09.5.2021 – Chúa Nhật VI Phục Sinh, Năm B
Lời Chúa: Ga 15, 9-17
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Ðiều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”.
Suy niệm:
Có người cho rằng Tin Mừng Gioan có tính cục bộ
vì Đức Giêsu chỉ đòi các môn đệ rửa chân cho nhau,
hay yêu thương nhau (Ga 13,14; 15,12).
Không thấy Ngài nói đến việc yêu thương dân ngoại,
hay yêu thương kẻ thù (Mt 5,44).
Có vẻ cộng đoàn của Gioan là một cộng đoàn khép kín,
Thầy trò chỉ biết lo cho nhau, ở lại trong nhau (Ga 15,4).
Thật ra Tin Mừng Gioan là một Tin Mừng mở ra với thế giới.
Đức Giêsu đã đến với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng,
và đã ở lại với thành phố ngoại giáo Xy-kha hai ngày (Ga 4,40).
Ngài không chỉ quan tâm đến những con chiên trong ràn,
mà còn muốn đưa về những con chiên ngoài ràn nữa (Ga 10,16).
Ngài đòi các môn đệ phải đi rao giảng,
phải dùng lời của mình mà làm cho người ta tin (Ga 17,20).
Biết bao lần Đức Giêsu sai phái họ vào trong thế gian (Ga 17,18),
dù đó là thế gian thù ghét và toan tính hãm hại Ngài (Ga 15,18).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu đã gọi môn đệ là bạn.
Bạn là người được Thầy yêu đến cùng,
yêu đến độ dám hy sinh mạng sống (Ga 15,9.12).
Bạn là người được Thầy thổ lộ tương quan giữa Thầy với Cha,
những mặc khải mà chỉ mình Thầy mới có thể vén mở (Ga 15,15),
vì Thầy hằng ở trong cung lòng Cha (Ga 1,18).
Bạn là người đã thi hành những điều Thầy truyền,
đã tuân giữ nghiêm cẩn điều răn Thầy dạy (Ga 15,14),
mà điều răn quan trọng và mới mẻ là hãy yêu mến nhau.
Bạn của Thầy là người có khả năng yêu mến anh em mình,
yêu như Thầy đã yêu, yêu bằng tình yêu lớn nhất,
tình yêu dám hiến mạng cho anh em (Ga 15,12)
Bạn là người được hưởng niềm vui trọn vẹn,
vì luôn ở lại trong tình yêu của Thầy (Ga 15,10-11).
Bạn hữu của Thầy Giêsu là những cành nho của cùng một cây,
Thầy chính là cây nho trao ban sự sống.
Thầy và từng người bạn nối kết với nhau như cành với cây.
Từ đó Thầy tạo ra sự liên kết giữa các cành.
Các cành không phải là những đơn vị rời rạc,
nhưng là những người được nuôi bằng cùng một dòng nhựa.
Họ gắn bó với nhau vì cùng gắn bó với Thầy Giêsu,
cùng được cắt tỉa và cùng sinh trái ngọt.
Một cành bị sâu cũng ảnh hưởng trên các cành khác.
Cành sinh trái nhiều là niềm vinh dự cho Chúa Cha (Ga 15,8),
và là niềm vui cho cả cây nho lẫn các cành (Ga 15,11).
Các môn đệ sinh trái khi họ ở lại trong Thầy Giêsu,
và sống yêu thương nhau như Thầy đã yêu.
Nhưng tình Thầy trò lại không dẫn vào một thế giới khép,
vì chính Thầy đã chủ động chọn các môn đệ,
và đã cắt đặt để họ ra đi và sinh trái (Ga 15,16).
“Ở lại trong” Thầy không chỉ là để hưởng thụ một tình bạn,
nhưng còn là được sai vào thế giới những người chưa tin.
Chỉ ai “ở lại trong” mới được sai vào thế giới.
Có cả một thế giới mênh mông, một đồng lúa chín vàng đang chờ.
Người môn đệ phải sinh trái vừa nhiều, vừa bền vững,
ngay giữa lòng một thế giới đầy hận thù, ích kỷ, đói nghèo,
một thế giới bệnh tật cần được chữa lành, cần được yêu thương.
Cộng đoàn các kitô hữu là cộng đoàn của những người bạn,
bạn của Thầy Giêsu và bạn của nhau,
ở lại trong Thầy và ở lại trong nhau.
Từ đó họ cũng là cộng đoàn được sai vào thế giới,
để gặp gỡ và tạo nên những tình bạn mới trong Giêsu.
Chỉ mong ở đâu họ cũng sinh trái xum xuê.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỷ người
chưa nhận biết Đức Giêsu,
họ cũng là những người được cứu chuộc.
Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giê su cho thế giới.
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Đức Giê su và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.”(Ga 15,27)
Câu chuyện minh họa:
Trong kho tàng văn chương Ấn giáo có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình: “Thưa thầy, con muốn gặp Chúa”. Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.
Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười tiếp tục giữ sự im lặng cố hữu của ông.
Một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người thanh niên đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất thần, vị linh đạo túm lấy anh và dìm xuống nước hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy đế trồi lên mặt nước. Lúc bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh: “Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?”. Không một chút suy nghĩ, người đệ tử đáp: “Thưa thầy, con cần có không khí để thở””.
Lúc bấy giờ vị linh đạo mới dẫn giải: “Con cảm thấy cần gặp Chúa như con cần khí thở không? Nếu con cảm thấy cần như thế, con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không hề cảm thấy cần như thế thì cho dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp được Ngài”.
Suy niệm:
Người môn đệ làm chứng cho Chúa giữa thế gian này cần có lòng kiên vững, chúng ta sẽ bị thế gian khai trừ, có khi còn bị mất mạng sống. Các tông đồ xưa cũng gặp nhiều thử thách trong hành trình rao giảng và làm chứng cho Chúa. Phần chúng ta đã chấp nhận theo Chúa, thì chúng ta cũng phải bước đi trên con đường Chúa đã đi qua. Các môn đệ theo Chúa ngay từ đầu, nghĩa là biết Chúa, tin Chúa và yêu Chúa. Chúng ta muốn trở thành môn đệ trung tín của Người, chúng ta cũng cần có những điều kiện như thế.
Lạy Chúa, xin cho đời sống của chúng con là một lời chứng sống động về tình yêu Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Tin mừng của mùa Phục sinh giúp chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu vô biên của Thiên Chúa ngang qua cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Có lẽ đây là cơ hội giúp chúng ta gặp Đấng phục sinh để được biến đổi, để nhận ra tình yêu thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại trong đó có cả chúng ta nữa.
Chúa yêu thương chúng ta dẫu cho mình bất xứng và còn nhiều tội lỗi. Ngài vẫn mời gọi chúng ta “yêu như Chúa”, với một “tình nhưng không” – yêu một cách vô vị lợi, không xét đoán, không
toan tính, và luôn cảm thông, tha thứ cho mọi người. Trước lời mời gọi như thế, chúng ta có khi chùn bước khi nhận rằng “mình không thể”, nhưng với ơn Chúa, Ngài sẽ biến chúng ta thành một phần dự án trong tình yêu của Ngài như một Phêrô chối Chúa, hay một Phaolô bắt đạo Chúa, hay một Augustino tội lỗi.
Chúa Giêsu đã chọn gọi và sai chúng ta tiếp nối sứ vụ rao giảng Tin mừng của tình yêu cứu thế, chúng ta vững tin rằng chúng ta có thể “yêu như Người”. Do vậy, chúng ta đừng sợ hãi khi trao ban tình yêu cho tha nhân, dẫu phải hy sinh mạng sống mình. Hãy phó thác nơi Chúa để mỗi hành động của chúng ta, dù lớn hay nhỏ sẽ sinh hoa trái của tình yêu và đó là dấu chỉ chứng tỏ chúng ta là môn đệ của Người, là con cái của một Thiên Chúa được mang danh là tình yêu.
Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: “Quan trọng không phải chúng ta cho đi bao nhiêu, mà là chúng ta dành bao nhiêu sự yêu thương để cho đi”.
Ước gì mỗi chúng ta biết làm mọi việc bằng tình yêu và là những cánh tay nối dài của Chúa để mang niềm vui và bình an phục sinh đến những người chúng ta gặp gỡ. Amen.