26.6.2021 – Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên
Lời Chúa: Mt 8, 5-17
Khi Đức Giêsu vào thành Capharnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Apraham, Isaac và Giacop trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” Rồi Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: “Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!” Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.
Đức Giêsu đến nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay và bà chỗi dậy phục vụ Người.
Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giêsu. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.
Suy niệm:
Đức Giêsu mới chữa cho một người phong bằng một tiếp xúc gần,
nay Ngài lại chữa lành cho một người bị đau liệt ở xa.
Người được khỏi chính là đầy tớ thân tín của viên đại đội trưởng.
Con người sống gắn bó với nhau bằng những mối dây.
Viên đại đội trưởng là chủ, nhưng ông cảm được nỗi đau của anh đầy tớ:
“Đầy tớ của tôi bị liệt nằm ở nhà, đau đớn kinh khủng” (c. 6).
Người đầy tớ được khỏi là nhờ tình thương của chủ đối với anh,
chính ông đã đi gặp Đức Giêsu và xin Ngài chữa cho anh đầy tớ (c. 5).
Và chính lòng tin của ông đối với Đức Giêsu đã khiến anh được khỏi (c. 10).
Những điều tốt lành của Thiên Chúa vẫn đến với ta qua người khác.
Khi Đức Giêsu nghe lời kêu xin, thì Ngài sẵn sàng lên đường ngay (c. 7),
dù biết rằng nhà của viên đại đội trưởng là nhà dân ngoại, bị coi là ô uế.
Có thể vì sợ Ngài bị ô uế mà ông ta đã can ngăn bằng câu nói nổi tiếng:
“Tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời,
đầy tớ tôi sẽ được khỏi bệnh” (c. 8).
Ông ý thức về sự bất xứng của mình, của căn nhà mình ở.
Và ông xác tín vào sức mạnh của việc “Ngài chỉ nói một lời.”
Viên đại đội trưởng nhận mình là người có quyền.
Uy quyền của ông nằm trong lời ông ra lệnh cho cấp dưới (c. 9).
Ông tin lời của Đức Giêsu cũng có uy quyền như vậy.
Chỉ một lời ra lệnh của Ngài cũng đủ đẩy lui bệnh tật và thần dữ.
Đức Giêsu ngây ngất trước lòng tin của viên sĩ quan dân ngoại,
một lòng tin vừa mạnh mẽ, vừa khiêm tốn.
Một lòng tin như thế, Ngài chưa từng gặp nơi dân Ítraen (c. 10).
Đức Giêsu nghĩ đến ngày cánh chung, quanh bàn tiệc Nước Trời,
có bao người đến từ muôn phương, những kẻ không phải là người Do thái.
Họ làm nên một cộng đoàn mới gồm những kẻ tin vào Ngài.
Họ vui sướng được ngồi bên các tổ phụ và những người Ítraen chân chính.
Đức Giêsu cho thấy dòng lịch sử đang đi vào ngã rẽ quan trọng.
Ơn cứu độ phổ quát do Ngài đem lại được mở ra cho mọi người.
Chỉ ai cố tình chối từ Tin Mừng Nước Trời mới bị loại (c. 12).
Đức Giêsu không chỉ rao giảng Nước Trời bằng lời.
Ngài còn chứng minh Nước Trời đã đến bằng bao việc tốt lành, kỳ diệu.
Lời Ngài giảng cũng là lời chữa cho người phong, cho tên đầy tớ.
“Ngài nói một lời là trừ được các thần dữ” (c. 16).
Lời uy quyền khi giảng cũng là lời uy quyền khi chữa bệnh.
Nhưng Đức Giêsu cũng đụng chạm đến nỗi đau của con người.
Ngài đụng đến người phong, và đụng đến bàn tay mẹ vợ ông Phêrô (c. 15).
Hôm nay, Giáo Hội vẫn cần những người rao giảng như Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa
và dạy con bước đi
ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày.
Xin truyền cho con sức mạnh của Người.
Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con
tìm lại được sức trẻ
để gieo trồng hàng ngàn cây xanh
cho một thế giới mới
Ước gì mồ hôi con
pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.
Ước gì máu con
hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ
để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn
vì bất công và ích kỷ.
Chúc tụng Chúa là Cha,
đã dẫn con đi đến cùng,
đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung
với tràn trề bình an và niềm vui.
ĐHY Roger Etchegaray
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!” (Mt 8,13)
Câu chuyện minh họa:
Người ta kể về một người đạo đức nọ như sau: Trong một cơn bệnh thập tử nhất sinh, chỉ còn một phương thế duy nhất có thể hy vọng cứu sống bà đó là tiến hành cuộc giải phẫu. Người đàn bà chấp nhận cuộc giải phẫu, bà yêu cầu cho con trai bà được chứng kiến giờ phút đau khổ của bà.
Vào thời buổi mà thuốc tê mê chưa có, thì bệnh nhân thường phải trải qua những cơn đau khủng khiếp. Mặc dù đau đớn vô cùng, nhưng người đàn bà vẫn cứ cắn răng chịu đựng. Nhưng đến cuối giờ mổ, khi các y sĩ chạm đến gần tim, người đàn bà rùng mình kêu lên: “Lạy Chúa tôi”.
Chứng kiến cảnh đau đớn của người mẹ, người con trai không làm chủ được những cảm xúc, anh đã buột miệng thốt lên những lời phàn nàn phạm đến Chúa. Lúc bấy giờ người mẹ liền nghiêm nghị bảo con: “Con ơi, con hãy im đi, con làm mẹ đau đớn hơn các bác sĩ này nhiều.
Con đã làm sỉ nhục Ðấng đã ban sức mạnh và an ủi mẹ”. Nói xong, bà ta mở bàn tay ra, và giơ cho mọi người xem một tượng chuộc tội nhỏ bà nắm chặt trong tay suốt giờ mổ. Và đó chính là thứ thuốc tê mê đã xoa dịu cơn đau đớn của bà.
Sau mấy tháng quằn quại trong đớn đau, người đàn bà đã yên nghỉ trong Chúa. Trước khi lìa đời, bà đã trao lại cho cậu con trai tượng ảnh chuộc tội và căn dặn: “Con hãy giữ lấy tượng chuộc tội này. Ðây sẽ là niềm an ủi của con”.
Suy niệm:
Niềm tin đơn sơ của người phụ nữ này đã làm cho chúng ta đáng khâm phục. Nếu trong cơn đau đớn hay những thử thách cùng cực, chúng ta có nhớ đến Chúa, và đặt niềm tin trọn vẹn vào Chúa không? Chúa không chỉ chạnh lòng thương những nỗi thống khổ gây nên bởi đói khát, bệnh tật, mà Ngài còn chạnh lòng thương trước nỗi khổ bơ vơ của con người nữa.
Viên đại đội trưởng trong Tin mừng hôm nay có thái độ rất đặc biệt đối với người nô lệ của mình. Ông làm hết mọi cách để cứu nó, không còn là vai trò chủ – tớ trong đế quốc La mã thời bấy giờ nữa, nhưng ông yêu thương người nô lệ của mình hết lòng, và điều ấy đã làm cho Chúa Giêsu chạnh lòng. Không những thế, ông là người ngoại giáo nhưng lại thể hiện một niềm tin phi thường, phi thường đến tột độ: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh”. Đó là tiếng nói của lòng tin, tiếng nói dẫn ông đến hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.
Lạy Chúa, xin cho đức tin của con mỗi ngày thêm vững mạnh hơn để con tiến gần hơn với hạnh phúc Nước Trời mà Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Ngài.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su chữa lành cho một người đầy tớ của viên đại đội trưởng. Điều khác thường ở đây: chính viên đại đội trưởng là người đích thân đến xin Chúa Giê-su chữa lành cho người đầy tớ của mình. Việc một đại đội trưởng đích thân đến xin Chúa Giê-su chữa lành cho người đầy tớ là điều trái ngược với thái độ thông thường giữa người chủ và nô lệ. Thật vậy, vào thời Chúa Giê-su, người nô lệ không hơn gì một đồ vật. Sự khác biệt duy nhất giữa nô lệ và đồ vật là nô lệ có thể nói được; nô lệ được coi là một dụng cụ sống. Người nô lệ không có quyền pháp lý nào cả, chủ nhân được hoàn toàn tự do tùy ý đối xử với người nô lệ.
Điều làm cho chúng ta ngạc nhiên hơn nữa: Chúa Giê-su là người Do Thái, còn viên đại đội trưởng là người dân ngoại, mà theo luật Do Thái, người dân ngoại và chỗ ở của dân ngoại bị xem là ô uế, vì thế, một người Do Thái không thể vào nhà hay tiếp xúc với một người dân ngoại (x. Cv 10,8). Thế mà, viên đại đội trưởng vẫn đến với Chúa Giê-su để xin chữa lành cho người đầy tớ. Vậy tại sao biết Chúa Giê-su – một người Do Thái không thể tiếp xúc hay vào nhà của một người dân ngoại – mà viên đại đội trưởng vẫn đến xin Chúa Giê-su chữa lành cho người đầy tớ ở trong nhà ông?
Tất cả những điều trái ngược và không hợp lý trên chỉ có thể giải thích bằng niềm tin và tình thương. Vì tình thương nên viên đại đội trưởng coi nỗi đau, sự bất hạnh của người nô lệ là nỗi đau và sự bất hạnh của chính mình; chính niềm tin mà viên đại đội trưởng biết rằng Chúa Giê-su không cần phải vào nhà ông, không cần phải đụng chạm mà vẫn có thể chữa lành cho người nô lệ. Chính đức tin làm cho những kinh nghiệm hằng ngày trong cuộc sống trở thành kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Chính vì thế, nên khi Chúa Giê-su nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó”, thì viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi’, là nó đi, bảo người kia : ‘Đến’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi : ‘Làm cái này, là nó làm”.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết để cho tình yêu và niềm tin vào Chúa Giê-su định hướng mọi mối tương quan của chúng ta trong cuộc sống, để từ đó sự chữa lành của Chúa có thể đến với tất cả những ai đang mang những thương tổn cần được chữa lành.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien