13.7.2021 – Thứ Ba tuần XV Thường Niên
Lời Chúa: Mt 11, 20-24
Bấy giờ, Đức Giêsu bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Betsaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tyrô và Siđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tyrô và Siđôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Caphanaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Sôđôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Sôđôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”
Suy niệm:
Lời giảng đầu tiên của Đức Giêsu là một lời mời sám hối (Mt 4, 17).
Những phép lạ Ngài làm cũng là một lời mời tương tự.
Phép lạ không phải chỉ là những biểu lộ của uy quyền và tình thương.
nhằm vén mở khuôn mặt của Thiên Chúa và của Con Ngài.
Phép lạ còn là lời mời gọi đổi đời, vì Nước Trời đã gần đến.
Đức Giêsu quở trách các thành đã lần lữa không chịu sám hối,
dù họ đã được chứng kiến phần lớn các phép lạ Ngài làm (c. 20).
“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Betsaiđa!”
Đức Giêsu đã kêu than như một ngôn sứ, buồn phiền và đau đớn,
trước sự cứng lòng của những nơi mà Ngài đã đặt chân và thi ân.
Khoradin là một vùng ở Tây Bắc Hồ Galilê (Mc 10, 13).
Nay chỉ còn là cánh đồng gạch vụn, với dấu tích của một hội đường.
Betsaiđa nghĩa là “nhà của cá”, nằm nơi sông Giođan đổ vào Hồ nói trên.
Thành này ngày nay cũng biến mất, có lẽ vì bị tràn ngập bởi phù sa.
Đức Giêsu đã so sánh hai thành này với hai thành dân ngoại Tyrô và Siđôn.
Nếu Tyrô và Siđôn nhận được sự hiện diện của Đức Giêsu,
hẳn họ đã ăn năn sám hối từ lâu rồi (c. 21).
Caphanaum được coi là trụ sở của Đức Giêsu khi thi hành sứ vụ.
Nơi đây Ngài đã làm bao điều tốt lành (Mt 4, 13; 8, 5; 9, 1; 17, 24).
Vậy mà có vẻ nó lại không muốn đón nhận Đấng mang ơn cứu độ.
Phải chăng vì nó đã tự hào, tự cao trước những ơn Chúa ban?
“Ngươi sẽ được đưa lên tới tận trời sao? Ngươi sẽ bị tống xuống âm phủ.”
Đức Giêsu dám so sánh Caphanaum với Sôđôm.
Sôđôm là một thành phố trụy lạc, đã bị thiêu hủy hoàn toàn (St 19, 25).
Ngài cho rằng Sôđôm mà được thấy những điều kỳ diệu Ngài làm,
hẳn nó đã hoán cải và còn tồn tại đến nay (c. 23).
Đến ngày phán xét, con người sẽ bị xét xử theo điều mình đã lãnh nhận.
Lãnh ít thì sẽ được khoan hồng nhiều hơn.
Mỗi người chúng ta thật sự chẳng rõ mình đã nhận được bao nhiêu.
Chúng ta dễ có thái độ tự cao của những người được gần gũi Chúa.
“Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài,
và Ngài cũng đã từng dạy dỗ trên các đường phố của chúng tôi” (Lc 13,26).
Nhưng điều quan trọng không phải là đã nghe giảng và đã thấy phép lạ.
Điều quan trọng là sám hối.
Những ơn lộc Chúa ban cho đời Kitô hữu lại đòi ta phải hoán cải nhiều hơn.
Chúng ta không thể coi mình là Caphanaum để khinh Sôđôm được.
Thiên Chúa xét xử theo điều Ngài ban cho từng con người,
từng nền văn hóa hay văn minh, từng vùng đất hay từng tôn giáo.
Làm sao tôi có thể thấy được những phép lạ Chúa làm cho tôi mỗi ngày?
Có những phép lạ xảy ra đều đặn và bình thường nên tôi không nhận ra.
Mỗi cử chỉ yêu thương tôi nhận được cũng là phép lạ.
Mong tôi đáp lại phép lạ đó bằng một cử chỉ yêu thương.
Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối từ lâu rồi.” (Mt 11,21)
Câu chuyện minh họa:
QUỶ 1: Báo cáo xếp, em đã cám dỗ một ông cha cố về điều răn thứ 6, nhưng ông ta chống trả bằng cách cứ cầu nguyện liên tu bất tận. Em xin chịu thua, xếp có phương kế gì không ạ?
QUỶ 2: Em cũng xin báo cáo xếp, em phụ trách công tác cám dỗ một bà sơ về sự kiêu căng bất tuân Bề Trên trong Dòng. Chị ta cũng chống trả bằng cầu nguyện và lần chuỗi Mai-Khôi không ngưng nghỉ. Thế là em đành cút, xin ý kiến xếp chỉ đạo tiếp ạ!
QUỶ 3: Trình xếp, em được phân công theo cám dỗ một ông giáo dân về lòng tham lam của cải vật chất thế gian, nhưng cũng như trường hợp hai bạn quỷ của em vừa báo cáo, ông này cũng lấy việc cầu nguyện làm vũ khí chống trả ghê gớm, em đành chào thua rút lui ạ!
TƯỚNG QUỶ: Thôi thôi đủ rồi, chúng mày đi sai đường lối chính sách từ sừng đến đuôi! Đã có lệnh mới, chúng mày quên béng rồi à? Đừng có cám dỗ theo những phương án tiêu cực và thụ động ấy nữa, xưa rồi! Chiến lược bây giờ là phải làm ngược lại, hết sức tích cực và chủ động, nghĩa là phải khuyến khích chúng nó giữ Đạo cho sốt sắng, làm việc bác ái cho hăng, để rồi có ngày chúng nó sẽ kiêu căng tự mãn. Bấy giờ ta mới tung chiêu quyết định giành thắng lợi, hiểu chưa, đồ quỷ ngu?
Suy niệm:
Đôi khi chúng ta thấy mình sống tốt lành, đạo đức thì hiển nhiên chúng ta hơn hẳn những người khác, xem nhẹ người khác, tính kêu căng ích kỷ từ đó mà phát huy. Nếu chúng ta thấy mình tốt lành không cần phải ăn năn sám hối nữa thì chúng ta chẳng khác gì những biệt phái và Pharisêu, và ma quỷ lợi dụng cơ hội đó để tấn công chúng ta. Đôi khi chúng ta hưởng những hồng ân đặc biệt Chúa ban mà chúng ta không biết tận dụng. Trước mặt Chúa, chúng ta là những con người tội lỗi nên cần phải khiêm tốn và sám hối luôn luôn. Vì thế, chúng ta cần mở lòng đón nhận ơn Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp con đừng khép kín tâm hồn với lời Chúa, để lời Chúa hướng dẫn đời sống, lối suy nghĩ và cách sống của chúng con, để chúng con luôn sống trong đường lối Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Hãy biết sám hối và sửa sai, đó là giáo huấn quan trọng mà Chúa Giêsu muốn ngỏ với chúng ta trong trang Tin mừng hôm nay.
Quả thế, khi quở trách những người ở các thị trấn Chorazin và Bethsaida, Chúa Giêsu muốn tỏ cho họ thấy Người yêu thương họ. Và khi Chúa Giêsu thấy họ vẫn tiếp tục bám lấy cuộc sống tội lỗi của họ, Người đã đem cho họ Tin mừng và làm nhiều phép lạ. Thế nhưng họ vẫn cố chấp, vẫn sai phạm, vẫn lầm lẫn, không muốn ăn năn, không muốn thay đổi đường lối của mình. Sự chai lỳ và cố chấp không hoán cải là điều làm Chúa buồn.
Cuộc sống của chúng ta hôm nay cũng vậy, Chúa vẫn tiếp tục yêu thương và chăm sóc cho chúng ta, nhất là bằng những lời khiển trách đầy yêu thương. Khi chúng ta thay đổi cuộc sống của mình và chiến thắng tội lỗi là kết quả của lời mời dịu dàng của Chúa Giêsu trong ân sủng. Nhưng, vào những lúc khác, khi tội lỗi đã sâu, chúng ta cần một lời khiển trách thánh thiện. Trong trường hợp này, chúng ta nên nghe những lời này của Chúa Giêsu như thể chúng đang nhắm vào chúng ta. Đây có thể là hành động thương xót cụ thể mà chúng ta cần trong cuộc sống của mình.
Hôm nay, hãy suy gẫm xem chúng ta có cần Chúa Giêsu khiển trách hay không. Nếu chúng ta để Chúa khiển trách, hãy để cho Tin mừng về tình yêu thương của Chúa phủ lấp chúng ta. Chúng ta cũng hãy suy gẫm về trách nhiệm của mình trong việc sửa chữa lỗi lầm của người khác. Đừng ngại thực hiện một hành động yêu thương của Chúa đối với người khác. Đây chính là chìa khóa để giúp những người chúng ta yêu mến thêm yêu Chúa.
Lạy thánh Giuse, chúng con tin rằng, ngài đã trải qua một cuộc sống âm thầm, nhưng không thiếu những cử chỉ yêu thương dành cho Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Ngài đã biết để cho lời của Chúa hướng dẫn và nắn đúc cuộc sống mình, xin cầu cùng Chúa cho chúng con biết sống theo gương ngài để yêu thương và chấp nhận nhau trong cuộc đời này. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien