26.5.2021 – Thứ Tư Tuần VIII Thường Niên
Lời Chúa: Mc 10, 32-45
Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sự. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.”
Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Ðức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Ðức Giêsu bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được.” Ðức Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã dọn sẵn cho ai thì kẻ ấy được.”
Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Ðức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạnh sống làm giá chuộc muôn người.”
Suy niệm:
Khi nghĩ đến những đau khổ Đức Giêsu phải chịu
chúng ta thường nghĩ ngay đến cuộc Khổ nạn của Ngài.
Chúng ta ít nghĩ đến một đau khổ khác,
đó là Ngài phải chịu đựng sự chậm hiểu của các môn đệ.
Bài Tin Mừng hôm nay là một thí dụ khá rõ.
Khi đang trên đường lên Giêrusalem,
Thầy Giêsu kéo riêng Nhóm Mười Hai để loan báo cho họ lần thứ ba
về những gì sắp xảy đến cho mình trong cuộc Khổ nạn (c. 32).
Tiếc thay, hai môn đệ thân tín là Giacôbê và Gioan,
vẫn loay hoay ở lại trong tham vọng về chức quyền của mình.
Họ nói với Thầy Giêsu một câu không được lịch sự lắm:
“Chúng con muốn Thầy làm cho chúng con bất kỳ điều gì chúng con xin.”
Vậy mà Thầy vẫn nhẹ nhàng trả lời họ:
“Các anh muốn Thầy làm gì cho các anh?” (c. 36).
Họ đã dám xin được ngồi hai chỗ cao nhất trong vinh quang Nước Thầy.
Thầy Giêsu thú nhận mình không có quyền cho điều đó,
nhưng Thầy lại mời hai ông chia sẻ chén đắng Thầy sắp uống
và dìm mình thật sâu trong phép rửa Thầy sắp chịu (c. 38).
Khi thấy mười môn đệ kia tức giận với Giacôbê và Gioan,
Thầy Giêsu đã huấn dụ cho cả nhóm về cách lãnh đạo trong Giáo Hội.
Cách lãnh đạo này khác hẳn cách lãnh đạo ngoài đời,
thường dùng quyền uy để thống trị và mưu cầu tư lợi.
“Giữa anh em thì không được như vậy!” (c. 43).
Mọi chức vụ và quyền bính là để phục vụ cho Dân Chúa.
Thầy Giêsu chỉ cách hành xử cho những ai muốn làm lớn, làm đầu.
Đó là sống như người đầy tớ, người phục vụ (c. 44).
Thầy Giêsu đã không nói suông, nhưng sống điều Ngài giảng.
Rõ ràng Thầy là người có uy quyền (Mc 1, 22.27; 2, 10).
Nhưng quyền uy đó chỉ được dùng để rao giảng và để giải phóng.
Suốt đời Thầy đã sống như một người phục vụ.
Và giờ đây, cái chết của Thầy chính là một việc phục vụ cao nhất.
Lần đầu tiên Thầy Giêsu nói rõ ý nghĩa cái chết của mình.
Như người Tôi Trung trong ngôn sứ Isaia (Is 52,13 – 53,12)
Thầy phải trả giá bằng mạng sống để cứu chuộc muôn người (c. 45).
Không dễ kéo các môn đệ ra khỏi những tham vọng trần tục.
Thầy Giêsu vẫn thấy mình lạc lõng bên cạnh các môn đệ.
Họ không hiểu được Thầy, và cũng chẳng muốn đi đường Thầy đi.
Làm sao để chúng ta cảm được hạnh phúc của việc phục vụ?
Làm sao để chúng ta hiểu rằng phục vụ không làm con người hèn hạ,
nhưng lại nâng cao con người và ban cho nó sự lớn lao đích thực?
Chính Chúa Giêsu, Đấng được thành toàn nhờ suốt đời phục vụ,
là chỗ dựa đầy hy vọng của chúng ta.
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư…” (Mc 10,33)
Câu chuyện minh họa:
Một hôm, trong khi ngồi nghiên cứu, mơ màng, tôi nghe lỏm được câu chuyện của những cây bút chì trong ống bút trên bàn.
Cây bút chì đỏ nói với vẻ tự hào:
– Tôi là người chỉ đường. Tôi cũng là người phê duyệt chủ trương biện pháp. Tôi chỉ quen sửa sai cho người khác, chứ tôi thì không sai bao giờ!
Cây bút chì Hoá học cãi lại:
– Tôi là thành tựu khoa học kỹ thuật. Trong thời đại ngày nay, tôi là then chốt. Tôi đã viết ra công thức gì thì không ai xoá nổi.
Cây bút chì kỹ thuật nửa đồng tình nhưng nửa cũng muốn nhấn mạnh đến tính chất quan trọng của mình:
– Tôi mới là người vẽ ra kỹ thuật. Nét bút của tôi tinh tế và chính xác biết bao! Không có tôi thì chẳng có thể có sản phẩm mới.
Còn bút chì thường từ nãy đến giờ vẫn im lặng, vì nó chẳng thấy mình có được ưu điểm gì cả. Nó làm việc quá nhiều, bị mòn vẹt, bị gọt hết lượt này đến lượt khác, đến nay đã cùn cụt chỉ còn một mẩu ngắn. Do đó, nó cũng chẳng còn sức để tham gia vào cuộc tranh cãi nữa.
Còn tôi thì sau khi nghe câu chuyện cứ suy nghĩ mãi: chẳng lẽ những người làm việc nhiều thì bị cùn cụt đi, còn những kẻ ba hoa, khoác lác lại cứ được yên thân mãi sao?”
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay Ngài dạy cho các môn đệ cũng là cho những Kitô hữu, đừng ham quyền lực, danh vọng, chức vị, nhưng sẵn sàng chấp nhận thánh giá Chúa gởi đến mỗi ngày, vì đó cũng là dấu chỉ vinh quang Nước trời mai này. Trong các môn đệ vì có sự ham quyền, địa vị gây nên ganh tị, chia rẽ, tức tối nhau… Chúa Giêsu đến thế gian này không phải để được phục vụ nhưng phục vụ và yêu thương con người, dù con người có những bất toàn yếu đuối. Ngài phục vụ vô vị lợi, không kêu ca, cũng không kể công ích, nhưng vì vinh danh Nước trời. Và cả cuộc đời của Ngài đều là thi hành ý Chúa mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết yêu thương phục vụ anh chị em như chính Chúa đã yêu thương, phục vụ, và xin cho con chỉ biết làm điều Chúa muốn mà thôi.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem. Trên hành trình này, Chúa Giêsu kéo riêng nhóm Mười Hai ra dạy dỗ, giải thích cho các ông về cuộc thương khó và phục sinh của Người. Mặc dù đây là lần thứ ba Chúa Giêsu loan báo và giải thích cho nhóm Mười Hai về cuộc thương khó và phục sinh, thế nhưng dường như các ông không nắm được ý nghĩa của những lời Người nói. Các ông vẫn còn mơ rằng Chúa Giêsu sẽ thực hiện niềm hy vọng của dân chúng về Đấng Mêsia, sẽ thiết lập vương quốc trần thế, với quyền lực chính trị lẫy lừng. Chính vì thế, Giacôbê và Gioan nghĩ rằng thời điểm Chúa Giêsu khôi phục vương quốc Israel trần thế đến rất gần rồi, nên hai ông nhanh chân xin hai chỗ danh dự và quyền lực nhất. Rồi mười môn đệ kia nghe vậy cũng đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan.
Chúa Giêsu không coi thường khát vọng được thành công, được trọng vọng của nhóm Mười Hai, nhưng Người chỉ cho các môn đệ con đường đúng đắn để đưa tới đó. Đức Giêsu cho các ông biết: thông thường con người thì thành công, vinh quang đến từ việc thống trị. Quyền lực là để thống trị, là để gom góp cho mình, quy tất cả về mình. Nhưng đối với người môn đệ của Chúa thì, quyền lực không phải để quy về mình, nhưng là hướng đến người khác, là để phục vụ. Đức Giêsu đã nói điều này bằng chính cuộc sống của Người: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (c. 45).
Quyền lực để thống trị, là để gom góp cho mình, quy tất cả về mình thì thường dẫn tới đổ bể và chia rẽ. Kinh nghiệm của ông bà nguyên tổ là một minh chứng sống động. Kinh Thánh kể lại: Ngay từ buổi ban đầu, ông bà nguyên tổ đã được Thiên Chúa ban cho quyền thống trị mặt đất và tất cả những gì trong đó (x. St 1,28-29;2,19), thế nhưng tất cả những điều đó không lấp đầy được khát vọng quyền lực nơi những con người đầu tiên. Chính khát vọng này dẫn tới việc ông bà nguyên tổ không muốn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Hay nói cách khác, ông bà nguyên tổ muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới những đổ bể trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và với chính mình. Kinh Thánh cho thấy, ngay khi con người chống lại lệnh của Thiên Chúa thì: mắt con người mở ra, họ thấy mình trần truồng và trốn không dám giáp mặt Thiên Chúa, rồi con người đổ lỗi cho nhau. Rồi đất đai sẽ trổ sinh gai góc (x. St 3,6-19).
Nguyện xin Chúa giúp mỗi người chúng con luôn biết dùng những khả năng và địa vị mình có để phục vụ tha nhân. Amen.