04.5.2021 – THỨ BA TUẦN V PHỤC SINH
Lời Chúa: Ga 14, 27-31a
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin. Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.”
Suy niệm:
Con người thời nay gần như có mọi sự.
Nhưng tiếc thay nhiều người lại không có một điều rất quan trọng,
đó là bình an ở nơi tâm hồn.
Nhiều người bị mất ngủ, căng thẳng, suy sụp, chán đời, tự tử.
Có người rơi vào tình trạng nghiện ngập, bạo hành hay trụy lạc.
Gia đình cũng chẳng bình an khi gặp cảnh xung đột, ly dị, ngoại tình.
Con người nôn nóng đi tìm bình an.
Có người tìm đến những giáo phái, liệu pháp tâm lý hay đơn giản là tập thở.
Bình an phải chăng chỉ là kết quả của cố gắng từ phía con người?
Tự sức con người có thể tạo ra bình an cho mình, gia đình và thế giới không?
Khi thấy các môn đệ xao xuyến và sợ hãi trước việc Thầy sắp ra đi,
Đức Giêsu đã nói câu mà chúng ta không ngừng lặp lại trong mỗi Thánh lễ.
“Thầy để lại bình an cho anh em.
Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (c. 27).
Bình an là quà tặng cao quý của Thầy Giêsu
khi Thầy sắp trở về với Cha qua cái chết thập giá (c. 28).
Bình an cũng là quà tặng của Chúa Giêsu phục sinh
khi Ngài hiện ra cho các môn đệ đang đóng cửa vì sợ hãi:
“Bình an cho anh em” (Ga 20, 19.21.26).
Như thế các môn đệ vẫn phải luôn bình an trước và sau cái chết của Thầy.
Đời sống Kitô hữu được bình an không phải vì không gặp sóng gió,
nhưng là bình an giữa những sóng gió.
“Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an.
Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.
Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
Bình an của chúng ta dựa trên chiến thắng của Đức Giêsu.
“Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng
nhờ Đấng đã yêu chúng ta” (Rm 8, 37).
Đức Giêsu nhìn nhận thế gian có khả năng ban cho chúng ta bình an.
Nhưng Ngài phân biệt thứ bình an ấy với thứ bình an của Ngài.
Chúng ta tự hỏi mình có tìm bình an dựa trên sự vững bền mong manh
của tiền bạc, sắc đẹp, chức quyền, tài năng, tri thức không?
Sự bình an mà chúng ta nhận được và trao cho nhau trong mỗi Thánh lễ
có thật sự gây âm vang trong cuộc sống đời thường của ta không?
Cầu nguyện:
Giữa những ồn ào của đám đông,
giữa những sôi nổi của thành công
và ê chề của thất bại,
xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa những đam mê quay cuồng,
giữa những khát khao thèm muốn
và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,
xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa lúc bị cuộc đời từ khước,
giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,
chẳng có ai để cậy dựa,
xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,
để một mình ở đó,
trầm lắng và bình an.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14,27)
Câu chuyện minh họa:
Michael Jackson, một ca sĩ nhạc rock, anh đã đạt tới đỉnh cao danh vọng. Bây giờ ước mơ của anh là được sống tới 105 tuổi. Vì thế, anh chẳng ngại thuê trực thăng đem khí Oxi từ đỉnh núi cao, bơm đầy phòng kính nơi anh ở, để tránh mọi sự ô nhiễm.
Tôi tự hỏi: “Liệu anh có thật sự an toàn nơi phòng kín?”
Suy niệm:
Sự bình an mà thế gian tìm kiếm là sự an phận, trốn tránh, thỏa hiệp… Nó đem đến cho chúng ta sự bình an trong giây lát. Bình an của Chúa đòi hỏi phải chiến đấu, đối mặt và phải hy sinh nhiều, dám sống theo những đòi hỏi của Chúa, dám ra khỏi mình… Trong Chúa, chúng ta cảm thấy an bình vì đó là sự bình an thực sự, mặc dù chúng ta phải hy sinh hay mất mát nhiều.
Chúng ta đang tìm sự bình an ở đâu? Điều gì đã đem lại cho chúng ta sự bình an thực sự?
Lạy Chúa xin ban cho con sự bình an của Chúa, xin chạm vào trái tim con để con luôn ước muốn và làm những điều tốt đẹp mang lại bình an cho chính mình và những người khác nữa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, với những văn minh khoa học, tiến bộ kỹ thuật, có thể nói là chưa bao giờ thấy trong lịch sử nhân loại. Thế nhưng, những cảm giác âu lo, sợ hãi, bất an… không hề buông tha con người; trái lại, đó còn là tâm trạng thường xuyên của mọi người trên địa cầu này. Chúng ta lo sợ chiến tranh, lo sợ thiên tai, mất mùa, lo sợ bệnh tật, lo sợ thất nghiệp, lo sợ vật giá leo thang, lo sợ trộm cắp, lo sợ con cái hư hỏng, lo sợ gia đình ly tán. Và vì thế, bình an là khao khát của con người mọi nơi và mọi thời khi họ chưa biết chắc điều gì đang chờ đợi họ trong tương lai.
Các môn đệ trong Tin mừng hôm nay cũng mang tâm trạng như vậy. Khi trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu nhiều lần nói về hành trình đi về cùng Chúa Cha của mình. Trên hành trình ấy, Người phải trở thành nạn nhân của hành vi phản bội, và phải đi qua cuộc thương khó và cái chết trên thập giá, như chính Người nói ở đây: “Thủ lãnh thế gian đang đến”. Và như thế, các môn đệ cảm thấy hoang mang sợ hãi, tâm hồn đầy xao xuyến, Thầy đi rồi thì tương lai của các ông sẽ về đâu? Một câu hỏi lớn chưa tìm ra câu trả lời. Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi lo lắng của các môn đệ về tương lai bất định, nhất là việc Thầy sắp ra đi, nên Người đã trấn an các ngài: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”.
Dựa vào lời của Chúa Giêsu, chúng ta cần phân biệt hai sự bình an. Trước hết là sự bình an theo kiểu thế gian. Có thể đó là cuộc sống không có chiến tranh, có khi đó là sự thịnh vượng, sung túc về vật chất, cũng có thể đó là những tiện nghi khoa học tối tân đáp ứng mọi nhu cầu của con người. Và như vậy, bình an của thế gian thường đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thoả hiệp, để có được tâm trạng khoan khoái, thoải mái sung sướng về mặt tâm lý. Sự bảo đảm này phần nào cũng có giá trị của nó.
Tuy nhiên, bình an của Chúa hệ tại ở một cái gì khác hẳn. Sự bình an mà Chúa Giêsu ban không có nghĩa là không có những trắc trở gian nan như mặt hồ lặng sóng, nhưng là sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn khi phải đối mặt với phong ba bão táp. Bình an của Chúa không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, nhưng là một tâm hồn đầy lòng tin tưởng phó thác giữa những thách đố đang chờ đợi. Và do đó, bình an đích thực là tâm trạng của những con người, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tuyệt đối tin tưởng và phó thác cuộc đời của mình cho Thiên Chúa – Đấng hằng yêu thương họ.
Trong cuộc sống thường ngày, có lẽ chúng ta cũng đã từng đi tìm bình an cho mình và cho gia đình mình. Có người tìm bình an nơi các công ty bảo hiểm: bảo hiểm xe cộ, nhà cửa, nhân thọ. Giới ca sĩ thì bảo hiểm giọng hát, cầu thủ thì bảo hiểm đôi chân, người có nhiều tiền thì tìm chỗ nào chắc chắn, an toàn nhất để gửi gắm. Thế nhưng, tất cả những thứ bảo đảm đó chỉ mang lại cảm giác an toàn bên ngoài. Còn sự bình an đích thực mà Chúa Giêsu trao ban là ân huệ lớn lao từ nơi Chúa Cha. Ân huệ này chính là ơn cứu độ, ơn giải thoát ta khỏi sợ hãi và nô lệ tội lỗi. Chúng ta sẽ được bình an khi sống trong ân sủng, sự thật và ánh sáng của Chúa. Và chúng ta cũng sẽ được bình an khi chân thành yêu thương anh em.
Ước mong rằng, đó cũng chính là thứ bình an mà từ nay, trong Chúa Kitô phục sinh, chúng ta sẽ đi tìm cho mình. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaPhucSinh