29.6.2021 – Thứ Ba, Lễ Thánh Phêrô Và Thánh Phaolô Tông Đồ
Lời Chúa: Mt 16, 13-19
Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. Ðức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ðức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.
Suy niệm:
Trong ngày lễ kính thánh Phêrô và thánh Phaolô,
chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hai khuôn mặt,
rất khác nhau mà cũng rất giống nhau.
Phêrô, một người đánh cá ít học, đã lập gia đình.
Ông theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ.
Còn Phaolô là người có nhiều điều để tự hào,
về gia thế, về học thức, về đời sống đạo hạnh.
Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu khi Ngài còn sống.
Nhưng hai ông có nhiều nét tương đồng.
Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi.
Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con.
Phaolô được gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamát.
Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Ngài.
Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp.
Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang.
Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.
Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã.
Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô,
trong một phút giây quá tự tin vào sức mình.
Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô,
trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng.
Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai.
Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.
Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách nồng nhiệt,
vì họ cảm nhận sâu xa mình được Ngài yêu.
“Này anh Simon, anh có mến Thầy không?
Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,16)
Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống,
vì Ngài là “Con Thiên Chúa,
Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 20)
Phaolô đã không ngần ngại khẳng định:
Không gì có thể tách được chúng ta
ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô (x. Rm 8, 35.39)
Tình yêu Ðức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo,
vì nói cho cùng truyền giáo chính là
giúp người khác nhận ra và yêu mến
Ðấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại.
Cả hai vị tông đồ đều hăng say rao giảng,
bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau.
Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40)
Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28).
“Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu” (Gl 6, 1-7)
Cả hai vị đã chết như Thầy.
Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18).
Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng,
và đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6).
Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới,
dám bỏ, dám theo và dám yêu
dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng.
Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự :
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16,13)
Câu chuyện minh họa:
Dostoievsky, văn hào vĩ đại nhất của nước Nga vào thế kỷ 19, đã tôn Đức Giêsu làm Thần Tượng của mình và đã tuyên xưng:
“Đối với tôi, không có gì đẹp đẽ, sâu xa, dễ mến, hợp lý và hoàn hảo cho bằng Đức Kitô, và hơn thế nữa, dù có ai chứng minh với tôi rằng Đức Kitô ở ngoài chân lý, thì tôi không ngần ngại chọn ở lại với Đức Kitô hơn là chiều theo chân lý”. (Thư gửi bà Von Vizine)
Suy niệm:
Đối với tôi, Chúa Giêsu là ai? Câu hỏi này được đặt ra cho mỗi người, và sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau. Với những người buôn bán thì Chúa Giêsu là một “ông thần tài”, với người khốn khó thì Chúa là “một tấm phao” hay với một số người khác thì Chúa là một vị thẩm phán khắc khe.
Khi thấy dân chúng không hiểu căn tính của Chúa, người liền hỏi các môn đệ để các ông xác định rõ “Ngài là Đấng Kitô”, Đấng hiến mình vì nhân loại: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại.” (Mc 8,31). Ngài đến trần gian để hiến mình cho trần gian, thế mà không phải ai cũng nhận ra nên đã không để cho Chúa một chỗ đứng trong cuộc đời mình.
Trong thâm sâu cõi lòng, tôi tự vấn lương tâm của mình về cách sống và các mối tương quan, để xét xem Chúa là ai trong cuộc đời tôi?
Lạy Chúa, lắm khi chúng con đã bỏ quên Chúa trong những công việc vất vả, trong những cuộc vui, và trong những mối tương quan. Xin Chúa cho chúng con biết nhận ra Chúa luôn là Đấng luôn ở bên chúng con trong mọi nơi mọi lúc, nhất là những lúc nguy nan và những lúc sóng gió của cuộc đời.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Hôm nay phụng vụ Giáo hội mừng trọng thể thánh Phê-rô và Phao-lô, hai vị thánh tường cột của Giáo hội.
Phê-rô xuất thân trong một gia đình ngư phủ, ít học nhưng nhiệt thành. Ngài được xếp vào một trong bốn môn đệ đầu tiên, được Chúa Giê-su kêu gọi đang khi giăng lưới kiếm sống nuôi thân và gia đình. Lòng nhiệt huyết của ngài đến độ sẵn sàng lớn tiếng: “Cho dù tất cả vấp ngã vì Thầy, thì con vẫn không chối Thầy”.
Còn Phao-lô thì xuất thân từ một gia đình tri thức, ăn nói thông thạo, lý luận sắc bén, tài cao hiểu rộng… Ngài còn được biết đến dưới bóng dáng của một kẻ bắt đạo khét tiếng. Quả thật, Phao-lô ghét danh Giê-su đến nỗi chỉ cần ai nói về danh ấy thôi thì Phao-lô cũng tìm mọi cách để triệt hạ. Ngài còn gián tiếp trong vụ giết hại vị tử đạo tiên khởi – thánh Stêphanô.
Thế nhưng, khi nhắc đến hai vị này, chúng ta lại hay nhắc tới một điểm chung giữa hai vị đại thánh, đó chính là cuộc vấp ngã của họ và sự biến đổi.
Chúa Giê-su cho biết trước Phê-rô không tránh khỏi vấp ngã, sẽ chối Thầy đang lúc ngài quá tự tin vào sức mình. Và rồi Phê-rô đã chối Thầy tận ba lần chỉ trong phút chốc. Phê-rô nhận ra sự giới hạn lòng yêu Chúa nơi con người của mình khi đối diện với Chúa Giê-su phục sinh: “Thầy biết rõ mọi sự”. Ngài hối hận, biến đổi nhờ nhận ra tình yêu thương của Chúa Giê-su còn lớn hơn cả tội lỗi của mình.
Còn Phao-lô trên đường đi Da-mas trong sự tự đắc, nghĩ rằng mình đang đi đúng hướng, thi hành việc chính nghĩa thì bị ngã ngựa. Chúa đã cho Phao-lô sáng con mắt thể lý như là một sự cảnh tỉnh, và cho sáng con mắt tâm linh để nhận ra sự sai quấy khi bắt bớ những Ki-tô hữu chính là bắt bớ Chúa Ki-tô. Để rồi Phao-lô được biến đổi, giờ đây chuyển sang tự hào vì được Chúa Giê-su phục sinh không chấp giai đoạn đen tối vừa qua mà còn thương kêu gọi mình loan báo Tin mừng cho dân ngoại, đến độ ngài thốt lên: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng”.
Lạy thánh cả Giu-se, trong Năm Thánh này, xin cầu bầu cùng Chúa cho mỗi người chúng con có lòng yêu mến Chúa như hai vị tông đồ rường cột của Hội thánh, dám sống lời mời gọi làm tông đồ cho Chúa trong mọi nghĩ suy và cung cách hành xử của con: “Dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì, hãy làm vì danh Chúa Ki-tô”. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien