24.5.2021 – Thứ Hai Tuần VIII TN – Lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh
Lời Chúa: Ga 19,25-27
Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có mẹ Người, cùng với chị mẹ Người là bà Maria, vợ ông Clêôpas và Maria Mađalêna. Khi thấy mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu nói với mẹ rằng: “Thưa Bà, này là Con Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”. Và từ giờ đó môn đệ đã đón bà về nhà mình. Đó là Lời Chúa.
Suy niệm:
Khi Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá,
các Tin Mừng Nhất Lãm đều nhắc đến các phụ nữ Galilê.
Họ chỉ đứng nhìn Thầy từ xa (Mt 27,55; Mc 15,40; Lc 23,49).
Còn Tin Mừng Gioan lại mô tả nhóm phụ nữ đứng gần thập giá.
Người phụ nữ đầu tiên được kể tên là thân mẫu Đức Giêsu.
Mẹ đã theo Con đến tận núi Sọ,
dám chứng kiến và cảm nghiệm mọi nỗi đau của Con.
Mẹ can đảm nhận mình là mẹ của người tử tội,
đang ở trong giây phút cuối đời, đang đối diện với cái chết.
Người gần chết thường hay trối trăng một điều quan trọng,
một điều cần phải làm sau khi họ nhắm mắt.
Đức Giêsu trên thập giá cũng muốn để lại một lời trối.
Từ trên cao, Ngài nhìn thấy thân mẫu của mình
và người môn đệ mình yêu dấu đứng kề bên,
Ngài muốn tạo một tương quan thân thiết giữa họ.
Ngài nói với Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”
Rồi nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” (Ga 19,26-27).
Hai người không ruột thịt máu mủ, bây giờ thành mẹ con.
Có người nghĩ chuyện Đức Giêsu làm ở đây cũng thường thôi.
Vì biết mình sắp chết, nên Ngài giao phó Mẹ cho môn đệ,
để anh này thay mình chăm sóc Mẹ cho tròn chữ hiếu.
Thật ra lời trăng trối của Đức Giêsu mang tầm vóc lớn hơn nhiều.
Chúng ta không rõ khi Ngài lên đường đi sứ vụ, ai đã lo cho Mẹ.
Ngài để lại Mẹ ở nhà, và Ngài đòi các môn đệ cũng làm như thế.
Không rõ lúc cuối đời, Ngài có thấy cần người chăm sóc Mẹ không?
Dù sao trước khi Ngài nói với anh môn đệ: “Đây là mẹ của anh”
thì Ngài đã giới thiệu anh với Mẹ: “Đây là con của bà.”
Ngài xin Mẹ nhận anh này làm con và chăm sóc anh.
Sau đó Ngài mới giới thiệu Mẹ với anh: “Đây là Mẹ của anh.”
Người môn đệ đã nhận bà làm mẹ, và đã đón bà về nhà mình.
Đức Giêsu đã làm xong chuyện cuối cùng mà Ngài phải làm,
đó là tạo lập một tương quan mẫu tử giữa Mẹ và anh môn đệ.
Với sự bình an thanh thản của người đã hoàn thành sứ mạng,
Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất !” (Ga 19,28.30).
Có người nghĩ rằng Thầy Giêsu trên thập giá
chỉ muốn nối kết Mẹ Ngài và người môn đệ Ngài mến thương.
Đó là chuyện thuần túy riêng tư giữa hai người.
Anh môn đệ này không đại diện cho các kitô hữu,
nên cũng chẳng có tương quan nào giữa Mẹ Maria và chúng ta.
Truyền thống Công giáo nghĩ không nghĩ như thế,
nhưng coi cử chỉ trăng trối cuối cùng này của Đức Giêsu
đã kết nên mối dây giữa Mẹ Ngài với mọi kitô hữu.
Đức Giêsu đã chia sẻ tương quan làm con của Mẹ cho chúng ta.
để chúng ta cũng có thể coi Mẹ Maria là Mẹ của mình.
Đây là món quà quý giá Ngài ban cho ta lúc gần kề cái chết.
Chẳng thấy Mẹ hay anh môn đệ nói gì sau lời của Đức Giêsu,
nhưng chúng ta biết cả hai đã sống tương quan mới sau đó.
Đức Maria đã trở nên mẹ của từng kitô hữu.
Mẹ đã là môn đệ trung tín theo Con mình đến tận thập giá.
Người môn đệ Chúa yêu đứng gần cũng theo Thầy đến cùng.
Cả hai làm nên một gia đình thiêng liêng.
Khi vào một nhà thờ Công giáo, chúng ta thấy lòng ấm lại,
vì có sự hiện diện cảm thông của một Người Mẹ,
Người đã ở với Đức Giêsu hơn ba mươi năm,
đã sinh dưỡng, dạy dỗ, chở che, và làm cho Ngài lớn lên.
Đức Maria là thành viên và là Mẹ của Hội Thánh,
là người đứng dưới chân thập giá với nhóm phụ nữ ở Galilê,
nhưng cũng là người có phúc hơn mọi phụ nữ,
là người cầu nguyện với các môn đệ chờ Thánh Thần đến,
nhưng cũng là người được Thánh Thần ngự từ lúc truyền tin.
Chúng ta mong Chúa Giêsu cứ nói với Mẹ: “Đây là các con của Bà.”
Và nói với chúng ta: “Đây là Mẹ của anh chị em.”
Và chúng ta cũng mong Mẹ nhắc nhở chúng ta nhiều lần:
“Hãy làm những gì Người bảo!”
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria,
Chúng con tạ ơn Chúa Giêsu
đã ban cho chúng con một người mẹ
như quà tặng vô giá lúc Người sắp lìa đời.
Mẹ được chọn làm thân mẫu của Chúa
và được ban đầy ân sủng siêu phàm,
khiến muôn thế hệ phải ngợi khen chúc tụng.
Nhưng Mẹ cũng là tỳ nữ mọn hèn
luôn mau mắn thi hành ý định của Thiên Chúa,
dù Mẹ chẳng hiểu hết được mầu nhiệm cao sâu.
Chúng con tưởng Mẹ sẽ đi trên con đường đầy hoa,
nhưng thật ra Mẹ đã đi con đường của Chúa,
con đường gập ghềnh và trắc trở,
với lưỡi gươm sắc đâm thấu tâm hồn.
Trong đời Mẹ có bao tiếng xin vâng trên môi,
từ tiếng xin vâng đầu tiên đến tiếng xin vâng trên núi Sọ.
Những tiếng xin vâng này hợp với tiếng xin vâng của Con Mẹ
để Người đem ơn cứu độ cho chúng con.
Lạy Mẹ Maria,
là Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng con.
Mẹ đã sống trọn phận người như chúng con,
và đã chiến thắng sau khi kết thúc cuộc đời trần thế.
Mẹ hiểu chúng con cần lời cầu bàu của Mẹ biết bao
đang khi phải chiến đấu giữa trần gian đầy sóng gió.
Ước gì chúng con cũng có phúc vì đã tin như Mẹ,
có phúc vì đã làm cho Con của Mẹ được sinh ra,
và được lớn lên trong thế giới hôm nay. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Người nói với môn đệ: đây là mẹ của anh” (Ga 19,27).
Câu chuyện minh hoạ:
Một người mẹ trẻ đứng xếp hàng tại Nhà thờ Đức Mẹ Guađalupê ở thành phố Mêxicô. Bế con của mình trên tay, chị băn khoăn tự hỏi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình đang khi đường băng chuyền dành cho người bộ hành đang đưa chị đi về phía tấm ảnh Đức Mẹ hay làm phép lạ được in trên tấm áo choàng của thánh Gioan Diego (Gioan Giacôbê). Chị chưa bao giờ có lòng sùng kính đặc biệt với Mẹ Maria, nhưng mẹ ruột của chị đã chết nhiều năm trước đó, và chị tự hỏi Mẹ Maria có thể có chỗ nào trong cuộc sống của chị bây giờ. Khi chị ngước nhìn lên tấm áo choàng, những lời Mẹ Maria nói với Thánh Gioan Diego nghe rõ ràng trong tâm trí chị: “Ta là mẹ của con, Ta không có ở đây sao?” Những lời ấy đã đụng chạm vào trái tim chị và chị bắt đầu khóc khi tình yêu từ mẫu của Mẹ đã bao trùm chị.
Suy niệm:
Tình mẫu tử có khả năng rất đặc biệt: an ủi, chữa lành, chăm sóc… về tinh thần của những đứa con. Trong giờ tử nạn, Chúa Giêsu đã trao Mẹ Maria cho thánh Gioan, nghĩa là trao Mẹ cho tất cả loài người chúng ta để Mẹ chăm sóc, ủi an, nâng đỡ mỗi người chúng ta. Mẹ chăm sóc chúng ta như chăm sóc Chúa Giêsu vậy. Mẹ đã theo Chúa trên đường khổ nạn, những vòng gai, lưỡi đòng, đòn roi… làm tan nát tim Mẹ. Nhưng Mẹ vẫn thi hành ý Chúa. Dưới chân thánh giá chắc chắn Mẹ cũng đã hiệp thông với đau khổ của Chúa để hiến dâng Chúa Cha, phó thác hoàn toàn cho Chúa Cha. Vì thế, là những người con cái Mẹ, chúng ta cũng hãy dâng lên Chúa những đau khổ đời mình hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa để chấp nhận những gì Chúa trao cho, và dâng tất cả cho Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin đồng hành với chúng con trên hành trình đức tin để giữa những gian nan của cuộc đời chúng con một lòng vững bước theo Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Tin mừng theo thánh Gioan thuật lại: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Clôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà’. Rồi Người nói với môn đệ : ‘Đây là mẹ của anh’. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình”. Chính tình yêu đã làm cho những con người này bất chấp mọi sợ hãi để cùng đồng hàng với Đức Giêsu đến giây phút cuối cùng của cuộc khổ nạn. Cũng vậy, chính tình yêu mà Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người, gánh hết tội lỗi của nhân loại. Và bây giờ, đến giây phút cuối cùng, lúc treo trên thập giá, Đức Giêsu vẫn nghĩ đến sự cô đơn, đau khổ của người khác hơn là nổi đau khủng khiếp của chính mình.
Chính lúc tình yêu đáp đền tình yêu, cũng là lúc Đức Giêsu cho biết sứ mạng của Người đã được hoàn tất. Đức Giêsu gục đầu xuống và trao thần khí, Người yêu thương con người cách trọn vẹn và đến tận cùng. Tình yêu của Đức Giêsu được biểu lộ qua cuộc khổ nạn, qua vệc Người đã trao ban hết tất cả, trao ban đến giọt nước, giọt máu cuối cùng trong con tim của Người. Trái tim Đức Giêsu trao ban đến giọt nước, giọt máu cuối cùng, nhưng trái tim của Người không trở thành một “trái tim khô”, mà trái lại, trở thành một nguồn suối trào tuôn sự sống, – từ đó phát sinh các bí tích của Hội thánh, – chữa lành và tái sinh (bí tích Thánh tẩy), bổ sức và nuôi dưỡng (bí tích Thánh Thể), “để khi mọi người đã được lôi cuốn đến cùng trái tim rộng mở của Đấng Cứu Thế thì luôn được vui mừng uống nước nơi nguồn suối cứu độ”. Đức Giêsu cũng khao khát tình yêu đáp trả nơi con người.
Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho trái tim nhỏ bé của chúng con biết rộng mở đón nhận mọi người anh chị em, biết rung cảm trước đau thương của kẻ khác, biết xót thương người đói khổ, xấu số, sẵn sàng dâng hiến những giọt máu, giọt nước trong tim mình cho những ai cần đến. Xin cho chúng con biết đáp đền tình yêu của Chúa bằng một trái tim đập cùng một nhịp với trái tim của Chúa. Amen.