01.6.2021 – Thứ Ba Tuần IX Thường Niên
Lời Chúa: Mc 12, 13-17
Khi ấy, người ta cử mấy người Pharisêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê đến cùng Đức Giêsu để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy. Những người này đến và nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xêda hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?” Nhưng Đức Giêsu biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!” Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xêda.” Đức Giêsu bảo họ: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Và họ hết sức ngạc nhiên về Người.
Suy niệm:
Nhóm Pharisêu và nhóm Hêrôđê không phải là hai nhóm hợp nhau.
Nhưng họ lại rất hợp nhất trong việc muốn trừ khử Đức Giêsu (Mc 3, 6).
Ngài đã từng nhắc các môn đệ đề phòng “men” của hai nhóm này (Mc 8, 15).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại liên minh với nhau để giăng bẫy.
Trước khi đưa Đức Giêsu vào bẫy, họ đã lấy lòng bằng những lời ca ngợi.
Rồi cái bẫy được giăng ra, sắc như một con dao hai lưỡi.
“Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (c. 14).
Đã từng có những câu hỏi như thế.
“Có được phép chữa bệnh trong ngày sa bát không?” (Mt 12, 10).
“Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào không?” (Mt 19, 3).
Được phép có nghĩa là không đi ngược với Luật Môsê.
Từ năm thứ sáu sau công nguyên,
khi Giuđê và Samari trở thành một tỉnh của đế quốc Rôma,
mỗi người dân Do thái phải nộp một thứ thuế thân cho những kẻ xâm lược.
Đã có những phong trào đứng lên chống lại thứ thuế này.
“Có được phép nộp thuế cho Xêda không?”
Nếu Đức Giêsu nói rõ là được phép nộp thì đụng đến lòng ái quốc của dân,
và cũng đụng đến nhóm Pharisêu là những người không chấp nhận
sự thống trị nhơ nhớp của ngoại bang trên phần đất của Thiên Chúa.
Nếu Ngài nói rõ là không được phép nộp thì Ngài sẽ gặp khó khăn với Rôma,
và sẽ đụng đến nhóm Hêrốt là nhóm lãnh đạo dựa dẫm vào thế của đế quốc.
Dĩ nhiên Đức Giêsu đã khôn ngoan không trực tiếp trả lời câu hỏi này.
Ngài không rơi vào bẫy, ngược lại, có thể nói, Ngài giăng một cái bẫy khác.
“Đem cho tôi một đồng bạc để tôi xem” (c. 15).
Đức Giêsu không mang trong mình thứ tiền này, dùng để nộp thuế cho Rôma.
Nhưng kẻ thù của Ngài thì mang, và đưa cho Ngài một đồng bạc.
Đồng bạc này mang hình của Xêda và mang dòng chữ:
“Tibêriô Xêda, con của Augúttô thần linh, Augúttô.”
Khi biết đó là đồng tiền bằng bạc của Xêda, Đức Giêsu đã nói:
“Những thứ của Xêda, hãy trả lại cho Xêda,
những thứ của Thiên Chúa, hãy trả lại cho Thiên Chúa” (c. 17).
Câu trả lời này đã làm họ sững sờ, không thể nào bắt bẻ được.
Đức Giêsu có vẻ không chống lại chuyện nộp thuế thân cho Xêda.
Nhưng Ngài quan tâm đến một chuyện quan trọng hơn nhiều.
Chuyện đối xử công bằng với Thiên Chúa.
Trả lại cho Thiên Chúa mọi sự thuộc về Thiên Chúa: đó là bổn phận.
Đồng tiền mang hình Xêda, nên chúng ta phải trả cho Xêda.
Còn chúng ta là người mang hình ảnh Thiên Chúa,
nên chúng ta phải dâng trả chính bản thân mình cho Thiên Chúa.
Tên của Giêsu đã được ghi khắc trong tim ta,
nên chúng ta không được quên mình đã thuộc trọn về Giêsu.
Còn bao điều trong đời ta thuộc về Thiên Chúa mà ta vẫn giữ cho mình!
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.
(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mc 12,17).
Câu chuyện minh hoạ:
Vua Henri VIII nước Anh đã kết hôn hợp thức với bà Catherine d’ Aragon, nhưng ông xin Toà Thánh Rôma huỷ bỏ cuộc hôn nhân đó. Toà Thánh đã từ chối. Henri liền tự mình giải quyết vấn đề và tái kết hôn. Thế là ông ta ra lệnh cho bạn bè và các chức sắc ký vào một văn bản tuyên bố đồng ý nhìn nhận hành động của ông là đúng đắn. Nhiều bạn bè của More đã ký vào, nếu không sẽ bị bắt giam và xử tội tạo phản theo luật nhà nước. More vẫn khăng khăng từ chối. Ngài bị giằng co giữa hai bổn phận: Một đối với Chúa, một đối với Tổ quốc. Khi chúng xung đột nhau, thì More không còn chọn lựa nào ngoài sự trung tín với luật Chúa.
Suy niệm:
Người biệt phái và Pharisêu luôn giữ luật Chúa theo hình thức bên ngoài nên thường bị Chúa Giêsu chỉnh sửa và lên án gay gắt vì sự cố chấp của họ.
Trang Tin Mừng hôm nay ghi lại: Người biệt phái và Pharisêu liên kết với nhóm Hêrôđê tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu, để có thể tố cáo chống lại Người: “có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” Nhưng Người không mắc bẫy của họ, mà còn giúp họ ý thức bổn phận sống “tốt đạo, đẹp đời”, vừa tôn trọng thế quyền lại vừa tôn trọng thần quyền bằng câu trả lời: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Mỗi Kitô hữu chúng ta, có biết khôn ngoan để chọn lựa Thiên Chúa và tránh né những cạm bẫy của thế gian không?
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết giữ luật Chúa trong môi trường xã hội con đang sống, để qua cuộc sống tốt bên ngoài xã hội, con làm chứng cho Chúa nơi trần gian này. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Hôm nay, chúng ta chiêm ngắm, học hỏi sự khôn ngoan tài tình của Đức Giê-su. Người chỉ ra quyền tự trị công bằng của các thực tại trần thế: “Trả Cesare những gì là của Cesare” (Mc 12,17).
Quả thật, “kho tàng anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó” (Lc 12,34). Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy nhìn nhận rõ ràng những chọn lựa trong đời. Đừng nhầm lẫn giữa những thực tại thánh thiêng và phàm tục. Nếu Thiên Chúa thực sự là kho tàng là gia nghiệp thì trong các quyết định chọn lựa, chúng ta sẽ ưu tiên hơn cho Chúa. Trong suốt cuộc đời rao giảng, Chúa Giê-su luôn để tâm đến những việc chọn lựa: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy?” (Mt 16,24) Một khi đã chọn điều này thì nó đã mặc nhiên bỏ điều khác và ngược lại.
Trong cuộc sống, nhiều khi trắng đen, vàng thau lẫn lộn. Để phân biệt được thật giả thì quả thật không dễ dàng trong những quyết định. Đức Giê-su là kho tàng khôn ngoan và sự hiểu biết (x. Cl 2,3), và cũng là Đấng tự xưng mình là chân lý. Sự khôn ngoan, ngay thẳng của Chúa khác biệt với sự lắt léo, tinh vi của đầu óc con người mà những người Pharisêu đại diện. Sự thiếu ngay thẳng này cũng làm cho chính chúng ta mất đi cảm thức về Thiên Chúa. Quen với cách nghĩ của thế gian, chúng ta khó lòng nhận ra đâu là mặt trái của đồng tiền, của những danh lợi thú trần gian. Có khi, chúng ta lại coi tiền bạc, danh vọng như là chủ nhân của cuộc đời mình vậy.
Trong Năm Thánh Giu-se, chúng ta được học hỏi nơi thánh nhân một mẫu gương kiên vững trong chọn lựa của mình. Dù gặp nhiều trắc trở băn khoăn, thánh Giu-se luôn trung tín với Chúa và vững vàng với lựa chọn của mình.
Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của thánh Giu-se, xin cho chúng con luôn biết sống ngay chính trong tư tưởng, lời nói, việc làm và biết trung thành thực thi ý Chúa trong mọi cảnh huống cuộc đời chúng con. Amen.#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien