25.03.2021 – Thứ Năm tuần V Mùa Chay – Lễ Truyền Tin
Tôi là Nữ tỳ của Chúa
Lời Chúa: Lc 1, 26-38
Khi ấy, Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Suy niệm:
Chín tháng trước khi mừng lễ Giáng Sinh, Giáo hội mừng lễ Truyền Tin.
Lễ Truyền Tin là lễ trọng, lễ Con Thiên Chúa xuống thế giới này làm người.
Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm lớn, đã bắt đầu từ giây phút này đây.
Nhưng sự trọng thể và lớn lao ấy lại diễn ra rất đỗi bình thường và bé nhỏ.
Galilê là vùng đất của dân ngoại, Nadarét chỉ là một tỉnh nhỏ ít danh tiếng.
Đây là nơi sinh sống của Chị Maria, một thiếu nữ đã đính hôn với ông Giuse.
Sứ thần Gáprien được Thiên Chúa sai đến với người trinh nữ Do thái ấy
vào lúc Chị đang sống đời sống thường nhật như các cô gái khác.
Chị sống bên cha mẹ, chờ ngày về nhà chồng.
Chị có biết đời mình sắp bước vào một khúc quanh mới không?
Thiên Chúa cần Chị Maria cho công trình cứu độ thế giới của Ngài.
Lễ Truyền Tin là lễ Thiên Chúa hỏi ý một thụ tạo, một thiếu nữ nhỏ bé.
Ngài tôn trọng tự do mà Ngài đã ban cho Chị, Ngài cần sự ưng thuận của Chị.
Qua trung gian sứ thần Gáprien, Thiên Chúa muốn Chị làm Mẹ của Con Ngài.
Người Con ấy là Vua thuộc dòng Đavít, là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa.
Chị Maria đã hết sức bối rối trước lời chào của sứ thần.
Lời chào ấy khiến Chị phải suy nghĩ và sợ hãi (c. 29, 30).
Và khi được báo tin mình sẽ thụ thai,
Chị đã hỏi lại: “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào?”
vì cho đến nay Chị vẫn còn là trinh nữ, chưa về chung sống với Giuse (c. 34).
Trước khi nói tiếng Xin Vâng, Chị Maria đã suy nghĩ cầu nguyện nhiều.
Chị biết mình được Thiên Chúa mời gọi bước vào cuộc phiêu lưu.
Cuộc hôn nhân với Giuse, người mà Chị yêu mến, hẳn sẽ không như cũ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Chị mang thai bây giờ? Giuse sẽ nghĩ sao?
Ai sẽ tin chuyện Chị được thụ thai bởi Thánh Thần (c. 35)?
Maria đã nói tiếng Xin Vâng không phải vì thấy rõ con đường Chúa muốn.
Xin Vâng là mềm mại, buông mình để Chúa dẫn đi giữa đêm đen,
yên tâm không phải vì mình làm chủ được tương lai,
nhưng vì tin nó nằm trong tay Chúa.
Xin Vâng là để cho những dự tính và ước mơ của mình bị tan vỡ.
Chị Maria đã dám chấp nhận mọi hậu quả khi nói tiếng Xin Vâng.
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa.” (c. 38).
Tiếng Xin Vâng của Chị Maria đã cho Con Thiên Chúa có chỗ trong thế giới.
Nhờ những tiếng Xin Vâng của tôi, Đức Giêsu đi vào được thế giới hôm nay.
Tôi có kiên nhẫn cưu mang Ngài trong đời tôi, để cho Ngài lớn lên cứng cáp,
trước khi sinh ra Ngài cho môi trường tôi đang sống không?
Cầu nguyện :
Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ
tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.
Xin ban cho con quả tim đơn sơ,
mau quên những nỗi buồn phiền.
Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,
dịu dàng để cảm thông.
Một quả tim trung thành và quảng đại,
không quên ơn, không báo oán.
Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,
yêu mà không mong được yêu lại,
hân hoan xóa mình đi
để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.
Một quả tim vĩ đại và bất khuất,
không khép lại trước những kẻ vô ơn,
không chán nản trước người lạnh nhạt.
Một quả tim khắc khoải
lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,
quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,
vết thương chỉ lành
khi được sống với Ngài trên trời. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Thưa Bà Maria, xin đừng sợ vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa”. (Lc 1,30)
Câu chuyện minh họa:
Bị một nhát búa giáng lầm, ngón tay cái của một thanh niên mất khả năng làm việc. Một người bạn khi nghe biết, nói: “Thật quá tệ!”
Nhưng anh là người triết lý. Anh trả lời: “Không. Nó là một trong những điều tốt nhất xảy đến cho tôi. Nó đã dạy tôi đánh giá ngón cái. Trước đây tôi chưa bao giờ biết giá trị của nó. Tôi đã khám phá ra con số thực ngày đầu tiên sau khi ngón cái bị đau, rằng có 257 thứ tôi đã dùng ngón cái mỗi ngày trong đời mà không cần một chút suy nghĩ. Tôi chưa bao giờ nhận ra rằng hầu như nó không thể thiếu đối với tôi”.
Suy niệm:
Khám phá ơn Chúa qua từng ngày sống không là điều dễ chút nào. Nhưng đối với những tâm hồn yêu mến Chúa thì dù điều gì xảy ra, họ cũng cảm nhận tất cả là do sự quan phòng của Chúa. Đức Maria đẹp lòng Chúa mọi đàng, Mẹ sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh. Tiếng xin vâng của Mẹ đã ảnh hưởng đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Từ tiếng xin vâng ấy mà Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Để nói tiếng xin vâng ấy, Mẹ đã nói tiếng không với bản thân, nghĩa là từ bỏ ý riêng, để thánh ý Chúa được thể hiện.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con cũng biết xin vâng như Mẹ, để chương trình của Chúa được thực hiện nơi con, để qua Mẹ, con đến với Chúa mỗi ngày một sát gần hơn.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố truyền tin. Qua cuộc đối thoại giữa sứ thần Gáprien và Đức Maria, chúng ta thấy: Đức Maria là Đấng đầy ân sủng bởi vì Mẹ có Thiên Chúa ở cùng. Mà Thiên Chúa ở cùng Mẹ là bởi vì Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa. Mẹ đã dám mở lòng mình để cưu mang Thiên Chúa với tất cả con người của mình. Mẹ Maria đã cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa một cách tự do và đầy chủ động. Việc Mẹ không hiểu vì Mẹ không biết đến chuyện vợ chồng không những không ngăn cản được Mẹ mà ngược lại làm cho Mẹ chủ động và tự do trong việc cộng tác với Thiên Chúa. Mẹ chủ động xin sứ thần chỉ cho cách để Mẹ có thể công tác vào chương trình của Chúa: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào!”. Và khi được sứ thần cho biết ý định của Thiên Chúa thì Mẹ hoàn toàn vâng theo: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
Biến cố truyền tin là một biết cố rất gần gũi với người Kitô hữu. Sự gần gũi này không chỉ vì biến cố này được chúng ta nghe đi nghe lại nhiều lần trong năm, nhưng là vì biến cố này vẫn hằng ngày xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Mỗi lần chúng ta đọc kinh, lần chuỗi Mân Côi hay lắng nghe Lời Chúa, là một lần biến cố “truyền tin” xảy đến với chúng ta. Bởi vì khi đó, chúng ta được mời gọi hãy mở lòng ra đón nhận cưu mang Lời Chúa. Thánh Augustinô là một nhà hùng biện thời danh, đồng thời cũng là người sống buông thả trong thú vui nhục dục. Nhưng trong một lần tình cờ, Augustinô nghe được tiếng hát của một bé gái: “cầm lấy và đọc”, ông làm theo và mở Kinh Thánh ra vào đúng đoạn thư của thánh Phaolô gởi tín hữu ở Rôma: “Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13, 13-14). Thế là Augustinô đã mở lòng ra đón nhận và bắt đầu một hành trình nên thánh. Hay như thánh Phanxicô Xaviê là giáo sư môn Triết học ở Paris. Nhưng trên đỉnh cao danh vọng ấy, một lần tiếp cận Tin Mừng, gặp được câu: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn liệu ích gì?”, thánh Phanxicô Xaviê đã suy nghĩ lựa chọn định hướng đời mình sao cho có lợi cho đời sống Thiên Chúa. Lời Chúa đã trở thành sức mạnh giúp thánh nhân định hướng hành trình nên thánh của mình.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn luôn biết mở lòng mình ra trước những biến cố “truyền tin” của đời sống thường ngày, để tình yêu Chúa được tràn ngập trong môi trường chúng ta đang sống.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaChay