08.04.2021 – Thứ Năm trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Anh em là chứng nhân
Lời Chúa: Lc 24, 35-48
Hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại cho Nhóm Mười Một và các bạn hữu những việc đã xảy ra dọc đường và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này”.
Suy niệm :
Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con.
Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma.
Có lần Ðức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ,
nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma.
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ,
họ cũng hoảng hốt tưởng là thấy ma.
Ðấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách
để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng.
Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài
để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt.
Ngài còn ăn một miếng cá nướng
để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma.
Khi các môn đệ yếu đức tin,
họ coi Ðức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma.
Nhưng khi đức tin của họ được củng cố,
họ mới thấy Ngài có thực.
Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa,
vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ,
giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược,
hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau.
Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến.
Ngài mời gọi ta làm chứng nhân cho Ngài.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm hy vọng.
Ðức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ.
Bạo lực, bất công, dối trá, hận thù bị thảm bại.
Quyền lực của bóng tối chỉ là tạm thời.
Chiến thắng cuối cùng thuộc về Tình Yêu và Ánh Sáng.
Bởi thế người Kitô hữu vẫn hy vọng không ngơi
ngay giữa lúc sự dữ có vẻ thắng thế.
Kitô hữu là chứng nhân của sự sống.
Thế giới hôm nay bị mê hoặc bởi sự chết.
Những cuộc chiến tranh, xung đột, ám sát, bạo động.
Những loại ma tuý khiến người ta chết không ra người.
Những vụ phá thai quá dễ dàng nơi các cô gái trẻ.
Những vụ tự tử chỉ vì những lý do không đâu.
Kitô hữu phải làm cho sự sống có mặt,
và hấp dẫn gấp ngàn lần sự chết.
Họ phải là nguồn sống dồi dào,
sống đơn sơ, thanh bạch, nhưng hạnh phúc.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui.
Bao trẻ thơ buồn vì thiếu thầy cô, thiếu trường học.
Bao bệnh nhân ở xa thành phố, cần đến thầy thuốc.
Bao người nghèo khổ sống trong nỗi muộn phiền.
Nếu chúng ta thực sự có niềm vui của Chúa,
nếu chúng ta đã ra khỏi nỗi âu lo về mình,
chắc chúng ta sẽ ra đi công bố Tin Mừng Phục Sinh,
bằng việc đem lại nụ cười cho những người bất hạnh.
Chuyện Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin.
Nhưng nếu chúng ta sống quên mình phục vụ
thì người ta có thể gặp đươc Ðấng đang sống.
Cầu nguyện :
Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa :
“Các con hãy cho họ ăn đi.”
Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.” (Lc 24,45-46)
Câu chuyện minh họa:
Trong một tác phẩm có tựa đề “Đêm” của tác giả Êlie wiesel, người sống sót trong trại tập trung Đức Quốc Xã trở về và sau này được giải Nobel Hòa Bình đã kể lại:
Những người lính Đức Quốc Xã xem ra có vẻ lo lắng và bị xáo trộn hơn mọi khi. Treo cổ một thiếu niên trước mặt hàng ngàn người không phải là chuyện cơm bữa. Người đứng đầu trại đọc bản án. Tất cả mọi con mắt đều hướng về cậu bé. Người cậu tái xanh nhưng nó mím môi để giữ bình tĩnh, giàn treo đang phủ bóng trên cậu. Lần này, người đứng đầu trại khước từ vai trò lý hình, ba người lính Đức Quốc Xã thế chỗ ông, ba nạn nhân cùng leo lên ba chiếc ghế, ba cái cổ cùng được đưa vào ba cái lỗi dây thòng lọng. Hai người lớn hô: “Tự do muôn năm”, nhưng người thiếu niên giữ thinh lặng. Đằng sau tôi có người hỏi “Chúa đang ở đâu?” Khi người trưởng trại ra hiệu, cả ba chiếc ghế cùng bị đẩy ra một bên. Cả trại chìm trong thinh lặng. Ở chân trời, thái dương đang từ từ lặn. Hai người lớn không còn sống nữa, hai cái lưỡi thè ra, nhưng chiếc dây thứ ba còn động đậy, vì quá nhẹ cân nên cậu bé vẫn còn sống. Trong hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, em vẫn còn treo lơ lửng ở đó, chiến đấu giữa cái chết và sự sống. Chết từ từ dưới cái nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi phải nhìn thẳng vào mặt em. Em vẫn còn sống nhưng mắt em đã mất thần. Sau lưng tôi vẫn còn nghe cái giọng lúc nảy: “Bây giờ, Chúa đang ở đâu?” và có một tiếng nói vọng lại trong tôi “Chúa đang ở đâu ư? Ngài đang ở đây này. Ngài đang bị treo trên cái dây thòng lọng kia kìa”.
Suy niệm:
Trước đau khổ của cuộc sống, có người tin tưởng và phó thác, có người nổi loạn và phạm thượng. Đau khổ là thước đo nhân cách và lòng tin của con người, nó còn đào luyện và thanh tẩy con người. Giữa đau khổ, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy thái độ đúng đắn của con người. Ngài là Thiên Chúa nhưng luôn có mặt trong từng đau khổ của chúng ta. Ngài cảm thông và đồng hóa mình với những ai đang đau khổ.
Chúa đã trải qua đau khổ và đang tiến vào vinh quang với Chúa Cha. Chính qua khổ đau, và thập giá, Thiên Chúa tỏ lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta, Ngài đang mời gọi chúng ta chia sẻ với Ngài để sau này, chúng ta cũng được hưởng vinh quang với Chúa trên thiên đàng.
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin cho chúng con biết nhận ra Chúa đồng hành với chúng con trong mọi lúc, nhất là sự hiện diện của Chúa trong những khó khăn và đau khổ của cuộc sống này.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Trong cuộc sống, chúng ta thấy có nhiều người vênh vang tự đắc, kiêu ngạo, ích kỷ, bất nhân và luôn tìm cách hại người khác bằng nhiều thủ đoạn… Lại có những người tự ty, buồn khổ, chán chường, thất vọng và đôi khi lại tìm đến cái chết để kết liễu cuộc đời mà họ cho là “bể khổ” trần ai. Cả hai lựa chọn trên đều không tốt và không có hậu. Như thế, họ đều là những người gây gương xấu. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề khiến cho họ có những lựa chọn như vậy là: không có bình an thực sự trong tâm hồn.
Hôm nay, Tin Mừng thánh Luca trình thuật nỗi sợ hãi bao trùm lên các tông đồ, mặc dù các ông đang được hai môn đệ trên đường Emmau báo tin Chúa đã sống lại và đã hiện ra với các ông. Nỗi sợ hãi của các môn đệ càng dâng lên tột độ khi thấy Đức Kitô hiện ra và đứng giữa các ông. Biết được tâm lý nơi môn sinh của mình, nên sau khi phục sinh, Đức Kitô đã hiện ra với các ông và câu đầu tiên Người ban cho các ông là: “bình an cho anh em”.
Chúa Giêsu Kitô đã sống lại, Người đã đánh bại thần chết, giải thoát con người khỏi ách thống trị tội lỗi và cái chết. Qua sự phục sinh của Chúa, kinh hoàng, sợ hãi và sự chết từ nay đã bị khử trừ, bình an và sự sống mới được trao ban lại cho con người. Tin Mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại rất rõ ràng, Chúa Giêsu phục sinh khi hiện ra với các tông đồ, Người đã trao ban bình an cho các ông. Chúa Giêsu nói: “Bình an cho anh em” (Lc 24,36). Và để trấn an, Chúa Giêsu nói tiếp: “Chính thầy đây mà, hãy sờ xem” (Lc 24,39). Rồi để chứng minh Chúa Giêsu cho các ông xem tay chân Người.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà chủ nghĩa vật chất dường như chi phối tất cả tư tưởng, đạo đức cũng như lối sống của con người, thế nên hình ảnh Thiên Chúa bị lu mờ. Con người có quá nhiều tham vọng, không muốn biến đổi và hoán cải. Đứng trước biến cố Đức Kitô phục sinh, mỗi người chúng ta được mời gọi nhìn lại để xem những tiêu cực có tồn tại trong đời mình hay không? Tội lỗi đã làm cho chúng ta chết, nay chúng ta cũng được sống lại, bằng cách để cho Đức Kitô phục sinh biến đổi con người chúng ta: từ con người tội lỗi, thành con người trong sáng; từ con người chỉ sống cho mình, thành con người sẵn sàng chia sẻ phục vụ mọi người; từ con người kiêu căng tự đắc, thành con người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con cũng biết trở thành chứng nhân sự phục sinh của Chúa như chính Chúa mời gọi: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48). Xin ánh sáng phục sinh phá tan mọi u mê tối tăm, sai lầm. Xin cho chúng con tin tưởng vào Chúa, trông cậy vào Chúa, và luôn cảm nhận được sự hiện diện tình yêu của Chúa trong cuộc đời, để chúng con không còn lo sợ nhưng can đảm loan truyền việc Chúa sống lại cho những người chúng con gặp gỡ hằng ngày. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #TuanBatNhatPhucSinh #MuaPhucSinh