25.6.2021 – Thứ Sáu Tuần XII Thường Niên
Lời Chúa: Mt 8, 1-4
Suy niệm:
Sau Bài Giảng trên núi thì đây là phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu
trong chuỗi mười phép lạ ở chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Người phong chẳng rõ từ đâu đã dám lại gần Đức Giêsu,
dù lẽ ra anh không được phép làm như thế (Lv 13, 45-46).
Ai đã nói cho anh về Ngài, ai đã dạy anh bái lạy và khấn xin ?
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch” (c. 2).
Một lời cầu xin mẫu mực đáng chúng ta suy nghĩ.
“Nếu Ngài muốn” : anh đặt ý muốn của Đức Giêsu lên trên ý muốn của anh.
Dù rất muốn được khỏi, nhưng anh vẫn để Ngài tự do làm theo ý của Ngài.
Chữ “nếu” thật đơn sơ, nhưng nói lên sự phó thác trọn vẹn của anh
cho ý muốn tốt lành của Đức Giêsu.
Ngài được tự do muốn hay không muốn, làm hay không làm.
Đức Giêsu không thấy mình bị áp lực phải chiều theo ý muốn của anh.
Sau này trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng dùng chữ “nếu”
khi nài xin Cha cất chén đắng cho mình.
“Lạy Cha, nếu có thể được…” (Mt 26, 39. 42).
Nhưng trong trường hợp này, Cha đã không cất chén Khổ nạn của con.
“Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
Anh tin vào quyền năng phi thường từ nơi Ngài,
quyền năng có thể làm cho những nhơ uế trên người anh biến mất,
và da thịt anh phút chốc được lành sạch.
Khi con người tin vào Thiên Chúa như một đứa con thơ phó thác,
Thiên Chúa sẽ chọn cho con người điều tốt nhất.
Thái độ phó thác, tuy có vẻ liều lĩnh, vì Thiên Chúa có thể nói không,
nhưng thật ra lại rất khôn ngoan, vì biết mình sẽ được điều tốt hơn cả.
“Tôi muốn, anh hãy được sạch” (c. 3).
Đức Giêsu được tự do để muốn, thoải mái để bày tỏ lòng quảng đại.
Ngài chẳng những chữa lành bằng ý muốn được nói ra lời,
Ngài còn làm một điều không cần thiết và bị cấm (Lv 5, 3),
đó là đưa tay đụng đến người phong.
Cả tình yêu của Ngài diễn tả qua cái đụng nhẹ đó.
Da thịt của Ngài chạm vào da thịt không lành lặn của anh.
Ngài không bị nhiễm uế, trái lại Ngài làm cho anh được sạch.
Rõ ràng người phong ở rất gần Đức Giêsu và không làm Ngài kinh tởm.
Đức Giêsu muốn anh trở về với đời sống bình thường,
hội nhập trở lại với Đền thờ, gia đình và xã hội.
Vì thế Ngài sai anh đi trình diện với các tư tế và dâng của lễ (c. 4).
Dù không là người phong, nhưng ai trong chúng ta tránh được ô nhơ?
Ai trong chúng ta lại không có lần xin Chúa tẩy mình cho sạch?
Thân xác người phong bị tàn phá và làm cho dị dạng, đáng sợ.
Chỉ mong tâm hồn chúng ta tránh được bệnh phong.
Lời nguyện:
Lạy Chúa
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu lời Chúa
những kẻ khát không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,
công bằng và tình thương
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương,
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính ta.”
Mẹ Têrêxa Calcutta
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mt 8,2)
Câu chuyện minh hoạ:
Một bác sĩ làm việc tại một trại Y khoa bên Ấn Ðộ đã tình cờ khám phá ra rằng người mắc bệnh phong cùi không cảm thấy đau đớn trong những tế bào đã bị vi trùng xâm nhập. Ngày nọ, ông không thể mở được cửa phòng, ông mới trao chìa khóa cho cô bé 12 tuổi. Ông không ngờ nó đã vặn chìa khóa một cách dễ dàng. Xem xét những ngón tay của nó, ông nhận thấy chìa khóa đã làm mất đi một mảng thịt trong lòng bàn tay và chạm đến xương, thế mà nó không cảm thấy đau đớn.
Nhờ khám phá này, viên bác sĩ đã giúp cho những người phong cùi biết cách đề phòng để tránh gây thương tích cho thân thể của họ. Ông đã giải phẫu những dây thần kinh của bàn tay và dạy họ cách điều khiển các cơ bắp của bàn tay. Ông cũng giải phẫu mũi của bệnh nhân để mang lại cho họ một gương mặt dễ coi hơn. Ngoài ra, ông cũng khám phá ra rằng những người mắc bệnh phong cùi dễ bị mù mắt, lý do vì họ không còn cảm nhận được đau đớn khi những chất dơ bẩn xâm nhập vào mắt, nhờ đó ông cũng giúp họ lo vệ sinh mắt một cách chu đáo hơn. Với những khám phá này, ông đã đánh đổ được huyền thoại cho rằng phong cùi là căn bệnh bất trị.
Suy niệm:
Bệnh phong cùi là một chứng bệnh ghê gớm đối với người Do Thái. Nó như một hình phạt của Thiên Chúa đối với tội lỗi của con người. Những ai mắc phải căn bệnh này bị loại trừ khỏi xã hội. Một đàng họ đau đớn vì căn bệnh thể xác nhưng đàng khác họ còn phải gánh chịu sự kỳ thị của người khác. Khi chữa lành bệnh phong cùi, Chúa Giêsu muốn nói lên rằng họ được Thiên Chúa đón nhận và được yêu thương.
Mỗi người chúng ta ai cũng mang trong mình những căn bệnh cần được chữa lành. Vì thế, chúng ta cần kêu đến lòng thương xót của Chúa để được chữa lành. Và cần quan tâm đến người khác để họ vượt ra khỏi những căn bệnh tinh thần là tình thương và sự quan tâm.
Lạy Chúa, chúng con là những người luôn cần đến tình thương của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết chạy đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh để cảm nhận được tình Chúa yêu thương.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su làm cho một người bệnh cùi được lành sạch. Đối với người Do Thái, mọi chứng bệnh đều bị coi như hình phạt của Thiên Chúa để trừng phạt tội lỗi. Thiên Chúa dùng bệnh phong cùi để trừng phạt kẻ ghen tị, kiêu căng, quân trộm cướp, giết người, thề gian và loạn luân. Bệnh phong cùi được coi như là biểu tượng của tội lỗi. Người bị bệnh phong cùi bị dứt khoát loại khỏi gia đình, làng quê và phải sống bên lề xã hội. Vì sợ bị lây nhiễm, xã hội bắt họ phải la to “ô uế” hoặc rung chuông báo cho mọi người biết họ đang tới mà tránh.
Sự đau khổ kinh khủng nhất đối với những người bệnh phong cùi không phải là những lở loét về thân thể hay những dị tật để lại, nhưng là sự cô lập trong các tương quan: tương quan với Chúa và với cộng đoàn, xã hội. Sự cô lập này không chỉ đến từ cộng đoàn và xã hội, nhưng nó còn đến từ chính bản thân người bị bệnh phong cùi (x. Lv 13-14).
Chính trong thực trạng này ta mới thấy lời cầu xin của người phong cùi trong Tin mừng hôm nay chất chứa một lòng tin mãnh liệt. Người phong cùi này xác tín rằng: nếu Chúa muốn, Chúa có thể cho anh lành sạch. Sự xác tín này xuất phát từ niềm tin mạnh mẽ. Thật vậy, không có người phong cùi nào dám đến gần một thầy rabbi hay một kinh sư, vì như vậy, họ sẽ bị liệng đá đuổi đi. Nhưng người phong cùi hôm nay hoàn toàn tin tưởng Chúa Giê-su, là người sẵn sàng đón tiếp một kẻ bị mọi người xua đuổi. Vì thế, anh đã đến với Chúa Giê-su và xin Người chữa lành cho anh.
Lời cầu xin của người phong cùi cũng cho thấy anh có một lòng khiêm hạ tột cùng. Anh không đòi được chữa lành mà chỉ thưa: <“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”<. Đối diện với những đau khổ và bất hạnh mà mình phải chịu, Chính lòng tin và sự khiêm hạ dẫn anh ta đến với Chúa Giê-su và được Người chữa lành.
Chính niềm tin và sự khiêm tốn nhìn nhận tình trạng của mình đã giúp cho người phong cùi can đảm phá vỡ những bức tường ngăn cản trong các mối tương quan để đến lãnh nhận sự chữa lành từ nơi Chúa Giê-su. Thật vậy, con người chỉ có thể tạo ra những bức tường ngăn chặn mối tương quan giữa người bệnh phong với cộng đoàn và xã hội, nhưng con người không thể tạo ra bức tường ngăn chặn mối tương quan giữa người bệnh phong với Thiên Chúa. Người ta có thể không cho người bệnh phong tham dự các nghi lễ phượng tự, nhưng tương quan với Thiên Chúa đâu chỉ có giới hạn trong đền thờ, mà còn ở bất cứ nơi đâu. Thiên Chúa luôn chờ đợi, chỉ cần con người đến với Ngài là mối tương quan với Thiên Chúa được diễn ra. Như vậy, nếu có bức tường nào đó ngăn chặn mối tương quan giữa người bệnh phong với Thiên Chúa, thì bức tường đó đến từ phía người bệnh phong. Thật vậy, ngay cả khi con người còn ở trong tình trạng tội lỗi thì Thiên Chúa đã sẵn sàng đến, chạm vào con người để chữa lành cho con người. Điều quan trọng là con người có khiêm tốn nhận ra là mình cần được chữa lành và có đủ niềm tin để cho Thiên Chúa chữa lành mình hay không.
Khẩn nguyện xin Chúa cho chúng con luôn đủ khiêm tốn để nhận ra mình cần được chữa lành, và đủ niềm tin chạy đến để Chúa chữa lành các thương tích nơi con người của chúng con. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien