11.6.2021 – Thứ Sáu – Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Lời Chúa: Ga 19, 31-37
Suy niệm:
Cầu nguyện:
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người.” (Ga 19,33)
Câu chuyện minh họa:
Vào năm 1597 lệnh cấm đạo Công giáo trên đất Nhật xảy ra gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố.
Tại vùng ODAWARA, Kamakura, người ta bắt được hai Linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng và giải về Tokyo. Quan đại thần TSUKAMOTO lấy từ trong đống ảnh đạo một bức ảnh Thánh tâm Chúa Giê-su. Ông nói: Người gì đâu lại để trái tim ra ngoài !
Tsukamoto là một nhà nho uyên bác có óc thực tế và thích tìm hiểu. Ông cầm bức ảnh trái tim Chúa coi qua rồi vứt vào trong sọt rác. Nhưng đến tối khi đi ngủ, ông nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia hẳn phải có một ý nghĩa nào đó. Ông ra nhặt lại bức ảnh trên để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà ông vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ sau: ”đối ngoại hữu kỳ tâm – đối nội vô tâm giả”.
Từ đó Tsukamoto đặt bức ảnh trái tim Chúa trên bàn làm việc cách kín cẩn. Một hôm có ông bạn tên OSAKI đến chơi, thấy bức ảnh liền hỏi:
– Này anh bạn. Anh lại thích ảnh tượng của bọn tả đạo rồi sao?
– Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi lại thấy rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình, hành động cùng lối xử thế của Kitô giáo. Tôi xin tạm giải thích như sau: Đối với tha nhân bên ngoài thì “Hữu Tâm”, còn với bản thân mình thì “Vô Tâm”. Cho nên người theo đạo mới vẽ trái tim ra ngoài cơ thể… Nghĩa là phải đem hết tình yêu nơi trái tim mà phục vụ xã hội và giúp ích cho đời; còn về phần mình thì chấp nhận hy sinh, không lo riêng cho bản thân, diệt trừ cái ngã vị kỷ. Đem hết tình thương ra giúp đời giúp người.
Trong bức ảnh này tôi nhận thấy đầy đủ hơn cả cái học Từ Bi của Đức Phật, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng Tử, cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão Tử, mạnh mẽ hơn cái Dũng thuật của Thần Đạo Nhật bản chúng ta. Một tôn giáo dạy phải phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là sự ngay chính của cả Thiên hạ vậy.
Osaki cảm phục sự diễn đạt tinh thông của ông bạn. Ông không ngờ Đạo Công giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu đến như vậy. Từ đó hai ông đã trở nên những người bạn chí thân và đã âm thầm đón nhận phép rửa tội, và vận động triều đình thả hai linh mục ra.
Suy niệm:
Trái tim biểu hiện cho tình yêu. Nơi ấy chất chứa biết bao niềm vui, nỗi buồn, có cả máu nữa. Nơi Trái tim Chúa Giêsu mang một vết thương, mà người lính đã lấy giáo đâm vào, để ngày hôm nay từng người chúng ta được tái sinh từ nguồn nước và mạch máu ấy. Có phải chăng đó là con đường mà Chúa khơi nguồn cho chúng ta bước vào trái tim của Người? máu của Ngài nói lên sự sống, và nước rửa sạch tội lỗi chúng ta. Thế nên chúng ta được thanh tẩy và tái sinh trong tình yêu, khiến chúng ta trở nên thụ tạo mới trở thành những con người mới.
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta chiêm ngưỡng và bắt chước tình yêu của Ngài. Nơi trái tim ấy chất chứa kho tàng yêu thương vô tận, tưới gội trên mỗi người ân phúc của sự tha thứ, hương thơm của sự hiền lành và sự tươi mát của lòng quảng đại.
Là những người bước theo Chúa, chúng ta có can đảm để trái tim bị tổn thương vì người khác chưa khi phải chấp nhận bị xỉ nhục, chịu đổ máu ra khi phải cho đi, và bị thiệt thòi khi phải tha thứ?
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Cách nay đúng 165 năm, đại lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su đã được cử hành trên toàn Giáo hội. Với một tông sắc vào ngày 23 tháng 8 năm 1856, Đức Pi-ô IX đã ấn định rằng, đại lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su sẽ được cử hành trên toàn Giáo hội vào ngày thứ Sáu đầu tiên sau tuần Bát nhật kính Mình và Máu Thánh Chúa. Năm nay, phụng vụ Lời Chúa của năm B cho chúng ta chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa bị tên lính dùng lưỡi đòng đâm thấu, để nước và máu tuôn trào. Đây là bằng chứng mãnh liệt của một tình yêu vô bờ bến mà Chúa muốn tỏ bày cho con người.
Quả thế, vào ngày 27 tháng 12 năm 1673, trong thị kiến đầu tiên của 4 đại thị kiến, Chúa Giê-su đã nói với thánh nữ Margarita Maria Alacoque rằng: “Thánh Tâm Ta bừng cháy vì tình yêu đối với nhân loại, và đặc biệt là đối với con, đến độ những ngọn lửa của lò lửa này không thể tự giữ lại trong chính nó được nữa. Vì thế, nó phải được trải rộng ra qua con, nó phải được mặc khải để làm phong phú hoá nhân loại với những kho tàng quý giá mà Ta sẽ tiết lộ cho con. Những kho tàng ấy sẽ chứa đựng những ân sủng mà chúng giúp con người đạt tới được ơn cứu độ, cũng như sẽ kéo họ ra khỏi vực thẳm sự dữ”. Sự xác nhận này của Chúa một lần nữa mời gọi chúng ta hãy đặt trọn niềm tín thác nơi Thánh Tâm Chúa, để đón nhận nguồn mạch sự sống thần linh từ chính Chúa.
Suốt tháng Sáu, Giáo hội dành đặc biệt kính Thánh Tâm Chúa, để mời gọi con cái mình hãy biết ăn năn hối lỗi để trở về với Chúa. Chính vì tội lỗi con người, mà Thánh Tâm Chúa không ngừng chảy máu. Trong thị kiến khác khi tỏ lộ cho thánh nữ Margarita Maria Alacoque Chúa Giê-su còn trao một lời hứa to lớn cho những ai thực hành chín ngày thứ Sáu đầu tháng để tôn kính Thánh Tâm Chúa. “Trong tình xót thương vô bến bờ của Thánh Tâm Ta, Ta hứa với con rằng, tình yêu đầy quyền năng của Thánh Tâm Ta sẽ ban ơn bền đỗ đến cùng cho tất cả những ai rước mình Thánh Chúa liên tục trong chín ngày thứ Sáu đầu tháng. Họ sẽ không phải chết mà không được lãnh nhận các bí tích thánh. Thánh Tâm thần tính của Ta sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho họ trong giờ phút sau cùng”. Ước gì trong suốt thánh Sáu, mỗi người chúng ta biết không ngừng chạy đến với Thánh Tâm Chúa, để đón nhận và trải nghiệm được sự an ủi ngọt ngào tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, chúng con xin tín thác vào tình yêu của Chúa. Lạy thánh cả Giu-se, chúng con tin rằng ngài đã từng cảm nếm được tình yêu dịu ngọt từ Thánh Tâm yêu thương của con nuôi ngài là Chúa Giê-su, xin cũng dạy chúng con cách đón nhận tình yêu ấy. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien