26.02.2021 – Thứ Sáu tuần I Mùa Chay
Làm hòa
Lời Chúa : Mt 5, 20-26
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”
Suy niệm :
Ngày 5-2-2009, trong một cuộc gặp gỡ thường niên có tính tôn giáo,
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chia sẻ với các tham dự viên:
“Dù chúng ta chọn niềm tin nào, hãy nhớ rằng
chẳng có tôn giáo nào lấy căm thù làm giáo lý chủ yếu cho mình…
Chẳng có Thiên Chúa nào lại dung túng
chuyện cướp đi mạng sống của một người vô tội.”
Trên núi Sinai, ông Môsê đã nhận được giới răn “Ngươi chớ giết người.”
Đức Giêsu cho thấy uy quyền của mình trong việc giải thích giới răn ấy.
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”
Ngài đã đẩy giới răn này đi xa hơn nhiều, vào tận trái tim con người:
“Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa” (c. 22).
Tình cảm nóng giận có thể dẫn đến nhiều chuyện không hay.
Nó khiến người ta dùng lời nói mà lăng mạ, làm nhục người khác.
Giận mất khôn, nóng giận thậm chí có thể đưa đến chỗ giết người.
Nhưng Đức Giêsu không muốn loại trừ thứ nóng giận chính đáng,
như ta thấy có nơi Ngài (x. Mc 3,5; Mt 23,17).
Mùa Chay là thời gian dành cho việc làm hòa với người anh em.
Đây là công việc vừa quan trọng, vừa cấp bách.
Quan trọng đến nỗi đòi ta để của lễ lại trước bàn thờ
và đi làm hòa với người anh em đó, rồi mới trở lại dâng của lễ.
Tương quan với Thiên Chúa cần được diễn ra trong bầu khí hòa thuận.
Chúa chỉ nhận lễ vật khi trái tim ta bình yên.
Điều đáng lưu ý là chúng ta phải đi làm hòa
với các anh em đang có điều bất bình với ta,
phải đi bước trước làm hòa dù ta chẳng phải là người gây chuyện.
Nhưng cũng phải làm hòa với cả thù địch của mình (c. 25).
Trên đường bị đưa đến cửa công, cần mau mau dàn xếp cho ổn thỏa.
Cần trả ngay món nợ chưa thanh toán, kẻo bị kết án và tống ngục.
Làm sao thời gian Mùa Chay vừa là thời gian ta làm hòa với Chúa,
vừa là thời gian ta làm hòa với một người đang sống gần bên.
Đó là thời gian người con cả thôi đứng ngoài cổng,
nhưng vào nhà để chung vui với cha và ôm lấy người em.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau
để làm thành một vòng tròn khép kín.
Sau đó chúng con hiểu rằng
cần phải buông tay nhau
để nhận những người bạn mới,
để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng
và trái tim được lớn lên mãi.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương và lục địa.
vòng tay người nối với người,
vòng tay con người nối với Tạo Hóa.
Chúng con thích Chúa
đứng chung một vòng tròn
với tất cả loài người chúng con,
nắm lấy tay chúng con
và đưa chúng con lên cao.
Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Nếu anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,23-24)
Câu chuyện minh họa:
Khi R. Weaver còn làm công nhân hầm mỏ, có lần anh vô tình chọc giận một công nhân khác. Anh này gầm lên:
– Chắc tao phải cho mày mấy bạt tai quá!
– Nếu anh thấy cần thì cứ làm đi.
Người ấy tát Weaver một cái. Anh đưa má kia, tát nữa. Tất cả là 5 lần. Đến lần thứ 6, người kia hậm hực bỏ đi. Weaver còn nói theo: “Chúa tha thứ cho anh. Tôi cũng thế. Xin Chúa cứu anh.”
Sáng hôm sau khi xuống mỏ, người đầu tiên mà Weaver gặp là người tát mình. Anh mỉm cười lại gần. Người ấy chợt bật khóc: “Ôi anh Richard, anh thực sự tha thứ cho tôi chứ?”
Cả hai ôm chầm lấy nhau. Rồi người ấy nhập đạo.
Suy niệm:
Bạo lực nằm ngay trong lòng mỗi người, khi tức giận nó sẽ nặng hơn, nếu chúng ta không biết kìm hãm. Vì thế, trước hết chúng ta cần hòa giải với chính mình để tiêu diệt cơn tức giận, sau đó hòa giải với tha nhân thì tâm hồn chúng ta bình an và mạnh mẽ để kết hợp với Thiên Chúa.
Luật Chúa thật quan trọng, nhưng điều Chúa muốn là chúng ta biết tha thứ cho nhau, đó mới là sống trọn vẹn lề luật. Bởi lẽ Chúa không đưa thêm luật nhưng Ngài chỉ thêm tinh thần của luật, để luật mang một sức sống. Luật quan trọng và là tâm điểm của người Kitô giáo là luật yêu thương mà Chúa muốn chúng ta phải thi hành.
Ước gì chúng ta ý thức rằng, mến Chúa và yêu người là giới luật quan trọng nhất mà Thiên Chúa đặt vào tâm khảm con người, để qua đó chúng con biết yêu thương và tha thứ cho anh em đồng loại.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta sám hối và canh tân đời sống đức tin, mà cụ thể là giao hòa với Chúa và với anh chị em.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay là một minh chứng cụ thể cho những bất cập của đời sống niềm tin người dân vào thời Chúa Giêsu, và cũng là những giáo huấn luân lý hôm nay con người thường sai phạm: công chính hơn luật sĩ và biệt phái thì mới được vào Nước Trời: tội giết người? Phẫn nộ với anh em? Rủa anh em là ngốc, là khùng? Tất cả đều đáng sa hỏa ngục.
Tuy nhiên, sự công chính mà Chúa Giêsu muốn nói đến là bác ái với anh em dưới bất cứ hình thức nào, cho dù họ có yếu kém hơn chúng ta, hay không có khả năng như chúng ta. Đặc biệt, Chúa Giêsu dừng lại nơi việc bất bình, tranh chấp với anh em mình thì cũng cần phải được giải quyết trước khi đến dâng hy lễ cho Chúa, vì “Chúa chẳng ưa thích gì lễ phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu Ngài cũng không chấp nhận. Lễ phẩm dâng Ngài chính là tâm hồn tan nát khiêm cung”. Đó là một cách thực hành đạo hướng về Thiên Chúa và hướng về tha nhân cách tròn đầy. Việc thực hành này cho thấy được sự thống nhất đời sống bên trong lẫn bên ngoài của Kitô hữu. Hay nói cách khác, đời sống của người Kitô hữu ngày hôm nay cần thể hiện như là dấu chỉ tình yêu của Chúa giữa muôn người.
Như vậy, là những người Kitô hữu, có bao giờ chúng ta nghĩ đó là lời Chúa nhắc nhở mình không? có xét mình về những giới hạn trong mối tương quan với Chúa và với anh chị em không? Với Chúa, chúng ta thường lỗi đức thờ phượng, còn với tha nhân, chúng ta thường lỗi đức ái. Chính vì vậy, chúng ta hãy sốt sắng cởi bỏ chiếc áo tội lỗi để mặc lấy chiếc áo ân sủng thánh thiện của Chúa, để Mùa Chay này thật sự trở nên mùa hồng ân cứu độ cho chúng ta.
Nguyện xin Chúa thương ban ơn để chúng con luôn biết nhận ra những giới hạn của chính mình mà mau mắn hoán cải, để nhớ đó, chúng con thật sự xứng đáng với lòng nhân từ của Chúa dành cho chúng con. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muaChay