17.03.2021 – Thứ Tư tuần IV Mùa Chay
Không thể làm gì tự mình
Lời Chúa: Ga 5, 17-30
Khi ấy, Ðức Giêsu nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” Bởi vậy, người Do Thái lại càng tìm cách giết Ðức Giêsu, vì không những Người phá luật sabát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Ðức Giêsu lên tiếng nói với họ rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tùy ý. Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Ðấng đã sai người Con. Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Ðấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến – và chính là lúc này đây giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống. Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy, lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người. Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án. Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Ðấng đã sai tôi.
Suy niệm :
Văn Cao chẳng những là một nhạc sĩ tài hoa,
mà còn là một họa sĩ, một văn sĩ, một thi sĩ.
Có một bài thơ rất ngắn ông làm năm 1967, mang tựa đề là Không Đề.
Con thuyền đi qua
để lại sóng
đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
đoàn người đi qua
để lại bóng
tôi không đi qua tôi
để lại gì?
Theo Văn Cao, chỉ ai đi qua mình, dám vượt qua cái tôi của mình,
người ấy mới có gì để lại cho hậu thế.
Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm vượt qua suốt đời.
Ngài không sống cho mình, nhưng cho Thiên Chúa Cha.
Giới lãnh đạo Do Thái giáo coi Đức Giêsu là kẻ phạm thượng
vì Ngài đã dám nói: “Cha tôi vẫn làm việc, và tôi cũng làm việc” (c. 17).
Thật ra Đức Giêsu chẳng bao giờ phạm thượng đến Cha.
Ngài không hề tự coi mình là Thiên Chúa (c. 18).
Đơn giản Ngài là Con, vâng phục Cha.
Đơn giản Ngài là người được Cha sai, chẳng hề làm theo ý riêng.
Sống tùy thuộc trọn vẹn vào Thiên Chúa Cha,
đó là nét nổi bật nơi con người của Đức Giêsu.
Con không thể làm hay nói bất cứ điều gì tự mình.
Con chỉ làm điều mình thấy Cha làm (c. 19).
Con chỉ nói điều mình nghe Cha nói (Ga 8, 26).
Người ta tưởng Con bị vong thân,
nhưng chính khi lệ thuộc vào Cha mà Con được tự do trọn vẹn.
Con thật là mình khi sống đúng bản chất của Con là quy hướng về Cha.
Mà bản chất của Cha là trao cho Con tất cả những gì Cha có.
Cha chẳng giữ cho riêng mình những gì có thể trao được.
Đơn giản vì Cha yêu Con (c. 20).
Cha cho Con được quyền tùy ý ban sự sống như Cha (c. 21).
Cha cho Con được như Cha, nghĩa là có sự sống nơi chính mình (c. 26).
Cha cho Con có toàn quyền xét xử (cc. 22. 27),
và có quyền gọi kẻ chết ra khỏi mồ để chịu phán xét (c. 28).
Cha muốn mọi người phải tôn kính Con như tôn kính Cha (c. 23).
Con được quyền năng như Cha là vì Con đã nhận tất cả từ Cha.
Tuy được chia sẻ mọi giàu sang của Cha,
nhưng Con chẳng quên Cha là nguồn cội, là cùng đích.
Mùa Chay, ta hãy đến với Giêsu, người Con yêu dấu, người được Cha sai.
Hãy sống lệ thuộc vào Thiên Chúa để được tự do hoàn toàn như Giêsu.
Tôi không đi qua tôi, để lại gì?
Ta sẽ để lại được nhiều điều cho đời, nhờ biết vượt qua mình như Giêsu.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Ðấng đã sai tôi.” (Ga 5,30)
Câu chuyện minh họa:
Một đêm kia, trên một đường phố vắng vẻ, Bóng Tối ngồi co ro, buồn bã. Từ một xó nọ loé lên một Tia Sáng, rất nhỏ và rất yếu, nhưng là một tia sáng, phát ra từ một cây nến nhỏ mà ai đó đã cắm ở đấy. Một người khách đi qua nhìn thấy cây nến nhỏ và nói:
– Sao mi lại chiếu sáng trong cái xó kẹt này? Thiếu gì chỗ khác, mi đến đó mà chiếu sáng thì sẽ hữu ích hơn nhiều.
– Tại sao hả, cây nến trả lời. Tôi chiếu sáng bởi vì tôi là cây nến. Tôi có chiếu sáng thì tôi mới là cây nến. Vả lại tôi chiếu sáng đâu phải chỉ để cho người ta thấy mà còn để cho tôi vui, vui vì được làm Tia sáng, vui vì được chiếu sáng.
Bóng Tối nghe thế rất bực bội. Nó nhào tới phủ lên Tia sáng mong làm cho Tia sáng bị tắt. Nhưng chẳng những Tia sáng không tắt, trái lại Bóng Tối còn bị rách nát ra.
Suy niệm:
Chúa Giêsu chính là ánh sáng của thế gian, ánh sáng chiếu soi cuộc đời và định hướng cuộc đời mỗi người chúng ta. Cuộc đời của Ngài đã nói lên sứ mạng đó. Ngài không tìm nơi cao sang để rao giảng nhưng đến với những tâm hồn đơn sơ, và nghèo nàn đang cần ánh sáng tình yêu. Tuy vậy, Ngài không làm theo ý riêng nhưng theo ý Đấng đã sai Ngài. Đây là một sự vâng phục tuyệt hảo, Ngài vâng phục Chúa Cha cho đến chết cho dẫu phải chịu nhiều đau khổ. Chúng ta cũng được mời gọi đi vào sứ mạng ấy bằng đời sống chứng tá hằng ngày.
Trong phục vụ, tôi có tìm những hoàn cảnh đáng thương để cứu giúp hay tôi phục vụ vì để được người khác biết đến? Tôi có thái độ vâng phục Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã vâng phục Chúa Cha hay không?
Lạy Chúa, xin giúp con luôn bước đi trong ánh sáng Chúa để con không lầm lạc trong bóng tối của đam mê, tội lỗi.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Trong cuộc sống hiện nay, chúng ta luôn chịu nhiều áp lực, bởi đó chúng ta luôn mong muốn có được những ngày tự do để nghỉ ngơi. Việc nghỉ ngơi này nhắm vào mục đích của phương diện sức khỏe và tinh thần.
Trong lịch sử của dân tộc Israel, nghỉ ngơi mang đậm nét và ghi dấu bằng một quy luật của ngày “Sabbat” bắt nguồn từ Thiên Chúa: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong 6 ngày và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ ngơi (X. St 2,2-3). Bởi thế, ngày Sabbat, con người ngưng mọi công việc làm để dâng sức lực mình nhằm vui mừng chúc tụng Đấng Tạo Hóa, Đấng Cứu Chuộc. Đức Giêsu không muốn loại bỏ truyền thống tốt đẹp này, nhưng Người muốn nâng lên tầng cao mới trong ý nghĩa của tình yêu Chúa.
Tin Mừng hôm nay trình thuật sự kiện Đức Giêsu chữa một người đau ốm ở hồ nước tại Bếtdatha đã tạo nên sự giận giữ nơi người Do Thái. Họ đã thẳng thắn chống Đức Giêsu về hành động chữa trị này. Nhưng Đức Giêsu vẫn ngang nhiên thực hiện phép lạ, vì Người muốn cho người Do Thái biết rõ giá trị quy luật của con tim, nghĩa là quy luật của tình yêu và quyền năng của Đấng Tạo Hóa.
Con người có thể nghỉ ngơi làm việc để giải trí và cầu nguyện, nhưng không thể cho con tim ngừng đập được, nghĩa là chúng ta không thể dừng lại những việc làm của tình yêu, của lòng thương xót và của sự cứu rỗi được. Bởi chính những việc làm này mang đậm giá trị cao quý và là quà tặng tốt đẹp dâng lên Thiên Chúa.
Con đường tình yêu và lòng thương xót của Chúa luôn là đỉnh cao nâng con người chúng ta hướng về nguồn mạch của ơn cứu độ. Ước mong rằng Lời Chúa của ngày hôm nay luôn là bài học cụ thể và là lời mời gọi thiết tha nhấn để mọi Kitô hữu chúng ta đưa ngay vào áp dụng mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaChay