12.04.2021 – Thứ Hai tuần II Phục Sinh
Được sinh ra từ trên
Lời Chúa: Ga 3, 1-8
Khi ấy, trong nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Do Thái. Ông đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông nói với Người: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” Đức Giêsu trả lời: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra từ trên.” Ông Nicôđêmô thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra từ trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”
Suy niệm:
Mùa Phục sinh là thời gian những người dự tòng lãnh bí tích Thanh Tẩy.
Tuy họ là những người đã lớn khôn trưởng thành,
nhưng bí tích Thanh Tẩy đưa họ vào một cuộc sống mới,
cuộc sống như trẻ thơ được sinh lại nhờ Thánh Thần.
Để bước vào cuộc đời này, cần có một người cha sinh ra mình.
Để vào Nước Thiên Chúa, con người cần được Cha trên trời sinh ra.
Con người có sự sống đời này khi Chúa còn ban hơi thở tự nhiên.
Con người có sự sống vĩnh cửu khi được Chúa ban Thần Khí.
Bài Tin Mừng hôm nay nói về sự sinh ra bởi Thần khí, sinh ra từ trên.
Trong đêm tối, ông Nicôđêmô, một vị chức sắc của Thượng Hội Đồng,
đến gặp Đức Giêsu, người mà ông kính trọng gọi là Rabbi.
Ông tin Thầy Giêsu đến từ Thiên Chúa,
và vì Thầy có Thiên Chúa ở cùng nên Thầy mới làm được nhiều dấu lạ.
Có vẻ ông định hỏi Thầy về việc làm sao vào được Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu cho biết phải được sinh ra từ trên (anôthen).
Trong tiếng Hy lạp, anôthen còn có nghĩa là lại, lần nữa.
Có lẽ vì thế mà Nicôđêmô tưởng là Đức Giêsu nói đến việc sinh lại.
Chính vì thế ông nêu lên thắc mắc :
“Một người đã già rồi, làm sao người ấy có thể được sinh lại lần nữa.”
Dĩ nhiên chúng ta không cần phải vào lòng mẹ lần thứ hai.
Nhưng Kitô hữu thực sự phải là người đã được sinh ra bởi Thần Khí.
Tương tự như gió ở chung quanh ta.
Chúng ta chỉ có thể thấy những hậu quả của gió, nhưng không thấy được gió.
Người được sinh bởi Thần Khí cũng vậy.
Chúng ta cũng không rõ cách thức Thần Khí hoạt động nơi người ấy,
nhưng chúng ta nhìn thấy sự biến đổi sâu xa nơi cuộc đời mỗi người.
Mùa Phục sinh là thời gian của sự sống.
Chúng ta đã được sinh lại từ khi lãnh nhận Phép Rửa.
Hãy để cho sự sống đó được làm mới lại và được lớn lên từng ngày.
Hãy để Thần Khí của Đấng Phục sinh nâng chúng ta lên cao,
để chúng ta thực sự là những người được sinh ra từ trên.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
xin ban cho con sự sống của Chúa,
sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa,
bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa,
niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa,
hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,
Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”. (Lc 1,38)
Câu chuyện minh họa:
Một cuốn phim dịch theo sát nghĩa là: “Người Mưa” được tung ra thị trường phim ảnh tại Hoa Kỳ. Tác giả muốn đề cao một tình thương được nẩy nở một cách bất ngờ giữa hai anh em Charley và Raymond.
Charley là một thương gia giàu có, còn Raymond là một người tàn tật từ nhỏ và được nuôi dưỡng trong trường đặc biệt điều trị những người bị câm điếc tinh thần, tức là thứ bệnh không thể diễn tả và giao thiệp với ai được. Charley vẫn không hay biết là mình có người em tên là Raymond và hơn nữa là một người tàn tật.
Thế rồi người cha qua đời. Cái chết của người cha đánh dấu một khúc rẽ mới trong đời sống của hai anh em. Trước khi nhắm mắt lìa đời, trong tờ di chúc, người cha đã ký lại cho Raymond, người con tàn tật một số tiền khổng lồ là 3 triệu mỹ kim, còn Charley sẽ là người đứng tên thừa kế một ngôi biệt thự rộng lớn. Charley rất ngạc nhiên trước lời trăn trối của người cha, và kể từ ngày đó anh tìm đủ mọi mưu kế, học mọi thủ đoạn để chiếm số tiền của em. Anh lý luận: dầu sao đi nữa, em mình là một người tàn phế như thế làm sao có thể tiêu xài hết một số tiền lớn như thế. Thực ra Charley nghĩ như thế là để bào chữa cho cái lòng tham của mình chứ thực sự thì Charly không thiết tha gì nghĩ đến em mình.
Cuốn phim được tiếp diễn với những thủ đoạn, những mưu mô khôn khéo để chiếm lấy được số tiền đó. Nhưng trớ trêu thay, chính trong những bận tâm ấy, Charly luôn luôn lúc nào cũng nghĩ tới người em hơn là bản thân mình. Đây là lần đầu tiên Charly lo lắng cho bản thân anh từ trước tới nay được thay thế bằng mối quan tâm lo lắng cho người khác. Anh cũng bắt đầu ý thức thêm rằng, anh đang quên mình đi và chỉ nghĩ đến người em, anh đang chết dần đi cho sự sống, cho bản thân mình mà chỉ nghĩ đến người em đáng thương ấy. Và như không ngờ anh như đã trở thành một người mới, một người trọn vẹn hơn với nhiều tình người trọn vẹn hơn, đậm đà hơn.
Suy niệm:
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải đối diện với biết bao nhiêu thách đố. Và như vậy chúng ta phải có những từ bỏ và chọn lựa sao cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin mừng. Chúng ta hãy để cho Lời Chúa soi sáng mọi suy nghĩ của chúng ta, để mỗi ngày chúng ta được tái sinh trong ơn Chúa. Lắm khi lời mời gọi của Chúa bị mờ nhạt và che lấp đi bởi những đam mê dục vọng, bởi những thú vui trần thế, và rồi chúng ta lại tiếp tục đi con đường cũ.
Để được Chúa biến đổi, chúng ta phải biết và tin theo Chúa dù có chịu thiệt thòi cho bản thân. Tái sinh để trở nên bé nhỏ trước Thiên Chúa, lệ thuộc vào Thiên Chúa. Nhờ đó chúng ta được thúc đẩy bởi sức mạnh Thánh Thần biến đổi chúng ta thành những con người mới, lối suy nghĩ và hành động mới.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết cởi bỏ con người cũ với những ích kỷ, nhỏ nhen và tội lỗi, để Chúa thanh tẩy chúng con thành con người mới trong ân sủng Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Ơn tái sinh, đó là điều Đức Kitô muốn mời gọi chúng ta qua việc mời gọi ông Nicôđêmô như được thuật lại trong Tin Mừng hôm nay. Sự tái sinh mà Chúa muốn nói ở đây chính là ơn tái sinh làm con của Chúa qua phép Rửa tội. Đó là sự sống mới được trao ban trong Đức Kitô.
Quả thế, khi chúng ta được lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta được tái sinh bởi nước và Thánh Thần. Như thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người. Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết, nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4). Đây là một mầu nhiệm thẳm sâu của ơn được tái sinh làm con Chúa. Do đó, nếu chúng ta không có đức tin, chúng ta không thể đón nhận điều này, như ông Nicôđêmô: “Một người đã già, làm sao có thể tái sinh? Không lẽ người ấy lại vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa sao?”.
Suy gẫm về những điều Chúa nói hôm nay, chúng ta được mời gọi sống ơn ban đã lãnh nhận nơi bí tích Rửa tội. Chính nhờ bí tích này chúng ta được trao ban một phẩm giá mới, phẩm giá của người làm con Chúa. Trong tư cách của người con Chúa, chúng ta được mời gọi sống thực thi ý Chúa, sống chia sẻ tình thương đã nhận từ Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi sống tình liên đới với anh chị em vì có cùng một phẩm giá là con cùng một Cha trên trời.
Lạy Thiên Chúa là Cha hằng hữu, chúng con đã được tái sinh là con của Cha qua bí tích Rửa tội. Xin cho chúng con luôn biết bỏ đàng tội lỗi để sống thuộc về Cha trong Đức Kitô, Con dấu yêu của Cha. Xin Cha cũng ban ơn để chúng con luôn biết sống liên kết và yêu thương anh chị em. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaPhucSinh