24.03.2021 – Thứ Tư tuần V Mùa Chay
Sự thật sẽ giải phóng các ông
Lời Chúa: Ga 8, 31-42
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với những người Do thái đã tin Người rằng: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Ápraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” Ðức Giêsu trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. Tôi biết các ông là dòng dõi ông Ápraham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói”. Họ đáp: “Cha chúng tôi là ông Ápraham.” Ðức Giêsu nói: “Giả như các ông là con cái ông Ápraham, hẳn các ông phải làm những việc ông Ápraham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Ðiều đó, ông Ápraham đã không làm. Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.” Họ mới nói: “Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!” Ðức Giêsu bảo họ: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.”
Suy niệm :
Những dân tộc bị đô hộ nhiều năm mới hiểu được giá trị của giải phóng.
Những ai bị cầm tù, bị áp bức mới hiểu được giá trị của tự do.
Những ai đã từng bị vướng vào ma túy, cờ bạc, rượu chè,
mới hiểu nỗi sướng vui của người thoát khỏi vòng nô lệ của chúng.
Chế độ nô lệ đã cáo chung, nhưng lại thấy xuất hiện nhiều dạng nô lệ mới.
Con người trở nên nô lệ cho chính những sản phẩm tinh tế của mình,
và nhất là không thể giải phóng mình khỏi cái tôi ích kỷ.
Tự do mãi mãi là khát vọng của con người.
Con người vẫn chờ một Đấng Giải Phóng để mình được thật sự tự do.
Những người Do thái đang tranh luận gay gắt với Đức Giêsu.
Họ hãnh diện vì mình thuộc dòng dõi ông Abraham,
nên cho mình là người tự do, chưa hề làm nô lệ cho ai bao giờ (c. 33).
Đức Giêsu lại nhìn tự do theo một chiều hướng khác.
Ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội, người ấy không có tự do (c. 34).
Tự do không bắt nguồn từ việc mình thuộc dòng dõi ông Abraham.
Tự do đến từ việc tin vào lời sự thật của Đức Giêsu.
“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi…các ông sẽ biết sự thật
và sự thật sẽ cho các ông được tự do” (c. 32).
Tự do đến từ chính con người của Ngài:
“Nếu Người Con có cho các ông tự do, các ông mới thực sự tự do” (c.36).
Những người Do thái cố chấp, chỉ tìm cách giết Đức Giêsu (cc. 37, 40).
Họ không muốn nhận lời sự thật mà Ngài nghe được từ Thiên Chúa (c. 40).
Khi từ chối sự thật, họ đã trở nên nô lệ cho sự dối trá và sát nhân.
Đức Giêsu là Đấng Giải Phóng, Đấng cho người ta được tự do thực sự.
Con người bị trói buộc bởi nhiều mối dây, bởi những tính toán ích kỷ hẹp hòi
mà tự sức mình không sao thoát ra được.
Hãy đến với Giêsu, mở ra với Giêsu, ta sẽ thấy mình được thanh thoát như Ngài.
“Giả như các ông là con cái ông Abraham,
hẳn các ông phải làm điều ông Abraham đã làm” (c. 39).
Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi,
vì tôi đã phát xuất từ Thiên Chúa…” (c. 42).
Như thế những kẻ chống đối Đức Giêsu
thật ra chẳng phải là con cái thật sự của ông Abraham hay con cái Thiên Chúa.
Họ sống trong ảo tưởng về mình khi họ cương quyết loại trừ Đức Giêsu.
Trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, người dự tòng đã tuyên xưng
từ bỏ tội lỗi, để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa,
từ bỏ những quyến rũ bất chính, để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi.
Mùa Chay là thời gian để chúng ta trở lại điều mình đã tuyên xưng,
để được sống đúng với ơn gọi Kitô hữu mình đã lãnh nhận.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi”. (Ga 8,31)
Câu chuyện minh họa:
Một vị vua nọ tự xưng mình là yêu nước, nhưng chẳng bao giờ để ý đến cảnh khổ của người dân, chỉ biết lo trang hoàng cung điện cho thật đẹp, xây cất những công trình nguy nga tốn công tốn của khắp nước, sưu tầm những kỳ hoa dị thảo khắp nơi, để mong được nở mặt nở mày với các lân quốc.
Một hôm nhà vua nghe nói ở một ngôi chùa nọ trong nước có một bụi hoa hồng hiếm, từng chiếc hoa thật to và đẹp nở rực rỡ bao phủ cả một góc vườn. Nhà vua báo tin cho vị sư trụ trì hay là vua sẽ đến thăm cho biết bụi hồng lạ.
Khi vị sư hay tin và biết được giờ vua sẽ đến, ông cắt tất cả những bông hồng xinh tươi đổ vào hố rác, chỉ chừa lại một cái duy nhất đang độ khoe tươi. Vào đến vườn hoa, nhà vua lấy làm lạ vì thực tế khác xa với tin đồn. Khi biết được sự kiện, nhà vua hỏi vị sư tại sao. Vị sư từ tốn trả lời: “Thưa bệ hạ, nếu thần để tất cả hoa nở rộ rực rỡ trên cành, bệ hạ sẽ không thưởng thức được vẻ đẹp của từng chiếc hoa, vì thần biết bệ hạ chỉ có thói quen nhìn đám đông chứ không chú ý đến từng cá nhân.
Suy niệm:
Người môn đệ Chúa thì luôn ở trong Lời của Ngài, và điều cần thiết là càng phải có lòng tin. Tin những gì Ngài dạy, và vâng theo thánh ý Ngài. Ở trong lời của Ngài, chúng ta cần học hỏi không nhằm để nghiên cứu hoặc để thỏa mãn trí tuệ và sự hiểu biết, nhưng là để tìm thánh ý Chúa ngang qua cuộc đời chúng ta. Đó là điều các thánh đã làm, dù đòn roi, bất công hay chết chóc nhưng các ngài vẫn một lòng gắn bó với Thầy mình.
Chúng ta được mời gọi trở thành môn đệ Chúa một cách triệt để hơn, nghĩa là được trở nên thân thiết với Chúa hơn, vì thế chúng ta cần kết hiệp mật thiết với Chúa để nhận ra thánh ý Ngài trong cuộc sống này. Vì trong Ngài chúng ta kín múc được sức sống, thêm nghị lực, và mặc lấy tâm tình của Chúa nhân ái hơn, thương xót hơn và tốt lành hơn.
Lạy Chúa, xin ở lại trong con và hành động trong con luôn mãi, để con không còn hoang mang lo lắng trước những khó khăn của cuộc sống này, nhưng luôn bừng sáng tin yêu và hy vọng vì có Chúa luôn ở cùng con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Theo ý nghĩa lịch sử thì người Do Thái từng làm nô lệ: họ sống kiếp nô lệ bên Ai Cập; họ bị lưu đày bên Babylon; họ sống dưới sự đô hộ của đế quốc Rôma. Dù bị đô hộ, thế nhưng họ vẫn không vâng theo bất cứ một vua chúa trần gian nào. Vì đối với họ, Thiên Chúa là vua duy nhất của họ. Dù trải qua sự đô hộ của nhiều đế chế, nhưng họ vẫn duy trì một tinh thần độc lập, nghĩa là họ có thể làm nô lệ về phương diện thể xác, nhưng chưa bao giờ làm nô lệ về phương diện tinh thần. Chính vì thế, khi nghe Đức Giêsu nói: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông”, thì họ trả lời gay gắt: “Chúng tôi là dòng dõi ông Ápraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?”.
Đức Giêsu cho người Do Thái thấy rằng, bề ngoài họ hãnh diện vì thuộc dòng dõi ông Ápraham, họ tự hào về niềm tin vào một Thiên Chúa là vua duy nhất, nhưng thực tế cuộc sống thì họ đang nô lệ cho những tình trạng tội lỗi: “hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội”. Làm sao chúng ta có thể nói mình là người tự do, trong khi các thú vui phóng túng, sai quấy đang cai trị chúng ta! Người Do Thái ngưỡng mộ Ápraham là hoàn toàn hợp lý, vì quả thật Ápraham là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử cứu độ. Thế nhưng, tin sự thánh thiện của Ápraham là một công trạng, và công trạng này không những đầy đủ cho riêng ông mà còn cho cả dòng dõi của ông nữa là một sự sai trái. Công trạng của một người sẽ là nguồn cảm hứng cho những cố gắng mới mẻ, nhưng chẳng bao giờ là một đảm bảo để người khác khỏi hành động gì cả. Việc làm cụ thể mới chứng tỏ chúng ta thật sự là con của ai. Chúng ta chỉ có thể chứng minh mình là con cái Thiên Chúa qua đời sống của mình. Vì thế, người môn đệ của Đức Giêsu không chỉ là người nghe và hiểu, nhưng phải là người ở lại trong lời của Người, nghĩa là được bao trùm bởi lời của Người. Nói cách khác, người môn đệ của Đức Giêsu là người để toàn bộ cuộc sống của mình được định hướng bởi lời của Người.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết làm cho mình trở thành con cái Thiên Chúa qua việc sống theo Lời Chúa.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaChay