20.03.2021 – Thứ Bảy tuần IV Mùa Chay
Ông này là Đấng Kitô
Lời Chúa: Ga 7, 40-53
Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: “Ông này thật là vị ngôn sứ.” Kẻ khác rằng: “Ông này là Ðấng Kitô.” Nhưng có kẻ lại nói: “Ðấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Ðavít và từ Bêlem, làng của vua Ðavít sao?” Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt. Các vệ binh, trở về với các thượng tế và người Pharisêu. Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?” Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” Người Pharisêu liền nói với chúng: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!” Trong nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, trước đây đã đến gặp Ðức Giêsu; ông nói với họ: “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” Họ đáp: “Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cả.” Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm qua cho thấy người Do Thái không tin Đức Giêsu là Kitô
vì đối với họ, Đấng Kitô phải là người mà họ không biết xuất thân từ đâu.
Còn Đức Giêsu thì họ tự hào đã quá biết gốc gác của Ngài (Ga 7, 27).
Bài Tin Mừng hôm nay lại tiếp tục cuộc tranh luận về căn tính của Đức Giêsu.
Đức Giêsu gây ra một sự chia rẽ trong dân chúng
đang nghe Ngài giảng tại Đền thờ Giêrusalem (cc. 40-45).
Có những người tin Ngài là Vị Ngôn sứ được ông Môsê tiên báo (Đnl 18, 15).
Có người lại cho Ngài là Đấng Kitô (c.41).
Có người không đồng ý như thế, vì Đức Giêsu xuất thân từ Galilê,
còn Đấng Kitô thì phải xuất thân từ Bêlem, quê của vua Đavít (c.42).
Thật ra chuyện gốc Đức Giêsu ở đâu, chẳng quan trọng mấy.
Chuyện quan trọng là Đức Giêsu Nazareth ấy xuất thân từ Thiên Chúa.
Đức Giêsu còn gây ra sự chia rẽ trong giới lãnh đạo.
Các thượng tế và người Pharisêu đã sai các vệ binh đi bắt Đức Giêsu (c.32).
Nhưng họ đã không tuân lệnh các nhà lãnh đạo ấy,
chỉ vì họ bị ngây ngất trước lời giảng dạy đầy quyền uy của Đức Giêsu.
“Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy” (c. 46).
Nhận xét của họ còn đúng mãi đến tận thế.
Trước chuyện bất phục tùng của các vệ binh, người Pharisêu cảm thấy bực bội.
Họ không thể hiểu được tại sao các vệ binh lại có thể bị lừa dối dễ đến thế.
Vì khinh bỉ những người tin vào Đức Giêsu,
Họ gọi những người này là bọn dân đen, dốt nát không biết Lề Luật.
Ai không biết Lề Luật thì cũng chẳng thể giữ Lề Luật,
nên đây đúng là những người bị Thiên Chúa nguyền rủa (c. 49).
Thật ra không phải là không có thủ lãnh nào trong dân tin vào Đức Giêsu.
Ông Nicôđêmô là một thủ lãnh (Ga 3,1) đã đến gặp Đức Giêsu ban đêm.
Ngay bây giờ ta sẽ thấy ông dám lên tiếng để bênh vực cho Ngài (c. 50).
Ông đòi Đức Giêsu phải có tiếng nói trước khi bị kết tội (x. Đnl 1, 16-17).
Khi kết án Ngài cách vội vã, Thượng Hội Đồng Do Thái đã phạm luật.
Nhưng tiếng nói của ông Nicôđêmô đã không được nghe nghiêm túc.
Bất chấp vai vế của ông, ông cũng bị chế nhạo:
“Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao?” (c.52).
Người Galilê là hạng người bị coi khinh vì ít giữ Luật so với người Giuđê.
Nhưng đừng quên từ Galilê cũng có ngôn sứ Giôna, con ông Amíttai (2V 14, 25).
Thái độ của những thượng tế và người Pharisêu thật đáng ta suy nghĩ.
Họ khép lại trong thành kiến với Đức Giêsu.
Họ vùi dập bất cứ ai có cái nhìn ngược với họ, dù là vệ binh hay Nicôđêmô.
Họ không ngại châm biếm hay khinh miệt những người khác quan điểm.
Xin Chúa cho ta hồn nhiên như các vệ binh,
và can đảm nói sự thật như ông Nicôđêmô.
Cầu nguyện :
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. Amen.
(R. Tagore)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ” (Ga 7,43)
Câu chuyện minh họa:
Đại tướng Lew Wallace, một đảng viên cao cấp của đảng cộng sản vô thần. Lần kia ông nói với người bạn của ông rằng: “Bọn Công Giáo thật ngu đần, chúng tôn thờ một tử tội bị treo trên thập giá là ông Giêsu! Chúng lại mê đọc sách của bọn vô học thức là Nhóm 12 môn đệ của ông ta (x Cv 4,13). Sách này toàn là chuyện mê tín, trái khoa học! Tôi sẽ để ra 5 năm đọc sách ấy, và tôi quyết mở mắt cho bọn Công Giáo khỏi bị mù quáng, để chúng được sáng suốt như tôi!” Thế nhưng, sau 5 năm nghiên cứu Thánh Kinh, kết quả ngược lại, thay vì ông mở mắt cho người Công Giáo, thì chính ông lại được Đức Giêsu mở mắt,ông nhìn thấy lúc Đức Giêsu bị đâm, nước và máu từ cạnh sườn dốc ra hết, lúc ấy một trận mưa rào như trút nước, chuyển tải máu Đức Giêsu từ đỉnh đồi Sọ chảy xuống thung lũng có những người cùi ra tắm mưa, ai đằm mình trong nước đó đều được lành mạnh. Chuyện này đã được đóng thành phim có tựa đề “Benhur” rất nổi tiếng! Ông Lew Wallace trở thành chứng nhân cho Đức Giê-su: Chỉ có Ngài mới thực là Đấng cứu độ!
Suy niệm:
Khi Chúa Giêsu giảng dạy trong đền thờ, chúng ta thấy có những phản ứng khác nhau về Ngài. Người thì cho là Môisê, người thì bảo là Đấng được xức dầu của Thiên Chúa… Những người Do Thái với thái độ kiêu căng, nghĩ mình khôn khéo, thánh thiện nên không cần đến Chúa Giêsu nữa, và khinh dễ những người tin vào Chúa. Qua đó, chúng ta rút ra điều kiện chính yếu để nhận biết Thiên Chúa là thái độ khiêm tốn, ra khỏi chính mình, từ bỏ những quan điểm riêng tư.
Chúng ta nhận thấy một thái độ nữa nơi ông Nicôđêmô, ông rụt rè vừa muốn biện hộ cho Chúa nhưng lại sợ người Do Thái. Lý trí của ông muốn biện hộ nhưng hành động của ông lại không đủ can đảm. Chúng ta cũng hãy xét xem, bản thân chúng ta có dám tuyên xưng Chúa không? Hay vì chúng ta sợ bị người khác khinh dễ, bị chê cười thậm chí phải gặp khó khăn và hy sinh? Tin Chúa, chúng ta sẽ được bảo đảm Ngài sẽ không chối bỏ chúng ta trước mặt Thiên Chúa; và nhờ tin Ngài chúng ta sẽ được chia sẻ đau khổ với Ngài, cùng được chung phần vinh phúc với Ngài trên Thiên đàng.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vượt qua mọi rào cản của bản thân để làm chứng về Chúa, không bằng sức mạnh bản thân nhưng bằng ân sủng Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Việc gặp gỡ Chúa Giêsu luôn mang lại những thách đố, đặc biệt là trong việc chọn lựa để ủng hộ hay chống lại Người. Chúa Giêsu không chấp nhận sự trung lập: hoặc ủng hộ hoặc chống đối; hoặc qui tụ hoặc phân tán, chứ không thể có thái độ lưng chừng.
Khi Chúa Giêsu còn là một hài nhi, cụ Simêon đã loan báo cho Đức Maria: “Con trẻ này là duyên cớ cho nhiều người phải vấp ngã hay được chỗi dậy”. Thánh Gioan ít nhất đã hai lần đề cập đến sự chia rẽ quan điểm giữa dân chúng về Chúa Giêsu (x. Ga 7, 43; 10, 19). Nhưng điều quan trọng cuối cùng là: “Bạn bảo Ta là ai?”, hay “Chúa Giêsu của bạn là ai?”
Một phẩm cách đáng chú ý của Chúa Giêsu là sự tự do. Người không hề sợ ai cũng chẳng quy lụy người nào. Nhiều lần chúng ta đã được chứng kiến sự tự do đầy uy nghi của Người. Chẳng hạn, trong Tin Mừng Luca (4, 28-32): “Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người đã băng qua giữa họ mà đi”; và trong Tin Mừng Gioan (10, 17-18): “Không ai lấy được mạng sống của Ta”.
Vì vậy, những gì Chúa Giêsu làm cho chúng ta, Người đã làm trong sự tự do hoàn toàn, Người làm vì Người muốn. “Không ai lấy được mạng sống của Ta, nhưng chính Ta tự ý hy sinh mạng sống mình”. Đó là một dấu chỉ đầy thuyết phục về tình yêu kỳ diệu của Chúa dành cho mỗi người chúng ta: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con ngày càng xác tín như thánh Phaolô: “Chúa đã yêu tôi và phó mình vì tôi”. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaChay