09.6.2021 – Thứ Tư Tuần X Thường Niên
Lời Chúa: Mt 5, 17-19
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”
Suy niệm:
Đã có thời người ta nghĩ rằng theo Công Giáo là bất hiếu,
vì phải từ bỏ việc cúng giỗ cha mẹ tổ tiên.
Nếu người chết cũng có nhu cầu ăn uống tiêu dùng như người sống,
thì hiếu thảo đòi phải lo cho người đã khuất được đầy đủ, ấm no.
Nhiều người không dám theo đạo,
vì sợ theo đạo thì không được cúng giỗ tổ tiên, phải bỏ ông bà.
Vào thời thánh Mattheu, một số người Do thái cũng có nỗi sợ tương tự.
Họ tin vào Đức Giêsu và muốn trở thành môn đệ của Ngài,
nhưng họ lại sợ làm thế là bỏ đạo của cha ông, bỏ Do thái giáo.
Họ sợ giáo huấn mới mẻ của Đức Giêsu làm họ bỏ Luật Môsê,
và không còn thuộc về dân Thiên Chúa nữa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khẳng định:
“Đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hay lời các Ngôn sứ.
Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (c. 17).
Luật Môsê thật ra là Luật của Thiên Chúa trao qua trung gian ông Môsê.
Môsê đã làm nhiệm vụ trao lại cho dân Do thái và giải thích Luật ấy.
Người Do thái từ bao đời đã giữ Luật theo lời giải thích của Môsê.
Bây giờ có một Đấng mới xuất hiện, là Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.
Ngài biết rõ ý định của Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha.
Đức Giêsu không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê.
Nhưng Ngài sẽ giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa,
vì chẳng ai biết rõ ý Cha bằng Con.
Trong Bài Giảng trên núi mà ta sắp nghe trong những ngày tới,
ta sẽ thấy Đức Giêsu giải thích lại Luật Môsê như thế nào.
Hành vi đó được gọi là kiện toàn hay hoàn chỉnh.
Một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã được mở ra với Đức Giêsu.
Giai đoạn chung cục này vừa liên tục, vừa vượt quá giai đoạn cũ.
Đức Giêsu mời chúng ta tuân giữ nghiêm túc Luật Thiên Chúa đã ban,
nhưng theo cách giải thích mới mẻ, hoàn chỉnh và có thẩm quyền của Ngài.
Muốn trở nên hoàn thiện, muốn đón nhận Nước Trời do Ngài khai mở,
cần sống Luật đã được Ngài giải thích lại.
Người Kitô hữu gốc Do thái khi theo Đức Giêsu thì chẳng sợ mình bỏ đạo,
bỏ Lề Luật, bỏ các Ngôn sứ hay truyền thống của cha ông
Giáo huấn của Đức Giêsu đã chứa đựng cốt lõi tinh túy của Luật ấy rồi.
Làm thế nào để các Kitô hữu Á Châu cảm thấy đức tin của mình
không tạo ra sự xung đột hay đoạn tuyệt
với những giá trị của nền văn hóa mình đã lãnh nhận và đã sống?
Làm sao để mình sống viên mãn là một Kitô hữu, một người Công Giáo Rôma,
mà vẫn chẳng mất căn tính là người Việt Nam hay người Châu Á?
Chỉ cần một điều kiện, đó là thấy Kitô giáo không phá bỏ, nhưng kiện toàn
tất cả mọi giá trị cao quý có trong các nền văn hóa và tôn giáo khác.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)
Câu chuyện minh họa:
Một hôm, một người có đạo gặp một người vô đạo. Người vô đạo hỏi:
– Anh đi đâu về?
– Tôi đi nhà thờ về,
– Bữa nay, nhà thờ giảng gì?
– Giảng về vấn đề nên thánh.
– Anh đã nên thánh chưa?
Anh có đạo đáp:
– Anh coi cái mặt tôi đây thì đủ biết.
– À để coi thử.
Nói rồi, anh vô đạo tát một cái thật mạnh vào mặt anh có đạo. Anh này quạu cọ, chửi mắng om sòm.
Giơ tay giơ chân đòi đánh lại. Người vô đạo nói:
– Anh tự xưng là nên thánh, sao còn chửi mắng và đòi đánh tôi? Anh có đạo nói:
– Tôi nói cái mặt nên thánh, chứ cái miệng, cái tay, cái chân thì chưa nên thánh, nên tao đánh được.
Người vô đạo nói:
– Ôi tưởng anh nên thánh trọn vẹn, chứ anh nên thánh nửa vời như vậy còn xấu hơn cả tôi. Xin anh nên thánh trọn vẹn mới là người sống đạo.
Suy niệm:
Thái độ sống của chúng ta nói lên bản chất của mình. Những người mang danh Kitô hữu thôi thì chưa đủ nhưng phải là người sống danh ấy nữa. Có những người đi lễ, đọc kinh nhưng lại sống thiếu bác ái, vẫn hành động ngược lại những gì mình tin, vẫn ăn gian nói dối, trộm cướp…
Sống ở nơi nào chúng ta cũng phải có lề luật. Lề luật nhằm phục vụ con người, đồng thời giúp con người tìm thánh ý Chúa được gói ghém qua lề luật. Trong Cựu Ước, kinh sư và Pharisiêu đã giải thích lề luật theo cách méo mó. Lề luật thời đó thay vì phục vụ con người, lại đè bẹp con người. Đối với Chúa Giêsu, chỉ có một luật quan trọng là luật tình yêu. Luật ấy được đặt vào tâm hồn mỗi người, để hướng dẫn con người bước đi trong tình mến Chúa và yêu người.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng ban lề luật, xin hãy khắc ghi lề luật tình yêu Chúa vào tâm hồn chúng con, để trái tim chúng con không còn cằn cỗi khô khan, nhưng chan chứa tình yêu và sức sống.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Trang Tin mừng thuật lại việc Chúa Giê-su nói với các môn đệ của Người: “Đừng tưởng rằng Ta đến để bãi bỏ lề luật hay các tiên tri, Ta đến không phải để bãi bỏ, mà là để kiện toàn”(Mt 5,17). Quả thực, Chúa Giê-su đến để kiện toàn luật Cựu ước. Người không hủy bỏ Luật Môsê và các ngôn sứ nhưng Người mang đến cho luật ấy một ý nghĩa mới hoàn hảo và viên mãn hơn. Người mặc cho lề luật ấy một diện mạo mới: Đó là luật của bác ái, yêu thương.
Chúa Giê-su đến trần gian để loan báo và chỉ cho chúng ta con đường đi đến bến bờ hạnh phúc qua việc tuân giữ và thi hành giới răn yêu thương. Đó cũng là bằng chứng chứng minh chúng ta là môn đệ của Người.
Là Ki-tô hữu, mỗi chúng ta được mời gọi tuân giữ và thực thi giới răn yêu thương, không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng những việc cụ thể, những việc làm thể hiện sự hy sinh, bác ái làm vinh danh Chúa và vì ích lợi cho tha nhân.
Ước gì mỗi chúng ta đừng sống luật cách khắt khe nhưng biết chu toàn luật của bác ái yêu thương theo gương thánh Giu-se. Amen.