14.5.2021 – Thứ Sáu: Thánh Matthia, Tông Đồ
Lời Chúa: Cv 1, 15-17. 20-26
Trong những ngày ấy, ông Phêrô đứng lên giữa các anh em – có khoảng một trăm hai mươi người đang họp mặt – Ông nói: “Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đavít để nói trước về Giuđa, kẻ đã trở thành tên dẫn đường cho những người bắt Đức Giêsu. Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi. Thật thế, trong sách Thánh vịnh có chép rằng:
Ước gì lều trại nó phải tan hoang, không còn ai trú ngụ
và ước gì người khác nhận lấy chức vụ của nó.
“Vậy phải làm thế này: có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh.”
Họ đề cử hai người: ông Giôxếp, biệt danh là Basaba, cũng gọi là Giúttô và ông Mátthia. Họ cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giuđa đã bỏ để đi về nơi dành cho y.” Họ rút thăm, thăm trúng ông Mátthia: ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ.
Suy niệm:
Cái chết của anh Giuđa chẳng những là một điều đáng tiếc,
mà còn để lại một khoảng trống trong nhóm Mười Hai.
Nhóm Mười Hai trở thành nhóm Mười Một (Mc 16, 14).
Giuđa đã được tham dự vào công việc phục vụ của nhóm.
Sự ra đi của anh khiến cho chức vụ này cần người bổ sung.
Trong cuộc gặp mặt giữa khoảng một trăm hai mươi anh em,
Phêrô, trưởng nhóm, đã muốn tìm người thay thế (cc. 15-20).
Theo Phêrô đâu là điều kiện để có thể được chọn vào nhóm Mười Hai?
Anh phải là người đã đồng hành với nhóm này
trong suốt thời gian Chúa Giêsu sống giữa họ.
Thời gian đi với nhóm được kể từ lúc ông Gioan làm phép rửa cho Chúa,
cho đến ngày Ngài được phục sinh và được đưa lên trời (c. 21).
Như thế để được nhập vào nhóm Mười Hai,
phải là người có kinh nghiệm sống đời sống của nhóm,
và kinh nghiệm sống với Thầy Giêsu trong suốt sứ vụ của Ngài.
Chỉ ai đã từng có kinh nghiệm đi với nhóm, đói no vất vả với nhóm,
người ấy mới được là thành viên mới của nhóm.
Chỉ ai đã đi sát với Thầy Giêsu, đã lắng nghe bao bài giảng của Thầy,
đã chứng kiến bao việc kỳ diệu Thầy thực hiện,
chỉ ai có kinh nghiệm về việc Thầy bị giết và được phục sinh,
người ấy mới có thể trở nên chứng nhân về sự phục sinh ấy
cùng với cả nhóm anh em (c. 22).
Có hai người được đề cử vì hội đủ điều kiện: Giôxếp và Mátthia.
Khi không biết chọn ai, thì cộng đoàn đã cầu nguyện.
Cầu nguyện cho thấy họ muốn được soi sáng để chọn ý Chúa.
“Xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để kế tục sứ vụ tông đồ” (c. 25).
Họ đã không chọn bằng cách bầu phiếu theo đa số,
nhưng bằng cách rút thăm để tìm người Thiên Chúa chọn.
Cách này là cách truyền thống để tìm ý Chúa trong Do thái giáo (Lv 16, 8).
Matthia đã trúng thăm và trở nên vị tông đồ thứ mười hai.
Khi mừng lễ thánh Matthia, chúng ta mừng lễ một vị tông đồ,
tuy không trực tiếp được Đức Giêsu gọi và chọn,
nhưng đã được chọn gián tiếp qua các tông đồ khác và cộng đoàn.
Thiên Chúa vẫn chọn qua lựa chọn của con người, mãi đến tận thế,
nên Giáo hội vẫn có người được gọi để phục vụ.
Xin cho mọi chọn lựa của chúng ta đều nhắm đến vinh danh Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới,
nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.
Chúng con phải đối diện
với bao thách đố của cuộc sống,
của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình,
của nghề nghiệp chuyên môn.
Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy
của vật chất và quyền lực,
nhưng cho chúng con
giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu,
lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.
Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy chúng con sống thực tế,
nhưng không thực dụng;
biết xoay xở nhưng không mưu mô;
lo cho tương lai cá nhân,
nhưng không quên bao người bất hạnh cần nâng đỡ.
Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc,
giữa những xâu xé trước bao lựa chọn,
xin cho chúng con
biết tìm những phút giây trầm lắng,
để múc lấy ánh sáng và sức mạnh,
để mình được thật là mình trước mặt Chúa.
Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu,
xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân,
làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh,
và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em…” (Ga 15,12)
Câu chuyện minh họa:
Chuyện kể rằng có một gia đình nghèo gồm 18 người con. Hai người con lớn trong nhà đều chung ước mơ trở thành họa sĩ. Nhà nghèo nên họ quyết định chỉ một người đi học. Họ sẽ tung một đồng xu. Người thua sẽ làm thợ mỏ, dùng toàn bộ thu nhập để chu cấp cho người thắng đi học. Sau này thành tài người thắng sẽ giúp ngược lại.
Đồng xu được tung lên, người em thắng cuộc và được đi học. Người anh trong suốt 4 năm, làm lụng để nuôi người anh em của mình ăn học. Sau 4 năm thành họa sĩ nổi danh, người em muốn thực hiện lời cam kết ngày nào, nên trong bữa ăn sum họp, người em đứng dậy để cảm ơn người anh trai đã hy sinh 4 năm giúp mình hoàn thành được ước mơ. Người em nói:
– Anh Albert, bây giờ đã đến lượt anh. Anh hãy theo đuổi ước mơ của mình. Em sẽ lo toàn bộ chi phí và chăm sóc gia đình. Albert mỉm cười, rồi bật khóc:
– Không, anh không thể vẽ được nữa. Đã quá muộn rồi. Bây giờ, sau 4 năm làm việc trong hầm mỏ, không còn ngón tay nào của anh là lành lặn. Thậm chí bây giờ anh còn bị thấp khớp ở tay phải nặng tới mức không thể nâng nổi một chiếc ly, nói gì đến việc cầm cọ vẽ. Cảm ơn em, nhưng bây giờ đã quá muộn rồi…
Trước tình yêu quá cao vời của anh, người em đã thực hiện một tác phẩm cẩn thận nhất trong đời: vẽ lại đôi bàn tay của anh trai mình, với lòng bàn tay hướng vào nhau và những ngón tay gầy guộc hướng lên trời. Ông chỉ gọi bức tranh của mình đơn giản là “Đôi tay”, nhưng cả thế giới đều đặt tên cho kiệt tác đó là “Đôi tay cầu nguyện”.
Suy niệm:
Hình ảnh đôi bàn tay diễn tả sự trao ban, hy sinh. Chính nhờ đôi bàn tay của người anh, mà người em trong câu chuyện trên đã thực hiện được ước mơ của mình. Hôm nay Chúa muốn chúng ta chiêm ngắm một tình yêu cho đi nhưng không. Một tình yêu không oan tính, không mong đền đáp, trao ban chính thân mình để nuôi sống nhân loại.
Mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên tấm bánh cho nhau, tấm bánh của niềm vui, yêu thương, chia sẻ… Có thể chúng ta là tấm bánh cho những bàn tay rã rời, cho những bàn chân run rẩy, cho những nụ cười đã tắt, và cho những con tim chai cứng. Chúa Giêsu đã chịu nghiền nát, huỷ mình đi để con người được lành lặn, và được sống dồi dào.
Lạy Chúa, ba mươi ba năm trên khắp nẻo đường đời và trên thập giá, Ngài đã sống trọn vẹn tình yêu trao ban. Xin cho chúng con là những môn đệ Chúa, cũng biết trở nên tấm bánh trao ban cho tha nhân, để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Tiêu chuẩn nào để thoả mãn điều kiện là người môn đệ của Chúa Giêsu? Ở đây chúng ta hãy chú ý đến chữ “LÀ”, là môn đệ, để chúng ta phân biệt với một cụm từ quen thuộc khác mà vẫn thường được dùng là “LÀM”, làm môn đệ. Xem chúng ta đang thuộc dạng nào, làm môn đệ hay là là môn đệ?
Chữ LÀ theo nghĩa triết học, nghĩa là tự bản chất nó là, một từ chuyên môn diễn tả nó là bản thể. Nói cách dễ hiểu khi nói tôi là môn đệ, có nghĩa là tôi đã là môn đệ, đã sống đích thực là người môn đệ, giống như Chúa Giê-su muốn. Và không những thế, tôi vẫn và luôn là người môn đệ như thế, không thể khác đi, giống Chúa Giêsu và nên một với Chúa Giêsu; còn khi nói tôi LÀM môn đệ, nó mang tính chủ động, cố gắng của tôi, có thể tôi đã làm hoặc là đang làm và muốn trở nên giống như thế. Coi như một quá trình đang nên hoàn thiện. Có thể hiểu theo nghĩa là chưa đạt đến cảnh giới của người môn đệ đích thực.
Một ví dụ nữa, khi nói tôi làm giáo dân của một xứ đạo, thì có thể tôi đang làm bổn phận như một giáo dân, chưa chắc tôi là giáo dân của xứ đó. Còn tôi là giáo dân có nghĩa là người thuộc xứ đó, có đủ mọi bổn phận và trách nhiệm của tôi với giáo xứ nhà.
Qua đoạn Tin mừng này, thánh Gioan soi sáng cho chúng ta hiểu được ý nghĩa đích thực của từ “là môn đệ”, “làm môn đệ” Thầy Giêsu. Tiêu chí ở đây là gì? Nói khác, điều kiện cần và đủ của một người môn đệ Chúa Giêsu là: ở lại, giữ giới răn và được tuyển chọn. Môn đệ là người được Chúa tuyển chọn. Môn đệ phải ở lại trong tình yêu của Thầy, và môn đệ phải giữ giới răn của Thầy. Tất cả do tình yêu mà chọn, ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô để nên một với Người và buộc phải sống cho tình yêu đó, bất chấp phải hiến mạng sống vì tình yêu vị tha ấy.
Thế nên, thường ngày, có thể chúng ta chỉ mới dừng lại là làm môn đệ của Chúa. Chúng ta nỗ lực và cố gắng, nhưng mình lại thiếu tình yêu, từ đó làm cho đời sống người môn đệ trở nên nặng nề, nó như là một bổn phận. Khi là môn đệ, chúng ta sống như một người con được sinh ra và hoàn toàn cho ơn gọi đó, được tuyển chọn nhưng chúng ta không từ khước, được đắm chìm trong tình yêu tự hiến nhưng chúng ta không thấy phải hy sinh mất mát, được sống cho giới luật yêu thương nhưng chúng ta không coi đó là điều bắt buộc. Bản chất mọi sự là tình yêu và bản thể của môn đệ là tự hiến như Thầy Giêsu.
Chúng ta hãy nhớ điều này: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của thầy”; “anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em”; “không phải anh em đã chọn thầy nhưng chính thầy đã chọn anh em”. Hãy đọc đi đọc lại và nhập tâm điều này để chúng ta mãi mãi là môn đệ của Chúa Kitô. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaPhucSinh