23.6.2021 – Thứ Tư Tuần XII Thường Niên
Lời Chúa: Mt 7, 15-20
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.”
Suy niệm:
Thời nào Hội Thánh cũng có những ngôn sứ giả.
Họ mang dáng dấp là người của Chúa, người nói lời Chúa.
Họ hấp dẫn quần chúng và có nhiều người chạy theo.
Đức Giêsu dạy ta phải coi chừng họ (c. 15).
Ngài dùng một hình ảnh quen thuộc để nói lên mối nguy cơ này.
Các ngôn sứ giả đội lốt chiên tốt lành mà đến với dân Chúa.
Nhưng thực chất họ là sói dữ tham mồi.
Cái khó là nhận ra bộ mặt thật của họ để không bị đánh lừa.
Không nhận ra họ là sói, chúng ta có thể dễ làm mồi cho họ.
Đức Giêsu dùng một hình ảnh khác
để chỉ cho ta cách phân biệt chiên với sói: hình ảnh quả và cây.
Cây nào sinh quả ấy: đó là một nguyên tắc bất biến.
“Có ai hái được nho ở bụi gai, hay hái vả trên cây găng không?” (c. 16).
Hẳn là không rồi.
Cây tốt ắt sinh quả tốt, cây bị sâu ắt sinh quả chẳng ra gì (c. 17).
Hơn nữa, Đức Giêsu còn mạnh mẽ khẳng định:
cây tốt không thể sinh quả xấu,
và cây xấu không thể sinh quả tốt được (c. 18).
Chính vì thế cứ nhìn quả thì biết cây.
Cứ nhìn những công việc do một người làm,
ta sẽ biết người ấy là ai (cc. 16. 20).
Những môn đệ đích thực của Đức Giêsu hẳn sẽ sinh quả tốt,
đó là sống công chính như giáo huấn của Bài Giảng trên núi.
Còn những ngôn sứ giả bị lộ mặt nạ qua đời sống bất chính của họ.
Chuyện ngôn sứ giả đã có từ xưa trong Cựu ước.
Ở Côrintô, thánh Phaolô đã phải vất vả đối đầu
với những kẻ mà ngài gọi là tông đồ giả, đội lốt tông đồ của Đức Kitô.
Ngài còn thêm: “Lạ gì đâu!
Vì chính Xatan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!” (2 Cr 11, 13-14).
Như thế các tín hữu phải cảnh giác để phân biệt chân và giả,
đặc biệt trong thời Hội Thánh gặp khủng hoảng khó khăn.
Họ phải tỉnh táo để khỏi bị dáng vẻ bên ngoài hay lý luận mê hoặc.
Điều cần lưu tâm là đời sống công chính của vị ngôn sứ.
Trong thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô cho chúng ta một tiêu chuẩn
để nhận ra hoa quả nào là bắt nguồn từ Thần Khí (5, 22).
Đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín…
Những điều ngược lại, ngài gọi là những hành động của xác thịt,
như hận thù, bất hòa, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái… (5, 20).
Sống trong một thế giới phẳng và đa nguyên, người kitô hữu hôm nay
chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và nhanh chóng,
bởi nhiều nguồn thông tin, đến từ nhiều người.
Những tiêu chuẩn của Đức Giêsu hay của thánh Phaolô vẫn còn giá trị.
Nhưng chúng ta cần có thời gian để phân định quả xấu, quả tốt.
Và cũng cần có thời gian để nhận ra đâu là sói, đâu là chiên.
Cầu nguyện:
Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Cứ xem họ sinh quả nào, thì biết họ là ai.” (Mt 7,20).
Câu chuyện minh họa:
Bà là phụ nữ góa chồng.
Trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt đã cướp đi người chồng của bà. Từ đó, bà góa chồng.
Cái tuổi thanh xuân của bà vẫn còn đang phơi phới, bà chưa tròn hai mươi. Thế mà, từ nay bà đã chẳng còn mơ với mộng cho tương lai. Cả những đêm giá lạnh đông về, bà vẫn cô đơn lạnh lẽo, gối chiếc phòng đơn.
Cái lễ giáo đã ăn sâu trong lòng bà tự bao giờ. Chết chồng, bà thủ tiết, ở lại bên nhà chồng.
Chính cái cô đơn ấy, bà luôn tìm đến nhà thờ vào mỗi buổi sáng, và khi chiều tà. Vì bà được sinh ra trong một gia đình đạo hạnh, rất yêu mến Thiên Chúa. Nên giờ này, sức mạnh của bà chính là Tình Yêu Thiên Chúa.
Lâu rồi thành quen. Bà thường đến nhà thờ để cắm hoa trên bàn thờ, bên các tượng đài… bà còn dạy giáo lý cho các em thiếu nhi. Cuộc sống của bà thật đơn giản, suốt đời chỉ biết phục vụ và làm những việc lành phúc đức.
Nhắc đến bà là người ta luôn nhắc đến những việc lành của bà. Bà chăm chỉ phục vụ mọi người, phục vụ công việc trong nhà Chúa một cách âm thầm.
Khi bà chết, rất nhiều người thương tiếc đến đưa tiễn bà. Họ nhắc đến những việc lành của bà như từng bài học cho mỗi người.
Suy niệm:
Chúa Giêsu đưa ra phương thế để phân biệt tiên tri thật và tiên tri giả bằng cách nhìn vào cách sống của họ. Hôm nay Chúa sử dụng hình ảnh xem quả thì biết cây, để nói với mỗi người chúng ta về sự kết hiệp của chúng ta thế nào đối với Chúa. Cây lành, cây xấu thì tự nó không thể thay đổi được nhưng chúng ta mang danh là Kitô hữu, chúng ta cần biến đổi mỗi ngày để trở nên tốt hơn, giống hình ảnh Chúa nhiều hơn. Những ai là môn đệ thật sự, thì đời sống của họ sẽ trổ sinh hoa trái của Thánh Thần là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ…” (Gl 5,22-23).
Mỗi chúng ta tự vấn bản thân mình xem đời sống và việc làm của chúng ta có chứng minh được chúng ta là con cái Chúa chưa?
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con kiên trì, nhẫn nại, thay đổi bản thân để mỗi ngày trong đời sống hằng ngày cũng như đời sống tâm linh của con trổ sinh hoa trái tốt đẹp như lòng Chúa ước mong.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Sau giáo huấn về giá trị cao quý của sự sống đời đời, Chúa Giê-su tiếp tục cảnh báo các môn đệ trong việc đề phòng các tiên tri giả.
“Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi […] Cứ xem họ sinh quả nào, thì biết họ là ai”, Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta về căn tính của mình là những người có “chất Ki-tô”. Vì bởi sau khi được rửa tội, chúng ta được tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Ki-tô. Người ngôn sứ của Chúa được mời gọi không chỉ loan báo Tin mừng ơn cứu độ của Chúa đến cho muôn người, nhưng còn được mời gọi sống đức tin điều ngôn sứ loan báo.
Sống giữa thế giới công nghệ 5.0 và bị tục hóa hôm nay, để phân biệt thật-giả thì thật là khó khăn biết mấy. Phân biệt thật-giả của hàng hoá đã khó, mà phân biệt lòng người ngay chính-gian tà thì lại càng khó hơn. Do đó, là con cái Thiên Chúa, là người Ki-tô hữu, chúng ta lại càng phải có bổn phận thể hiện bản chất chân thật trong cuộc sống, lại càng phải ra sức chống lại lối sống thực dụng, lối sống giả dối, lối sống bất chấp cả lương tâm. Để làm được điều này, đòi hỏi người Ki-tô hữu phải chấp nhận lội ngược dòng, chịu nhiều thiệt thòi và hi sinh. Được như thế, chúng ta sẽ nắm chắc phần thưởng là sự sống đời đời mà Chúa sẽ ban cho những ai tin theo Chúa.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dạy chúng con biết rằng, chúng con đang sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, xin Chúa ban thêm ơn giúp sức để chúng con luôn biết can đảm loan báo và sống cho những giá trị Tin mừng Chúa mang đến, hầu xứng đáng với danh nghĩa là Ki-tô hữu và hoàn thành tốt sứ mạng ngôn sứ mà Chúa đã tặng ban. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien