải chịu đói nên mới bứt lúa.
Đức Giêsu không có thái độ bất kính với ngày sabát.
Nhưng Ngài là chủ ngày sabát, Ngài có quyền xác định điều gì được phép làm.
Ngài thấy gánh nặng đè lên con người bởi những cấm đoán chi li,
khiến con người ngột ngạt, mệt mỏi.
Giữ Luật phải đem lại cho con người hạnh phúc,
phải đi với lòng nhân.
Giữ Luật mà cứng nhắc, thiếu lòng nhân, lòng bao dung,
thì đó là thứ hy lễ Chúa không cần (Hs 6, 6).
Thật ra không có sự đối nghịch giữa luật lệ với lòng nhân.
Giữ luật là cách biểu lộ lòng nhân, vì luật trên hết là luật yêu thương.
Người giữ luật thực sự là người có khuôn mặt vui tươi và trái tim rộng mở.
Khi yêu thì người ta trở nên chi li.
Không phải chi li để xét đoán người khác.
Nhưng chi li vì thấy những nhu cầu nhỏ bé của tha nhân.
Chỉ xin giữ mọi luật lệ nhỏ bé thật chi li, chỉ vì yêu bằng tình yêu quá lớn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.
Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi ngày,
những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau đớn.
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.
Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tuoi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.
Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 1,7)
Câu chuyện minh họa:
Một câu chuyện về người Mẹ Điên từng gây chấn động nền văn học Trung Quốc, lấy đi không ít nước mắt của hàng vạn bạn đọc…
Câu chuyện gợi ra khung cảnh về một vùng quê nghèo khó Trung Quốc. Một vùng quê có những hủ tục, có những người mẹ chồng gia trưởng, có những con người cứ tưởng rằng trái tim họ hóa đá nhưng vẫn đầy cảm xúc tình người. Cuộc đời Mẹ Điên chẳng ngày nào được sung sướng. Bà bị chính những người thân của mình mắng nhiếc, khinh khi. Từ bà mẹ chồng khinh dể đến chồng bỏ rơi. Đau đớn nhất là đứa con mà người Mẹ Điên này không ngớt yêu thương. Thụ là người con của người Mẹ Điên đã không nhận ra tình thương ấy, trái lại anh còn cảm thấy xấu hổ và coi mẹ như kẻ thù. Thụ đã từng mắng mẹ là “đồ con lợn”.
Thế nhưng, lạ lùng thay! Người Mẹ Điên này có thể điên mọi sự nhưng về tình mẫu tử bà luôn tỉnh táo. Bà có một tình yêu mãnh liệt dành cho con trai mình. Bà luôn sẵn sàng làm bất cứ việc gì cho con, chẳng màng gian nan cực khổ, bất chấp nguy hiểm hay phải hi sinh cả mạng sống của mình cho con, bà cũng làm! – Mặc dù những hành động đó, có thể chỉ xuất phát trong vô thức. Chính điều này đã cải hoá tâm hồn Thụ đến nỗi cậu thốt lên: “Và thật kì lạ, hễ bất cứ việc gì làm vì con trai, mẹ đều không điên tí nào. Ngoài tình mẫu tử ra, tôi không còn cách giải thích nào khác.” Thế đấy, tình yêu của mẹ luôn tỉnh táo, một người mẹ điên có thể đi bộ hàng chục cây số, xuyên nắng, xuyên tuyết, xuyên cái rét thấu đến tận xương để mang thức ăn cho con mình suốt 3 năm trời ròng rã…
Suy niệm:
Chúng ta luôn muốn mọi sự đều hoàn hảo mà không nhận ra tình yêu thương của người khác. Vì thế, chúng ta hay kết án nhau. Cũng như những biệt phái và Pharisêu, họ xem trọng lề luật mà không quan tâm đến tình trạng của con người. Nhưng Chúa Giêsu thì chú trọng đến con người và nỗi thống khổ của họ, và Ngài muốn chúng ta dùng lòng nhân từ mà đối xử với nhau. Ý nghĩa cao cả của ngày Hưu lễ đã bị những người biệt phái và luật sĩ biến thành một gánh nặng chồng chất lên vai người dân; họ biến con người thành nô lệ cho lề luật: lề luật được tôn thờ, còn con người bị chối bỏ.
Chúa Giêsu đến để giải phóng con người. Ngài không đứng về phe nào, nhưng lấy con người làm trọng tâm. Chúa Giêsu tóm tắt tất cả lề luật vào một giới răn duy nhất là bác ái, yêu thương. Nếu chúng ta tuân giữ lề luật mà quên đi mối tương quan với anh em thì hẳn chúng ta đang trở thành những biệt phái mới.
Xin Chúa cho chúng ta biết tuân giữ và làm mọi sự vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Câu chuyện Tin mừng hôm nay, nếu có một câu nào đó gọi là chìa khoá, thì ta có một gợi ý để dễ nhớ: tình ngay lý gian. Câu thành ngữ nhân gian này quả thực đúng với tình huống mà Chúa Giêsu và các môn đệ đang phải đối diện. Xét về tình, Chúa Giêsu nói có lý: “David làm gì cùng với các thuộc hạ khi đói bụng: họ đã ăn bánh tiến, vốn không được phép ăn”. Vậy thì các môn đệ đang đói cũng được phép bứt bông lúa mà ăn trong ngày Sabát. Xét về lý, điều này thì theo quan điểm của Pharisêu, việc làm các môn đệ là sai luật. Luật là lý, luật là quy định. Luật được viết và giải thích như thế. Và kết luận: Chúa và các môn đệ làm sai luật là mắc tội.
Sống trong đời nhiều lúc chúng ta đứng trước những tình huống như Chúa Giêsu và các môn đệ hôm nay gặp phải: tình thì ngay mà lý thì gian. Vấn đề mà Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ hôm nay còn hơn cả lề luật: Đó là có Đấng hơn cả Môsê, hơn cả đền thờ… Đó là chính Người. Những người Pharisêu ắt hẳn không hiểu hoặc cũng chẳng muốn hiểu. Không hiểu vì làm sao họ có thể tin Chúa Giêsu hơn cả đền thờ! Không muốn hiểu vì họ căm ghét Chúa tận xương tuỷ của họ. Họ vu khống và đặt điều về Người. Họ cho rằng Người đến huỷ bỏ lề luật. Mà đối với họ lề luật quan trọng biết bao. Nếu chúng ta là những người nguyên tắc, cái gì cũng nại vào lý lẽ lề luật, coi chừng chúng ta biến cuộc sống mình trở thành một cỗ máy. Con người duy lý là con người không có tính xã hội, nó hoàn hảo nhưng nó vô cảm. Mọi tương quan sẽ bị đóng băng trên những nguyên tắc. Chắc hẳn chúng ta không muốn thế. Vì chúng ta là con người được tạo dựng cho nhau. Tuy nhiên cũng đừng vì duy cảm mà chúng ta phá bỏ mọi luật lệ. Luật căn bản cũng vì trật tự và lợi ích của chúng ta.